Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

HỒI XƯA PHẦN I

Hồi xưa...

Dạo trước cứ đến mỗi bữa ăn, nhìn đứa con gái ăn cơm mà ngã ngớn hay nữa ăn nữa đổ là tôi bắt ép phải ăn cho hết mới được rời bàn ăn, lại hay càm ràm và lầm bầm trong miệng "Hồi xưa..." thế là vợ tôi lại nói anh nói hoài à, con nít nó có biết gì đâu mà nói.  Tôi nhận ra cái sai của mình nhưng đến một hôm tôi như không chịu nổi, tôi kể cho vợ tôi nghe chuyện đói và cảnh khổ của những năm xưa, vợ tôi ra đi rất sớm khi chiến tranh vừa kết thúc, cô ấy không biết thế nào là bao cấp, thế nào là bị trù dập...  Thế nào là đói, thế nào là khổ, thế nào là thèm, thế nào là mong và thế nào là ước.

Những tháng ngày ấy nó cứ theo tôi mãi dù tôi cố gắng xóa bỏ nó nhưng có lẽ nó sẽ luôn mãi bên tôi và theo tôi suốt cuộc đời.  Tôi cứ nhớ mãi những đêm khuya vắng lặng, chợt tiếng chó sũa liên hồi và tiếng đập cửa rầm rầm.  Tiếng ông tổ trưởng dân phố gọi để khám hộ khẩu, hai ba người đàn ông nhào vào nhà dù biết trong nhà chỉ có đàn bà và trẻ em, mùng, mềm và dưới gầm giường bị lật tung lên để chỉ tìm coi có người lạ có viếng thăm mà không khai báo tạm trú tạm vắng.  Tôi nhớ những buổi cơm trưa, anh công an khu vực giả bộ tình cờ ghé thăm nhưng chỉ muốn nhìn vào nồi cơm xem có ăn cơm gạo trắng thay vì cơm độn như bà con vẫn thường ăn.  Họ làm những thái độ thô thiển như là giả vờ xới cơm trong nồi lên cho nhà nhưng với cách thức như là đào bới tìm cây kim cọng chỉ gì trong đó.  Trong rẫy thì lúa, đậu, khoai đầy rẫy ra mà không đem về nhà được.  Những lần đem về được đến nhà chỉ là một bao cát nhỏ đựng gạo trắng, mấy ký cà phê, chục ký đậu... là những lần khổ ải gian nan qua biết bao nhiêu chặng đường, có những đêm lạc loài giữa đường ngắm nhìn ngàn sao và lấy sương đêm làm mềm để ngủ.

Tôi nhớ đến những tháng ngày ăn su su bốn mùa, hết su luộc, su xào, su hầm, su kho với tí ruốc và tí dầu ăn.  Xong một vòng tròn thì lại luộc su, xào su, hầm su và kho su hết chu kỳ này lại đến chu kỳ khác.  Tôi nhớ những ngày mưa dầm rả ríc cả ngày, mấy chị em ngồi trộn bột mì chỉ để làm những cái bánh nướng, bánh nướng xong mà má vẫn chưa thấy về, mấy đứa em đói và thèm bánh đòi ăn liên tục nhưng tôi và bà chị cứ cản ngăn chờ má về ăn chung cho vui, dù ăn ít ăn nhiều nhưng lúc nào  tất cả cũng cùng ăn chung một mâm.  Mà phải chi nhiều nhặn cho lắm, chỉ là miếng bột mì trộn muối cán mỏng ra và bỏ vào lò nướng, với chỉ chừng chục miếng cắn nhỏ là xong một bữa ăn.  Có những tháng trời không hề biết lấy một miếng thịt hay cá vì má bị kẹt trong rẫy, nước lụt dâng cao quá không về nhà được.  Trong nhà và ngoài vườn có món gì ăn hay hái được là ăn món đó, tiền má giao đi chợ chỉ vừa đủ 1 tuần, còn lại những tuần sau chỉ là chút dầu và chút nước mắn mà ăn cầm hơi qua ngày.  Đôi khi đói quá thì ăn ổi hay đào lông thay cơm nhưng những món đó ăn vào thì đầy bụng nhưng lại càng xót bụng hơn.  Những ngày cậu tôi từ Bạc Liêu lên thăm gia đình tôi mà mang theo tỉn nước mắm và món mắm ba khía là một trong những ngày đại tiệc của tụi tôi.  Đồ chơi chỉ là những cây tổng, con vụ, con diều tự mình làm, tự mình chế ra và tự mình chơi.  Hoàn toàn không có một món nào được mua ngoài chợ đem về nhưng sao mà vui chi lạ, bọn con nít trong xóm xúm lại chơi với nhau và khoe hàng tự làm của mình, coi đứa nào làm đẹp hơn đứa nào.

Tôi không những biết đói mà còn biết khổ, biết thèm không chỉ mặn, béo mà còn ngọt, có ai còn nhớ thời đó đường cát trắng là của hiếm hoi.  Ngoài chợ chỉ bán những thỏi đường tán màu vàng đen là do chất mật thải của nước mía mà ra.  Giờ đây đưa ra, có ai dám cầm để cắn không nhưng thời đó cắn được một miếng đường tán, ngậm trong miệng để cảm nhận cái chất vị ngọt lịm chảy vào tận cổ họng là một điều sung sướng vô cùng tận dù sau đó phải nhả ra một tí cát tí đất kể cả rơm rạ lẫn trong miếng đường tán.

Thế hệ của tôi là thế hệ của sự vất vả, đói khổ, sự ngăn cấm và tự mưu sinh.  Không cần ai dạy ai, chúng tôi biết tự bươn chãi, chịu đựng nhưng lại nhiều tình cảm và nhường nhịn.  Tôi cảm thấy thế hệ sau này của con tôi, cháu tôi và những đứa trẻ sinh sau này hoàn toàn thiếu mất bản năng tự lập và biết san sẻ.  Một phần là do lỗi những người làm cha làm mẹ của thế hệ tôi ráng chu toàn, lo lắng và cung cấp quá mức đến mức độ thừa mứa làm cho thế hệ sau này đi đến sự ỷ lại.  Nhiều khi tôi lại nói với con mình "Hồi xưa, cùng tuổi con các cô dì đã biết tự lo không chỉ cho mình mà còn biết phụ giúp cho ông bà, cha mẹ."

Cuộc sống ngày nay dù rằng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng so ra với cái khó khăn, cái khổ ngày xưa thì thật là một trời một vực.  Cuộc sống tốt đẹp cũng có cái hay của nó nhưng cũng tạo ra những mặt xấu khi con cái trở nên thiếu trách nhiệm và ỷ lại.  Ngay cả người lớn mình mà đôi lúc còn quên đi nữa chứ đừng nói chi là con trẻ.  Tôi biết tôi đã sai khi nuông chiều con quá mức, tôi muốn bù đắp cho con tôi những gì mà tôi thiếu thốn, thèm muốn lúc nhỏ.  Tôi không muốn con tôi phải trãi qua những thời kỳ gian khổ mà tôi đã trãi qua, tôi muốn con tôi có được tình cha, tình mẹ mà lúc thuở ấu thơ chúng tôi đã thiếu vắng khi cha mẹ phải xa con cái để mưu sinh .  Tôi biết sẽ rất là khó nói và khó làm cho con tôi, vợ tôi hiểu được cuộc sống xưa của ba nó như thế nào, dù mình có giỏi nói đến đâu thì con bé cũng sẽ không hiểu nổi, cũng sẽ không hình dung ra cái cảnh đó cả trừ những người đã từng sống qua và trãi qua.  Giờ đây nhìn con nhỏ sống vui vẻ và sung sướng, đồ chơi xài không hết, ăn cơm thì thích món gì ăn món đó, thức ăn thừa mứa thì tôi luôn tự nhủ thầm "Hồi xưa ba...".  

San Diego
TTL - Sept 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét