Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

HOÀNG HÔN

Hoàng hôn ...

Lời giới thiệu

“Hoàng hôn tím”, “Hoàng hôn màu lá”, “Chiều trên Phá Tam Giang” … những ám tượng về buổi chiều trễ đã đi vào tâm hồn của biết bao thế hệ Người Việt qua lời thơ, tiếng nhạc, bức họa!

Thế nên, “Hoàng hôn”, bản thân tên gọi cho khoảnh khắc cuối chiều, nhập nhoạng trước khi bóng tối phủ trùm, đã trở nên thi vị hơn bao giờ hết, có khả năng làm mềm lòng bất cứ ai, cho dù họ là người có trái tim chai sạn nhất, sắt đá nhất … và một phần trong đó, sẽ được chia sẻ dưới đây qua những con chữ sâu lắng, mang hơi thở của nhịp sống, nơi mà từng thành viên của Người Giữ Vườn đang sống và trải nghiệm …

Theo đó, Người Giữ Vườn hân hạnh giới thiệu vào trang Vườn của chúng ta bài viết về khoảng khắc "Hoàng hôn ..." của các tác giả ThienHuong Bui, Lac Van Vo, Tôn-Thất Long và Manh Dang.

Người Giữ Vườn
----------------------


Mộc mạc Dalat - Ảnh của Nhiếp ảnh gia Pham Anh DungMộc mạc Dalat - Ảnh của Nhiếp ảnh gia Pham Anh Dung

DALAT HOÀNG HÔN
ThienHuong Bui

Thành phố tôi ở đang vào giữa mùa xuân, những buổi chiều rời sở vẫn còn những cơn nắng gay gắt, dù đã gần 6g chiều. Giữa cái hối hả, bộn bề của đời sống, chợt chạnh lòng nhớ những êm ả ngày xưa. Có những lần bất chợt thấy vài chùm nắng vàng sót lại trên một thoáng hoa marguerites trắng. Hình như rất nhẹ, vang lên đâu đó những nốt nhạc của những giọt nắng cuối ngày trong thành phố cũ.

Vạt nắng cuối ngày, ừ, có phải đó là thời phút của hoàng hôn, của những giờ khắc giao thoa giữa ngày và đêm tối. Giờ khắc ấy ở thành phố Đà lạt dấu yêu của tôi thế nào nhỉ … Đó là những vạt nắng tắt dần khi con bé cùng nhóm bạn tan trường đợi xe về trễ. Thoáng đâu đó những tà áo trắng lẫn vào những cánh cổng thô sơ rũ nhẹ những chùm hoa hồng trắng, hay những rào dâm bụt điểm chút màu tím nhẹ. Thoáng đâu đó một chút hương cà phê thơm ngát, hơi ấm tan theo một chút lạnh ùa về trong nhà Thủy tạ bên hồ Xuân hương. Thoáng đâu đó những chiếc xe đạp , xe hai bánh, những bóng người đi bộ, những người mẹ, người chị tan buổi chợ chiều, những người cha, anh sau buổi làm việc trở về nhà. Những âm thanh rất nhẹ của cuộc sống như hòa lẫn với những chiếc bóng đậm dần lên khi nắng chiều nhạt bớt … Và rồi những làn sương lành lạnh chợt bỗng tỏa nhanh … Lạnh … Đà lạt là như thế. Chỉ trong khoảnh khắc, chút nắng ấm của ngày đã bị tan đi khi màn sương buông xuống. Lúc ấy những chiếc đèn đường vàng đã hắt lên, tỏa một vầng sáng huyền hoặc xung quanh khi làn sương phủ xuống. Cái lạnh đến nhanh bất ngờ với những du khách mới bước chân đến Đà lạt vào những lúc hoàng hôn. Đang thả bước trên dốc chợ, quanh hồ Xuân hương, dọc dốc nhà thờ. Đang thưởng thức hương cà phê nóng hổi, ly đậu nành thơm ngát. Nắng đã nhè nhẹ nhạt dần, một chút gió đâu đó còn nhẹ hơn cả tiếng thở dài, và những làn sương mỏng mảnh trùm lên thành phố. Huyền hoặc, đúng không, dịu dàng quá đúng không … Những đám lục bình lặng lẽ trôi trên hồ Xuân hương hình như đang dần dần chậm lại. Màu tím nhẹ nhàng của những bông hoa đang tối dần đi, và khi chúng chìm hẳn vào bóng đêm, bạn sẽ bắt đầu thấy lạnh. Nhưng cái lạnh se sắt ấy có nghĩa gì khi bạn vẫn còn đang ngơ ngẩn vì dáng vẻ mềm mại của thành phố. 

Tôi đã đi qua nhiều thành phố, đã có nhiều buổi chiều sống lẫn với hoàng hôn. Nhưng có lẽ không nơi nào, có một hoàng hôn không nhận thức được như ở Đà lạt. Chỉ chìm đi trong không gian, trong hương gió, hương thông, và quên đêm sắp đến. Như vậy, làm sao tôi có thể tả rõ ràng về hoàng hôn Đà lạt. Có lúc chân trời là một màu tím thẫm, có lúc là những ánh nắng rực rỡ vàng tươi, có lúc là chút cầu vồng sau những cơn mưa tầm tã. Nhiều màu nhiều vẻ lắm, mần răng viết cho hết. Nhưng cái nhẹ nhàng thì hình như lúc nào cũng thế, thật nhẹ nhàng, con người, không gian, thời gian tan vào nhau để quên đi thời khắc giao thoa sáng tối. Và khi chợt nhận ra cái lạnh, sương đã lên, cái màn sương huyền hoặc một lần nữa lại làm mình tan đ i… Nhẹ và đẹp, quá dễ thương đi. Bởi vậy, răng mà không nhớ ? 

Viết từ Melbourne
--------------------------




HOÀNG HÔN TRÊN BÃI BIỂN SAN DIEGO
Tôn-Thất Long 


Nếu ai đã từng sống qua những ngày lặng lẽ buồn ở Đà Lạt, ngắm nhìn những buổi hoàng hôn nhuộm màu đỏ trên mặt Hồ Xuân Hương và đồi Cù hoặc trầm ngâm nhìn hoàng hôn qua khung của kính của Thanh Thủy hoặc Thủy Tạ với khói thuốc và hương vị tách cà phê đen thì bạn sẽ cảm giác được hoàng hôn của Đà Lạt đẹp tuyệt vời như thế nào của thành phố buồn.

Xa Đà Lạt bao nhiêu năm nhưng mỗi lần ngắm hoàng hôn trên biển nơi tôi đang ở làm tôi liên tưởng đến hoàng hôn của Đà Lạt dù nó thật sự chẳng giống nhau chút nào cả.

Hoàng hôn của biển thật khác xa với hoàng hôn của rừng núi, những tia ánh nắng của ánh mặt trời thật chói chang như muốn ban phát thứ ánh sáng cuối cùng trong ngày đều xuống cho muôn vạn vật. Nhìn khôí cầu lữa đỏ rực từ từ chìm xuống trong lòng đại dương xa xa, mặt biển thay đổi từ xanh dương thẩm sang màu đỏ rực và cuối cùng là một màu nhợt nhạt của những tia nắng cuối cùng đủ để mặt biển ánh lên màu trắng hơi phơn phớt vàng và tóe ra những tia sáng lấp lánh như những hạt kim cương của biển cả. Những cơn gió biển bắt đầu xuất hiện rì rào và nhẹ nhàng thổi những làn gió mát rượi của một buổi chiều hoàng hôn xuống. Vị mặn của muối vương theo gió tỏa đi muôn nơi. Hoàng hôn của biển đẹp nhưng mang vẻ man dại và huyền bí, mặt biển thật khó hiểu.

Hoàng hôn của biển hay của núi đều tuyệt đẹp và đáng yêu, thật khó mà nói nơi nào đẹp hơn nơi nào.

Tôi yêu hoàng hôn Đà Lạt và cũng như yêu hoàng hôn San Diego nơi đã cho tôi một cuộc sống hoàn hảo và thơ mông. Hoàng hôn chính là thời khắc để ta quay về với mái ấm của gia đình và sống trọn vẹn trong hạnh phúc của tình thân thương.


Viết từ San Diego
--------------------------




HOÀNG HÔN MIỀN SÔNG NƯỚC
Lac Van Vo 

Chắc không gì thi vị hơn cùng người yêu ngắm hoàng hôn rơi trên sông.

Ánh tà dương trải rộng ra, nhuộm một màu đỏ au trên mặt nước, trên những cánh đồng, trên những rặng dừa... chứ không vội ẩn mình sau những quả đồi soi ánh sáng màu tím cam lên những áng mây bàng bạc như hoàng hôn Dalat.

Hai đứa ngồi quán cà phê bên bờ kè. vừa tâm sự chuyện đời, vừa ngắm mặt trời chiếu những tia sáng yếu ớt cuối cùng trước khi mất hút giữa dòng sông trông cứ như ông mặt trời tắm sông cho mát sau một ngày làm việc vất vả và nóng bức.

Những ráng chiều dần chuyển sang màu tím như còn lưu luyến chút ánh sáng trước khi bị bao trùm bởi một màu đen kịt do bóng đêm trùm xuống.

Bên kia bờ, ẩn hiện sau hàng dừa nước ven sông, những ngôi nhà đã kịp lên đèn, tỏa ra những đốm sáng yếu ớt làm những hàng dừa vươn cao trông có vẻ lung linh, huyền ảo.

Trên sông, tàu thuyền thư thả qua lại, những ánh đèn nhấp nháy phản chiếu lên mặt nước những luồng sáng nhạt nhòa. Tiếng động cơ nổ đều đều buồn tẻ , thi thoảng vài hồi còi rút lên phá tan cái vẻ tĩnh mịch chiều quê, như lời chào vội vã những tia sáng cuối cùng còn lưu luyến đọng lại trên những áng mây cao cao phía cuối chân trời.

Hoàng hôn sông nước thật buồn, buồn như những đợt sóng vỗ bờ đều đặn theo mớn nước tàu thuyền qua lại tạo ra thứ âm thanh rì rào đơn điệu .

Những bụi lục bình lười nhát cứ vật vờ theo từng đợt sóng, cứ mặc cho con nước xô đẩy về phương trời vô định. Chợt liên tưởng thân phận con người cũng thật buồn và tẻ nhạt, cũng cam chịu trôi theo dòng đời như những khóm lục bình, chẳng biết đâu là bến bờ hạnh phúc, cứ phó mặc cho số phận đẩy đưa. Cho đến khi tìm được niềm vui cho cuộc sống, nhìn lại mình thì đã đến tuổi về chiều. Ước gì được làm lại từ đầu. Mình sẽ hẹn nhau ngắm bình minh, để thấy cuộc đời tươi sáng hơn, để được yêu nhau dài lâu hơn. Để không phải ngồi bên em luyến tiếc cuộc đời trong buổi hoàng hôn.


Viết từ Mỹ Tho
----------------------


Ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiện PhúcẢnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiện Phúc


SÀI GÒN HOÀNG HÔN ?
Manh Dang 

Chuyện nghe như đùa !  Người có đầu óc thi sĩ nhất thì cũng khó hình dung ra hoàng hôn Sài Gòn … Hoàng hôn tím kiểu “Chiều tím loanh vỉa hè và gió hôn tóc thề” à ? Hay hoàng hôn màu lá như “Anh như chim tìm bầy, bay theo ngọn gió xa” ?

Hờ hờ, thật ra chỉ có trong thi ca mà thôi !

Quả vậy, suốt bao nhiêu năm sống ở cái đất đô hội này, bốn phương, tám hướng bị bao vây toàn là nhà với nhà, cái mái nhọn, cái mái bằng, cũng thỉnh thoảng có cái mái tròn, cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái mập, cái ốm, cái nhô ra, cái thụt vào … gần đây thì có cả cái mỏng đến siêu mỏng nữa !? Như một hàm răng lởm chởm của anh chàng xí trai !

Không chỉ thế, cái anh chàng trời cho không được đẹp còn được trang điểm bằng mớ mạng nhện dây điện chằng chịt đen thui trên đầu nữa, nào là sợi to, sợi nhỏ, nào là từ trái sang phải, từ đông sang tây, nhiều tầng, nhiều nấc, cái căng cứng như trai mười tám, cũng có lòng thòng như ông cụ chín mươi …

Bấy nhiêu thứ đó cũng đã đủ che khuất cả bầu trời, để khi có cái gọi là hoàng hôn về, thì mọi người lại đang quá bận rộn hối hả, chen chúc giữa xe với xe ồn ào trên những con lộ, huých vai nhau, giành nhau từng khoảng trống trên mặt đường để thoát về nhà nhanh nhất có thể ! Chẳng có ai có đủ thời gian thong thả hay tâm hồn thi sĩ để ngắm nhìn hoàng hôn cả …

Cũng có đôi lần dòng người hối hả kia cũng chợt ngước nhìn bầu trời, họ ngắm hoàng hôn ư ? Đừng có mơ ! Họ chỉ xem liệu ông trời có đổ cho cơn mưa bất chợt hay không mà thôi !

Chưa hết, đến 6h chiều, giờ của các thi sĩ hay các nhiếp ảnh gia đang đứng “chết trân” với ánh hoàng hôn nhập nhoạng, thì các ngọn đèn đường Sài Gòn đều đồng loạt bật sáng, góp theo đó là vô vàn các bóng néon quảng cáo đủ màu "Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ" ... đang chớp tắt để chính thức tống tiễn bầu trời hoàng hôn đang dỗi hờn kia vào giấc ngủ gượng gạo.

Hoàng hôn của đất thị thành đã vô tình bị bức tử, bị lãng quên như thế đó !

Thế nên, thỉnh thoảng người dân Sài Gòn chợt ngẩn tò te trước những cảnh hoàng hôn đẹp mê hồn nơi phố thị thì cũng không lạ, chỉ có điều, những hình ảnh đẹp mê hồn ấy không phải từ bầu trời, mà từ tác phẩm của các nhiếp ảnh gia …

Thôi thì, thế vẫn còn hơn là không nhỉ ? Hoàng hôn Sài Gòn …


Viết từ Sài Gòn
----------------------


* Trong bài có sử dụng hình ảnh nguồn từ nhiếp ảnh gia Pham Anh Dung (Phần Dalat Hoàng hôn), Nguyễn Thiện Phúc (Phần Hoàng hôn Sài Gòn ?) và internet.

BIẾT NÓI GÌ ĐÂY!

Biết nói gì đây,
Thường ngày thì bắt hắn đi ngủ vào lúc 8 hay 8:30 tối để mai dậy sớm đi học, tuần này và tuần tới hắn được nghĩ lễ nên được phép ngủ trễ hơn một tí. Tối hôm qua đến 9 giờ tối Má hắn bắt hắn đi ngủ, đang chơi ngon trớn bị bắt đi ngủ, hắn tuột xuống giường tức tối chạy sang phòng làm việc của mình và trèo lên lòng, ôm mình thắm thiết và kề tai vào hỏi nhỏ:
- Daddy, daddy có biết North Pole (Bắc Cực) ở đâu không?
Hắn chỉ ra sau lưng mình và hỏi:
- Có phải hướng này không?
Mình bèn trả lời:
- Không phải và tay mình chỉ lên trời!
Hắn bèn nói:
- Con muốn ba chở con tới North Pole để nói chuyện với ông già Noel.
Mình bèn hỏi lại:
- Làm chi vậy, giờ này đã trể rồi, thư con cũng đã gởi cho ổng, quà thì ổng cũng đã trao đến nhà rồi, giờ đã khuya và ông già Noel đã đi ngủ.
Hắn nói:
- Con muốn gặp và nói với ông già Noel đừng cho Mommy quà năm nay, vì Mommy hư quá, hứa cho con chơi trể mà giờ bắt con đi ngủ. Mommy hư quá trời, Mommy không giữ lời hứa.
Biết nói gì đây, mình đành cười trừ và nói thôi đi ngủ đi, ngày mai ba sẽ nói chuyện với ổng sau.
Quay ngoắc sang mình, hắn nói luôn:
- Daddy cũng hư quá, bắt con đi ngủ sớm, phải nói ông già Noel không cho quà cả Daddy và Mommy luôn.
Lần này thì mình tắt tiếng - Năm nay mình không có quà Noel rồi hic hic hic!


San Diego 
TTL - 25 Dec 2014

TẾT - KHOAI LANG DẺO

Khoai lang dẻo

Lại tản mạn chuyện Tết tiếp tục,

Hôm nay là ngày đưa ông Táo về trời, không có một chút không khí, mùi vị nào của Tết sắp đến ở đây cả, một ngày như mọi ngày, buồn thỉu buồn thiu à. Lại nghĩ đến chuyện Tết năm xưa. 

Nhớ lại những năm xưa vào khoãng 75-77 cuộc sống thật khó khăn, thời ăn cơm gạo trắng nước trong với thịt cá là một điều xa xỉ đối với mọi người. Cơm độn là chuyện thường ngày ở Huyện, nào thì cơm độn khoai mì, cơm độn khoai lang, cơm độn bắp, rồi sang ăn bo bo thay cơm. Sau bo bo là đến bột mì thì phải nghĩ ra đủ kiểu, đủ cách để ăn cho khỏi ngán. Thế là làm bánh mì, bánh bao, bánh tiêu, bánh pateso, bánh canh, bánh hấp ... cho đến bánh gateaux, gà tồ cũng làm tất tần tật. Nhưng tôi không có làm mà chỉ thưởng thức thôi, còn người làm là má và chị tôi. Cái "Công dụng ngôn hạnh" của phái nữ thời xưa được đem ra sử dụng tối đa mà không cần ai chỉ vẽ hay học hỏi.

Riêng nhà nào có người làm công nhân viên nhà nước thì còn được mua hàng nhu yếu phẩm và thêm chút đường, thịt cộng mỡ cho ba ngày Tết đủ các chất vị béo, ngọt. Nhà tôi lại là thấp hơn phó thường dân một cấp cho nên không được đụng một chút thừa nào của nhu yếu phẩm chứ ở đó mà nằm mơ mua được nó.

Những năm đó, Tết là một nỗi khổ cho người lớn nhưng là niềm vui cho lũ trẻ tụi tôi, thời đó Tết đem đến cho nhiều gia đình những lo âu và sầu muộn, nhưng trong ba ngày Tết cũng phải ráng lo chu toàn tươm tất trong nhà, ngoài ngõ. Gia đình thân quyến bạn bè chòm xóm quyến thuộc vẫn thay nhau đi chào hỏi, chúc phúc và chia xẻ mời mọc những gì mà mình có thể mang ra mời. Giờ đây không còn cái vụ mà đứng trong nhà mình nói với sang nhà hàng xóm để chúc Tết. 

Nói tới cái vụ khoai lang, thật sự thì ai nghe nói đến vụ ăn độn khoai lang là rùng mình rỡn tóc gáy vào thời đó, nhưng sao tôi lại nhớ đến và thích cái vụ ăn khoai lang dẻo ba ngày Tết. Hông biết ở đâu thì khoai lang ra sao và khoai lang dẻo từ đâu mà tới, chứ riêng tôi thì nghĩ khoai lang dẻo là từ thời đó mà ra.

Khoai lang dẻo - Món mứt mời Tết xưa

Khoai lang dẻo - Món mứt mời Tết xưa

Thật tình tôi không biết và không nhớ ngày Tết trước 75 có nó chưa, nhưng tôi chỉ nhớ sau 75 nó là một món mứt quen thuộc dọn ra mời khách của dân Đà Lạt trong ba ngày Tết cạnh bên các món mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa, hạt dưa ... Miếng khoai lang dẻo vàng bóng mượt mà, ăn vào nó ngọt đến tận cổ. Chắc ai trong đời cũng đã từng thử qua, ăn qua món kẹo dẻo ra sao thì ăn khoai lang dẻo Đà Lạt nó như vậy đó, miếng khoai lang nó dẻo quẹo, miệng tóp tép nhai cái dai dai, bùi bùi, ngọt lịm cả miệng của miếng khoai lang. Như ai từng nói "khoai lang dẻo mềm như môi em ngọt." Ai mà đeo răng giả thì đố mà dám thử vì nó có thể lôi nguyên hàm răng giả ra luôn, còn ai răng thật thì chắc cũng cần phải có tăm xỉa răng sau khi dùng qua món này. Bây giờ nghe nói khoai lang dẻo trở thành một đặc sản của Đà Lạt mà hình như ai lên Đà Lạt khi về cũng có 1 bịch trong túi xách làm quà biếu bà con.

Ăn món này mà còn nhấp thêm ngụm trà thì vị đắng của trà càng làm ngọt thêm vị ngọt của món khoai lang dẻo này. Mùi vị thơm thơm của khoai lang và mùi trà quyện vào nhau làm nó càng đậm hương vị ngày Tết. Không biết thời nay khoai lang dẻo có còn là món đãi khách như Tết ngày xưa nữa không. Nhớ ơi là nhớ Tết xưa.

CHUYỆN BẾP NUC;

Chuyện bếp núc

Hình minh họa - Nguồn internetHình minh họa - Nguồn internet

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bà nội rất phong kiến, căn bếp gia đình là một nơi bất khả xâm phạm cho cánh đàn ông.  Ngay cả cái việc đơn giản nhất là xuống bếp lấy ly nước uống mà còn phải xin phép mới được bước qua cái ải này.

Sau 75 thì không còn chuyện đó nữa nhưng khi về Sài Gòn thăm bà là vẫn y như ngày xưa, căn bếp nhỏ của bà không ai được phép vào hay đụng vào, không là có chuyện để mà nghe nguyên ngày.  Có một dạo bà còn để cái vách ngăn gỗ để không ai bước vào nữa.

Sang xứ người thì việc bếp núc lại càng không màn đến, ăn uống thì đã có me, chị và em lo rồi, đi học hay đi làm về đói là có thức ăn dọn sẵn trên bàn, chỉ việc bỏ vào Microwave hâm nóng là xong, nhiều khi về ngồi vào bàn ăn là có một món ăn nóng hổi dọn lên bàn, đúng là làm con trai một gia đình đông phái nữ là chuyện sướng như tiên trên đời.

Rồi cái thời sống như tiên đó cũng qua đi, lấy vợ về ở chung nhà với bà già vợ, mấy tháng đầu cũng được phục vụ tận tình mà không phải làm bất cứ chuyện gì về bếp núc.  Ngay cả cái chuyện xoong nồi mắm muối cất ở đâu cũng không biết nữa.

Đến một hôm, đang đi làm thì bà già vợ gọi điện thoại nói con đi làm về thì ghé chợ Việt Nam mua dùm má ít "Ngò Rí", nghe xớn xa xớn xác đâu mà đi ra chợ vô hỏi chị làm trong chợ chổ nào bán "Ngò Hí", nhìn cái mặt bà chị làm trong chợ nghệch lên mà tôi hoảng hồn vì không biết mình đã nói sai cái gì.  Chị hỏi tôi nói cái gì, nói lại cho chị nghe.  Tôi lập lại "Ngò Hí" thì chị gập người xuống mà cười, mấy người đi qua xúm lại hỏi chuyện gì, chị kể lại làm tôi một phen đỏ mặt muốn độn thổ mà trốn đi.  Từ đấy về sau nhớ đời cái món "Ngò Hí" này.

Chưa xong, sau lần đó thì thỉnh thoảng bà già vợ lại sai đi chợ, lúc thì mua rau, mua cá, lúc thì mua thịt.  Lần nào đi chợ về, kêu mua rau thơm là bao nhiêu thứ rau thơm ngoài chợ tôi đều mua hết mỗi món một ít mà ăn cả tuần cũng không hết rau, nhét chật cả cái tủ lạnh.  Còn thì mua thịt ba chỉ thì mua thành thịt cốc lết, thịt ba rọi thì mua thành nạc vai.  Thịt bò thì thành thịt heo mà thịt heo thì thành thịt gà.  Cá rô thành cá nục, cá bông lau thành cá salmon.  Cái chuyện đi chợ của tôi nó là đề tài trong nhà để chọc quê cái thằng chưa bao giờ biết đi chợ nấu ăn là gì.

Riết rồi tôi sợ quá, thay vì nhớ trong đầu thì viết xuống thành một cái sớ táo quân trước khi đi chợ, ra chợ hỏi từng món một và kiểm tra, hỏi lui hỏi tới nhiều lần cho chắc ăn, dần dà cái việc đi chợ trở thành thói quen, rồi còn bày đặt biết lựa thịt, rau và chê ỏng chê ẹo cái chợ này bán đồ hông tươi, cái chợ kia bán sao mà bán mắc quá.

Sang tới cái chuyện bếp núc, bà già vợ hỏi con biết món nấu ăn gì ngon.  Tôi trả lời một cách ngon lành và ta đây, con biết chiên cơm, chiên trứng và luộc rau.  Bà già vợ cười ngất nói lại, vậy ngày nào mày cũng cho vợ mày, con mày ăn cơm chiên và trứng chiên hết à, Cholesterol nó lên tới tận đầu đó con à.  Biết nói gì đây, món tủ mà, còn có món gì dễ hơn và làm được đâu.  Mà cái món này tui cũng học được từ thằng bạn nối khố chí thân mà ra chứ hông phải tui hay ho gì cho lắm.  Hông lẽ ngày nào cũng ra mua bánh mì về gặm hay sao đây.  Hông lẽ ngày nào cũng nấu nồi cơm rồi luộc cái trứng và rau rồi chấm xì dầu ăn chay sao.  Cơm chiên, trứng chiên là ngon hơn món luộc cái chắc rồi.

Rồi ngày bà già vợ ra đi, nhà không còn ai nấu nướng nữa, mấy món ăn cũ ăn hoài phát chán, hai vợ chồng bắt đầu ngâm cứu trang "Những Món Ăn Ngon Ba Miền", nó được xem tới xem lui và các món ăn cũng từ đấy mà ra, các món hủ tiếu, mì, phở, bún đều kinh qua.  Các món ăn chơi cũng được tiếp thu chơi tới bến.  Bếp phụ vẫn là công việc chính, sợ lặt rau rửa chén giờ thì không làm là không có ăn.  Vụ đi chợ thì đã rành sáu câu vọng cổ, hông còn vụ mua lộn thứ này sang thứ kia, nhưng cái vụ mua dư mua thêm thì không tránh được.  Lúc nào đi chợ vợ cũng ca cái câu củ xì "Anh nhớ mua mỗi thứ một món thôi nghe, mua nhiều về anh ráng ăn chứ không ai ăn dùm cho đâu nghen.".  Vẫn hông chừa!  Cứ vài ba bữa con nhỏ lại yêu cầu ba làm cho nó món ruột là ướp thịt chiên và món tomato soup ăn với cơm tấm bì.  Ăn xong vợ khen ngon, con giơ tay ba number one.

Hình minh họa - Nguồn internetHình minh họa - Nguồn internet

Nhiều khi tôi không hiểu cả bản thân mình, chuyện hôm qua làm gì, ăn gì ...mà không nhớ nổi trong khi cái chuyện xảy ra chục năm, hai chục năm về trước thì cứ y như là nó hiện lại trong đầu, hi hi hi, qua cái tuổi ngũ lão chuyện xưa nó hiện về nhiều, sợ quá.  

Chỉ có điều là mình thấy mình đúng là thằng con bất hiếu, ông bà già chưa bao giờ được hưởng một bữa ăn ngon do mình tự tay nấu mà giờ đây lăn dzô bếp nấu và phục vụ hai má con nhà nó phát mệt cái thân già.

San Diego - Feb 18, 2014

TẾT - TỜ BẠC 30 ĐỒNG

Tờ bạc 30 đồng

(Lại tản mạn câu chuyện cuối năm....)

Chắc các anh chị còn nhớ trong thập niên 80, cả nước phát động phong trào mua công trái. Lại bổn củ soạn lại, thành phố khoán phường, phường khoán khóm, khóm khoán tổ, tổ lại tổ chức học tập và vận động, nói chung là các bác nhà ta làm việc rất có quy củ và kỷ luật. Tình hình diễn ra lúc đó là toàn thành phố, các phường khóm, ấp xã thì đều như nhau, giống y như tờ giấy carbon lúc xưa người ta hay dùng để in roneo vậy đó. Ở bên trái đã vậy thì bên phải cũng giống y chang. Sau đó các tổ trưởng các tổ dân phố đã đi từng nhà, không nài ép thì cũng năn nỉ để bà con góp tiền mua công trái để cho đủ hạn ngạch quy định. 

Đây cũng là thời gian tôi làm việc lâu nhất với nhóm vận động bán công trái trong gần 2 tháng trời. Sau vụ đào Hồ Xuân Hương cực quá, tôi trốn về Sài Gòn một thời gian thì họ kiểm tra hộ khẩu, nói rằng tôi đã đi vượt biên mặc dù lúc đó tôi đang làm việc tại Sài Gòn, chẳng qua cái tội đi lâu mà không thèm nể mặt anh công an khu vực đó mà, thế là phải khăn gói lên lại Đà Lạt ở một thời gian cho tình hình lắng dịu. Chưa qua khỏi ải gian truân của vụ làm công quả, lần này họ bắt tôi ngày ngày phải lên phường, ngồi đó chờ bà con đến mua công trái thì bán. Nói cho ra vẻ ta đây thôi chứ tôi mà được bán cái mốc xì gì.

Trong nhóm này có 1 chị trên Ngân Hàng được phái về làm chung, 1 chị sồn sồn là do đảng ủy địa phương chỉ đạo ra lãnh đạo tụi tôi hai người, một là thường dân là chị làm trên Ngân Hàng và 1 là phó thường dân là tôi. Chị làm trên Ngân Hàng có nhiệm vụ là đếm tiền và chiều về thì đem tiền về lại nộp cho Ngân Hàng và vô sổ sách. Còn tôi thì nhiệm vụ là ngồi đó viết biên lai nhưng đặc biệt không được đụng tiền. Còn chị đảng ủy viên lãnh đạo thì theo tôi nghĩ chị ấy không làm gì mà chỉ lo xuống bếp sau nhà nấu cơm và lo giặt đồ cho con chị, gia đình chị ở ngay phía đối diện với Ủy Ban Nhân Dân Phường mà. Gần xẹt à, băng qua đường là tới nhà rồi, cần gì thì tôi chỉ chạy qua kêu là 5 phút sau chị có mặt.

Tôi phải nói là chính quyền thật sáng suốt, cái gì mà thuộc về nhân dân là có vụ chia năm xẻ bảy cho nhân dân, cái Village Pháp tuyệt đẹp mà các anh chị đều biết trên con đường Quang Trung và Nguyễn Du của Đà Lạt trước kia phải là ông này bà nọ, không tướng thì tá mới dám ở, lúc đó phía trước là văn phòng, còn chịu khó đi ra phía sau sẽ thấy ít nhất 3 hộ chia chung và được tăng gia thoải mái, gà vịt được tự do chạy rông, heo thì lịch sự hơn được nhốt trong chuồng nhưng nêú ai vô tình đi ra phía sau mà quên khép cửa lại thì ôi thôi, tôi xin lỗi, cái mùi độc nhất vô nhị này làm quý vị có thể vài ba ngày vẫn còn nghĩ đến đấy.

Nói chung là bán sức làm công quả mà không hưởng được đồng lương nào, trưa đạp xe về nhà ăn cơm trưa, xong rồi đạp xe quay lại ngồi xuống cái bàn đặt trước Ủy Ban Phường làm ôn thần giữ cửa, ai vô xin giấy tờ hay có công việc gì thì lại tưởng mình là nhân viên gác cổng hỏi này hỏi nọ, mà mình thì có biết chi mô tê. Mở miệng ra là chỉ một câu "Dạ anh, dạ chị có mua công trái hông?" Một cái liếc, một cái ngoáy, quay mông đi thẳng, cái thằng này dzô duyên, người ta đi làm giấy tờ lại hỏi mua công trái. Còn mình thì nghĩ thầm trong bụng, cái ông cái bà này sao mà bất lịch sự thế không biết, có mua hay không thì trả lời một tiếng thôi mà, cái gì mà háy với nguýt.

Công Trái -1983Công Trái -1983
Công Trái -1985Công Trái -1985


Cứ cách vài ba ngày là tụi tôi được giao nhiệm vụ đi các khu vực xa như là Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ để bán trái phiếu. Thời đó làm gì có vụ xe cơ quan hay xe công sở chở đi công tác cho oai, nó chỉ có đúng một loại xe thôi đó là xe đạp và xe cũng của mình chứ không có ai phát cho mà đi. Đường đi thì xa, mà 2 chị em thì đạp xe đi mà cứ nói hy vọng xuống họ sẽ đãi cho bữa ăn, cơm ngô khoai bắp gì cũng được chứ bán xong rồi còn sức đâu mà đạp xe về. Nhưng nói thật, lần nào đi cũng được một bữa ăn, không thịnh soạn nhưng cũng rau cải mắm muối đầy đủ.

Dù gì thi mình cũng là dân thành phố, hông biết sao mà lúc đó cứ cho Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ là nhà quê hông à, mà thật, vô tới nơi mới thấy người dân lam lũ, vậy mà họ chịu mua công trái hơn là dân thành phố, vì vậy càng về sau từ 3,4 ngày thành ra 1,2 ngày đi. Cái gì cũng có mức của nó, thời gian đầu bán được khá nhiều, rồi dần dần bà con mua ít đi. Tiền thì lúc đầu là tiền trăm tiền ngàn, sau thành tiền chục tiền lẽ. Tôi thì không sao, chỉ tội cái chị bên Ngân Hàng, suốt ngày cứ sa sả mà rủa "Mả cha cái thằng chết tiệc chi mô mà ngu thể, chể chi mà chể cái đồng tiền đoản hậu rứa, mi làm thế làm răng mà tau bỏ xếp vô cho nó chẳn nè". 

Lúc đầu mình cũng chẳng hiểu chuyện gì, lại thêm chị nói giọng Huế rất nặng làm mình phải lắng tai mà nghe, sau rồi cũng hiểu, số là chị muốn xếp tiền sao cho gọn từng xấp một ngàn. Nếu có 2 tờ 500 thì thành 1000, 10 tờ 100 thành 1000, còn lại tiền 5 đồng, 10 đồng cộng chung lại cũng là chẵn. Chỉ có loại tờ bạc 30 đồng thì chị làm cách nào cũng không thành 1000 hay chẵn được, mà quy định của Ngân Hàng là tiền đem về phải đóng từng xấp 1000. Ôi cái tờ bạc 30 đồng chết tiệc.

Tờ bạc 30 đồng (1981-1985)Tờ bạc 30 đồng (1981-1985)

Thời đó, dù muốn dù không thì nhà nhà ít nhất cũng mua vài ba tấm công trái được quy đổi ra là lúa gạo, nhưng rồi không biết sau bao nhiêu năm đã có ai nhận lại số tiền quy đổi đó hay không thì có lẽ trời biết đất biết.

BẾN ĐÒ THỦ THIÊM

Bến đò Thủ Thiêm, hai lần sang phà!



Tôi lớn lên và từng nghe qua câu vè về  Sài Gòn:
"Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Có bến xe thập tỉnh, có bến đò Thủ Thiêm”.

          Sống bao nhiêu năm ở Sài Gòn cho đến vài ngày trước khi tôi rời Việt Nam, tôi toàn nhìn bến đò Thủ Thiêm từ bến Bạch Đằng chứ chưa bao giờ bước chân hay đặt chân lên chuyến phà Thủ Thiêm để đi sang bên kia sông.

          Không hiểu sao lần đó tôi lại có quyết định lên chuyến phà đi sang bên kia Thủ Thiêm một lần rồi quay lại.  Tới giờ này thì tôi lại có cảm giác thật thích thú và nghĩ đến quyết định đúng của mình lúc đó, vì tôi đã biết ngày nay bến đò Thủ Thiêm đã đi vào dĩ vãng với người Sài Gòn.  Có lẽ tôi là người may mắn và tự hào là mình đã từng đến và đi phà qua Thủ Thiêm.

          Tôi cũng không nhớ là bao nhiêu tiền cho cái vé 1 lần qua phà nhưng tôi đã mua vé cả đi lẫn về.  Bước xuống theo dòng người lên phà, đi qua tấm bửng sắt cũng là cánh cửa đóng phà lại khi rời bến, lòng tôi có cái cảm giác là lạ vì lần đầu tiên trong đời tôi đi phà.  

          Vào những năm cuối 80, xe đạp vẫn là phương tiện phổ biến nhất, xe gắn máy đã bắt đầu nhiều nhưng chỉ trong nội ô Sài Gòn, còn Thủ Thiêm vẫn là ngoại ô và một quận huyện nghèo, xe gắn máy chỉ là Honda 50cc hay Honda Đam là chủ yếu, còn lại toàn là xe đạp và xe đạp, cùng người buôn thúng bán buôn chất đầy lên phà.

          Tôi đứng ngay phía trước sát mạn tàu và xem từng con nước lên xuống, đánh vào mạn phà, nhìn mớ lục bình trôi dật dờ trên bến sông.  Mùi dầu nặng, mùi khói, mùi mồ hôi và thuốc lá của những người xung quanh quyện vào thành một mùi đặc biệt.  Tiếng gió, tiếng nước, tiếng người nói chuyện, tiếng ồn của máy tạo ra một âm thanh lạ lùng.  Con tàu nặng nề rùng mình từ từ nâng càng lên đóng lại và rời bến.  Càng sang gần bờ bên kia sông, khi phà càng gần Thủ Thiêm thì lục bình càng dày đặc cả một khúc sông.

          Cái cảm giác đi tàu, dù chỉ là tàu chạy trên sông và rất chậm nhưng cũng mang lại một cảm giác khá đặc biệt.  Có lẽ tôi là dân xứ Cao Nguyên đất đỏ chưa một lần đi tàu hay đi bè trên sông nước nên cái cảm giác đó rất khó diễn tả, nó bồng bềnh, nó trôi đi và gió lộng man mác thổi tràn vào mặt, tóc bay tung tóe.  Nếu bạn từng ngồi ngay bến Bạch Đằng hóng gió vào buổi chiều tối thì ngọn gió còn mạnh hơn nữa nếu bạn đi phà ra giữa sông, nó lồng lộng, nó thổi giật từng cơn và từng cơn.

          Lần thứ hai là vào năm 2000 khi tôi về chịu tang bà Nội tôi, cũng bến phà Thủ Thiêm cũ, tôi và gia đình đã rãi tro cốt bà tôi ra giữa sông Sài Gòn qua chuyến phà Thủ Thiêm.  Có lẽ bà tôi cũng chưa một lần qua phà Thủ Thiêm ngoài lần duy nhất và cuối cùng trong đời đó là đi với tôi dù rằng bà đã sống ở Sài Gòn trên dưới gần 50 năm.

          Ngày nay, phà Thủ Thiêm đã đi vào dĩ vãng cho người dân Sài Gòn, dẫu đường hầm hiện đại là niềm vui lớn, là ước mong từ bấy lâu nay của người dân, nó giúp cho dân chúng đi lại thuận tiện hơn.  Song câu hỏi tôi luôn tự hỏi cho chính mình là có phải khi xây dựng một cái gì mới là phải phá bỏ cái gì cũ mặc dù nó đã đi vào lịch sử của người dân và thành phố không?  Có lẽ không phải riêng tôi là người duy nhất đặt câu hỏi này, mà các bạn Sài Gòn tôi cũng đã từng hỏi qua.  100 năm di tích lịch sử chỉ trong vòng vài ngày đã biến mất chỉ còn lại trong dĩ vãng, đáng buồn hay không!

Kết thúc với câu không còn vè:
Sài Gòn có Bến Chương Dương,
Có Dinh Thống Nhất, có đường Đồng Khởi,
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Có bến xe thập tỉnh, vắng bến đò Thủ Thiêm.



San Diego - TTL

NHƯ ĐÃ DẤU YÊU

Như Đã Dấu Yêu!

Kể chuyện nhau nghe khi mất ngủ. Vì tôi hay uống cà phê và nghe nhạc hoặc đọc sách khuya xong rồi ngồi viết (chuyện này xảy ra trước lúc bài viết này được hoàn thiện, giờ thì hết rồi). 



Tin nhắn!

                  Trước khi co cái vụ phone tay thì người ta hay dùng YM hay AIM (Yahoo Messenger hay American Online Messenger), sau này còn nhiều loại messenger nữa nhưng có lẽ hai loại này là phổ biến nhất để nhắn tin qua lại .  Người này ngồi trên computer và nhắn tin qua cho người kia cũng ngồi trên computer, nhắn xong 1 câu xong rồi chờ người kia nhắn lại cho mình.  Đọc từng dòng message rồi tủm tỉm cười một mình.  Lúc đó là cảm thấy thật hạnh phúc và nghĩ đến kỷ thuật thật tân tiến, chưa kể nhà nào sang sang còn tậu thêm cái camera nữa thì tha hồ mà nói chuyện.

                  Đến khi có cái phone tay, thì tới cái vụ nhắn tin đã chuyển hướng sang nhắn tin trên phone.  Chắc hẳn ai đó trong đời cũng từng có lúc nằm lăn lóc trên giường nhắn tin qua lại rồi cười há há hay cười tủm tỉm một mình.  Cũng có lúc đọc tin xong thì lại thở dài ra não ruột, chán chường vứt cái phone lăn lóc sang một bên.  Cũng có lúc nằm để cái phone kế bên hay để một chổ nào đó mà tay mình có thể với tới bất cứ lúc nào, hể cái phone nó nhúc nhích kêu lên là nhào tới chụp lên mở ra coi liền.  Cái phone nó dính và đeo theo mình như hình với bóng  ngoài trừ việc đi tắm.

                  Tin nhắn thì một ngàn lẽ một loại tin nhắn, từ tin rủ đi ăn, tin hỏi thăm, tin nhắn nhớ, tin nhắn buồn cho đến tin chỉ một chữ "Hi" hay "Hello" hoặc "Anh" hoặc "Em".  Tin nhắn cũng không kể giờ giấc, lúc gần sáng, lúc nữa đêm, có khi ban ngày có khi ban đêm, không theo một thứ tự thời gian nào cả.  Gởi tin nhắn phải suy nghĩ thật lâu vì đánh không dấu, lại phải ngắn gọn mà đủ nghĩa cho người nhận đọc không bị hiểu lầm.  May quá, sau này đã có bản chữ tiếng Việt rồi, không thì gởi tin đi rồi lại phải gọi để giải thích.

                  Bây giờ thì  ngoài tin nhắn trên phone thì còn gì nè, tin nhắn trên Facebook.  Không biết vài năm nữa sẽ cho ra loại tin nhắn nào mới không nhỉ, nhưng mình chắc chắn là cảm giác nhận tin nhắn đều như nhau, háo hức chờ tin nhắn, nhận tin cười tủm tỉm, cười hăng hắc và thở dài ra não ruột.  Cuộc tình qua những tin nhắn luôn như nhau dù cách nhắn tin có thay đổi theo thời gian.

Nắm tay!

                  Nắm tay dễ hay khó, thật mà khó nói và trả lời được.  Ở mỗi thời đại hay thời kỳ thì hoàn toàn khác nhau, vào cái thời ông bà già tôi thì hình như không có vụ nắm tay vì tới ngày cưới mới biết mặt nhau thì làm gì có vụ nắm tay trước đó.  

                  Đến thời của tôi thì đi vòng vo tam quốc không biết đến bao lâu mới dám mở lời rủ đi chơi, còn việc cầm tay thì chắc là tính tới năm chứ không phải tháng hay ngày sau khi đi chơi.  Nắm tay mà toàn phải là lợi dụng cơ hội chứ không có công khai.  Đi xem phim chờ đèn tối mới len lén nắm cái tay, đi ngoài đường giả bộ chạm nhè nhẹ vào cái tay...  Kết luận càng iêu nhau lâu thì tình iêu vẫn ngây thơ và ngu ngu dại dại như ngày ban đầu, vẫn mắc cở là chủ yếu ...

                  Thế mà cái thời bây giờ, đúng là kỷ thuật hiện đại nên cái gì cũng hiện đại theo, con cháu gái nó nói nắm tay con giai dễ ợt à, còn thằng cháu giai nói muốn nắm tay con gái thì nắm dù có iêu hay không iêu, rủ đi ra ngoài chơi là nắm được tay thoải mái rồi, nghe xong thì hông hiểu cái thời bây giờ tình iêu nó thuộc dạng gì nữa.  

                  Tôi chỉ biết, vào cái thời của tôi đã có biết bao nhiêu cuộc tình đã bay đi với nỗi niềm thương tiếc hay vô vọng của cả đôi bên vì đã không dám nói, dám cầm cái tay dù cả hai phía đều có tình ý với nhau.  Khi cuộc tình đã bay xa thì lúc đó mới suy nghĩ và hối tiếc rằng phải chi hồi xưa mình gan lên một tí "Cầm hay nắm cái tay!"  Quá muộn rồi phải không!

Gặp lại!

                  Nếu có một ngày nào đó gặp lại người cũ ...Đang đi trên đường, trong đám đông thấp thoáng một bóng dáng quen thân, kỷ niệm cũ bổng chợt òa về.

                  Những chuyện vui buồn khi xưa như là một cuốn phim cũ chầm chậm quay đều trở lại, nhưng cuốn phim quay chậm này không có cảm xúc, mọi chuyện vui buồn xảy ra nhưng không một hối tiếc.  Tâm trạng không còn xao động, trái tim khi iêu thật là kỳ lạ, người trong cuộc thì rất dễ khùng điên, tâm trạng lên xuống bất thường theo từng giai đoạn, từng thời điểm.  Người này tìm cách vượt vách ngăn trái tim của người kia để vào, khi thôi nhau rồi thì lại cảm thấy mừng vui vì đã thoát khỏi vách ngăn của con tim đó.

                  Nhìn hình bóng cũ đi ngang qua, chỉ thấy rằng bóng mình cũng một thời đi ngang qua, một phần thời gian cũ, một phần hình bóng cũ mình vừa ngủ sâu được đánh thức trở lại để đem mình về lại chốn thân thương ngày xưa.  Không cảm thấy tốt, không cảm thấy xấu, chỉ cảm thấy thanh thản một cách lạ lùng, chí ít mình không mặc cảm hay tội lỗi về nó, bước đi nhẹ nhàng!



San Diego - TTL

CHÚT SUY NGHĨ ĐỜI THƯỜNG

Chút Suy Nghĩ Đời Thường!



Tình cảm

Tình cũng có nhiều dạng tình, tình gia đình, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình yêu trai gái ...có những mối tình đi xuyên suốt cuộc đời, có những mối tình theo giai đoạn lúc ngắn lúc dài, có những mối tình mập mờ hay trong sáng, có những mối tình mang dấu ấn cả cuộc đời.  Mở rộng chuyện tình yêu đi nhá, nói tới tình yêu là phải nói đến duyên và phận, có duyên mới đến bên nhau, còn ở lại với nhau lâu không thì phải nhờ phận.  Có tình thì phải có cảm xúc, buồn vui, cay đắng, ngọt bùi, giận hờn vu vơ, lẫy hờn của cái tình.  Đôi lúc cảm thấy xao xuyến, chới với, ngượng ngùng, hy vọng và chờ đợi.

Tình và cảm phải đi đôi với nhau, cũng như phải có hai người mới làm nên tình cảm.  Nó giống một cặp đôi hoàn hảo, tình cảm nó phức tạp cũng giống con người.   Nó đôi lúc mong manh dễ vỡ, nó đôi lúc không thể phân biệt giữa có giới hạn và không giới hạn.  Hai người xa lạ đến với nhau, cảm nhau qua ánh mắt, nụ cười, ấm áp, thương yêu.  Nó băt đầu và không biết kết cục, nó có thể mang lại hạnh phúc hôm nay và chia ly ngày mai.  Nó đôi lúc đơn giản và cũng mong manh như sợi tơ mà nó đôi lúc cũng rắc rối như mạng nhện tơ.  Hỏi ai chưa từng có tình cảm trong đời?

Nghệ Thuật

Trong chúng ta, nhiều người không nhận ra là trong chính bản thân mình đều có máu nghệ thuật.  Xin đừng lầm tưởng nghệ thuật là chỉ thuộc về "Vẽ", "Nhiếp Ảnh" hay "Chơi Nhạc", nó phong phú hơn chúng ta tưởng và nghĩ đến.  Nó có thể là nghe nhạc, ca hát, nhảy múa, đóng kich, trang trí, cắm hoa, nâú ăn, làm thơ, viết văn, trang điểm quần áo và trang sức, kể cả gu mặc quần áo đẹp ...cũng được coi là một nghệ thuật, vì vậy sở thích và máu về nghệ thuật ở xung quanh chúng ta, không cần phải tự nhận ra mà ai trong chúng ta cũng có tí máu nghệ thuật trong đó.  Nó cũng không cần năng khiếu hay phải trải qua trường lớp dạy dỗ đàng hoàng mới có được.

Cuộc sống ngày nay có quá nhiều căng thẳng, mệt mõi khi phải chống chọi với nó.  Hãy phát triển cái máu nghệ thuật không qua trường lớp này, bạn sẽ cảm thấy mình thoải mái hơn nhiều và nó cho mình một đam mê và giúp mình vượt qua mọi căng thẳng của cuộc sống hàng ngày.  Hãy hỏi rằng, máu Nghệ Thuật của bạn là gì?





San Diego - TTL

NHỮNG CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH

Những chuyến bay định mệnh!



Hôm nay trên chuyến bay lên San Francisco đi dự hội nghị, tuy chỉ là một chuyến bay ngắn khoãng một tiếng rưỡi đồng hồ, khoãng cách hơn Sài Gòn và Hà Nội một chút, nhưng nó làm tôi liên tưởng đến hai chuyến bay của cuộc đời mà nó để lại nguyên đậm trong ký ức của tôi.

Phan Rang tháng 4/1975

Phan Rang, một trong những ngày đầu tháng 4 năm 1975.  Một chuyến bay quân sự cất cánh từ phi trường Phan Rang về phi trường Tân Sơn Nhất, chiếc máy bay C-130 bay giữa những làn đạn và tiếng pháo kích vào phi trường nổ đì đùng.  Mọi người đều im lặng, không ai nói gì, giữa cái sống và cái chết đều nằm trong tầm tay.   Tiếng thì thầm cầu nguyện từ khi máy bay bắt đầu lăn bánh trên phi đạo cho đến khi máy bay cất cánh  rời khỏi mặt đất bay lượn trên bầu trời cao.

Cả tuần trước đó phi trường đã bị pháo kích liên tục, bọn trẻ tụi tôi thì lúc nào cũng quần áo sẵn sàng kể cả khi đi ngủ để phòng hờ khi có chuyện gì thì chạy ra ngoài và lên xe hoặc lên máy bay rời khỏi nơi bất ổn này bất cứ lúc nào, tuy bọn trẻ tụi tôi chẳng hiểu ất giáp gì cả nhưng nhìn những nét lo âu của người lớn, các binh sĩ đi lại liên tục với những bước chạy chứ không phải đi từ tốn cũng hiểu tình hình đã nghiêm trọng đến mức độ nào, làm cho tụi trẻ tôi cũng không còn lòng nào mà vui đùa giỡn hớt như mấy lần trước.  

Cái hangar tập trung không biết bao nhiêu người, gia đình của các sĩ quan và binh lính làm việc trong phi trường, ngoài ra còn có một số dân trong vùng vào được trong phi trường để chờ bay vào Sài Gòn.  Già trẻ lớn bé nằm ngồi la liệt dưới đất trong cái nóng hừng hực của vùng đất nổi tiếng nóng nhất Việt Nam đó là vào ban ngày, còn ban đêm thì trời mát nhưng cái gió lồng lộn thổi vào lại thì đem cái rét đến, cái mà không ai nghĩ ra ở vùng đất này.

Đã cả mấy ngày ăn nằm đứng ngồi vật vờ nên nhìn ai cũng bèo nhèo, ngay cả bọn con nít cũng không còn hứng thú để mà vui đùa giỡn hớt nữa, mấy ngày trước thì bà con còn đứng xếp hàng ngoài phi đạo nắng cháy điên người chờ lên máy bay, nhưng khi máy bay xuống thì tình trạng dẫm đạp để trèo lên máy bay rồi cộng với tình trạng phi trường bị pháo kích liên tục nên mọi người được dời vào trong hangar tạm trú chờ chuyến bay.  Cuối cùng cơ hội cũng đến, đoàn người lặng lẽ xếp hàng lên chiếc C-130, hy vọng mong manh cuối cùng để thoát về Sài Gòn.

Gần chục ngày sau khi gia đình tôi rời Phan Rang thì thị xã thất thủ, phi trường đã lọt vào tay VC.  Ba tôi là một trong những người cuối cùng thoát khỏi với phi đạo lỗ chổ đầy vết đạn cày nát, vị chỉ huy trưởng phi trường đã bị bắt cùng với một tướng nữa và một người Mỹ trong vụ này.

Sài Gòn 24 năm về trước

Sài Gòn 24 năm về trước, chuyến máy bay của hãng HKVN rời VN lúc 1 giờ trưa chở trên 200 người Việt mà trên áo của mỗi người là một bảng tên với một con số dựa theo số hồ sơ của IOM cấp phát cho mỗi gia đình.  

Hành trang của mỗi người là một cái túi ba lô nhỏ chứa giỏi lắm là một bộ đồ và vài vật dụng cá nhân.  Mỗi gia đình không kể bao nhiêu người chỉ được đem đúng một thùng nhôm đóng mà chiều dài và chiều rộng, chiều cao khoãng trên dưới 1m (1m x 0.7m x 1m) , đó là toàn bộ gia tài mà mỗi gia đình được quy định cho đem đi.  Cái quy định mà sau này mới biết là do nhà nước CHCNXH VN ban phát cho mỗi gia đình lúc đó khi muốn ra đi ở diện này (HO).  Ăn cướp cho tới giây phút cuối cùng.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, phi cơ hạ cánh xuống phi trường Bangkok và chạy vào môt khu vực riêng biệt.  Mọi người được chở tới những căn nhà mái tôn đóng vội.  Sau vài thủ tục cần thiết thì mọi người được tập trung lại.  Một người Mỹ đứng ra giới thiệu tên mình và được một nhân viên IOM người Việt thông dịch lại.

Đại khái các bạn giờ đây là người không tổ quốc nói một cách chính xác là cái passport của bạn chỉ có hiệu lực trong vòng 30 ngày và chỉ cấp một lần không gia hạn lại.  Khi bạn rời VN thì các giấy tờ do chính quyền CSVN cấp đã bị thu hồi.  Nếu ai còn có ý định thứ hai thì bước ra khỏi hàng và đi gặp nhân viên IOM để làm thủ tục quay trở lại VN.

Không gian im lặng, không một ai bước ra khỏi hàng.  Chờ một chặp không thấy ai lên tiếng, nhân viên IOM nói tiếp 

- Bắt đầu từ bây giờ trở đi, các bạn là những người nhận được quyền bảo hộ của chính phủ Mỹ, xin mọi người tuân thủ theo các quy định của chúng tôi đưa ra.

- Các bạn là nhóm thứ nhất đến trong ngày hôm nay, chúng ta còn thêm một chuyến nữa từ VN sang.  Tổng cổng gần 400 người trong ngày hôm nay, sau đó chúng ta sẽ đi về trại Suan Plu.  Chào mừng các bạn đã đến bến bờ TỰ DO.

Hai chuyến bay, một chuyến bay đi tìm sự sống để cuối cùng vào trong một trại tập trung khổng lồ trong vòng 15 năm.  Chuyến bay thứ hai để được đi đến bến bờ tự do, tìm lại chính mình và nhất là thoát khỏi cái trại tập trung tẩy não khổng lồ.



San Francisco - TTL (04/13/2014)

ĐỊNH MỆNH

Chuyện Ngắn: Định Mệnh!



          Trên bến tàu, cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, tàu sắp rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết !

          Người đàn ông trung niên đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên vái vái nhiều lần như van lạy những người trên bong tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn.

          Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống.

          Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi ! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất ! Bấy giờ, có thể đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang đu tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, chuyến tàu cuối cùng rời bến ra biển khơi xa vạn trùng!

          Hồi tưởng dòng thời gian quay lại 21 năm về trước...người đàn ông đứng tuổi khi đó cũng chỉ là một đứa trẻ chín mười tuổi được ba mẹ gởi lên trên chuyến tàu rời quê hương miền Bắc vào Nam.  Bây giờ cũng chính ông ta lại đưa đứa con trai duy nhất rời Việt Nam lênh đên trên biển cả.  Lần này không biết người con cập bến bờ nào.  Định mệnh lập lại một lần nữa.

Sưu tầm và  đã qua chỉnh sửa

CHUYỆN TIẾU LÂM THỜI NAY!

Chuyện Tiếu Lâm Thời Nay!

Lâu lâu mình hay nghĩ lại chuyện tiếu lâm về bản thân mình lúc xưa, mình sinh ra lúc nhỏ thì được gọi là một Công Dân.  Được cho ăn được cho học hơn chục năm chút xíu để làm Công Dân tốt.  Và được dạy cho hát bài "Này Công Dân ơi ..."

Đùng một cái, sau lời tuyên bố hào hùng của ông Tướng được làm Tông Tông vài giờ thế là mình từ Công Dân chuyển sang làm Nhân Dân.  Mà nghĩ cũng vui, để mình kể lại cảm tưởng từ hồi được mang tiếng làm Nhân Dân. Cái mà mình luôn được nghe và dạy phải luôn tự hào về việc "Nhân Dân Làm Chủ" lúc đó.  

Sau khi chuyển sang làm "Nhân Dân" thì má mình phải đi lo chạy gạo để nuôi nhân dân, vì thế mình đã thay má mình đi họp tổ dân phố thường xuyên, chỉ cần mỗi hộ có mặt một nhân dân, không cần biết lớn hay nhỏ.  Thế là mình vinh dự được giao phó cho cái nhiệm vụ Nhân Dân cao cả đấy.

Và muốn làm cho trọn vai trò "Nhân Dân" thì cũng phải có qua trường lớp, thế là ngay tại hội trường, mình được học làm sao làm chủ cách vỗ tay, biết nghe và biết khi nào nên vỗ tay.  Lấy ví dụ, khi nghe các bác đang thuyết giảng mà ngừng lại là phải vỗ tay thôi, không cần biết bác ấy nói mệt nên nghĩ lấy hơi hay đang nghĩ cần nói chuyện gì tiếp, chỉ cần ngưng nghĩ là phải vỗ tay.  

Trong thời gian này, mình thấy được nhiều cái sự "Nhân Dân Làm Chủ" lắm đấy, nó nhiều quá đến nổi mình kể sơ qua vài cái cho nghe lại cho vui nha:

Đầu tiên và gần nhất là cái Ủy Ban Nhân Dân Phường, nơi mà bạn phải cần phải khai báo lý lịch, làm sổ hộ khâu, sổ gạo, sổ mua nhu yếu phẩm...Sau đó là Tòa Án Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, ...cuối cùng là tờ báo Nhân Dân mà mấy bà bán cá, bán thịt ngoài chợ rất chuộng vì khổ báo lớn.

Để đóng cho trọn vai trò "Nhân Dân Làm Chủ" nên nhân dân phải biết đi thưa  về trình.  Nói cho nó văn vẻ chớ thật ra là đi đâu phải xin giấy di chuyển của chánh quyền nơi cư ngụ, và khi về phải trình lại cái giấy di chuyển có đóng dấu nơi mình đã đến.  Sau đó nhân dân phải đi lao động xã hội chủ nghĩa để làm chủ quyền sở hữu lao động của mình, nói nôm na ra là đi làm chùa hay làm không công đó.

Thật ra, nghĩ lại càng thấy vui hơn là bây giờ nếu có hỏi ai cái vụ "Nhân Dân Làm Chủ" thì mình nghĩ ai cũng chỉ gật đầu nhất trí.  Nhân dân chắc nghĩ rằng mình làm chủ đủ thứ nhưng còn cái thằng "Ngân Hàng Nhà Nước" nó làm chủ cái bao tử và hầu bao của mình mà, cứ nhất trí là…chắc ăn nhứt !  Không nhất trí có nó cho mà đói thê thảm luôn.

Mình còn nhớ lần đầu tiên mình được trao quyền nhân dân đi bầu. Vì sợ nhân dân mất thời giờ và mất công nên Đảng chọn dùm cho nhân dân. Nhân dân chỉ còn có… nhắm mắt đưa cái phiếu bầu, thế là xong.  Sướng thiệt, chẳng biết thằng cha nào được nhân dân bầu, nghe xướng danh xong cũng mặc kệ, còn lo đi kiếm cơm chứ ngồi đó mà lo xa.

Những năm đó, nhân dân miền Bắc đua nhau vào Nam để "cứu trợ đồng bào ruột thịt miền Nam sống trong sự kềm kẹp của bè lũ ác ôn Mỹ Ngụy, đói khổ thiếu thốn vô cùng".  Còn nhân dân miền Nam, ít lâu sau đó, cũng lục tục kéo nhau ra miền Bắc, không phải để tham quan mà để… thăm nuôi thân nhân nhân dân bị đưa đi tập trung cải tạo ngoài đó. Người ra kẻ vô như vậy thật là một sự… giao lưu đáng đồng tiền bát gạo, bởi vì nó  là một cuộc mở mắt cho cả nhân dân hai miền.

Ôi, cái thú làm nhân dân một thời cũng vui thật, nhưng giờ có cho mình làm nhân dân lại thì mình xin cảm ơn và kiếu từ.  Vậy mà cũng có mấy thằng dở hơi lên tòa ĐS nộp đơn xin đăng ký và giữ lại cái chức "Nhân Dân", bó tay.

San Diego - TTL 

HAI NGÔI MỘ

Hai ngôi mộ!

Tin chiến sự chuyển về dồn dập với những chiến trận đang xảy ra ở Đăk Tô, Tân Cảnh, Kon Tum, Lộc Ninh, Bình Long...  Cứ tưởng cái xóm nhỏ hoàn toàn nằm xa vùng chiến tranh thì không bị gì hết, cuộc sống vẫn bình lặng như mọi ngày.  Đến một hôm, một chiếc xe Jeep chạy vào cái xóm nhỏ, bước xuống xe là một viên sĩ quan đi vào một căn nhà xây gạch lớn, chặp sau thì tiếng khóc vang lên và thấy người sĩ quan quay lưng bước đi ra, nhưng ông ta không leo lên xe mà lại đi đến một căn nhà nhỏ nằm kế bên.  Cũng chỉ vài phút sau thì tiếng khóc lại vang lên từ căn nhà nhỏ.  Tụi nhỏ ngơ ngáo chẳng hiểu vì sao cả, tại sao mọi người cả hai căn nhà đều khóc, chỉ biết tụm lại kễnh chân ngó qua 2 khung cửa sổ của hai căn nhà rồi nhìn nhau ngơ ngác.



Mấy ngày sau, hai chiếc quan tài được chuyển đến hai căn nhà, hai người bạn chơi thân với nhau từ lúc nhỏ, cùng vào lính và ở chung cùng một đơn vị, và cùng tử trận cùng một ngày.  Hai đám tang đã diễn ra trong lặng lẽ làm u oán cái xóm nhỏ vốn chẳng nghĩ rằng chiến tranh lại vươn xa đến như vậy.  Hai ngôi mộ được chôn kế nhau như những ngày họ còn chơi bên nhau, một ngôi mộ lớn được xây lên kế bên một ngôi mộ nhỏ với tấm bia nhỏ.

Một tuần sau tang lễ xảy ra tại cái xóm nhỏ, lại một chiếc xe Jeep khác đi vào cái xóm nhỏ và cũng đậu ngay trước căn nhà gạch lớn, cũng một người sĩ quan bước xuống xe, sau khoãng một thời gian ông ta quay ra và lại đi vào căn nhà nhỏ kế bên.  Lần này tụi nhỏ không có nghe tiếng khóc từ cả hai căn nhà.  Sau khi viên sĩ quan rời đi, hai gia đình đã gặp nhau và ít ngày sau ngôi mộ nhỏ đã được xây lại to bằng căn mộ kế bên và lần này hai bia mộ đá đã được đổi tên cho nhau.

Mùa hè đỏ lữa 1972

San Diego 
TTL -  August 2014

TIẾNG VIỆT TRONG THỜI ĐẠI SỐ

Tiếng Việt trong thời đại số

Thế giới internet bùng nổ vào thập niên 90 của thế kỷ trước, con người chế ra các sản phẩm phần mềm trên máy tính cho mọi người dùng sử dụng để gởi nhắn tin như Yahoo Messenger (YM), American Online (AIM), Hotmail Messenger (HM), ICQ...Thời đó đi ra các tiệm internet tại Việt Nam là thấy các bạn trẻ mỗi người ngồi trước một máy tính với cái Yahoo Messenger được bật lên.  Gởi đi một tin nhắn xong rồi ngồi chờ một chặp cho đầu bên kia gởi lai tin hồi âm (cái thời đại số rùa bò 32 - 54kpb), đọc xong tin nhắn rồi xụ mặt, buồn hay mĩm cười, nhoẽn miệng hoặc ôm bụng cười nắc nẻ.  Thiên hạ ai mà không biết đi ngang qua nhìn thấy chắc nghĩ bụng đúng là mấy cái đứa này mát dây hay bị hâm, tự nhiên không cái khóc, thoắt cái cười một mình.  Nó còn nhiều chuyện dỡ khóc dỡ cười xảy ra nữa, có một số người không rành về máy vi tính, vào tiệm internet bật YM lên chat xong rồi đứng lên trả tiền đi về mà quên log out ra, thế là vô tình có ai đó vào tiệm mướn máy đó rồi đọc được hết các tin nhắn.  Họ chơi ác bèn tiếp tục gởi các tin nhắn tầm bậy tầm bạ cho phía bên kia, thế là bên kia hiểu lầm bên này và gây ra một trận chiến vô tiền khoáng hậu vì họa từ đâu bay tới.

Sau thời kỳ đó là đến kỷ nguyên của điện thoại di động và dịch vụ gởi và nhắn tin.  Cái dịch vụ gởi và nhắn tin này đầu tiên là qua Pager (máy nhắn tin), dân làm business hay dân chơi thời đó đi đâu cũng đeo kè kè cái máy nhỏ như hộp diêm quẹt có một màn hình nhỏ xíu, nó hay được đeo vào bên  hông sợi dây nịt, lâu lâu rút ra xem có ai gởi tin nhắn cho mình không.  Vào quán cafe uống nước thì móc cái máy ra để lên trên bàn, mỗi lần có tin nhắn tới là máy nó rung lên và nhảy như là cóc nhảy, nhưng lúc đó là hảnh diện lắm rồi, có điều sau khi nhận được tin nhắn xong người nhận lại phải đi ra gọi điện thoại lên tổng đài điện thoại để nghe tin nhắn lại chứ tin nhắn nó không hiện ra trực tiếp trong máy nhắn tin.  Đây cũng là dịp cho mấy anh, mấy ông tán và buôn chuyện với mấy cô trực tổng đài để làm quen.  Mà giọng của mấy cô trực ở tổng đài này thì thiệt là ngọt như mía lùi.  Nhiều câu chuyện tình cũng từ đây mà phát xuất ra. 

Nói về điện thoại di động, thời đầu tiên của điện thoại di động là những cục gạch to tổ bố ai mà ai thường xem phim Hong Kong còn nhớ mấy dân gangster của hội Tam Hoàng đeo kính râm đen, bận veston đen tay cầm cục gạch với cái ăng ten dài là ngầu phải biết.  Còn dân làm business thì luôn có phụ tá tay cầm cái cục gạch chạy theo sau, khi có ai gọi tới thì đưa cục gạch cho ông chủ lớn để ổng trả lời.  Mà đó chỉ là trong phim Hong Kong thôi hay các nước tư bản đang dãy chết, còn Việt Nam thì hoàn toàn hông thấy  hay là chưa thấy loại phone cục gạch này xuất hiện vào thời gian đó.  Cái cục gạch đó cũng có nhiều chức năng lắm, nó được dùng như vũ khí bảo vệ hay giận ai thì dùng để đâm hay ném cục gạch đó vào kẻ địch là ôi thôi máu me tuôn rơi xối xả.  Đó là thời của Motorola phone và cũng chỉ có dân giàu thứ thiệt mới dám xài hay cầm cục gạch đó thôi.  Thời nay mà có cục gạch này dùng để chặn giấy cũng là sang vì nó giờ là hàng độc, hàng hiếm, hàng chỉ còn có thấy được trong các viện bảo tàng công nghệ mà thôi.

Nokia, Ericsson là hai công ty Châu Âu đi tiên phong đầu tiên cho ra các loại phone nhỏ cầm vừa tay.  Ai thời đó mà có được một chú phone Nokia màn hình trắng đen chỉ đủ hiện ra dãy số điện thoại thôi cũng là ngon lắm rồi.  Mấy cô còn thích hơn nữa vì nó vừa đủ gọn để nhét vào túi quần tây rất cạn của mấy cô mà.   Dần dần công nghệ tiên tiến lên thì phone có thêm chức năng gởi và nhắn tin trên điện thoại di động, nhạc chuông hay và còn có game trong phone để giải trí trong văn phòng.  Gởi message hay gọi điện thoại thì tốn tiền dựa theo số lần gởi tin nhắn hay gọi ra, thế là có màn nhá máy và chờ máy đầu bên kia gọi lại để tránh bị tốn tiền, bạn bè tốt là đây, mày trả tiền dùm tao hén, bạn bè mà thôi giúp nhau đi.  Nếu ai đang yêu nhau thì người phải thiệt thòi nhất là mấy anh vì phải chứng tỏ mình gallant cho đúng nghĩa gentlement thứ thiệt - l'amour de l'argent  (love is money).

Nhắn tin là một chức năng thật tiện lợi, nó giúp cho biết bao nhiêu người thay vì phải gọi điện thoại, chờ bên kia bắt phone và chỉ nói đúng một câu cần nói thì giờ đây chỉ cần gởi môt tin nhắn ra là chắc chắn người đầu kia sẽ nhận được thôi.  Nó được coi là một chức năng tuyệt vời mang đến cho mọi người.  Ai đó đã và đang yêu chắc hẳn trong đời cũng từng có lúc nằm lăn nằm lóc trên giường nhắn tin qua, nhắn tin lại rồi cười há há hay cười tủm tỉm một mình.  Cũng có lúc đọc tin xong thì lại thở dài ra não ruột, chán chường vứt cái phone nằm lăn lóc sang một bên.  Cũng có lúc nằm để cái phone kế bên cạnh hay để một chổ nào đó mà tay mình có thể với tới bất cứ lúc nào, hể cái phone nó nhúc nhích kêu lên là nhào tới chụp lên mở ra coi liền.  Cái phone nó dính và đeo theo mình như hình với bóng  ngoài trừ việc đi tắm.  Còn với vợ chồng thì tin nhắn là cách tiện nhất để nhắn tin gởi cho vợ hôm nay không về nhà ăn cơm mà khỏi nghe mấy cái chuyện con cái hay bị càm ràm thêm khổ đầu và nhức tai.

Trong thời kỳ đầu, tất cả các phone sản xuất ra khi về đến Việt Nam đều không có gắn font chữ tiếng Việt nên khi gởi và nhắn tin đều không có dấu.  Người gởi và người nhận đều tự bỏ dấu vào các tin nhắn và tự đọc tự hiểu lấy. Thế là có nhiều chuyện dỡ khóc dỡ cười vì những tin nhắn không dấu và cơm không lành canh không ngọt đã xảy ra như trường hợp dưới đây:

- Con anh no hu qua, tron hoc bo di choi do
- Em la con di
- Sao anh an noi vo hoc vay
- Tai sao chui em la con di
Nhắn tin xong chồng về nhà thấy vợ đã dắt con về bên Ngoại vì cái tin nhắn của anh chồng và cách bỏ dấu trời ơi của người vợ.

Cô vợ nhắn tin chồng như sau:
- Co ve an com khong cho
- Sao co chui toi la cho
Chờ thành chó, rõ là khổ cho tiếng Việt không dấu.

Con gái gởi tin nhắn cho mẹ
- Con co mang roi me
- Con oi, con co mang luc nao
- Con moi biet do me
- Troi oi, con oi la con.  Con lam xau ho gia dinh minh roi
- ???
Từ cái mạng internet mà nghĩ thành con gái đang mang thai

Cặp trai gái hẹn nhau tại một quán cà phê, cô gái chờ hoài vẫn chưa thấy bạn trai tới và nhận được một tin nhắn
- Em oi, dang mua qua khong toi kip
Lúc sau anh bạn trai tới trên tay không có gì
- Quà em đâu, cô bạn gái hỏi?
- Anh đâu có nói mua quà cho em đâu,
- Thì anh nhắn tin vậy mà
- Anh nhắn tin nói mưa quá không tới kịp mà

Đối với giới trẻ thì nhắn tin 1 chữ cũng tốn tiền vì vậy để có thể gởi được nhiều ý hơn trong một tin nhắn thì họ bắt đầu phát minh ra cách viết tắt dạng như tốc ký nhưng không phải là tốc ký của dân chuyên đánh máy trong tòa án ngày xưa.  Như thế là hình thành một loại dạng chữ viết hay ngôn ngữ nhắn tin mới, có một số người còn gọi là teencode.  Ngôn ngữ viết tiếng Việt này giờ đây đã áp dụng tràn lan trên các Facebook của các bạn ở vị thành niên, nếu vào mà không biết lại tưởng là vào trang web của 3 nước Baltic là Estonia, Latvia hay Lithuanian.

Dạng những câu kiểu như thế này:
- 4o m0j. chuy3^n. cu* th3^? d0^? xu0^g d4^u` mjnh` th3^ n4j`. CHg? thi3^t s0^g nu*4~. N4o` thj` m4^t kon p4n th4^n..... ruy` thj cu*? ruy` thj` du? c4c thu* chuy3^n. O^g gja` thj` suo6t ngay` b4(t mjnh` f4j? th3^ n4j` th3^ no. th3^ kja
- (Sao mọi chuyện cứ thế đổ xuống đầu mình thế này.  Chẳng thiết sống nữa.  Nào thì mất công bần thần ...rồi thi cử rồi thì đủ các thứ chuyện.  Ông già thì suốt ngày bắt mình phải thế này thế nọ thế kia.)

Hay như
- Kh0c ch0 wen đy những fiên muộn, kh0c jzòy pík đâu mìn lại pình tĩnh lại, suy nghỹ zề kái đìu màk mìn kần phải suy nghỹ.  Đôy khy mìn thík cho`y mưa kjn khủn, màk seo khy kơn đau ập tớy tớ hok mún mua nu~a.
- (Khóc cho quên đi những phiền muộn, khóc rồi biết đâu mình lại bình tĩnh lại, suy nghĩ về cái điều mà mình cần phải suy nghĩ.  Đôi khi mình thích trời mưa kinh khủng, mà sao khi không đâu ập tới tớ hông muốn mưa nữa)

Hoàn toàn không có bất kỳ một quy tắc nào có thể áp dụng cho cách viết này. Không ngữ pháp, không chính tả, cũng không phải là quy tắc của tốc ký. Chỉ cần ai đó nghĩ ra và viết thế rồi một truyền thành mười, ai càng viết khó hiểu, khó đọc thì càng được các bạn trẻ thích và áp dụng rồi tạo ra riêng cho mình một cái riêng của mình.  Tuy nhiên lối viết trên rất thịnh hành hiện nay và được các giới thanh niên áp dụng rất nhiều trong tin nhắn.

Không biết sau cái vụ nghĩ ra chuyện viết tắt, chế chữ và cách viết trộn chữ và số vào với nhau thì các bạn trẻ ngày nay và trong tương lai còn nghĩ ra thêm trò gì cho tiếng Việt vốn đã rất phong phú mà chúng ta đang hiện có.  Không nói và bình luận hoặc phê phán về trào lưu viết và cách viết tắt và chế chữ này vì ngay cả từ thời khi còn chưa có điện thoại di động hay dịch vụ nhắn gởi tin thì chúng ta những người sinh ra và lớn lên vào thập niên 80 trở về trước, những người đã một thời ngồi trên ghế nhà trường đã cũng có lối viết tắt đại khái như vậy để viết bài cho lẹ, cho nhanh khi nghe thầy cô giáo giảng bài, việc chèn thêm chữ tiếng Anh, tiếng Pháp, công thức hóa học và số như if (nếu), of (của), H20 (nước), Fe (sắt), F (ph), kg (không), nhg (những)...có ai dám khẳng định rằng mình chưa bao giờ viết tắt, dùng hay chế chữ để riêng cho mình hiểu khi viết nhanh.

Có người cho đây là cách phá hoại nền tảng ngôn ngữ tiếng Việt, có người lại cho rằng đây là một biến thể và phát triển theo sự phát triển của thời đại số vì tiếng Việt ngày nay đã nhận và du nhập nhiều từ ngữ từ tiếng nước ngoài vào thành từ ngữ chung trong ngôn ngữ tiếng Việt.  Một lần nữa, những việc phân tích và giảng giải sự việc này là dành cho các nhà ngôn ngữ học, tôi chỉ muốn đưa ra cho mọi người thấy đây là trào lưu không cản được của giới trẻ Việt Nam trong thời đại số về cách viết tiếng Việt hàng ngày khi nhắn và gởi tin.  Có điều khi tôi đọc 1 câu văn đại loại như thế của các bạn trẻ, thay vì hiểu liền ngay tức khắc thì đôi khi tôi mất 3 đến 5 phút để giải mã nó.  Khâm phục cách các bạn trẻ ngày nay với cách viết quá sáng tạo và đôi lúc cũng bực mình vì cái lối viết phá chữ tiếng Việt của các bạn.

San Diego
TTL - Oct 2014

Notes:  
Các ví dụ trong đây là dựa vào internet để dùng làm ví dụ và bổ sung cho bài viết .  Vì không biết tác giả chính là ai nên tôi phải dùng chữ sưu tầm và internet, xin vui lòng bỏ qua.