Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

TIẾNG VIỆT RĂC RỐI!

Tiếng Việt rắc rối!

Bắt đầu từ đâu và lúc nào mình cũng không biết nữa mà chỉ biết là khi còn đi học đã được dạy và dùng theo cách mà người Việt Nam hay gọi mèo đen là mèo mun, chó đen là chó mực, ngựa đen là ngựa ô, dầu đen là dầu hắc, mực đen là mực tàu.  Rồi thì tóc đen thì gọi là tóc nhung huyền.  Nghe ai kể chuyện xui xẻo thì nói thật là đen đủi, gặp dân buôn bán chợ trời thì nói dân chợ đen, trời tối thì nói trời đen thui, nhìn cái TV màu đen thì nói đen bóng, con mèo có bộ lông đen tuyền...Đôi lúc còn châm vào một loạt đen như đen thăm thẳm, đen thùi lui, đen xì, đen óng ả, đen kịt, đen nhem nhẻm, đen đúa để diễn tả và tăng độ mạnh thêm của cái màu đen của nó.  Đó là nói về chỉ riêng cái màu đen thôi mà cũng đã rắc rối và nhiêu khê, dùng sai lúc, sai chỗ, sai nơi cũng bị người cười vì không biết dùng từ cho chính xác.

Chưa xong, giờ nói sang đến chữ Yêu và Thương trong tình cảm trai gái, người thì thích nói chữ yêu, người kia thì lại thích dùng chữ thương.  Người thì nói miền Bắc nói yêu, miền Nam nói thương.  Người thì nói dùng chữ yêu mới đúng và tỏ rõ thái độ, còn thương thì không có nghĩa là yêu.  Thương là tình cảm bình thường dùng giữa người với người như cha mẹ thương con, bạn bè thương nhau, người thương người... Còn yêu là nói về tình cảm trai gái vợ chồng.  Người khác lại có ý kiến rằng thương mang hàm ý bao dung, che chở, vô vụ lợi, thương hơn cả yêu nhiều lắm.  Có ai dám chắc là thương không bằng yêu, có ai đã từng đem hai chữ này ra cân đo đong đếm được chưa và có cách nào để biết rằng bên nào nặng và bên nào nhẹ trong tình cảm.

Trong giao tiếp thì để xưng hô cho đúng và để hiểu cách xưng hô cho đúng cũng là một vấn đề.  Chỉ nội vai vế bác, chú, cô, cậu, dì mà bên Ngoại xưng một cách còn bên Nội lại xưng hô cách khác.  Rồi còn chưa kể đến việc vùng miền, từng địa phương cũng là một vấn đề cần phải nhắc đến. Riêng về hai chữ Ba Má mà có bao nhiêu cách gọi "má, mạ, o, u, vú, me, mẹ" hay "ba, bố, thầy, cậu, cha, tía", ôi sao mà lắm cách gọi thế mà cách nào cũng đúng, cũng thân thương như nhau.

Cách gọi tên của các món ăn nhiều khi cũng nhập nhằng làm nhiều người lầm tưởng, ví dụ bánh tiêu nhưng không rắc tiêu mà lại rắc mè, bánh bò nhưng chẳng có gì giống gì về bò hay liên quan gì về bò, bánh da lợn nhiều người nói là do nhiều lớp da như thịt ba chỉ nhưng da lợn đâu có màu mè như bánh đâu.  Người Nam gọi con heo còn người Bắc thì gọi là con lợn, tuy nhiên hình như cả hai đều gọi chung là bánh da lợn cả chứ chẳng ai gọi là bánh da heo hết.

Trong ngôn ngữ thì người Việt hay thích ghép từ đi đôi mặc dù đôi lúc nó chẳng ăn nhập gì đến cái từ ghép như đi xin ăn lại nói là đi ăn mày, con nít hư bị đánh đòn thì lại nói là bị ăn đòn, chôm chĩa hay trộm cắp thì nói là ăn cắp, người có hình chụp đẹp thì nói là ăn ảnh.  Con nít hư hỏng thì bị gọi là mất dạy, cà chớn là từ dùng cho người quậy phá, nói mà ko chịu nghe, luôn đối đầu lại nhưng chẳng liên quan gì đến Cà hay Chớn cả.  Chợ búa, bếp núc, đường sá, sầu muộn, chó má, cá mú, xe cộ, áo xống...Một loạt từ ghép lại nếu nghĩ cho kỷ thì sao lại có thể đi cùng nhau nhưng lại luôn được đi bên nhau như một đôi một cặp, thiếu nó là không được.

Để cho dễ hiểu người ta giải thích rằng cái gì động đậy được thì gọi là con như con người, con mèo, con chó, con vật.  Những gì không động đậy được thì gọi là cái như là cái bàn, cái ghế, cái cột đèn, cái nồi, cái chảo.  Nhưng xem ra cũng có những thứ động đậy được vẫn được gọi là cái như cái đồng hồ, cái xích đu,  cái xe đạp, cái xe máy...Người Việt mình hay nói tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng nước ngoài luôn có những động từ bất quy tắc, chắc vì họ đã quen dùng rồi nên không biết và không thấy thôi chứ tiếng Việt mình là thầy của những từ bất quy tắc vừa kể ở trên.  

Tiếng Việt thiệt là rắc rối, nó rắc rối vì từ ngữ từng vùng miền, từ ngữ du nhập từ các quốc gia có liên hệ trong lịch sử, nó càng rắc rối hơn vì những cái bất nguyên tắc mà hiếm có ai có thể giải thích được, phân tích được vì sao mà lại gọi như thế này mà không gọi như thế kia, ngoại trừ bạn là nhà Ngôn Ngữ Học.


San Diego 
TTL - Sept 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét