Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

XUÂN ĐÃ VỀ

TÔN-THẤT LONG·SATURDAY, FEBRUARY 20, 2016

TÔN-THẤT LONG·SATURDAY, FEBRUARY 20, 2016
Sau những ngày trời rét lạnh căm căm, những ngày nắng ấm quen thuộc đã quay trở lại .
Trên các con đường, từng làn xe cộ phóng lướt qua của dòng người tất bật vội vàng. Mấy ai nhận ra rằng ngoài kia mùa Xuân đã dần dần nhẹ nhàng quay về trong mong nhớ. Hai bên đường phố cho đến xa lộ, các màu xanh tím đỏ, hồng, vàng đã vội vội vàng vàng khoe sắc màu vốn dĩ thuộc về mùa Xuân. Cũng không biết có mấy ai đã nhận ra rằng mặt trời đã không còn làm biếng bỏ đi ngủ sớm nữa. Gió Xuân nhẹ nhàng thổi đưa những hương hoa Xuân nhà ai đang dịu dàng toả hương thơm ngan ngát trong không gian. Bầu trời trở nên trong xanh thăm thẳm chứ không còn màu xám vẫn đục buồn tê tái của mùa Đông tuy ngắn nhưng mang đến nhiều phiền muộn.
Trong cuộc sống hàng ngày, con người quá bận rộn, nhiều lo toan, bon chen, mấy ai để ý đến những áng mây trời trong xanh hay nắng chiều rực rỡ của ánh hoàng hôn. Mấy ai nhận ra rằng từng nụ hoa đang gồng mình chờ đợi qua mùa Đông giá rét, những đêm dài mỏi mệt để chờ đến ngày được vươn mình mở cánh khoe sắc màu ngày Xuân.
Cũng vậy trong đời sống này, có mấy ai mà không từng trãi qua việc mong chờ và đợi. Như hai người đang yêu nhau mong chờ nhận tin nhắn gởi cho nhau, như người nông dân chờ hạt lúa giống nẩy mầm xanh, như người mẹ chờ con bập bẹ nói tiếng "Mẹ" đầu đời, hình như đã là con người thì phải biết mong chờ và đợi…Chờ đợi ngày tràn đầy và viên mãn trong đời người, chờ Xuân đến trong lòng.
Xuân đã về, xuân đã về! Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông Trên cánh đồng, chim hót mừng, Đang thướt tha từng đàn tung bay vui say
Xuân đã về, xuân đã về! Ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới Xuân đã về, xuân đã về! Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân
(Xuân Đã Về - Minh Kỳ)
Hãy mĩm cười và nhìn xung quanh sẽ thấy lòng bình an lắm khi biết rằng chờ đợi và cuối cùng mùa Xuân đã về, mùa được cho là mùa của tình yêu và sức sống, để biết cuộc sống đẹp hơn và ngọt ngào hơn, đơn giản thế thôi.

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

CÁI TẾT CUỐI CÙNG

TÔN-THẤT LONG - SUNDAY, JANUARY 24, 2016


Lẹ thật mới đó mà đã sắp được 41 cái Tết từ sau cái Tết cuối cùng, năm đó Tết vừa xong là mọi người dân Đà Lạt chộn rộn hẳn lên. Tin chiến sự tràn lan khắp mọi miền, nụ cười đã trở nên hiếm hoi, nỗi hoang mang và lo sợ vì chiến tranh đã thật sự đến cận kề chứ không còn trên TV nữa đã hiển hiện rõ trên từng khuôn mặt của mọi người. Người dân Đà Lạt đã bàn tính chuyện lo di tản chạy về xuôi, xuống Phan Rang, Nha Trang hay về Sài Gòn, miền Tây. Người có thân nhân dưới xuôi hay không có đều bỏ ra đi, ra đi vì một nỗi lo sợ mơ hồ nào đó.

Cái nỗi lo sơ mơ hồ như một căn bịnh di truyền lây lan từ gia đình này sang gia đình kia, từ người này sang người kia nhưng với tụi trẻ bọn tôi vẫn còn hồn nhiên ngây ngô ngày ngày đến trường vui chơi vô tự lự. Cho đến một ngày kia, lớp học đang học giữa chừng thì từng phụ huynh đến đón con xin cho ra về sớm và tôi cũng là một trong những đứa trẻ đó.

Cuộc di tản tự phát đã bắt đầu, tất cả các con đường đổ về xuôi đều đông nghẹt người và xe cộ, dòng người lũ lượt đổ ra không ngớt, tất cả trông dáng đều mệt mõi và chán nãn. Một thành phố chết đúng nghĩa, bỏ lại tất cả, bỏ lại tất cả những gì bao nhiêu năm đổ mồ hôi công sức gom góp, cuộc di tản vật vờ vô định chẳng biết người sẽ đi về đâu. Tương lai đúng là vô định.

Xuân cuối cùng về tiếng đạn bom được thay thế cho tiếng pháo nổ. Xe tăng xích sắt trên đường phố thay cho xe hoa phủ cờ mừng đón xuân. Thành phố sau Xuân đã đổi chủ và mất đi cái linh hồn của nó trước cơn bão của cuộc đời. Một chuẩn mực đạo đức mới lên ngôi, một lối sống mới ra đời và những chủ nhân mới lên ngai.

Xuân cuối cùng đã thay đổi định mệnh của rất nhiều người, có những người con Đà Lạt ra đi và chẳng bao giờ quay trở về lại thành phố ngàn thông một lần, có những người con quay về để rồi lại ra đi mãi mãi. Có những gia đình đây là Xuân cuối cùng sum họp trước khi chia đàn xẻ nghé. Xuân về “Ly Rượu Mừng” đã không được cất lên tiếng hát vang đã 41 năm rồi mà chỉ dám hát thì thầm

“Kìa nơi xa xa có bà mẹ già,
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa”.

Thấm thoát thế mà đã gần trên 41 năm trôi qua chuyện xảy ra từ sau cái Tết cuối cùng, nhanh thật, thời gian trôi qua nhanh thật nhưng lại cứ ngỡ như là giấc chiêm bao của ngày hôm qua.

“Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới”

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Đàn chim trong thành phố

Đàn chim trong thành phố

Disney on Ice - Frozen

Disney on Ice - Frozen
Disney on Ice - Frozen

Disney on Ice - Frozen

TẢN MẠN CHUYỆN TẾT XƯA

TÔN-THẤT LONG·SATURDAY, JANUARY 23, 2016


Image from internet



Còn một tuần nữa là đến ngày đưa ông Táo về trời, bên này không có một chút không khí và mùi vị nào của Tết sắp đến ở cái xứ trời Tây này, bên miền Đông chắc còn tệ hơn vì đang bị cơn bão tuyết ngập trời. Bên miền Tây thì bầu trời xám xít và mây đen vần vũ, một ngày như mọi ngày, buồn thỉu buồn thiu à. Ngồi nhìn trời lại nhớ đến Tết năm xưa.
Nói thật, sao tôi chẳng còn có một chút ký ức nào về những năm Tết trước 75 mà toàn nhớ về những năm Tết xưa sau 75. Nó mang lại cho tôi một ký ức tồi tệ nhưng lại theo đuổi tôi suốt, cuộc sống thật khó khăn, thời ăn cơm gạo trắng nước trong với thịt cá là một điều xa xỉ đối với mọi người dân thời đó. Cơm độn là chuyện thường ngày ở huyện, nào thì cơm độn khoai mì, cơm độn khoai lang, cơm độn bắp, rồi sang ăn bo bo thay cơm. Sau bo bo là đến bột mì thì phải nghĩ ra đủ kiểu, đủ cách để ăn cho khỏi ngán. Thế là làm bánh mì, bánh bao, bánh tiêu, bánh pateso, bánh canh, bánh hấp ... cho đến bánh gateaux, gà tồ cũng làm tất tần tật. Nhưng mà tôi không có làm chi hết mà chỉ thưởng thức thôi, còn người làm là những phụ nữ trong gia đình tôi. Cái "Công dụng ngôn hạnh" của phái nữ thời xưa được đem ra sử dụng tối đa mà không cần ai chỉ vẽ hay học hỏi.
Nhà nào có người làm công nhân viên nhà nước thì còn được mua hàng nhu yếu phẩm và thêm chút đường, thịt cộng mỡ cho ba ngày Tết đủ các chất vị béo, ngọt. Nhà tôi lại là thấp hơn phó thường dân một cấp cho nên không được đụng một chút thừa nào của nhu yếu phẩm chứ ở đó mà nằm mơ mua được nó.

Những năm đó, Tết là một nỗi khổ cho người lớn nhưng là niềm vui cho lũ trẻ tụi tôi, thời đó Tết đem đến cho nhiều gia đình những lo âu và sầu muộn, nhưng trong ba ngày Tết cũng phải ráng lo chu toàn tươm tất trong nhà, ngoài ngõ. Gia đình thân quyến bạn bè chòm xóm quyến thuộc vẫn thay nhau đi chào hỏi, chúc phúc và chia xẻ mời mọc những gì mà mình có thể mang ra mời. Giờ đây không còn cái vụ mà đứng trong nhà mình nói với sang nhà hàng xóm để chúc Tết.

Nói tới cái vụ khoai lang, thật sự thì ai nghe nói đến vụ ăn độn khoai lang là rùng mình rỡn tóc gáy vào thời đó, nhưng sao tôi lại nhớ đến và thích cái vụ ăn khoai lang dẻo ba ngày Tết. Hông biết ở đâu thì khoai lang ra sao và khoai lang dẻo từ đâu mà tới, chứ riêng tôi thì nghĩ khoai lang dẻo là từ thời đó mà ra.



Khoai Lang Dẽo

Thật tình tôi không biết và không nhớ ngày Tết trước 75 có nó chưa, nhưng tôi chỉ nhớ sau 75 nó là một món mứt quen thuộc dọn ra mời khách của dân Đà Lạt trong ba ngày Tết bên cạnh các món mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa, hạt dưa ... Miếng khoai lang dẻo vàng bóng mượt mà, ăn vào nó ngọt đến tận cổ. Chắc ai trong đời cũng đã từng thử qua, ăn qua món kẹo dẻo ra sao thì ăn khoai lang dẻo Đà Lạt nó như vậy đó, miếng khoai lang nó dẻo quẹo, miệng tóp tép nhai cái dai dai, bùi bùi, ngọt lịm cả miệng của miếng khoai lang. Như ai từng nói "khoai lang dẻo mềm như môi em ngọt." Ai mà đeo răng giả thì đố mà dám thử vì nó có thể lôi nguyên hàm răng giả ra luôn, còn ai răng thật thì chắc cũng cần phải có tăm xỉa răng sau khi dùng qua món này. Bây giờ nghe nói khoai lang dẻo trở thành một đặc sản của Đà Lạt mà hình như ai lên Đà Lạt khi về cũng có 1 bịch trong túi xách làm quà biếu bà con.

Ăn món này mà còn nhấp thêm ngụm trà thì vị đắng của trà càng làm ngọt thêm vị ngọt của món khoai lang dẻo này. Mùi vị thơm thơm của khoai lang và mùi trà quyện vào nhau làm nó càng đậm hương vị ngày Tết. Không biết thời nay khoai lang dẻo có còn là món đãi khách như Tết ngày xưa nữa không. Nhớ ơi là nhớ Tết xưa.

Lại nhớ lúc còn nhỏ, cứ nghĩ đến Tết là nghĩ đến việc sắp được nghĩ học, sắp được mặc đồ mới, sắp được lì xì.

Ba ngày Tết thì thích nhất là đêm 30 và sáng mùng một, đêm 30 từ khoãng 11 giờ đêm là nằm nghe tiếng pháo đì đùng từ xa vọng lại, đến đúng 12 giờ đêm được giao nhiệm vụ ra đốt phong pháo đêm giao thừa, việc mà tôi chuẩn bị cả tuần lễ trước đó, chọn phong pháo Điện Quang thiệt to, chắc và khỏe, xem đít từng viên pháo để đảm bảo chắc chắn là pháo sẽ nổ mà không bị lép viên nào.

Tôi thích nhất là được ngửi mùi pháo và nghe tiếng pháo nổ, nó không có cảm giác nổ chát chúa mà như là một bản nhạc với một âm vực duy nhất là to đều và giòn tan. Đốt xong phong pháo giao thừa, lên giường lắng nghe tiếng pháo nổ lúc xa lúc gần, lúc cận kề, lúc văng vẵng và thiếp đi trong giấc mộng xuân về.

Sáng mồng một, xuống giường lại được giao nhiệm vụ đốt phong pháo lấy hên đầu năm, mặc quần áo mới, chúc tết và lãnh tiền lì xì đầu năm.

Qua rồi cái thời ngày đó, đã mấy chục năm rồi không còn ngửi mùi thuốc pháo, nghe tiếng pháo nổ, cái mà tôi cảm giác thiếu nó thì không phải là Tết đối với tôi. Nhớ ơi là nhớ Tết xưa.

CÔNG TRÁI VÀ TỜ BẠC CHẾT TIỆC

TÔN-THẤT LONG - SATURDAY, JANUARY 23, 2016

Tính ra ai đã từng sống ở Việt Nam vào những năm 75-85 chắc cũng phải trải qua ít nhất 2-3 lần đổi tiền, nếu tính cho đủ phải là 3 lần đổi tiền tổng cộng ( 22/09/1975 , 02/05/ 1978 và 14/9/1985).

Nhưng có một điều quá ư là đặc biệt mà trên thế giới này có lẽ Guiness World Records nên tặng cho Ngân Hàng Việt Nam về kỷ lục đồng tiền với con số đặc biệt, ngoài ra các nước trên thế giới cũng nên cấp bằng sáng chế về đồng tiền này.

Hoặc trong các câu chuyện kỳ lạ về tiền của các nước thì tờ bạc 30 đồng Việt Nam phải đáng xếp hàng đầu trong danh mục.

Đó là vào năm 1981 và năm 1985 Ngân hàng nhà nước Việt nam phát hành trên toàn quốc tờ giấy bạc 30 đồng.

Sự phiền toái của tờ giấy bạc 30 đồng gây ra khi lưu thông, quả nhiên nó không thể tồn tại được.

Và Ngân hàng nhà nước đã phải thu hồi lại tờ giấy bạc chỉ sau một thời gian ngắn ngủi được lưu hành mà không giải thích lý do cũng như thông báo cho dân chúng biết. Nó mang dấu ấn của một nền kinh tế bao cấp, bao quyền lãnh đạo tập thể, mà không một vị cán bộ, viên chức cá nhân cấp cao nào của Chính phủ chịu trách nhiệm về sự lãng phí, thiếu nghiên cứu để in ra loại tiền 30 đồng này.



Tờ giấy bạc 30 đồng

Một trong những câu chuyện phiền toái của đồng bạc này gây ra qua mà chính nhân viên ngân hàng nhà nước cũng phải chào thua qua câu chuyện mà bản thân tôi là người trong cuộc biết được.

Chắc các anh chị còn nhớ trong thập niên 80, cả nước phát động phong trào mua công trái. Lại bổn củ soạn lại, thành phố khoán phường, phường khoán khóm, khóm khoán tổ, tổ lại tổ chức học tập và vận động, nói chung là các bác nhà ta làm việc rất có quy củ và kỷ luật. Tình hình diễn ra lúc đó là toàn thành phố, các phường khóm, ấp xã thì đều như nhau, giống y như tờ giấy carbon lúc xưa người ta hay dùng để in roneo vậy đó. Ở bên trái đã vậy thì bên phải cũng giống y chang. Sau đó các tổ trưởng các tổ dân phố đã đi từng nhà, không nài ép thì cũng năn nỉ để bà con góp tiền mua công trái để cho đủ hạn ngạch quy định.

Đây cũng là thời gian tôi làm việc lâu nhất với nhóm vận động bán công trái trong gần 2 tháng trời. Sau vụ đào Hồ Xuân Hương cực quá, tôi trốn về Sài Gòn một thời gian thì họ kiểm tra hộ khẩu, nói rằng tôi đã đi vượt biên mặc dù lúc đó tôi đang làm việc tại Sài Gòn, chẳng qua cái tội đi lâu mà không thèm nể mặt anh công an khu vực đó mà, thế là phải khăn gói lên lại Đà Lạt ở một thời gian cho tình hình lắng dịu. Chưa qua khỏi ải gian truân của vụ làm công quả, lần này họ bắt tôi ngày ngày phải lên phường, ngồi đó chờ bà con đến mua công trái thì bán. Nói cho ra vẻ ta đây thôi chứ tôi mà được bán cái mốc xì gì.

Trong nhóm này có 1 chị trên Ngân Hàng được phái về làm chung, 1 chị sồn sồn là do đảng ủy địa phương chỉ đạo ra lãnh đạo tụi tôi hai người, một là thường dân là chị làm trên Ngân Hàng và 1 phó thường dân là tôi. Chị làm trên Ngân Hàng có nhiệm vụ là đếm tiền và chiều đến thì đem tiền về nộp cho Ngân Hàng và vô sổ sách. Còn tôi có nhiệm vụ là ngồi đó viết biên lai nhưng đặc biệt không được đụng tiền. Còn chị đảng ủy viên có nhiệm vụ lãnh đạo, nhưng chị ấy không làm gì cả mà chỉ lo xuống bếp sau nhà nấu cơm và lo giặt đồ cho chồng cho con, gia đình chị ở ngay phía đối diện với Ủy Ban Nhân Dân Phường mà. Gần xẹt à, băng qua đường là tới nhà rồi, cần gì thì tôi chỉ chạy qua kêu là 5 phút sau chị có mặt.

Tôi phải nói là chính quyền thật sáng suốt, cái gì mà thuộc về nhân dân là có vụ chia năm xẻ bảy cho nhân dân cùng hưởng. Mấy cái village Pháp tuyệt đẹp mà các anh chị sống ở Đà Lạt chắc đều biết trên con đường Quang Trung và Nguyễn Du trước kia phải là ông này bà nọ, không tướng thì tá hoặc dân có máu mặt mới dám ở. Sau 75 các căn village đó được phân chia đều cho cán bộ ở, phía trước họ là văn phòng của phường của tỉnh, còn chịu khó đi ra phía sau sẽ thấy ít nhất 3 hộ gia đình chia ra ở và được tăng gia thoải mái, gà vịt được tự do chạy rông, heo thì lịch sự hơn được nhốt trong chuồng nhưng nêú ai vô tình đi ra phía sau mà quên khép cửa hông lại thì ôi thôi, tôi xin lỗi, cái mùi độc nhất vô nhị này làm quý vị có thể vài ba ngày vẫn còn nghĩ đến đấy.

Nói chung là bán sức làm công quả mà không hưởng được đồng lương nào, trưa đạp xe về nhà ăn cơm trưa, xong rồi đạp xe quay lại ngồi xuống cái bàn đặt trước Ủy Ban Phường làm ôn thần giữ cửa, ai vô xin giấy tờ hay có công việc gì thì lại tưởng mình là nhân viên gác cổng hỏi này hỏi nọ, mà mình thì có biết chi mô tê. Mở miệng ra là chỉ một câu "Dạ anh, dạ chị có mua công trái hông?" Một cái liếc, một cái ngoáy, quay mông đi thẳng, cái thằng này dzô duyên, người ta đi làm giấy tờ lại hỏi mua công trái. Còn mình thì nghĩ thầm trong bụng, cái ông cái bà này sao mà bất lịch sự thế không biết, có mua hay không thì trả lời một tiếng thôi mà, cái gì mà nguýt với háy.

Cứ cách vài ba ngày là tụi tôi được giao nhiệm vụ đi các khu vực xa như là Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ để bán trái phiếu. Thời đó làm gì có vụ xe cơ quan hay xe công sở chở đi công tác cho oai, nó chỉ có đúng một loại xe thôi đó là xe đạp và xe cũng của mình chứ không có ai phát cho mà đi. Đường đi thì xa, 2 chị em thì đạp xe đi mà cứ nói hy vọng xuống họ sẽ cho một bữa ăn, cơm ngô khoai bắp gì cũng được chứ bán xong rồi còn sức đâu mà đạp xe về nhà ăn cơm. Nhưng nói thật, lần nào đi cũng được một bữa ăn, không thịnh soạn nhưng cũng rau cải mắm muối đầy đủ. Dân vùng quê dù gì cũng chí tình và thật thà thoải mái hơn dân thành phố ở cái điểm này.

Ít gì thi mình cũng là dân thành phố, hông biết sao mà lúc đó cứ cho Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ là nhà quê hông à, mà thật, vô tới nơi mới thấy người dân làm vườn thật lam lũ, vậy mà họ chịu mua công trái hơn là dân thành phố. Chính vì bán được nên càng về sau từ 3,4 ngày thành ra 1,2 ngày đi. Cái gì cũng có mức của nó, thời gian đầu bán được khá nhiều, rồi dần dần bà con mua ít đi. Tiền thì lúc đầu là tiền trăm tiền ngàn, sau thành tiền chục tiền lẽ. Tôi thì không sao, chỉ tội cái chị bên Ngân Hàng, suốt ngày cứ sa sả mà rủa
"Mả cha cái thằng chết tiệc, ngu chi mà ngu thể, chể chi mà chể cái đồng tiền đoản hậu rứa, mi làm thế làm răng mà tau bỏ xếp vô cho nó chẳn hè".

Lúc đầu mình cũng chẳng hiểu chuyện gì mà chị phàn nàn, lại thêm chị nói giọng Huế rất nặng làm mình phải lắng tai mà nghe, sau rồi cũng hiểu. Số là ngân hàng yêu cầu chị phải xếp từng loại tiền riêng biệt thành từng nhóm 5$, 10$, 20$, 100$...và mỗi xấp thành 1000$ tổng cộng. Nếu có 2 tờ 500$ thì thành 1000$, 10 tờ 100$ thành 1000$, còn lại tiền 5$, 10$...cộng chung lại cũng là số chẵn. Chỉ riêng có tờ bạc 30$ thì chị làm cách nào cũng không thành 1000$ hay chẵn được theo đúng cái quy định của Ngân Hàng đã đưa ra. Ôi cái tờ bạc 30 đồng chết tiệc.

Thời đó, dù muốn dù không thì nhà nhà ít nhất cũng mua vài ba tấm công trái được quy đổi ra là lúa gạo, nhưng rồi không biết sau bao nhiêu năm đã có ai nhận lại số tiền quy đổi đó hay không thì có lẽ trời biết đất biết.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NHỮNG CÁI ĐẦU TIÊN



TÔN-THẤT LONG · THURSDAY, JANUARY 21, 2016

Những ngày cuối tháng 6, San Francisco đang vào đầu mùa hè nhưng với hắn thì cái nhiệt độ này như đang giữa mùa đông chứ mùa hè gì. Nhiệt độ dao động từ 12-19 oC của San Francisco được cho là mát mẽ với dân bản xứ nhưng lại quá lạnh đối với người từ Việt Nam mới sang như hắn là đúng rồi. Đã vậy phi trường lại còn nằm sát biển nên nhìn mù sương, mang cái lạnh của gió biển lùa vào càng thêm lạnh lẽo hơn nữa.


Mặc dù hắn được sinh ra và lớn lên ở cái xứ được mệnh danh là miền xứ lạnh của Việt Nam nhưng so với cái lạnh ôn đới nó hoàn toàn hơn hẳn một cấp độ so với cái lạnh của thành phố Đà Lạt là nơi mà hắn sinh ra rồi hắn rời ra đi. Trong lúc chờ đợi những nhân viên thiện nguyện lo giấy tờ để chuyển chuyến bay về San Diego, hắn và mấy chị em hắn đi lòng vòng trong khu chờ đợi. Cái gì cũng lạ, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng mới mẽ đối với hắn . Chị em hắn đã phải từ bỏ các cố gắng để gọi điện thoại báo cho chị hắn ở San Diego là gia đình hắn cuối cùng cũng đã đến Mỹ bình an, bằng mọi cách nhưng vẫn không thể nào gọi cho chị hắn được. Để rồi cuối cùng khi về đến nhà chị hắn mới khám phá ra một điều thật đơn giản là khi muốn gọi đường dài cần phải bấm thêm cái số 1 đằng trước, nhưng rất tiếc là khi biết được điều đó thì đã quá muộn màng.


Tính ra chỉ trong vòng có 3 tuần lễ mà hắn đã đi qua đến 3 phi trường rồi, từ Bangkok của Thailand đến Narita của Nhật Bản, rồi đến San Francisco của Mỹ, kết thúc cái thứ tư sẽ là San Diego. Mỗi nơi có mỗi vẽ khác nhau, thật khó cho hắn cái cảm nhận nơi nào hơn nơi nào, tuy nhiên một điều hắn thấy rõ là phi trường Tân Sơn Nhất như là cái chợ làng so với những phi trường mà hắn từng đi qua mới đây. Cái cảm giác tự ti dân tộc và chút cay đắng khi nghĩ đã có một thời Tân Sơn Nhất từng là cửa ngõ của vùng Đông Nam Á chứ không phải là Bangkok hay Changi giờ đây. Ba hắn còn nói khi xưa phi trường Changi của Singapore những năm 60-70 còn tệ hơn nữa vì chỉ là một đường băng nằm trong một vùng đất trũng đầy sình lầy xung quanh, nghe nói phi trường Changi của Singapore giờ là số 1 của Đông Nam Á. Chỉ có hơn chục năm mà Việt Nam đã tụt hậu đi vài chục năm so với các quốc gia trong vùng, không biết đến khi nào mới vực lại được đây.


San Diego đã hơn 6-7 giờ chiều nhưng bầu trời còn sáng trưng, mặt trời và nắng vẫn còn trên đỉnh đầu chẳng giống như những gì hắn tưởng tượng cảnh phố xá lên đèn ở Sài Gòn hay Bangkok. Chẳng thấy bóng dáng ngọn đèn đường ngọn tỏ ngọn lu nào cả, xe và xe với các cây cọ vươn cao vút thẳng lên trên nền trời trong xanh thẳm hai bên đường, biển một bên và hắn một bên. Các du thuyền đã về bến đậu đầy mà hắn chỉ có dịp được nhìn ngắm nhìn qua các card poster giờ đã là hiện thực hiển hiện ra trước mắt hắn.


Các anh chị và các cháu đón gia đình hắn với một bàn dài đầy thức ăn, món uống. Những thứ thức ăn Ta, Tây, Tàu mà hình như lâu lắm hắn chỉ biết đến trong mơ hay qua các tạp chí xưa còn sót lại bên Việt Nam. Nhưng với hắn, hắn không nghĩ nhiều về những món ăn đang bày biện trên bàn sau bao nhiêu bữa ăn nhanh, lạnh và lạ từ Nhật sang Mỹ. Hắn chỉ thèm cơm, chén cơm nóng hổi với món cá kho tộ, nồi thịt kho hay tô canh rau, rất tiếc đó không phải là những thức ăn thịnh soạn đang được bày biện và mời mọc trên bàn.


Nghĩ ngơi được vài ba ngày, chị hắn đem về một xấp giấy tờ và kêu điền đi rồi chị chỉ trường cho xin đi học thêm tiếng Anh. Nghe nói được đi học là hắn và các chị em hắn hăm hở lắm, nằm nhà chán quá rồi, giờ được ra ngoài là điều thật thú vị. Lấy quyển tự điển ra mày mò dịch từng chữ một và điền cái đơn sau mấy giờ với tràn đầy hy vọng cũng như ước mơ là sẽ nghe và nói được “tiếng Anh như gió”. Đến ngày bà chị chở mấy chị em hắn đến trường Đại Học Cộng Đồng (College) gần nhà, chỉ cho cái văn phòng rồi quay xe ra đi làm để mấy chị em tự lo liệu tiếp. Loay hoay hỏi đường và cuối cùng cũng tìm được ra cái văn phòng, đưa xấp đơn xong tụi hắn đứng chờ.


Một người phụ nữ Mỹ da đen cao trên 1m8 bước ra gọi tên từng người trong gia đình hắn, lần đầu tiên hắn thấy một người phụ nữ da đen nhưng vóc dáng thật chuẩn như người mẫu, gương mặt đẹp và mũi cao như người Mỹ da trắng, nói giọng rất nhỏ nhẹ. Nghĩ lẹ trong đầu, cô này tuy đen nhưng chắc có lai chứ làm sao mà mũi mắt là của người da trắng. Cô ta dẫn chị em hắn vào một căn phòng, chỉ cho mỗi người ngồi vào một chiếc bàn đi kèm với ghế được gắn liền nhau. Mỗi bàn cách nhau thật khá xa, trên mỗi bàn là một cây viết chì, một xấp giấy với những câu hỏi với những khoanh tròn phía dưới. Ngớ ngẫn chị em hắn nhìn nhau chẳng hiểu là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và phải làm gì với xấp giấy này. Cô gái vẫn tiếp tục dẫn một vài người Mỹ nữa vào phòng và chỉ các chổ ngồi. Xong xuôi đâu đó thì cô ta nói một tràng tiếng Anh với mọi người mà với hắn là âm thanh ngọt ngào trầm bỗng lên xuống mà hắn ước gì hắn có thể nói và hiểu được những điều cô ấy đang nói, tuy nhiên thực tế phủ phàng là những gì hắn nghe được chỉ từ lỗ tai này chạy sang lỗ tai kia hay như người ta còn gọi là “Nước đổ đầu vịt” nó trượt trôi tuồn tuột đi đâu mất mà hắn không hiểu và chẳng có cách nào có thể giữ lại được “một chút gì để thương để nhớ”.


Mọi người đều im lặng, tiếng lật giấy và tiếng viết chì viết sột soạt trên giấy, chỉ còn lại 4 anh chị em hắn nhìn nhau và chẳng làm gì cả. Cô gái tiến lại từng người và ghé tai nói nhỏ, với hắn cô cũng làm vậy. Tiếng cô thật êm ái cứ như là người tình nhân nói bên tai, rất tiếc hắn chẳng hiểu những gì cô ta vừa nói với hắn. Cứ như thế, cô vẫn kiên nhẫn đi đến từng thành viên trong gia đình hắn và nhỏ nhẹ nói vào tai nhưng bù lại chỉ là những khuôn mặt nghệch ra và cười cười, với cái vốn tiếng Anh chỉ vừa đủ để nói “ok”, “thank you” và “yes/no” thì chị em hắn chỉ có thể làm đến đó mà thôi khi không được nói thì chỉ còn một cách là cười và nhoẻn miệng cười. Cuối giờ cô ta thu tất cả lại, nói một tràng dài rồi rời phòng. Hắn nhấp nhõm muốn đứng lên nhưng thấy mọi người vẫn yên lặng và ngồi yên nên hắn đành phải kiên nhẫn và ngồi yên vị tại chỗ. Khoãng chừng nữa tiếng sau cô ta quay lại cũng với xấp giấy trên tay cùng với một cô gái Á Châu trông giống Việt Nam như tụi hắn.


Kêu tên từng người và đưa cho mỗi người một tờ giấy, ai có tờ giấy được phát cho thì rời đi, riêng chị em hắn vẫn chưa thấy được gọi tên. Cuối cùng chỉ còn lại 4 chị em hắn và không ai có tờ giấy nào cả. Cô gái Mỹ da đen nói một tràng tiếng Anh với cô gái Á Châu, cô gái Á Châu nghe xong và quay sang chị em hắn nói bằng tiếng Việt rằng kết quả Placement Test để xin đi học College của chị em hắn không đạt nên không thể xếp lớp cho tụi hắn. Ngỡ ngàng, chị em tụi hắn nói chỉ xin đi học ESL học thêm tiếng Anh chứ không có ý định đi học College ngay lúc đó. Té ra từ đầu đến cuối chị em hắn đã đi lộn văn phòng vào nơi xin đi học College chứ không phải là nơi xin đi học thêm tiếng Anh miễn phí. Thật ra lỗi cũng là bà chị đầu đã xớn xác lấy nhầm mấy lá đơn thì đúng hơn.


Hai năm sau, thật tình cờ người phụ nữ Mỹ da đen đó giờ đây lại chính là đồng nghiệp làm chung với hắn. Khi gặp lại nhau cả hai bên đều nhận ra nhau, cả hai cùng kể cho nhau nghe cái sự tích cô ta nói nhỏ bên tai hắn và hắn luôn nhoẽn miệng cười tình với cô ta rồi cả hai cùng cười vang. Những cái đầu tiên là những gì mà hắn luôn nhớ mãi và sẽ đi suốt cùng với hắn cho đến hết cuộc đời. Những cái ngượng nghịu, những cái ngớ ngẫn, những nụ cười, những hình ảnh mới mẽ mà những ai chân ước chân ráo đến một đất nước xa lạ đều luôn gặp phải và trãi qua. Một trãi nghiệm thật khó quên trong đời.

GIỌT NƯỚC MẮT CHO QUÊ HƯƠNG



TÔN-THẤT LONG · THURSDAY, DECEMBER 10, 2015

Trịnh Công Sơn khi viết bài hát “Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương”, ông có thật sự khóc hay cảm giác ra sao? Nhưng khi nghe bài hát này giờ đây có cảm giác như những dòng nước mắt đang chảy ngược, nó đang chảy vào trong con tim buốt giá. Lời bài hát nó không chỉ đúng vào thời điểm đó mà cả đến sau này.

Giọt nước mắt thương con, con ngủ me mừng
Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong

Dân Việt ta thân phận long đong thật, nó long đong như chưa từng bao giờ hết long đong. Dân Việt bao nhiêu năm qua vẫn khóc như chưa từng bao giờ ngừng khóc. Tiếng khóc từ ngày chào đời cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Than ôi những giọt nước mắt chảy trên mảnh đất khô cằn nhưng thấm đậm mồ hôi hòa lẫn nước mắt trong đó. Cuộc sống thật nhục nhằn nhưng chẳng bao giờ được no ấm qua nhiều thế hệ bởi những đấu đá chính trị và chiến tranh trên mảnh đất quê hương.

Người dân gồng mình bương chải trên mảnh đất cằn cổi nhưng với thân phận bọt bèo, chẳng bao giờ nếm được quả ngọt ngào mà chỉ nhìn thấy những quả đắng, trắng tay vẫn hoàn tay trắng. Yêu thương và gắn bó nhưng rồi phải gạt nước mắt chia tay với mảnh đất cha ông để lại, xa sông, vắng con đò nhỏ và mảnh vườn thân thương để ra đi.
Hình như chưa có nổi đau nào người dân Việt chưa từng nếm và trãi qua. Chưa từng có một đất nước nào mà chiến tranh thì mất mát mà hòa bình thì mang lại nổi đau khác của những bi kịch, những bất công, những đớn đau mà nước mắt không bao giờ có thể xóa dịu được trong tâm hồn.

Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương anh, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man.

Ngày xưa khi còn chiến tranh, nước mắt người dân Việt không chảy xuôi mà chảy ngược. Người tóc bạc tiễn người tóc xanh, nước mắt già khô khóc cho con trẻ. Giờ đây ngay cả trong thời bình cũng vẫn không thoát khỏi những mất mát tang thương, người dân khóc cho thân phận nhỏ nhoi của mình. Những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má mãi chưa biết đến bao giờ mới dứt đây.

Nước mắt đã chảy hòa lẫn máu của những người con Việt Nam đã hy sinh trên quê hương Việt Nam này bất kể họ từng chiến đấu cho phe nào. Cho dù ai chiến thắng thì bên nào cũng đều rơi nước mắt vì những vết thương, những đớn đau còn đọng lại sau chiến tranh. Những ai đã từng sống qua và lớn lên ở hai xã hội mới cảm thấy thấm thía những lời của bài hát này. Nó đúng từng lời, nó như những giọt nước mắt mặn chà xát vào vết thương lòng người nghe.

Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương

Có những giọt nước mắt của những người con xa xứ ra đi luôn nhớ về kỷ niệm và dĩ vãng ngày xưa. Chợt nhớ về những con đường đất quê xưa và lầy lội, những quán cóc, những ngõ hẻm, những gánh hàng rong trưa hè và ngày mưa bão cùng với những giọt mắt rơi bỏ lại.

Người ra đi để lại một tâm hồn tả tơi, một nghịch lý về quê hương từng biết đến không giống như chùm khế ngọt vẫn hằng mong tưởng. Và nước mắt vẫn còn tiếp tục rơi cho đến bao giờ chỉ vì một tương lai tăm tối của quê hương vẫn còn ở lại phía sau lưng.

NHỮNG MÙA ĐÔNG ĐI QUA



TÔN-THẤT LONG·FRIDAY, DECEMBER 25, 2015

Đã có biết bao mùa đông đã đi qua trong đời, có những mùa đông thật đáng nhớ và có những mùa đông thật vô vị. Có những mùa đông chỉ muốn kéo dài vô tận và có những mùa đông chỉ mong nó đi qua cho mau.

Năm xưa khi đến Mỹ, mùa đông năm đầu tiên tôi được mời tới nhà dự Noel và ăn reveillon ở nhà ông chủ tiệm Thuỵ Sĩ, ai là dân sống lâu ở Đà Lạt chắc sẽ nhớ đến tiệm này trên khu phố Hoà Bình chuyên mua bán và sửa đồng hồ mang tên xứ sở chế tạo đồng hồ nổi tiếng nhất trên thế giới. Đó cũng là mùa đông đầu tiên tôi dự lễ Noel với người Đà Lạt xa xứ. Cảm giác bỡ ngỡ và lạc lõng dù mọi người trong nhà đều cố gắng làm cho tôi vui và mang đến cảm giác thân tình như người trong nhà.

Những món quà tuy nhỏ nhưng thân tình, những lời chúc và những cái bắt tay. Nó làm cho tôi cảm giác bớt cô đơn và lạc lõng trong không khí Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ.
Mùa đông đầu tiên ở nước Mỹ khoát cái không khí lạnh bên ngoài nhưng lại mang cái ấm áp tình người bên trong thật khó quên.

Thật sự lúc còn ở Việt Nam tôi cũng chưa từng tham dự bất cứ một lễ Giáng Sinh nào ngoài một lần đúng đêm Noel đi đến trước bức tượng Chúa với má tôi ở nhà thờ con Gà để cầu mong cho ba tôi mau chóng thoát khỏi ngục tù về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhập gia tuỳ tục, giờ đây tôi ăn mừng lễ Noel và tết Tây là chính và không còn ăn mừng tết Ta ngoài việc cúng quẩy rồi thăm hỏi và chúc mừng nhau qua điện thoại hay Facebook.

Qua mùa đông đầu tiên, những mùa đông kế tiếp là những mùa đông bận rộn mua sắm quà tặng, trang hoàng cây Noel và hưởng những ngày nghĩ lễ dài nhất trong năm.

Có những mùa đông tôi đi sắm sửa sớm và có những mùa đông tôi chờ tới ngày cuối cùng tiệm hay shopping sắp đóng cửa rồi mới đi.

Nhớ năm đầu tiên đi làm tôi gặp phải ông boss kỳ lạ. Mỗi lần ông mở miệng trong buổi họp là ông nói cả tiếng chưa dứt và khi ông im lặng thì cả ngày cũng không thèm lên tiếng. Phòng tôi làm đối diện với ông, ngày cuối cùng trong năm cả tôi và ông đều im lặng. Cuối ngày trước khi tôi ra về ông đến phòng tôi bắt tay nhưng cũng không nói gì, một ông già độc thân sống một mình chỉ biết việc và làm việc. Tôi biết ông sẽ ở lại trong văn phòng một mình cho qua đêm Christmas Eve. Trước khi rời đi, tôi pha hai ly cà phê cho tôi và cho ông, ông ngó tôi nhìn đăm đăm, nâng ly lên chiêu một ngụm cà phê nóng nhưng cũng không nói gì thêm. Không hiểu ông đã nghĩ cái gì trong lúc đó. Một ông già kỳ lạ mà đến giờ tôi vẫn nhớ mãi đến ông.
Có một mùa đông tôi bay trên chuyến bay nữa đêm, trên máy bay người ta mở nhạc Giáng Sinh và chúc mừng nhau bằng ly cacao nóng hổi. Người không biết nhau vẫn trao nhau những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Có mùa đông tôi xa nhà bay sang Washington DC và New York để tìm tuyết và hứng cái lạnh băng giá của mùa đông xứ Đông Bắc Mỹ.

Năm đó tôi tham gia buổi họp mặt các cựu chiến binh ở Washington DC để gây quỹ cho các TPB bên nhà, những bài hát về Giáng Sinh của Việt Nam mà đã rất lâu tôi mới được nghe lại cất lên khi ngoài trời mưa gió và tuyết rơi mịt mùng.

Mùa đông đó tôi đã đến đứng trước bức tường đá đen Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam khắc tên chi chít những người lính Mỹ tử trận hay mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Dù kích thước của Đài Tưởng Niệm khá khiêm tốn so với những đài tưởng niệm khác xung quanh Washington DC nhưng tầm ảnh hưởng của nó thì lớn rộng, nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai tôi, mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và người Việt về cách suy nghĩ và ảnh hưởng của chiến tranh đến tận bây giờ. Đến đây, dường như cảm thấy cuộc sống như dừng lại, những bước chân của mọi người đều chậm lại, nhẹ nhàng và lặng lẽ hơn. Tưởng niệm cuộc chiến đã chấm dứt 40 năm trôi qua nhưng hình như cảm giác về nỗi đau và những mất mát vẫn còn hiển hiện xung quanh ta.

Cũng mùa đông năm đó tôi đã đến New York, ngay tại chổ hai toà nhà World Trade Center giờ đây chỉ còn là một cái hố sâu thăm thẳm bị đào xới lên cùng với sắt thép. Bao chung quanh là hàng rào kẽm với những cành hoa, vòng hoa treo lên trên bởi người viếng thăm hoặc thân nhân của người đã mất. Dòng người đứng xung quanh nhìn hố sâu mà trầm mặc, lại nghĩ đến người thân và những người đã mất vì tai hoạ giáng xuống đầu. Nếu không có chuyện 9/11 xảy ra thì giờ đây họ đang quây quần bên gia đình hưởng trọn niềm vui của một mùa lễ an lành. Dòng người lặng lẽ với mỗi người một tâm trạng và cầu mong thế giới luôn an lành, hoà bình. Chiến tranh và xung đột vì những lợi ích cá nhân hay ý thức hệ chỉ đem lại chết chóc và đau thương.

Có mùa đông tôi cùng gia đình lái xe đi dọc bờ biển Cali ghé vào một motel vắng như chùa bà đanh mướn phòng, muốn chọn phòng nào cũng được, nhìn những ánh đèn màu leo lắt, chớp nháy mà không muốn buồn cũng phải buồn theo.

Có mùa đông tôi đang lái xe đi trên con đường đèo ngoằn ngèo một bên là vách đá còn bên kia là vực sâu. Trời đang giữa trưa bổng chuyển sang âm u mịt mù rồi tuyết bổng đổ xuống dày đặt, đi đại dưới trời tuyết rơi mà thầm van vái tai qua nạn khỏi. Nếu bình tâm thưởng thức thì thấy rất đẹp với nhưng bông tuyết rơi lả tả trên đường.

Có mùa đông tôi tìm về Việt Nam để đi tắm biển hưởng cái nắng ấm của miền nhiệt đới tránh mùa đông giá lạnh ở Bắc Mỹ hay lang thang đâu đó ở khung trời Âu nào đó.

Mỗi mùa đông, mỗi nơi tôi đi qua và đón Giáng Sinh mỗi kiểu đều khác nhau, không có nơi nào lập lại giống nhau. Có khi với người thân, có khi với bạn bè và có khi một mình nhưng cảm giác luôn giống nhau đó là mọi người đều vui vẻ và thân ái với nhau hơn trong lễ hội mùa đông, lạnh lùng bên ngoài nhưng ấm áp trong lòng.

Những mùa đông đi qua!

NGÔI MỘ GIÓ

TÔN-THẤT LONG·TUESDAY, JANUARY 19, 2016

Ngoài khơi biển Đông, có những người ra đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc và vĩnh viễn nằm lại không bia mộ, không bát hương và vòng hoa tiễn đưa. Muôn đời chỉ có gió lồng lộng và nước biển mặn hòa với máu.

Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong gió đàn
Sóng cuốn Trưng Nữ Vương
Gợi muôn ngàn bên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc non sông
Sát khí ngất đất bao lớp thây muôn bóng huyền
Không gian như lắng nghe bao oan hồn

(Trích Hát Giang Trường Hận - Lưu Hữu Phước)


Cũng dòng máu đỏ da vàng, người ra đi chẳng vì một ý thức hệ nào mà chỉ để bảo vệ tổ quốc quê hương chống quân xâm lược. Thế nhưng những hy sinh của họ đã bị cố tình quên lãng đến 42 năm sau mới được nhắc đến tên và chờ công khai để có được ngôi mộ gió không tên cùng với bát hương tưởng nhớ. Không, thật ra những người hy sinh nằm xuống cho quê hương không hề bị lãng quên, rất nhiều người còn lại không hề quên tên họ và những gì họ đã làm, chỉ có ai đó cố tình quên và lãng tránh mà thôi.



Tuy rằng so sánh hơi khập khểnh giữa cuộc nội chiến Bắc-Nam của Hoa Kỳ với cuộc chiến tranh Bắc-Nam ở Việt Nam, nhưng "Nghĩa tử là nghĩa tận" như người Việt ta hay nói. Trong nghĩa trang Arlington ở Washington DC có một khu vực gọi là Confederate Section dành cho những tử sĩ miền Nam. Tổng cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện. Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội Mỹ là hình tượng cao 32 feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam là phía bên bại trận. Ðây chính là hình ảnh bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ. Phía dưới tượng đài được khắc bài thơ như sau:



Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
đã liều thân và sau cùng đã chết.

Ở Việt Nam không có được một bức tượng đài nào cho những bà mẹ có con trai phía bên bại trận cho dù họ chiến đấu cũng vì tổ quốc duy nhất mà họ sinh ra và lớn lên biết đến mà thôi. Người mất thì đã mất nhưng còn những bà mẹ, những người vợ, những người chị, người em, người con của những người thua cuộc vẫn tiếp tục nhận lãnh những kết cục của kẻ chiến bại, những bất hạnh nghiệt ngã, phải chịu đựng. Có còn lại chăng chỉ là những Hòn Vọng Phu, vẫn đứng chờ chồng đến hóa đá như truyền thuyết từ ngàn xưa

Người vọng phu trong lúc gió mưa,
Bế con đã hoài công để đứng chờ,
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ

Có đám cây trên đồi gióng trông trong mơ hồ,

Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa..
Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ,
Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già
Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa,
Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?

Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng,

Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.
Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
Những người mang mệnh biệt ly

(Trích Hòn Vọng Phu 2 - Lê Thương)


Việt Nam luôn tự hào có 4 ngàn năm văn hiến so với Hoa Kỳ chỉ gần được 250 năm lập quốc. Nhìn ra Việt Nam có một lịch sử rất lâu đời và Hoa Kỳ có một lịch sử rất ngắn hạn. Sự cách biệt giữa lịch sử và nền văn hóa lâu đời và ngắn hạn của Mỹ và Việt Nam chẳng thể nào dùng làm thước đo để chứng minh được những điều đã xảy ra ở hai quốc gia này. Ở xã hội Việt Nam ngày nay, cái gọi là văn hóa truyền thống, những Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, thuyết Nhân Quả, nguồn gốc văn hóa ăn sâu vào tâm hồn người Việt của 4 ngàn năm văn hiến hầu như chẳng còn có chổ đứng, ảnh hưởng hay tác động lên cách suy nghĩ, hành động giữa con người với con người, giữa đồng bào và dân tộc, giữa ý thức hệ hay dân tộc tính.

Niềm tin lập quốc của Hoa Kỳ là “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và có những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm. Ở Việt Nam, ai chiến đấu cho cái chính nghĩa nào đó chắc đã nhiều lần nhìn ra cái công sức mình bỏ ra để được gì, có gì, thấy được gì và quyền gì. Người dân Việt từ ngày sinh ra đời, vấn đề sống chết cứ vây lấy con người. Đó phải chăng chỉ là một hành trình tạm thời, sự sinh tồn của con cháu giống Rồng Tiên luôn tùy thuộc, bị ảnh hưởng bởi sự đấu đá tranh giành quyền lực và một học thuyết tạm bợ, nó chỉ dừng lại cuối cùng ở chốn mộ phần. Nhưng kể cả những chốn mộ phần cũng bị san bằng, quên lãng vì sự tham lam, sự độc ác và vô cảm để cho mồ mả lạnh tanh không hương khói. Bao nhiêu năm ta được gì cho những người còn sống, bao nhiêu năm đã mất gì cho những người đã nằm xuống. Thiên đường và địa ngục, địa ngục thì đã thấy và trãi qua, thiên đường rất có thể chỉ là một ước mơ và quá xa vời cho người Việt mà thôi.

Rùa Hồ Gươm mất chắc sẽ được ướp xác, đem trưng bày và tưởng niệm. Còn người đã chết vì tổ quốc, vì quê hương được gì ngoài những vòng hoa bị dẫm nát. Cái xã hội Việt Nam ngày nay đúng là đảo điên.

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

ĐƯỢC VÀ MẤT

Có nhiều người cho rằng giờ Việt Nam cái gì cũng có, còn hơn cả miền Nam Việt Nam trước năm 75 nữa. Người Việt giờ không còn lo cơm gạo, ăn mặc mà đã biết làm giàu. Người Việt giờ giàu có và còn có thể mua cả những thứ đặc biệt mà chỉ có những người giàu có bậc nhất trên thế giới mới dám bỏ tiền ra mua được những món hàng thuộc dạng quý hiếm và sản xuất nhỏ giọt.
Những vật chất của cải mà người Việt có ngày nay thực tế chỉ là theo đà phát triển của thế giới mà thôi, nếu so sánh như vậy thật là sai lầm, thế giới ngày nay không còn có sự so sánh giữa các gia đình có lò gas, bếp điện hay TV, tủ lạnh, xe gắn máy... người giàu và người nghèo ngày nay đều có thể có những thứ đó trong căn nhà của mình.
Nếu nhìn vào tổng quan mà nhận xét thì thế giới ngày nay đang phát triển đến thế nào và Việt Nam phát triển ra sao, vị trí của Việt Nam ở đâu thì mọi người đều nhìn biết rất rõ. Những gì người Việt có được ngày hôm nay thì các nước xung quanh đã có và quen dùng trước cả khi người Việt biết đến và du nhập vào trong nước. Tuy nhiên thế giới xung quanh ta ngày nay còn có nhiều thứ hơn là vật chất và của cải cùng sự giàu có, người dân ở trên thế giới còn có được nhiều thứ để nhận lấy và chọn lựa. Trong khi đó người Việt chỉ có cái bề ngoài là vật chất nhưng lại bị tước đoạt hay lấy mất đi rất nhiều thứ trong đó có giá trị tinh thần, giá trị văn hóa trong phạm vi của một quốc gia.
Nhìn từ bên ngoài, thực tế thì ta chỉ nhìn vào các thành phố tỉnh thành lớn của Việt Nam mà thấy mọi người đều có một mức sống tương đối, nhưng khi đi ra khỏi thành phố chừng vài chục kilomet hay lên vùng cao thì những thứ lò gas, bếp điện, lò viba, tủ lạnh chỉ là những sản phẩm của một thế giới khác và được thay thế bằng những chiếc chạn, bếp than, bếp củi, cái lu bên hông chái hè của căn nhà tranh vách đất từ bao nhiêu đời nay vẫn thế. Như thế thì không thể nói là Việt Nam giờ cái gì cũng có, phát triển thì phải phát triển đồng đều trong khi Việt Nam đang chân thấp chân cao để hội nhập vào một xã hội phát triển hơn cái xã hội mà Việt Nam đang đứng hiện nay.
Có một thời gian dài người dân miền Nam quen sống trong sự vô tư với không khí tự do chẳng bao giờ biết đến việc chạy ăn chạy mặc là gì mà chỉ biết "Ăn Ngon Mặc Đẹp" , một biến cố lớn làm thay đổi tất cả. Sách vở, những tài sản tri thức vô giá thu gom bao nhiêu năm hoặc là bị tịch thu hoặc bị một mồi lửa thiêu trụi. Người có học vị được trao cho cái cuốc để lên rừng đào đất tự nuôi sống bản thân và gia đình. Kẻ thất học lại được dùng để cai trị những người có học vị bằng cấp được đào tạo căn bản. Người dân luôn được nhắc nhở phải mang ơn các nước Cộng Sản anh em vì đã có công giúp thống nhất đất nước. Trong cái không khí đánh tư sản mại bản, người thương nhân thành kẻ gian thương, người trí thức thành những kẻ tay sai cho chế độ bị lật đổ, việc tịch thu tài sản và đổi tiền đã biến trọn cái miền Nam giàu có thành một con số không. Hàng đêm người dân phải đi họp tổ dân phố để học tập và nghe qua một cái nghị quyết nào đó của Đảng mà chẳng hiểu vì sao cần phải biết đến. Phong trào thi đua hành xác từ quét dọn phố xá cho đến thu gom giấy vụn chỉ để thỏa mãn cái tâm lý của người chiến thắng thích thì làm, hám thành tích, thích lên giọng dạy bảo và chen vào mọi ngóc ngách cuộc sống của người dân.
Trong một thời gian dài người dân luôn bị sống trong lo âu, sợ sệt và đói khổ. Cái đói, cái nghèo đã sản sinh ra cái hèn, người ta đánh mất phần lương tri, các hành vi đạo đức còn sót lại cho vài gram đường, chút thịt bèo nhèo, cái lốp xe đạp. Người ta sẳn sàng trèo lên đầu lên cổ nhau hay ăn chặn bớt từng khẩu phần của nhau để sống còn. Tất cả chỉ còn biết đến làm sao để được "Ăn Cho No Mặc Cho Ấm" là đủ rồi, cái đói, cái rét trường kỳ đã biến đầu óc con người chỉ còn nghĩ đến làm sao để có được tiền, có được miếng ăn, cái mặc và thế là tham nhũng được dịp lên ngôi. Anh lái xe đường dài, chị mậu dịch viên được đánh giá và coi trọng hơn người có bằng cấp đại học. Con người lúc đó được đong đo bằng những tiêu chuẩn khác nhau qua những giá trị của vật chất là tem phiếu thay vì tri thức.
Từ đó cái thước đo tem phiếu bao cấp đó mà xã hội Việt Nam bắt đầu tàn lụi, nó đã thay hình đổi dạng và đong đo giá trị con người và nền tảng xã hội bằng sự giàu có hào nhoáng của vật chất thay vì giá trị tri thức, văn hóa và các hành vi ứng xử đạo đức. Giá trị của xã hội Việt Nam ngày nay được chứng tỏ bằng những khu phố Văn Hóa, nhà Văn Hóa, bằng các băng rôn tuyên truyền và các khẩu hiệu, bằng khen thưởng treo đầy đường cùng với các tệ nạn xã hội.
Nghiêm túc mà nói, xã hội Việt Nam ngày nay thiếu văn hóa nhưng thừa tệ nạn. Thiếu dân chủ nhưng lại thừa tham nhũng. Độc lập nhưng quá nhiều lệ thuộc. Sức mạnh của một quốc gia mà cái thừa thì không cần còn cái thiếu lại quyết định sự tồn vong của đất nước.
Cái được và mất khác biệt nhau quá nhiều, những yếu tố bất ổn sẽ tạo một sự chuyển biến, những dồn nén và tàn tích của những tệ nạn, hủ lậu là những yếu tố cho một sự kết thúc và khởi đầu cho một tương lai. Đó là quy luật của vạn vật.
Người dân và nhà cầm quyền ngày nay không còn là “Quân Dân như cá với nước”, thật ra nó đang là “Lửa và Nước”, không cùng chiến tuyến, không còn hiểu nhau và không còn đi chung một con đường nữa rồi.
"Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, 
nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật".
Tóm lại, ổ bánh mì dù xé vụn ra từng mảnh nhỏ vẫn là bánh mì, còn trong hàng trăm ngàn giáo điều nhà cầm quyền đã từng nói, từng tuyên truyền, từng hô hào và từng hứa thì đừng vội vàng tin hoặc và dựa vào đó để đặt trọn lòng tin. Tất cả những lời nói chỉ là một nữa sự thật mà thôi, còn phần hành động và bằng chứng là một nữa còn lại. Rất tiếc một nữa phần sự thật còn lại thì nhà cầm quyền lại hoàn toàn đi ngược lại những gì họ đã nói.
Và sự thật là mỗi năm Việt Nam mỗi tệ hại hơn, đó chính là sự thật!

TÔN-THẤT LONG·SATURDAY, JANUARY 16, 2016

Niềm tin mù quáng,


Ngày còn nhỏ tôi đã thấy có nhiều giàn dạ lý hương được trồng làm hàng rào xung quanh nhà ở xóm tôi. Và lúc còn nhỏ tôi đã được nghe nhiều người lớn kể chuyện là chỉ có ban đêm cây dạ lý hương mới trổ bông và toả mùi thơm ngát hương. Mùi bông dạ lý hương rất thơm và lan xa nhất là trong những đêm thanh vắng và nhiệt độ hạ xuống thấp đến lạnh buốt.
Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện, cái đáng sợ tôi còn nghe được là ban đêm hoa dạ lý hương càng cho mùi thơm và hương toả ra nồng nàn thì cũng là lúc một linh hồn oan khuất nào đó xuất ra và bay lãng vãng gần xung quanh đó. Và tôi cũng không hiểu tại sao mình lại tin như vậy, đã tin lại còn sợ hãi hơn mỗi khi đi ngang nhà ai đó có hàng rào là giàn dạ lý hương như là một niềm tin mù quáng mang một điều bí ẩn cho đến khi tôi rời quê nhà ra đi.
Có lẽ chúng ta ai cũng nghe và tin vào một điều gì đó lúc còn nhỏ và niềm tin sợ hãi này đi theo ta cho suốt cuộc đời mà chẳng qua một sự suy xét hay tìm cách giải thích về điều tin mù quáng đó. Vẫn biết gọi là niềm tin mù quáng nhưng mấy ai trong chúng ta thoát khỏi. Nó như một quán tính mà tự trong người mỗi chúng ta ai ai cũng có.
Cũng như ở đâu đó, một nơi nào đó, chúng ta sống như một quán tính. Cũng ăn, cũng cười, cũng vui vẽ, cũng phè phởn như vậy qua năm này tháng nọ và tin vào một điều gì đó kỳ quặc mặc dù chẳng bao giờ giải thích được.
Chúng ta là một những con người ngây thơ, ngây thơ và tin mù quáng sống theo quán tính. Ai nói cái gì cũng tin, chẳng cần bằng chứng, chẳng cần dựa vào bất cứ cái gì. Lòng tin đánh trúng vào tâm lý của ta khi chỉ cần nghe một điều gì đó thì ai nói đúng như điều mình đang tò mò, sợ hãi hay mong mỏi là tin ngay, tin một cách vô tội vạ.
Nói rằng chúng ta dễ dãi cũng đúng, vì quá dễ dãi nên chúng ta bị thao túng, bị xem như con rối mà lúc bị quay sang trái lúc lật sang phải, lúc lại quay mòng mòng như một con vụ. Những tin đồn thất thiệt luôn lấy đi lòng tin của ta rất nhiều.
Chính vì điều đó mà người ta rất thành công trong việc thuyết phục và làm cho một bộ phận lớn chúng ta tin tưởng mà nghe theo và đi theo cái quán tính được vạch sẳn. Tin tưởng và nghe theo với một mức độ mù quáng đến chẳng thèm dùng lý trí để nhận ra đúng và sai, chẳng cần dùng đến cái đầu để phán đoán và suy sét mà dùng bàn tay để cổ võ và cho ra những tràng pháo tay cuồng nhiệt mà chẳng hiểu vì sao làm vậy.
Có thể nói chúng ta là một lũ đáng thương, trong khi chúng ta đoán mò, đoán bậy, nghe ngóng và xem ai đó tung những tin trái chiều như là họ đang đánh nhau u đầu vỡ trán thì trong khi đó họ đang ngồi cười vì cái lũ đáng thương chúng ta đang bị họ xỏ mũi dẫn dắt vào cơn ma trận đầy những tin đồn của họ.
Chúng ta sợ hãi, chúng ta bị thuyết phục rằng quyền lực đang bị nhóm này nhóm kia thâu tóm. Chúng ta đã trở thành một lũ hề nếu biết rằng chẳng có một nhóm nào thâu tóm gì cả mà toàn bộ quyền lực đã bị thâu tóm từ lâu rồi. Căn bản là các thứ quyền lực đó đang được chia chác để làm cách nào đó cho chúng ta sợ hãi và cuối đầu tuân phục họ mà thôi.
Chúng ta đã thật ra đang tuyệt vọng và bị ảo giác, chúng ta như con thuyền bơi trên biển cả chẳng nhìn thấy bến bờ đâu cả, chúng ta như những con người đang đi trong sa mạc nóng cháy bị ảo giác đang gặp một ốc đảo xanh tươi với hồ nước trong xanh. Bất cứ mong nghĩ đến điều gì thì ta lại tưởng tượng đến nó như đang trước mặt và mong thấy nó.
Chúng ta những con người vô vọng, bị thuyết phục và sợ hãi những quyền lực bởi vì cái niềm tin ngây thơ và bị chi phối bởi nó, bởi thói quen chịu đựng và tuân phục mà không cần suy xét.
Với cái bản tính như vậy chúng ta sẽ chẳng bao giờ tỉnh táo để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này và ngày qua ngày chúng ta chỉ là những con vụ, con trốt cho một vòng chơi đầy quán tính của ai đó và luôn mang trong mình một niềm tin sợ hãi mù quáng. Cái niềm tin mù quáng này sẽ đi theo ta suốt cuộc đời và làm hại chúng ta mà chúng ta chẳng bao giờ nhìn ra và nhận thấy.
TÔN-THẤT LONG·THURSDAY, JANUARY 14, 2016