Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

VÔ CẢM HAY VÔ TÂM!

VÔ CẢM HAY VÔ TÂM!




Ngày nay đọc ở đâu cũng thấy từ vô cảm này xuất hiện.  Tần số "Vô Cảm" ngày càng xuất hiện nhiều và nhận thấy rằng cái từ này được sử dụng tràn lan trên đủ mọi phương diện.  Có nhà xã hội học còn cho rằng đây là căn bịnh xã hội cần phải chú ý và nên sớm chữa trị kẻo sẽ trở thành căn bệnh lây lan của xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển đang luôn gặp phải mà Việt Nam là một trong những nước đang phải trải qua.  Cái tính vô cảm này xảy ra không chỉ xảy ra trong tình yêu, giáo dục, y tế, xã hội ...mà còn xảy ra với suy nghĩ và hành động trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.  Vô cảm là một chủ đề rất rộng và bao quát rất nhiều vấn đề, bài này chỉ nói ra một phần rất nhỏ trong cái chủ đề lớn này.  Cho thấy tình trạng vô cảm này vì đâu mà xảy ra.

Trên phương diện truyền thông đại chúng, chúng ta thấy sách báo đài nói về chuyện này rất nhiều và còn đưa ra nhiều bài viết và hình ảnh như là một minh chứng để tranh luận cái tốt xấu để cảnh tỉnh mọi người, nhưng tình trạng này không giúp được nhiều gì và không làm giảm bớt đi mà ngày càng nhiều thêm.  Bởi vì khi chúng ta đọc báo và xem đài những tình trạng vô cảm xảy ra đó thì rất dễ dàng để nhận biết giữa đúng và sai.  Nhưng khi ta đối diện với thực tế thì chính bản thân lại không thể phân biệt được trắng và đen mà hoàn toàn phản ứng theo bản năng và làm theo quán tính, tính ích kỷ và bản năng trục lợi tránh hại cho mình trổi dậy che mờ tất cả.  

Ở Việt Nam, chúng ta chỉ thích nói và chỉ trích bề nổi của sự việc để làm cho câu chuyện to ra và phản ứng gay gắt về nó, đó là không nói thêm tình trạng câu khách với tiêu đề giật gân méo mó trong truyền thông đại chúng.  Tính vô cảm có thể xảy ra đến với bất cứ mọi người, nó không chừa bất cứ một ai trong chúng ta, nó có thể xuất phát từ người tốt lẫn người xấu.  Mỗi người chúng ta đứng ở một góc độ nào đó mà nhìn nhận sự việc theo cách nhìn của mình.  Chúng ta hay đọc và thấy tình trạng thanh thiếu niên học sinh ngày nay sống và hành động vô cảm, không có tình tương thân tương ái, bạo lực tại nhà trường.  Trong đời thường, những cảnh chen lấn chà đạp lên nhau để giành giật một cái gì đó thay vì nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau.  Những tai nạn giao thông khi xảy ra, nhìn nạn nhân quằn quại đau đớn nhưng người đi đường chẳng một ai ra tay cứu giúp vì sợ những điều không hay có thể xảy đến và liên lụy cho mình...và cứ thế là chúng ta cho rằng tất cả là vì tính "vô cảm" mà ra.

Chính vì những hành động vô tình truyền bá thiếu tính cách nhân văn và giáo dục của truyền thông đã làm cho mọi người cảm giác mất đi niềm tin, thất vọng và cho rằng tính  "Vô Cảm" tại Việt Nam ngày càng trầm trọng, sự thật có đúng thật vậy không hay chỉ là một hiện tượng chứ không phải là bản chất của sự việc hoặc gọi đó là căn bệnh của xã hội.  Trong xã hội phát triển văn minh thì con người nhìn nhận và hành động theo chiều hướng tốt đẹp hơn, bằng chứng là ở những nước văn minh tột bậc cũng chưa hẳn là đã không có tình trạng vô cảm như chúng ta nghĩ, chẳng qua chúng ta không thấy hoặc không biết mà thôi.  Có chăng là nó ít xảy ra hơn thôi chứ không phải không có, xin hãy đừng nghĩ rằng xã hội Việt Nam là quá băng hoại về đạo đức chỉ vì tính vô cảm quá nhiều.  Xin đừng đổ thừa là tình trạng đạo đức xuống cấp trầm trọng hay còn nói là suy đồi đạo đức hiện nay là do vô cảm tạo ra.  Nhiều vấn nạn khác còn nguy hiểm hơn vô cảm nhưng không phải là mục đich của bài viết này.

Cách đây không lâu đã xảy ra một câu chuyện tại Mỹ, các công ty điện nước đã thông báocho cảnh sát biết là có một bà cụ tiền trong nhà băng của bà đã cạn hết nhưng bà vẫn rút ra đều và trả tiền hàng tháng cho họ.  Đầu têu câu chuyện chẳng qua là vì bà đã vi phạm việc nói nôm na là nhà băng bị lủng mà bà vẫn cứ tiếp tục chi trả, hàng tháng các công ty này vẫn đều đặn rút tiền trong ngân khoản của bà theo thông lệ cho đến khi cạn hết tiền.   Khi cảnh sát đến nhà bà mới khám phá ra là bà cụ này qua đời đã được 5 năm rồi, chỉ nhờ vụ nhà băng bị cạn tiền người ta mới khám phá ra được cụ bà đã chết tại nhà riêng của mình, vậy ta nghĩ sao về tính vô tâm và vô cảm của con cháu và hàng xóm láng giềng xung quanh nhà bà.  Bà cụ có xuất hiện hay không xuất hiện đối với họ không là gì cả.  

Dẫn chứng thêm dưới đây là một video về sự vô cảm ở nước ngoài để cho ta thấy rằng sự vô cảm không hẳn là tại riêng Việt Nam mà còn có thể xảy ra ở mọi nơi trên thế giới này nơi chúng ta đang sống và hiện hữu: 
 https://www.youtube.com/watch?v=vWjLmcsSW-4

Ruốt cuộc, nguyên nhân là vì sao và tại sao chúng ta nhìn thấy vô cảm quá nhiều xung quanh chúng ta? 

Xã hội ngày càng phát triển đi kèm với điều kiện sống được nâng cao về mọi mặt từ vật chất đến sinh hoạt về tinh thần, nhưng đi kèm với những điều tích cực đó là một sự thật đáng lo ngại - con người đang ngày càng thờ ơ, vô tâm, vô cảm với những thứ xung quanh mình, từ thiên nhiên, động vật cho tới giữa những con người với nhau.  Sự phát triển của công nghệ là một trong những điều làm cho chúng ta thay đổi từ quan tâm đến những sự việc thật xung quanh ta nay chuyển đến quan tâm những câu chuyện ảo, hình ảnh ảo nhiều hơn qua những chiếc điện thoại hay laptop cá nhân.  Ngày nay, bạn ra ngoài đường hay vào một quán cà phê nhỏ nào đó bên đường, bạn nhìn xung quanh và sẽ thấy rất nhiều người xung quanh ta tập trung và chú ý vào cái điện thoại, máy tính bảng, laptop trên tay nhiều hơn là nhìn ngó xung quanh, ngay cả bạn bè ngồi chung bàn nhưng thay vì tán chuyện rôm rả với nhau, bản thân bạn lại luôn nhìn và ngó vào chiếc điện thoại của mình để chờ xem và đón nhận một tin nhắn ai đó gởi đến cho bạn, vì đó là điều mà bạn quan tâm trên hết.

Tóm lại, tính vô cảm không phải chỉ xảy ra riêng tại Việt Nam, tính vô cảm không chừa ra bất cứ nước nào, phát triển hay không phát triển, văn minh hay không văn minh, người tốt hay kẻ xấu.  Vô cảm có thể xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi mà đôi lúc ta không nghĩ rằng nó có thể xuất hiện.  Có chăng là vô cảm xảy ra ngày càng nhiều ở Việt Nam hơn là các nước khác xung quanh ta mà thôi.

Bản thân chúng ta không vô cảm, trái tim chúng ta không vô cảm, chỉ vì chúng ta mãi mãi không thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của cuộc sống hàng ngày, vì những ràng buộc với công nghệ và tính thực dụng, có phải chúng ta không thể làm trái những gì đang xảy ra và không muốn bị nhìn khác lạ so với mọi người xung quanh.  Nói cho cùng chúng ta chỉ nghĩ đến chúng ta mà thôi, chúng ta quá bận rộn và lo lắng quá nhiều điều làm cho con tim, tình cảm và khối óc chúng ta bị chi phối và sao lãng phần cảm nhận, thông cảm, chia sẻ, quan tâm, yêu thương của mình với thế giới xung quanh chúng ta đó thôi.  

Xã hội Á Đông nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng lấy gia đình làm nền tảng của xã hội.  Gia đình hạnh phúc thì xã hội mới tốt đẹp, chính cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo và dạy cho con sự đồng cảm và nhìn nhận với mọi thứ xung quanh.  Chăm lo kinh tế gia đình là một điều quan trọng cần thiết trong đời sống, nhưng sự giao tiếp và dạy dỗ con cái từ những điều nhỏ nhặt xung quanh nhất để con trẻ nhận biết sự việc đúng hay sai, cái nên và không nên làm là điều vô cùng quan trọng không thể thiếu được trong cách giáo dục và quan tâm đến con trẻ.  "Nhân chi sơ, tính bổn thiện", tâm tính con người được hình thành và thay đổi căn bản từ gia đình, giáo dục và môi trường xung quanh, nói chính xác ra do gia đình và giáo dục chi phối và tác động lên rất nhiều.  

Có nên ta bắt đầu quan tâm để ý từ những việc đơn giản nhất, hãy dạy con trẻ bỏ rác vào thùng dù chỉ là một mẫu giấy vụn hay bọc kẹo nhỏ.  Hãy nói lời "Cám ơn!" khi nhận được gì đó và hãy nói lời "Xin lỗi!" khi đụng vào ai đó dù không phải là lỗi của chính mình.  Đi thưa về trình với một tiếng "Dạ thưa!", hãy mời bố mẹ dùng cơm trước những bữa ăn, hãy đưa tiền cho con và dạy con cách bỏ tiền vào thùng làm từ thiện hoặc cách đem tiền đến cho người ăn xin với một thái độ thân thiện chứ không phải bằng ánh mắt sợ hãi.  Đừng nghĩ rằng nó đơn giản mà bỏ qua, nếu bạn làm và dạy con bạn được những điều đơn giản này thì những điều kế tiếp ta sẽ thấy nó dễ dàng thực hiện hơn là đọc bao nhiêu sách báo, học bao nhiêu điều hay nhưng không làm được điều gì cả trong thực tế.  

Hành động phải nên bắt đầu từ người lớn thì giới trẻ mới thấy mà bắt chước làm theo, đừng dùng lời hay ý đẹp, giáo điều mà chẳng giúp ích gì cả mà thay vào đó bằng những hành động thiết thực trong đời thường.  Nên dạy và kể cho chúng nghe những bài viết về những việc tương trợ từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, những hình ảnh lá lành đùm lá rách nhiều hơn là để cho chúng đọc những bài tin giật gân, tranh luận vô bổ, câu khách và thiếu tính cách giáo dục, nhân văn trong đời sống hàng ngày.  Cái TÂM được hình thành khi ý thức được vị trí trong các mối quan hệ, chịu ảnh hưởng và sống trong một môi trường văn hóa và đạo đức tốt.  Thay đổi tính cách một con người không dễ dàng nếu sống trong một môi trường không lành mạnh. Để người đời bớt đi tính vô cảm thì cần có nhiều yếu tố, nhưng trong đó quan trọng nhất vẫn là giáo dục và gia đình luôn đi đôi. 

Nói tóm lại, điều mà chúng ta cần giờ đây là một chữ "TÂM", có tâm, để tâm và quan tâm thì hy vọng rằng tính vô cảm sẽ giảm bớt đi phần nào, đó là một phần mà xã hội chúng ta đang sống hiện nay đang cần, hoặc chí ít là thiếu vắng xung quanh chúng ta.  Hãy chia sẻ nhau, tương trợ nhau vì tình thương yêu thương đồng loại, tình người với người, vì cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn là ngoảnh mặt làm ngơ mà sống.  Làm xong một điều thiện chúng ta sẽ thấy tâm ta an tịnh thêm rất nhiều, cuộc sống này không phải chỉ là riêng của một người.  Cuộc sống này là "cho đi " và "tiếp nhận", bởi vậy mỗi chúng ta nên để tâm và quan tâm chung quanh nhiều hơn để làm cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa. 


San Diego
TTL - Oct 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét