Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Sài Gòn nắng mưa, Sài Gòn thân yêu,

March 26, 2015 at 7:56pm
Bến đò Thủ Thiêm - Hình Internet
Bến đò Thủ Thiêm - Hình Internet

Khi tôi rời Sài Gòn lúc đó Việt Nam vẫn còn đang trong tình trạng bao cấp, thời đó khi nói tới chuyện đi nước ngoài thì chỉ có các nước thuộc khối XHCN như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc, Hungary..., còn khi nói về các nước khác không thuộc khối XHCN như  Âu Châu, Mỹ..., ngay cả nước Úc, Thailand, Singapore nằm gần cạnh kề mà giờ đây có rất nhiều người Việt sinh sống thì lúc đó cũng rất có ít người biết và am hiểu, tất cả chỉ biết được qua nhờ những cuốn sách Anh Văn hay Pháp Văn may mắn còn sót lại qua nhiều đợt kiểm tra Văn Hóa như English For Today hay bộ sách Larousse của Pháp vân vân... cái cuốn sách mà tôi nhớ là nhà cô tôi còn cất giữ kỷ được một thời gian dài nhưng sau này thì nghe được lại là bà Nội tôi vì sợ quá nên cuối cùng cũng đem nộp luôn cho bọn họ. Còn nói chuyện đi nước ngoài hay kể chuyện có bà con ở nước ngoài không thuộc khối anh em XHCN thì tất cả mọi người đều thì thầm hoặc nhỏ tiếng lại rồi nhìn ngó xung quanh trước sau mới dám nói vì sợ Công An hay có ai đó đi báo lại cho chính quyền.  Muốn nghe đài BBC hay đài VOA thì phải chờ đến nữa đêm và chui vào trong mùng trùm mềm mới dám bật lên nghe.  Đã qua trên chục năm miền Nam dưới chế độ mới nhưng tình hình thì không khá gì hơn sau bao nhiêu năm họ vào, thật ra mà nói thì gần như bất cứ gia đình nào ở miền Nam vào thời điểm đó cũng có người thân đi vượt biên hay có người thân ở nước ngoài nhưng ít ai dám tự nhận hay nói thẳng ra lắm.

Thời đổi mới và mở cửa thì Sài Gòn được lấy làm nơi thí điểm trong cả nước.  Sài Gòn là nơi lúc đó được xem là nơi sống thoáng nhất và có cuộc sống khá giả nhất so với tình trạng chung của cả nước Việt Nam cho dù ngay cả Hà Nội.  Còn nhớ là vào thời điểm đó gia đình nào mà có được một cái TV màu chỉ khoảng 12-15 inches là được coi là khá giả và ban ngày được trùm khăn kín mít, được để trên kệ cao và trang trọng ngay giữa phòng khách, đêm đêm người lớn và trẻ em quây quần để xem các bộ phim như "Trên Từng Cây Số" của Bulgary, "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại" của Đức, "Ruslan and Ludmila" của Liên Xô hay "Maica - Cô bé từ trên trời rơi xuống" của Tiệp Khắc.  Các con đường Ngô Gia Tự, Hùng Vương, khu Nguyễn Kim là những nơi có nhiều cửa hàng kim khí điện máy, mỗi lúc rãnh rỗi là tôi luôn đi dạo và nhìn ngắm những cái TV, Cassette với dàn loa bass khủng, máy có hai dàn đèn chớp chớp thật là ước mơ của biết bao gia đình lúc đó.  Ngoài các hiệu nổi tiếng của Nhật như Sharp, Hitachi, National, Sony ... thì cũng đã bắt đầu có các hiệu của Hàn Quốc như Dawoo, Lucky hay Goldstar mà sau này là LG, Samsung lúc đó thật sự chưa là hãng lớn và nổi tiếng như bây giờ.  Vào thời điểm đó xe máy vẫn còn hiếm ngoài các xe đời cũ trước 75 hay các loại xe Cub 79, 80, 82 và khi tôi đi thì DD 70, Su 100 và Dream 100 mới chỉ mới được nhập về Sài Gòn từ Thailand, nhìn những ai mà lái những chiếc xe đó thì mọi người đều biết là nhà có gia đình đi nước ngoài và rất nhiều con mắt đổ dồn vào nó. Sài Gòn thời đó có nóng nhưng không có cái nóng như bây giờ do biết bao nhiêu khói xe thải ra, xe đạp vẫn là phương tiện chủ yếu của người dân trong thành phố.  Tôi luôn nhớ những con đường như Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân), Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa) hay 3 thang 2 (Trần Quốc Toản) là những con đường với những hàng cây dầu cao tàn lá rộng che phủ cả con đường, những bông hoa dầu rơi xuống với 2 cánh như hai cái chong chóng rơi xuống như những con vụ.  Không biết ai có còn nhớ cuối con đường 3 tháng 2 ra ngã Sáu Cộng Hòa có hàng cây dầu tuyệt đẹp và 2 bồn nước được dùng để điều chỉnh áp suất nước của thành phố, hình như những cái bồn nước còn lại đều là ngoài ngã tư Hàng Xanh và xa lộ Biên Hòa thì phải, giờ về tìm lại thì chỉ thấy nhà cửa hiệu san sát nhau hai bên đường nơi mà xưa kia chỉ là những bãi đất trống với bờ tường cao.

Lúc đó, công nhân mà ai xin vào làm được các hãng liên doanh giữa nhà nước và tư nhân thì được tăng ca, làm thêm giờ, làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu và lương cao so với mặt bằng lương công nhân viên nhà nước lúc bấy giờ rất nhiều, đi làm thì mặc đồng phục vải mềm màu trắng, hồng hay xanh nhạt của nhà máy liên doanh nên nhìn thật khác lạ so với kiểu áo quần khaki màu xanh dương đậm cứng ngắt của các công ty nhà nước.  Tuy nói là công ty liên doanh giữa tư nhân và nhà nước nhưng cũng phải có được sự quen biết và gởi gắm thì mới xin vào được làm ở những nơi ấy, còn không chỉ là sự thèm thuồng của biết bao nhiêu người lúc đó.  Thời đó chưa có các hãng nước ngọt như Pepsi, Coca Cola vào Việt Nam mà chỉ có các hãng liên doanh nội địa sản xuất nước ngọt và bia có gas như các hãng Chương Dương, Hòa Bình bên Quận 8.  Ai ở Sài Gòn lúc xưa chắc cũng còn nhớ bên hông hãng BGI chuyên sản xuất La De trước 75 cạnh sân vận động Cộng Hòa, sau những năm 82-90 là bia lên cơn hay lên men mà bà con gọi là bia bọt được tuồn ra từ nhà máy ra bằng những can nhưa 20 lít, các quán bán bia hơi tự phát xung quanh đó thâu gom những can bia bọt đó và buôn bán các quán nhậu rất phát đạt vào thời điểm lúc bấy giờ.

Sài Gòn thời bao cấp là một Sài Gòn quái đản, nhiều người dân đi Kinh Tế Mới bỏ về thành phố nằm la liệt trước cửa nhà của họ khi xưa giờ là của cán bộ.  Còn nhớ ngày xưa tôi đi làm về khuya, sáng sớm 3-4 giờ sáng đi ngang qua bịnh viện Hùng Vương thấy hàng dài người xếp hàng nằm ngồi la liệt nhưng không phải là chữa khám bệnh mà là bán máu.  Sài Gòn của cái thời mà uống cafe với 5 đồng bạc trong túi nhưng tiệm không có tiền thối chỉ có thể uống cafe ký gởi cho đến khi nào hết tiền thì thôi.  Sài Gòn của thời Hippy thịnh hành với mốt để tóc dài và mặc quần ống loe, đi dép sa-bô Nhật nhưng hay bị các du kích và dân phòng chặn xe cắt tóc và xé quần vì cho là vi phạm thuần phong mỹ tục.  Những người trẻ như tụi tôi lúc đó rất đam mê nghe nhạc, cái loại nhạc mà chính quyền gọi là nhạc Vàng thì hoàn toàn bị cấm đoán, loại nhạc này vào thời điểm đó thật kiếm không dễ chút nào.  Nhớ lúc đó tôi hay sang bên Nguyễn Kim có mấy gian hàng chuyên sang băng cassette các loại nhạc đó của Trung Tâm Thúy Nga được gởi lậu về Việt Nam, mua một cuốn tape trắng đã mắc, sang băng chọn bài còn mắc hơn thế nữa nhưng cũng ráng dành tiền để tậu và quý còn hơn vàng, nâng niu và lắng nghe những bản nhạc vang danh một thời.  Nhiều bản nhạc được sang qua sang lại nhiều lần chất lượng xuống đến mức tệ hại mà vẫn thích vô cùng nếu có được một bản nhạc xưa.  Những giọng hát được chuộng thâu vào thời đó như Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Hương, Ngọc Lan, Khánh Hà, Duy Quang, Kim Anh...làm ngất ngây cả lòng người.  Thời đó thật khó mà kén cá chọn canh, tìm được lại dòng nhạc xưa quen thuộc và nghe được những bản nhạc thân quen là một niềm vui, nỗi đam mê của thời trai trẻ.  Sách dịch vào thời đó rất nhiều nhưng đa số là sách dịch của các nhà văn Nga, nó không dỡ tí nào, thậm chí có nhiều sách rất hay là đàng khác nhưng của quý hiếm luôn là thị hiếu và tính tò mò của con người với những gì xa xưa nay đã biến mất, vì vậy nếu ai còn có những cuốn sách truyện trước 75 thì trao đổi với nhau để cùng đọc.  Mà chết cái là lúc đó tôi lại ham đọc truyện văn học miền Nam kiểu "Giải khăn sô cho Huế" của Nhã Ca hay sách tình cảm ướt át của bà Tùng Long là loại sách thuộc dạng khan hiếm thời bấy giờ.

Sài Gòn thời bao cấp thật khó khăn, vất vả, tuy nhiều nhà không đủ ăn và chật vật với cuộc sống nhưng học sinh ham học và vui chơi lành mạnh hơn bây giờ, học sinh chịu khó và vâng lời cô thầy chứ không có nạn hành hung hay bạo hành trong trường học như ngày hôm nay.  Sài Gòn thời đó vẫn còn giữ được nhiều nếp sống xưa và mộc mạc hơn giờ rất nhiều.  Có lẽ vì sự đi lại và việc nhập cư còn khó khăn và nhiều phiền nhiễu nên người Sài Gòn còn giữ được lại phần nào nếp sống cũ.  Có lẽ không có một cái đất nước nào mà như ở Sài Gòn lúc đó khi thầy cô và học trò cùng làm chung một nghề là nghề bán chợ trời hay bán thuốc tây, có lẽ chưa có một đất nước nào mà người bán chợ trời trong đó có rất nhiều người có bằng cấp cao và lòng người chỉ nghĩ được ra đi nước ngoài dù có chết cũng cam.  Sau bao năm đổi mới, hình như Sài Gòn ngày nay cũng đã mất đi những cái mà nó đáng ra cần phải giữ, cần phải cất về hiện thực và tinh thần.

Dù khó khăn nhưng đi xa mới nhớ về Sài Gòn, nhớ Sài Gòn xưa những đêm khuya nằm nghe tiếng Hủ Tiếu gõ hay Mì gõ, những tiếng rao vọng lại giữa đêm thanh vắng.  Tiếng gõ lóc cóc lúc to lúc nhỏ, tiếng rao "Bánh chưng bánh tét noooooong đââââââââỵ".  Cái âm hưởng mà khi nghe rồi sẽ chẳng bao giờ quên được.  Nhớ Sài Gòn với nỗi nhớ về gói khoai mì giã, bỏ dừa, thêm chút mè và chút đường đựng trong túi nylon.  Nhớ Sài Gòn khi nhìn tụi con nít xúm quanh ông bán cà-rem với những cây cà rem xanh xanh đỏ đỏ đựng trong thùng xốp, mút hết lớp xi rô ngoài chỉ còn lại đá và đá mà sao ngon chi lạ.  Nhớ Sài Gòn ở Ngã Bảy Chợ Lớn nơi có các xe đẩy Hủ Tiếu, Hoành Thánh Mì được trang trí hình Trương Phi, Quan Công trong truyện Tam Quốc Chí và chú ba tàu phì lũ làm tô mì lanh tay lẹ chân, mồ hôi nhễ nhãi nhưng lúc nào cũng cười hề hề.  Tụi nhỏ tụi tui lúc nào cũng được ưu tiên cho thêm miếng bột tôm chiên dòn bỏ bên trên tô mì hay hoành thánh thay vì phải gọi thêm.  Nhớ Sài Gòn là nhớ đến dĩa bột chiên dòn, bột chiên thật dòn có phủ lên ít trứng, tương ớt và nước xì dầu phải thật ngọt ngon, cái mà mỗi lần về lại Sài Gòn là tôi phải tìm đến ăn cho được. Nhớ Sài Gòn với những bữa trời nắng chợt đổ mưa, phóng xe đạp nhanh bay dưới con mưa là một cái khoái như lúc nhỏ được tắm mưa. Lang thang Sài Gòn với những con đường Đồng Khởi (Tự Do xưa), Nguyễn Huệ, Lê Lợi, ngó quanh ngó quẩn các gian hàng bán đồ lưu niệm của lính Mỹ năm xưa, hay các tiệm bán tranh sơn mài,  ghé tiệm sách trên đường Đồng Khởi để đọc sách ké.  Mệt rồi nghĩ chân, ghé tiệm kem Bạch Đằng ăn kem dừa bỏ trong trái dừa thơm thơm.  

"Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Có bến xe thập tỉnh, có bến đò Thủ Thiêm”.

Đường tự do đã mất, dinh Độc Lập giờ là dinh Thống Nhất, bến Bạch Đằng nay còn đó nhưng bến đò Thủ Thiêm đã là dĩ vãng.  Tên Sài Gòn cũng không còn trong bản đồ nữa.  Còn có bao nhiêu cái xưa còn lại giờ đây ở Sài Gòn nay.  Sài Gòn nắng mưa, Sài Gòn thân yêu của 40 năm trôi qua. 

Hoài Hương - Phạm Mỹ Lộc với giọng ca Vy Vân

San Diego
TTL - March 26 2015

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Chuyện ngắn - Chìm Tàu,

Chiếc tàu chở đầy người, đủ loại hạng người. Nhìn lướt qua ta có thể nhận thấy đủ các giai tầng trong xã hội từ nông dân, công nhân, trí thức cho đến người già và trẻ em... Nước mấp mé bên mạn thuyền, sóng vỗ ầm ầm, con thuyền chao đảo, lắc lư theo từng nhịp sóng đánh vào thân tàu. Mọi người la hét, bám vào mọi thứ có thể bám víu được. Viên thuyền trưởng vẻ mặt nghiêm nghị la lên trên loa phóng thanh "Tất cả hãy bình tĩnh, với sự lãnh đạo của chúng tôi, chúng ta sẽ vượt qua cơn sóng to gió lớn này." Tiếng la hét dịu lại, mọi người đều ngước lên nhìn vị thuyền trưởng đang lái con tàu với một lòng tin vá víu "Còn nước còn tát".

Dù được động viên nhưng con thuyền đã không còn đủ sức vượt qua cơn giận dữ của biển cả và từ từ chìm vào lòng đại dương nhưng tiếng loa phóng thanh vẫn phát ra đều đặn "Tất cả hãy bình tĩnh, với sự lãnh đạo của chúng tôi, chúng ta sẽ vượt qua cơn sóng to gió lớn này."


Một thời gian sau, mặt đại dương đã sóng im gió lặng, con tàu lớn đã hoàn toàn chìm sâu vào lòng đại dương chỉ còn lại chiếc xuồng cứu hộ với khoảng chục người còn sót lại trên đó, tất cả những người sống sót đều mang phao cứu sinh trong đó có viên thuyền trưởng. Tất cả mọi người đều đã chết theo con tàu và chìm vào lòng đại dương, có người chết với một lòng tin vì những lời nói của vị thuyền trưởng, có người chết vì không tin vào vị thuyền trưởng nhưng bởi vì họ không có phao cứu sinh. Nhưng tất cả đều không biết rằng nhóm thành viên của viên thuyền trưởng ai nấy đều có áo phao cứu sinh trừ họ.




San Diego
TTL - March 21st, 2015

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Những lá thư cũ,

March 19, 2015 at 11:23am



Từ khi dọn ra riêng hắn vẫn không đem theo hết tất cả các đồ đạc riêng tư của hắn, có rất nhiều thứ hắn gởi lại trong cái gác xếp nhỏ của gia đình.  Tất cả mọi thứ để lại hắn đều sắp xếp gọn ghẽ và đóng bỏ vào trong thùng giấy rồi dán lại.  Mấy hôm trước nói chuyện với một người bạn quen lúc xưa, người bạn ấy cần tìm lại một số tư liệu cũ cho công việc, vì hắn vẫn còn giữ một số tư liệu cũ  ấy nên đã hứa sẽ tìm lại và gởi cho bạn.

Lục lọi và sau khi tìm ra đủ số tư liệu những gì mà người bạn cần, hắn dọn dẹp mọi thứ và bỏ vào thùng giấy dán lại như cũ.  Tình cờ nhìn vào trong góc, hắn thấy cái túi xách mà hắn chứa tất cả những thư từ riêng tư, đã 30 năm có hơn nhưng cái túi nhìn vẫn còn mới như ngày nào.  Chui vào trong góc, hắn lôi cái túi xách ra để sang một bên, hắn quay lại tiếp tục dọn dẹp đống thùng giấy mà hắn đã lôi ra ban đầu trong lúc tìm tư liệu.

Xong xuôi đâu đó,  với cái nhìn thỏa mãn, hắn quay đầu nhìn lại cái túi xách mà hắn đã cố tình bỏ sang một bên không cất lại.  Từ từ ngồi bệt xuống sàn nhà, hắn kéo cái túi lại và mở ra xem, hắn biết trong túi đó chứa đựng những gì trong đó, đó chỉ là một hộp giấy với toàn bộ những lá thư của hắn và nàng.  Ngày xưa, đã biết bao lần hắn lần tay mở từng lá thư bằng thứ giấy pơ luya (pelure) mỏng và mịn màu hồng hay xanh nhạt ra đọc.  Mỗi lá thư bên ngoài phong bì hắn viết lên số thứ tự và ngày nhận, cái hộp giấy chứa đựng có hơn mấy trăm lá thư trong đó. 



Hắn đã đọc đi đọc lại chúng không biết bao nhiêu lần, hắn có thể nhớ từng đoạn trong những lá thư đó nói gì.  Nhưng có cả hơn chục năm nay hắn đã không đọc lại chúng, nó như mũi tên đâm vào tim hắn khi hắn đọc và giỡ từng lá thư ra xem.  Đã bao lần hắn đã dằn lòng và cưỡng lại ý muốn xem lại những lá thư đó nhưng hôm nay cuối cùng hắn đã chịu thua khi tình cờ nhìn thấy lại cái túi xách đựng các lá thư về mối tình đầu của hắn.

Hít một hơi dài, hắn bắt đầu mở lá thư thứ nhất ra đọc từng dòng từng dòng một  “D. mến…”.   Hắn chợt mĩm cười khi nhớ lại ngày xưa, cả hai đứa đều xưng tên với nhau khi viết thư cho nhau.  Hắn là thằng ở trọ ở trong một con xóm nhỏ nhưng đông đúc, nhà nàng cách nhà hắn ở trọ đúng một căn nhà.  Chiều chiều hắn thấy nàng mở cửa đạp xe đi học, hắn biết đó là giờ nàng đi học đàn và hoc Anh Văn để chuẩn bị đi nước ngoài.  Còn hắn thì vì đã dọ hỏi và biết được thời khóa biểu của nàng nên ra đứng tựa cửa như hóng gió nhưng thật ra là mong được nhìn bóng nàng đi ngang qua.  Hắn chẳng biết nữa, hắn không biết vì sao hắn thích nàng, hắn thích nhìn bóng nàng sau lưng, nhìn khuôn mặt lúc nào nhìn hắn cũng ra vẽ nghiêm nghị nhưng đôi mắt lại như cười.

Rồi hắn nhớ đến những ngày trưa nắng nóng hắn đạp xe lẽo đẽo theo sau nàng một đoạn cách xa, đến sau này hắn mới biết là nàng đã biết hắn đi theo và cố tình đạp xe chậm lại nhưng hắn nào ngờ.  Cũng không  biết là bao lâu, một tháng, hai tháng hay hơn nữa nhưng cho đến một ngày khi trời Sài Gòn đang nắng chợt đổ mưa, tình cờ cả hai cùng đứng trú mưa tại một hàng hiên của một căn nhà bên vệ đường.  Cơn mưa dai dẵng không dứt nhưng hắn lại thầm vui trong lòng vì được đứng gần nàng dù lúc đó cả hai đều không nói gì cả.  Đứng cả buổi hết nhìn trời lại nhìn những hạt mưa bay, cuối cùng hắn cũng mạnh dạn lên tiếng nói “Mình tên D., tụi mình ở chung xóm.”  Nàng đáp lại một câu cụt ngủn “Biết rồi!” làm hắn không còn biết nói gì thêm.  Một chặp sau như nhận thấy nàng đã làm hắn cụt hứng nên nàng nói “Mình tên H.”,  hắn chợt muốn bật cười to mà không dám khi tính nói lại cái câu nàng vừa nói với hắn “Biết rồi!”.  Dần dần, từ những câu hỏi ngắn và những câu trả lời cụt ngủn, hắn và nàng đã nói chuyện suốt một buổi chiều mưa. 

Đọc lại những lá thư, những câu chuyện giữa hắn và nàng lướt qua trong tâm trí hắn.  Một tuần trước khi nàng ra đi, hắn viết đến mấy lá thư nhưng không thấy hồi âm. Đúng tuần sau ngày nàng ra đi hắn nhận đươc một lá thư thật dày, nó như báo hiệu cho hắn một điều gì đó.  Hắn nôn nóng và trong tâm biết có một chuyện gì đó đã xảy ra, chưa bao giờ nàng lỡ hẹn gởi thư cho hắn và hắn luôn đều đặn gởi những lá thư cho nàng từ khi hắn quay trở về lại thành phố nơi có gia đình hắn đang sinh sống.  Mở lá thư ra, điều đập vào mắt hắn là lá thư đã viết cách đây được một tuần trước đó, có tổng cộng ba lá thư trong một bao thư dày như nàng chưa bao giờ thất hẹn.  Lá thư đầu tiên mở đầu bằng “Anh thương …”, hắn cảm thấy ngợp vì niềm vui sướng và cũng càng cảm giác băng khoăng lo ngại thêm.  Lần đầu tiên từ khi quen nhau đến giờ nàng xưng với hắn là Anh và gọi mình là Em.

Đúng như những gì hắn đã cảm giác và tiên đoán, nàng đã ra đi, đi đến một đất nước xa lạ và đoàn tụ với gia đình.  Gia đình nàng đã không cho nàng bước ra khỏi nhà vì sợ nàng sẽ đi lên thăm hắn và sẽ không quay về kịp ngày ra đi.  Ngay cả viết xong những lá thư nhưng các bà chị nàng cũng không cho nàng gởi đi vì sợ hắn sẽ quay về Sài Gòn và tìm cách gặp cũng như ngăn cản nàng ra đi.  Hắn muốn la to lên bởi vì hắn không phải là người như vậy, nếu biết nàng sẽ ra đi thì chính hắn còn khuyến khích và mong muốn hơn khi biết nàng sẽ có được một tương lai tốt hơn hiện nay.  Hắn chỉ muốn gặp nàng một lần cuối trước khi nàng ra đi nhưng cái duyên nó không đến với hắn dù chỉ một lần.

Mỗi lần đọc xong một lá thư, hắn đều cẩn thận vuốt lại các góc nếp và cẩn thận xếp bỏ vào bì thư.  Những lá thư là những dòng thời gian trôi qua giữa nàng và hắn, những kỷ niệm, những giây phút bên nhau của hắn và nàng.   Hắn như cảm giác văng vẳng đâu đây tiếng cười của nàng, hắn như cảm giác như nghe được giọng nói của nàng đâu đấy, cái giọngBắc phảng phất và nhẹ mà nàng nói là giọng Hà Nội vì gia đình nàng là gia đình người Bắc di cư vào Nam năm 54.  Hắn nhớ mỗi lần bắt hắn hứa điều gì là nàng đều dí ngón tay vào giữa trán hắn và nói “Nhớ đấy, nhớ đấy nhé.  Đừng có mà thât hứa là chết với H.”.

Hắn đã ngồi cả một buổi chiều đọc lại những lá thư cũ, hắn nhớ đâu đó lời bài nhạc nó tuy sến nhưng lại nhiều lúc lại tả đúng với tâm trạng của hắn bây giờ


Đếm bao lá vàng đốt thư tình cũ
Với mây trời xa dìu bước em đi
Nước mắt nhìn theo sóng rượu phân ly
Lỡ mê lụa gấm đành quên ước thề

Đã bao năm rồi nhưng hắn luôn có cảm giác như mới ngày hôm qua khi nàng tìm gặp lại hắn sau bao nhiêu năm xa cách.  Sau khi nàng đi, khoãng một tháng sau thì hắn nhận được cái postcard đầu tiên từ nơi nàng đến định cư, nhìn tấm postcard lòng hắn cảm thấy nao nao.  Hắn từng nghe rất nhiều người kể cho hắn nghe, con gái lúc ra đi thì hứa hẹn biết bao nhiêu điều nhưng sau một thời gian nhập gia tùy tục thì quay lại nhìn và chê con trai Việt Nam với nhiều lý do.  Hắn dù biết nàng của hắn sẽ không như vậy nhưng hắn vẫn chưa dám đảm bảo rằng nàng sẽ chẳng bao giờ thay đổi.  Cuộc sống xứ người với nhiều điều làm con người đổi thay, hắn nghiệm ra rất nhiều điều qua thời gian , nó cũng cho hắn nhận ra một điểm là nàng của hắn đã không thay đổi nhiều chỉ riêng đối với hắn.  Nhưng chính hắn đã thay đổi, hắn đã quay lưng đi vì hắn không thấy mình còn được như ngày xưa.

Những ngày tháng mộng xin trả lại em
Con đường mình qua giờ hãy quên tên
Có thương và đau cũng đành chia tay
Đã không còn nữa tình duyên kiếp này

SAN DIEGO
TÔN THẤT LONG - Nov 2014

Mưa Chiều Kỷ Niệm

Em đến thăm anh một chiều mưa buồn, trời bên ngoài đổ mưa nặng hạt.  Dòng người và quán xá hai bên đường thật vắng lặng, nhìn mái tóc em ướt anh bồi hồi nhớ lại những ngày xưa khi mình mới quen nhau cũng vào một chiều mưa buồn trong một quán cafe vắng lặng.  Cũng buổi chiều đó chúng ta được nghe bản nhạc này

Nhớ chiều nào em đến thăm anh 
Hai bên đường phố đã lên đèn 
Mưa xuân giăng giăng mờ trắng khung trời
Ngồi bên nhau lưu luyến 
Mưa thấm ướt đôi bờ vai 

Em nói em thích trời mưa và thích nhìn hạt mưa bay còn anh thì ghét trời mưa, anh thích uống cafe đen đắng còn em thì chỉ thích uống nước trái cây, em thì sôi động thích tới các buổi hội họp với bạn bè kể cả những người xa lạ, còn anh thì chỉ thích yên lặng và đi với em thôi, anh ít nói còn em thì luôn sôi nổi líu lo khi gặp nhau, hai chúng ta là hai cá tính hoàn toàn khác nhau nhưng không hiểu sao lại quen nhau và có thể hiểu ý nhau đến như vậy.


  
Anh thích chọn những nơi chốn tĩnh lặng và lắng nghe dòng nhạc buồn hay tình cảm, còn em thì chỉ thích mỗi một việc là đi cùng anh nhưng không thích những gì anh thích, nhưng em lại thích nghe bản nhạc này, em nói nó phù hợp với khung cảnh của hai chúng mình lúc này.  Em nói sự rung động của tình yêu đơn giản chỉ là ta đã tìm được những thứ thật đơn giản nhưng thân thương, đơn giản là chúng ta tìm được không khí cho chính mình, đơn giản chúng ta đã tìm được cảm nhận cho riêng mình, đơn giản chúng ta là tri kỷ, đơn giản là chúng ta...

Tiếng nhạc tình xao xuyến đôi tim 
Mưa giao hòa nước mắt ân tình 
Tay đan tay trong tiếng đàn trầm 
Nhìn nhau nhưng không nói 
Sợ tình yêu chóng phai 

Nhưng trên thế gian này không có gì là vĩnh viễn cả, cuộc sống trôi gấp gáp trên từng cái tích tắc của chiếc đồng hồ, cả anh và em đều bị cuốn trôi vào dòng đời, mà dòng đời thì luôn vô tình đi mãi chẳng bao giờ quay về chốn cũ.  Những ngày xưa yêu dấu nay còn đâu, đến một ngày đó anh nhận ra là anh đã mất em, em đã đi xa thật rồi, có phải vì anh và em là hai cá tính, hai cá thể hoàn toàn khác nhau, dù hòa hợp nhưng chúng ta không thể nào hòa tan và quyện lẫn vào nhau được.

Nhưng hôm nay xa rồi hương xưa đã phôi phai 
Mưa bay trong khung trời quạnh hiu sau màn lá 
Mưa rơi rơi vô tình nghẹn ngào tràn ngập lòng 
Chiều buồn về lạnh lùng xót xa tình đầu tiên 

Anh giờ đây chỉ còn lại một mình, nhìn mưa bay anh lại nhớ đến ngày xưa khi chúng ta còn bên nhau, có phải chăng chỉ vì tình cờ mà chúng ta gặp nhau trong ngày mưa, có phải chăng vì tình cờ mà em đến thăm anh một ngày mưa và chúng ta có những giây phút hạnh phúc bên nhau, có phải chăng vì tình cờ chúng ta có những phút hẹn hò ngắn ngủi rồi trên đường đời đường ai nấy đi.  Phải chăng mưa đã xóa nhòa hình ảnh của anh trong trái tim em, phải chăng mưa làm cho anh nhớ lại những kỷ niệm xưa nhưng nhân ảnh của em giờ đây anh chẳng còn thấy nữa.  

Có một mình anh đứng trong mưa 
Nơi đây hình bóng cũ mịt mờ
Em ra đi không nói một lời 
Từng chiều mưa dĩ vãng 
Xao xuyến mãi trong lòng anh 

Hôm nay, một ngày mưa, mưa rất lớn ngoài trời, mưa trong lòng anh, lạnh trong tâm hồn vì anh và em mãi mãi xa nhau.  Mưa làm xao xuyến lòng anh, giờ đây mỗi chiều mưa anh lại nhớ em, nhớ đến mái tóc ướt ngày xưa.  Phải chi anh đừng buông tay, phải chi anh đừng bị dòng đời cuốn đi, phải chi lúc đó anh đưa tay ra nắm lấy tay em thì giờ đây anh không phải có những buổi chiều buồn hiu hắt và hối tiếc.  Anh dõi mắt nhìn tìm ai trên phố cũ, tình yêu không thấy đôi.  Đến lúc này đây thì anh đã nhận ra một điều là anh thích mưa sau buổi chiều mưa hôm ấy nhưng đã muộn vì anh không còn có em bên anh nữa.  Anh cũng sẽ có một ước muốn "Xin đời cho ta có đôi..."

Những chiều buồn hiu hắt thương ai 
Mưa âm thầm phố cũ đêm dài 
Trong cô đơn hình bóng một người 
Tìm ai trên phố cũ 
Tình yêu không thấy đôi

Mưa Chiều Kỷ Niệm - Tác giả: Duy Yên & Quốc Kỳ
https://www.youtube.com/watch?v=4vfBTEkxhuE

San Diego
TTL - March 2015

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Góc suy ngẫm vào tháng 4 đen ...

http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/kyuc40nam-03122015-tonthatlong-03122015082144.html

Ký ức của 40 năm!


 Vui đó rồi buồn đó, nhớ những ngày này năm xưa, Đà Lạt cũng vừa qua Tết.

Năm Tháng Tuổi Thơ

...Đà Lạt – Phan Rang

Tháng 4 năm 1975, biến cố xảy ra có lẽ còn trước đó nữa. Từ sau Tết Nguyên Đán 1975, tin chiến sự truyền về ngày càng nhiều, tin VC chuẩn bị tiến đánh Đà Lạt, lo sợ và hoang mang gia đình mình đã rời Đà Lạt trên chuyến xe đò đi xuống Phan Rang ngay sau Tết. Vì lúc đó ba đang làm tại phi trường quân sự Phan Rang, khi đó thật sự mình chưa hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra, đang còn tuổi ăn học chưa biết nghĩ nên mình không có một cảm nhận gì cả, chỉ biết thích thú vì nghĩ được cùng với anh chị em đi chơi xa, không phải bị đi học và dậy sớm nữa.

Xuống Phan Rang thì ở tạm bợ nhà của chú lính lái xe cho ba tôi, nơi chú có cô nhân tình dân Mỹ Tho theo chú ra Phan Rang làm việc. Ba tôi có 2 chú lính garde du corps lúc nào cũng theo kề cận ba tôi, một chú được phân công lo sắp xếp chổ ở cho gia đình tôi lúc đó rồi quay lại phi trường, dù rằng phi trường lúc đó cũng đang trong tình trạng giới nghiêm. Nhớ lúc đó, những buổi chiều đi ra ngoài thác nhỏ ngoài Phan Rang mà tắm suối, ngày ngày thì cùng với những tụi nhỏ cùng xóm chơi đủ mọi trò chơi của những trẻ thơ thời đó, bắn bi, cút bắt, nhảy dây, rượt bắt cứu tù …những trò chơi mà con nít thời đó có thể nghĩ ra.

Rồi những trò chơi cùng đám trẻ cũng giảm bớt, tin tức về VC đã pháo kích vào phi trường Phan Rang ngày càng nhiều. Đà Nẵng, Ban Mê Thuột và Pleiku đã thất thủ, VC đang trên đường tràn về Sài Gòn, gia đình lại chuyển hẳn vào ở trong phi trường Phan Rang và chờ đợi nếu có chuyến bay thì sẽ bay vào Sài Gòn về nhà Nội và cô ruột

  • Ký ức của những ngày đó không nhiều, chỉ còn nhớ đến 3 chuyện làm mình vẫn nhớ mãi đến giờ này là một buổi sáng, như mọi ngày, khu gia binh nơi các sĩ quan không quân và gia đình mình đang sống tạm vẫn như mọi ngày, mình và các em đang chơi ngoài sân thì nghe 1 loạt tiếng pháo nổ thiệt lớn, các chú sĩ quan đang ở trong phòng đều nhào ra kêu tui nhỏ mình vào trong, cũng vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng một lát sau thì có tin báo về là VC pháo kích phi trường, 1 trong những chú sĩ quan Không Quân mà mình thích quấn quit mỗi khi có dịp gần đã chết vì đạn rơi trúng vào office của chú ấy, đó là lần đầu tiên trong đời mình cảm giác có một sự hụt hẫng nào đó mà mình không diễn tả được. Cái sống và chết như là trong gang tấc, khó hiểu thật
  • Lần thứ 2 cũng là lần mà mình đến giờ vẫn còn sợ và bị ám ảnh, cảnh hàng người đứng xếp hàng dài ngoằn ngèo trên phi đạo nóng cháy da của cái xứ nóng nhất Việt Nam để chờ lên máy bay di tản về Sài Gòn, chiếc C-130 vừa hạ cánh và dừng trên lại phi đạo, máy vẫn còn nổ nhưng từ từ hạ bẫng bụng xuống thì bà con tràn lên mà không ai kể cả Quân Cảnh hay binh lính còn có thể cản nổi. Giữa sự sống và cái chết, sự hỗn loạn, chà đạp để tìm sự sống, tất cả mọi đạo lý, phép tắc đều vứt bỏ hết sang một bên, không còn sự nhường nhịn chia sẻ lẫn nhau nữa. Vì một lý do nào đó máy bay lại nổ máy và từ từ chạy ra đường băng chuẩn bị cất cánh lại mặc dù hàng dài người vẫn tràn lên, đeo bám nhồi nhét để có thể được vào bên trong máy bay, đây là loại máy bay vận tải nên hả đít chứ không phải là loại có các cửa đi vào như phi cơ dân sự, lúc đó đít máy bay từ từ nâng lên khép lại, mình vẫn còn nhớ có 1 người không rõ nam hay nữ, treo lơ lửng vào đít máy bay, có lẽ là vì áo hay quần bị vướng vào trong cái bẫng của máy bay hay bị kẹt vào đó chứ không phải là đu bám, máy bay từ từ cất cánh mọi người ngó và la lên nhưng ai cũng biết chắc là viên phi công không thể nào nghe được, khi máy bay vừa nhấc cánh khỏi phi đạo một đoạn thì đít máy bay mở ra một chút, người treo lơ lửng trên máy bay rơi thẳng xuống đất, một cảnh tượng khủng khiếp chắc không cần phải nói cũng có thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó ám ảnh mình đến bây giờ cũng vì chuyện này.
  • Lần thứ ba cũng là chuyện xảy ra tại phi trường Phan Rang, mình rùng mình khi nghĩ nếu điều đó thật sự xảy ra thì giờ đây em mình sẽ ra sao đây, trong lúc bà con chen lấn đùn đẩy nhau tràn lên máy bay mặc dù lúc đó động cơ máy bay chưa hoàn toàn ngừng hẳn, ba má mình đã dặn 7 chị em mình nằm úp xuống và núp phía sau các vali để tránh gió và hơi nóng của cái động cơ máy bay thổi vào người, ai cũng nhắm mắt lại vì gió và cát thổi vào mắt không thể nào nhìn thấy rõ xung quanh được. Một lúc sau thì ba má mình đếm lại thì thấy thiếu mất đi 1 trong 2 đứa em sinh đôi, đến giờ mình cũng không hiểu sao là ba má mình có thể chạy theo chiếc máy bay lúc đó và đòi lại đứa em này, mình cũng chưa bao giờ hỏi lại kỹ càng nhưng có nghe nói là có 1 chú lính thấy em mình đang khóc và chạy lang thang trên phi đạo nóng cháy da nên nghĩ nó bị lạc cha mẹ và ôm lên máy bay luôn, ơn trên phù hộ gia đình mình đã không bị thất lạc đứa em này.

Chuyến Bay Cuối Cùng - Phan Rang tháng 4/1975

Phan Rang, một trong những ngày đầu tháng 4 năm 1975.  Một chuyến bay quân sự cất cánh từ phi trường Phan Rang về phi trường Tân Sơn Nhất, chiếc máy bay C-130 bay giữa những làn đạn và tiếng pháo kích vào phi trường nổ đì đùng.  Mọi người đều im lặng, không ai nói gì, giữa cái sống và cái chết đều nằm trong tầm tay.   Tiếng thì thầm cầu nguyện từ khi máy bay bắt đầu lăn bánh trên phi đạo cho đến khi máy bay cất cánh  rời khỏi mặt đất bay lượn trên bầu trời cao.

Cả tuần trước đó phi trường đã bị pháo kích liên tục, bọn trẻ tụi tôi thì lúc nào cũng quần áo sẵn sàng kể cả khi đi ngủ để phòng hờ khi có chuyện gì thì chạy ra ngoài và lên xe hoặc lên máy bay rời khỏi nơi bất ổn này bất cứ lúc nào, tuy bọn trẻ tụi tôi chẳng hiểu ất giáp gì cả nhưng nhìn những nét lo âu của người lớn, các binh sĩ đi lại liên tục với những bước chạy chứ không phải đi từ tốn cũng hiểu tình hình đã nghiêm trọng đến mức độ nào, làm cho tụi trẻ tôi cũng không còn lòng nào mà vui đùa giỡn hớt như mấy lần trước.  

Cái hangar tập trung không biết bao nhiêu người, gia đình của các sĩ quan và binh lính làm việc trong phi trường, ngoài ra còn có một số dân trong vùng vào được trong phi trường để chờ bay vào Sài Gòn.  Già trẻ lớn bé nằm ngồi la liệt dưới đất trong cái nóng hừng hực của vùng đất nổi tiếng nóng nhất Việt Nam đó là vào ban ngày, còn ban đêm thì trời mát nhưng cái gió lồng lộn thổi vào lại thì đem cái rét đến, cái mà không ai nghĩ ra ở vùng đất này.

Đã cả mấy ngày ăn nằm đứng ngồi vật vờ nên nhìn ai cũng bèo nhèo, ngay cả bọn con nít cũng không còn hứng thú để mà vui đùa giỡn hớt nữa, mấy ngày trước thì bà con còn đứng xếp hàng ngoài phi đạo nắng cháy điên người chờ lên máy bay, nhưng khi máy bay xuống thì tình trạng dẫm đạp để trèo lên máy bay rồi cộng với tình trạng phi trường bị pháo kích liên tục nên mọi người được dời vào trong hangar tạm trú chờ chuyến bay.  Cuối cùng cơ hội cũng đến, đoàn người lặng lẽ xếp hàng lên chiếc C-130, hy vọng mong manh cuối cùng để thoát về Sài Gòn.

Gần chục ngày sau khi gia đình tôi rời Phan Rang thì thị xã thất thủ, phi trường đã lọt vào tay VC.  Ba tôi là một trong những người cuối cùng thoát khỏi với phi đạo lỗ chổ đầy vết đạn cày nát, vị chỉ huy trưởng phi trường đã bị bắt cùng với một tướng nữa và một người Mỹ trong vụ này.

Công Dân hay Nhân Dân

Lâu lâu mình hay nghĩ lại chuyện tiếu lâm về bản thân mình lúc xưa, mình sinh ra lúc nhỏ thì được gọi là một Công Dân.  Được cho ăn được cho học hơn chục năm chút xíu để làm Công Dân tốt.  Và được dạy cho hát bài "Này Công Dân ơi ..."

Đùng một cái, sau lời tuyên bố hào hùng của ông Tướng được làm Tông Tông vài giờ thế là mình từ Công Dân chuyển sang làm Nhân Dân.  Mà nghĩ cũng vui, để mình kể lại cảm tưởng từ hồi được mang tiếng làm Nhân Dân. Cái mà mình luôn được nghe và dạy phải luôn tự hào về việc "Nhân Dân Làm Chủ" lúc đó.  

Sau khi chuyển sang làm "Nhân Dân" thì má mình phải đi lo chạy gạo để nuôi nhân dân, vì thế mình đã thay má mình đi họp tổ dân phố thường xuyên, chỉ cần mỗi hộ có mặt một nhân dân, không cần biết lớn hay nhỏ.  Thế là mình vinh dự được giao phó cho cái nhiệm vụ Nhân Dân cao cả đấy.

Và muốn làm cho trọn vai trò "Nhân Dân" thì cũng phải có qua trường lớp, thế là ngay tại hội trường, mình được học làm sao làm chủ cách vỗ tay, biết nghe và biết khi nào nên vỗ tay.  Lấy ví dụ, khi nghe các bác đang thuyết giảng mà ngừng lại là phải vỗ tay thôi, không cần biết bác ấy nói mệt nên nghĩ lấy hơi hay đang nghĩ cần nói chuyện gì tiếp, chỉ cần ngưng nghĩ là phải vỗ tay.  

Trong thời gian này, mình thấy được nhiều cái sự "Nhân Dân Làm Chủ" lắm đấy, nó nhiều quá đến nổi mình kể sơ qua vài cái cho nghe lại cho vui nha:

Đầu tiên và gần nhất là cái Ủy Ban Nhân Dân Phường, nơi mà bạn phải cần phải khai báo lý lịch, làm sổ hộ khâu, sổ gạo, sổ mua nhu yếu phẩm...Sau đó là Tòa Án Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, ...cuối cùng là tờ báo Nhân Dân mà mấy bà bán cá, bán thịt ngoài chợ rất chuộng vì khổ báo lớn.

Để đóng cho trọn vai trò "Nhân Dân Làm Chủ" nên nhân dân phải biết đi thưa  về trình.  Nói cho nó văn vẻ chớ thật ra là đi đâu phải xin giấy di chuyển của chánh quyền nơi cư ngụ, và khi về phải trình lại cái giấy di chuyển có đóng dấu nơi mình đã đến.  Sau đó nhân dân phải đi lao động xã hội chủ nghĩa để làm chủ quyền sở hữu lao động của mình, nói nôm na ra là đi làm chùa hay làm không công đó.

Thật ra, nghĩ lại càng thấy vui hơn là bây giờ nếu có hỏi ai cái vụ "Nhân Dân Làm Chủ" thì mình nghĩ ai cũng chỉ gật đầu nhất trí.  Nhân dân chắc nghĩ rằng mình làm chủ đủ thứ nhưng còn cái thằng "Ngân Hàng Nhà Nước" nó làm chủ cái bao tử và hầu bao của mình mà, cứ nhất trí là…chắc ăn nhứt !  Không nhất trí có nó cho mà đói thê thảm luôn.

Mình còn nhớ lần đầu tiên mình được trao quyền nhân dân đi bầu. Vì sợ nhân dân mất thời giờ và mất công nên Đảng chọn dùm cho nhân dân. Nhân dân chỉ còn có… nhắm mắt đưa cái phiếu bầu, thế là xong.  Sướng thiệt, chẳng biết thằng cha nào được nhân dân bầu, nghe xướng danh xong cũng mặc kệ, còn lo đi kiếm cơm chứ ngồi đó mà lo xa.

Những năm đó, nhân dân miền Bắc đua nhau vào Nam để "cứu trợ đồng bào ruột thịt miền Nam sống trong sự kềm kẹp của bè lũ ác ôn Mỹ Ngụy, đói khổ thiếu thốn vô cùng".  Còn nhân dân miền Nam, ít lâu sau đó, cũng lục tục kéo nhau ra miền Bắc, không phải để tham quan mà để… thăm nuôi thân nhân nhân dân bị đưa đi tập trung cải tạo ngoài đó. Người ra kẻ vô như vậy thật là một sự… giao lưu đáng đồng tiền bát gạo, bởi vì nó  là một cuộc mở mắt cho cả nhân dân hai miền.

Ôi, cái thú làm nhân dân một thời cũng vui thật, nhưng giờ có cho mình làm nhân dân lại thì mình xin cảm ơn và kiếu từ.  Vậy mà cũng có mấy thằng dở hơi lên tòa ĐS nộp đơn xin đăng ký và giữ lại cái chức "Nhân Dân", bó tay.

Thế Hệ Mất Mát

Chúng ta đang đi sâu vào thế kỷ 21, đàng sau chúng ta đã là quá khứ của thế kỷ 20, thế kỷ của những đau  buồn và mất mát.  Sau thế hệ chúng ta cũng đã có vài ba thế hệ đã trưởng thành rồi, hãy nói về thế hệ 8X, 9X và sau này, đó là thế hệ con cháu của chúng ta ngày nay, những con người đã qua khỏi ghế nhà trường và tuổi trưởng thành.

Thế hệ này không còn nghe tiếng đạn pháo nổ "đêm đêm dội về thành phố", không còn phải lo nghĩ về việc "Nghĩa Vụ Quân Sự "hay đi "Quân Dịch - Tổng Động Viên", thế hệ này đã không còn biết đến chiến tranh là gì, thế hệ này cũng chẳng ai còn quan tâm đến định nghĩa và định hướng của Chủ Nghĩa Xã Hội làm gì.  Thế hệ mà đâu có hiểu cái từ bao cấp và kinh tế mới là cái chi chi hay chỉ nghĩ là trong chuyện cổ tích mà thôi.

Nhưng tôi lại cho là đây là một thế hệ mất mát, không phải chỉ riêng thế hệ 8X, 9X và còn cho tất cả các thế hệ sau này, tôi cho rằng các thế hệ này không hiểu và biết gì về Lịch Sử Việt Nam, tôi cho rằng đây là những thế hệ mà những thông tin về sự thật của những năm Cải Cách Ruộng Đất (53-56), Biến Cố Mậu Thân (68), Mùa Hè Đỏ Lữa (72), biến cố (30/04/1975), Hoàng Sa Trường Sa, đánh Tư Sản Mại Bản, làn sóng người Vượt Biên tìm tự do trong cái chết, chiến tranh Tây Nam và biên giới phía Bắc và nhiều biến cố nữa hoàn toàn bị bưng bít.

Có ai dám nói sự thật cho các thế hệ sau này biết đâu, tôi nói đây là nói về Lịch Sử Việt Nam, được in ra thành sách vở hay dạy trong trường lớp tại Việt Nam, có hay không?   Bạn có thể tìm đọc và thấy rất nhiều thông tin và hình ảnh trên mạng, nhưng có ai chỉ cho tôi thấy và nói cho thế hệ vừa qua những gì đã xảy ra trong vòng 60 năm trở lại ngoài việc nhai lại các chiến thắng Mỹ mà tôi cho là Mỹ không muốn dây dưa thêm chứ không phải họ là người thua cuộc, đây là cách họ làm không phải chỉ riêng với Việt Nam mà còn các nước khác khi họ đạt được mục đích.  Các viện bảo tàng Việt Nam thì trưng bày những hung khí nói ra thì có vẽ hào hùng nhưng tôi lại nhìn vào những hung khí đó mà tưởng tượng đến những tên đồ tễ và lũ vô lại võ biền, thất học bị dụ dỗ nhiều hơn là các vị anh hùng dân tộc.

Càng đau lòng hơn là Hải Chiến Hoàng Sa 1974 chỉ được nói một cách mấp mé như sóng nước biển Đông, cuộc chiến biên giới 1979 thì chỉ là tiếng nói vô vọng như núi rừng Bắc Việt.  Các thế hệ mà người ta tạo ra và dùng Ngụy Từ nhiều hơn là Sự Thật, họ ngụy biện trên mọi phương diện để xóa đi cái xấu, cái tội lỗi mà họ đã tạo nên.  

Rồi bây giờ họ lại vẽ lên những hình ảnh, những lời đường mật với vũ khí là chỉ tiêu này, định hướng kia.  Có thể thế hệ này có nhiều người thành công trong cuộc sống, có cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ của chúng tôi rất nhiều, họ được sống với những thành quả và đam mê mà xã hội hiện tai đem lại nhưng tôi vẫn thấy họ mất mát nhiều hơn là được vì họ không vẫn không biết về những SỰ THẬT mà đáng ra họ nên biết.

....Không thể nào quên và không thể nào xóa bỏ nó đi được dù đã 40 năm trôi qua

San Diego - TTL