Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

NẮNG BÊN THỀM

Nắng bên thềm

Nhân đọc bài thơ Phương Xa của nhà thơ Vũ Hoàng Chương và có quá nhiều cảm xúc theo nó.  Hôm nay đọc lại chính bài mình viết và cũng cảm thấy là lạ vì ngay cả mình cũng không quen viết với phong cách này nên post lên cho bà con đọc chơi cho vui và đổi món.   

Nắng chiếu xuyên qua hàng lá xanh
Vài con bướm nhỏ cánh tung bay
Đông qua Xuân đến mang mong nhớ
Tâm tư vang vọng tiếng thời gian

Trời đã vào Xuân mà năm nay thời tiết San Diego lạ quá, cách đây mấy bữa còn gió nóng ơi là nóng, nhưng hôm nay trời lại se se lạnh. Co mình lại trong chiếc áo sơ mi mỏng tanh, đi vội lên lầu trên ghé vào cafeteria mua ly cafe uống.

Không vội quay lại văn phòng, kéo cái ghế ngồi lại bên chiếc bàn quen thuộc nằm ở góc trong cùng, rất yên tĩnh, có những ô cửa sổ nhiều màu sắc để mình có thể phóng tầm mắt ra quan sát cảnh vật xung quanh hay đơn giản là chỉ để ngồi đọc sách, nhâm nhi một tách expresso, đắm mình trong các điệu nhạc du dương mà chả sợ bị ai làm phiền.  Trong quán không có ai cả, nhìn ra ngoài trời qua khung cửa kính, nắng đã đang lên cao nhưng trong không gian vẫn còn lãng vãng cái không khí lành lạnh, nhìn những con chim chơi đùa trên cành cây làm mình cảm thấy sao thanh bình quá và chạnh lòng nhớ lại những chuyện xưa.

Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm mà, hoa tươi đua sắc màu khoe mã, gió Xuân làm tung nhẹ làn tóc mai ai bay nhưng không mang một chút rét mước mà phơn phớt như làn da ửng hồng của con gái dậy thì.  Nhưng hôm nay thiệt lạ, có lẽ những cơn gió lạnh ùa về làm cho không gian như vẫn còn vương vấn cái mùa Đông, chắc là vậy rồi.  Mà mùa đông thì nó làm cho ta cảm thấy lạnh và run.  Cái lạnh và hiu quạnh làm con người co ro và cô đơn trong cơn giá lạnh khác hẵn với mùa Xuân lúc nào cũng tỏ vẻ duyên dáng, mơn mỡn và tràn đầy sự sống làm cho lòng ai nao nao.  

Lúc nhỏ tôi luôn nghĩ cuộc sống của mình sẽ êm đềm trôi qua như vậy, nhưng nó đâu có xảy ra như những gì mình mong muốn đâu.   Tất cả xoay chuyển quá nhanh, nó đến mà vốn không có một sự chuẩn bị nào.  Mà quả thật, có ai có thật sự đã chuẩn bị cho mình hành trang bước vào đời một cách cẩn thận và rõ ràng không, tôi nghĩ là không ai cả.  Tất cả là tùy nhiên, dòng đời nó cứ đưa đẩy đến đầu thì đến thôi.

Hôm qua đọc bài thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương
......
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
 Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
......
Tác giả: Vũ Hoàng Chương - Phương xa 

Hay cho cái câu "Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ" của nhà thơ Vũ Hoàng Chương.  Tôi không biết ông đã viết bài thơ này vào năm nào và lúc nào.  Nhưng tôi thấy nó lại áp dụng quá đúng cho thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ còn đang trong thời kỳ mới lớn và có chút hiểu biết, nó bắt đầu từ 39 năm về trước.  

Tôi chỉ là một trong những đứa trẻ thuộc thế hệ sinh ra trong thời loạn lạc, cái hệ lụy bắt đầu bằng cột mốc 39 năm về trước. Đúng hay sai, phải hay trái không phải dành cho tôi để phán xét.  Tôi chỉ là những đứa trẻ nằm trong cuộc thế đó thôi, chỉ cảm nhận và bị ảnh hưởng bởi cơn sóng lớn, trong cơn sóng đó chúng tôi phải vật lộn để sống còn và tồn tại.  Trong giữa dòng nước lớn, nước trong có, nước đục có.  Có những cơn sóng lớn tìm cách nhận chìm chúng tôi, chúng tôi vật vả tìm cách thoát thân, nhưng cũng có những lúc chúng tôi bị cuốn đi theo cơn sóng dữ, trôi đi mãi mà không thấy đươc bến bờ.  Có lúc chúng tôi được cứu thoát nhờ vào một sự may mắn nào đó, có lúc chúng tôi bị ruồng bỏ bởi vì một định kiến nào đó.  Và cứ thế chúng tôi đã vật lộn và lớn lên từ sự thiếu thốn về mọi thứ từ vật chất và tinh thần của một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh.

Nếu so sánh ra, thế hệ đi trước chúng tôi và thế hệ con cháu chúng tôi thì ít nhất cũng hưởng được những thời gian và khoãng khắc huy hoàng hơn chúng tôi, còn thế hệ chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong tiếng bom rơi đạn nổ, loạn lạc và ly tán.  Chúng tôi không ganh tị mà chỉ cảm thấy đó là phước phần mà thế hệ chúng tôi đã không may mắn có được.  Thế hệ chúng tôi, sống giữa hai lằn ranh giới, cảm nhận và định kiến của chúng tôi sẽ rất khác nhiều so với các bậc tiền bối và hậu sinh.

Thế hệ trước có thể nuối tiếc thời vàng son, thế hệ sau có thể không thể hiểu chiến tranh và hệ lụy là gì.  Riêng đối với tôi, nó cho tôi một cách nhìn khác về những gì xảy ra trước đó và sau này về thời cuộc để nhìn nhận và cho mình một nhận định riêng cho bản thân.  Cái chúng tôi có được không bao nhiêu nhưng mất thì quá nhiều để kể lại.  Chúng tôi mất tuổi thơ hồn nhiên của những đứa trẻ chỉ biết ngày hai buổi cắp sách đến trường.  Đã có biết bao nhiêu đứa trẻ của chúng tôi bị đẩy ra vòng cuốn xoáy của cuộc đời, rồi nhìn đời bằng những ánh mắt khác lạ.  Luôn sống với hiện tại trong cảm thức chơ vơ, lạc loài, cô đơn, bị ruồng bỏ, chia cắt.

Đôi lúc tôi tự hỏi chính bản thân mình qua những trải nghiệm, tôi muốn mình là người Việt Nam hay là người Mỹ.  Nhưng cả bản thân tôi lại là đầy một nỗi mâu thuẩn và tôi lại không có câu trả lời cho chính tôi.  Tôi yêu nước tôi, tôi yêu tiếng Việt Nam, tôi yêu cái nguồn gốc của gia đình tôi.  Nhưng khi tôi về Việt Nam, tôi lại thấy mình bơ vơ như giữa chợ đời, tôi như tôi đang đi du lịch vào một xứ lạ dù tôi có thể hiểu và nói được rành rẽ tiếng của nước tôi đang đi tới.  Có quá nhiều thứ đã thay đổi dù tôi cố gắng cách mấy cũng không tìm lại được.  Thời gian trôi đi, tôi vẫn đứng đó.  Con đường cũ về nhà tôi, tôi đã không còn nhận ra được nữa, tôi không còn là tôi, tôi có thay đổi không, tôi nghĩ là có nhưng dù muốn dù không tôi vẫn là người Việt mà.  

Trong khi dù sống hơn nữa đời người trên đất Mỹ, tôi lại không nghĩ mình là người Mỹ vì tôi vẫn dùng tiếng Việt hầu hết thời gian chỉ trừ thời gian đi làm.  Tôi vẫn ăn cơm thay vì ăn bánh mì, tôi vẫn dùng đũa thay vì dùng muỗng nĩa. Trong bữa cơm hàng ngày vẫn không thiếu chén nước mắm pha ớt và tôi vẫn thèm ăn món cà pháo mắm tôm hay món canh chua cá kho tộ.  Tôi vẫn phát âm tiếng Anh với giọng Việt dù tôi có cố gắng đến hết mình vẫn không dấu được cái giọng của người dân nhập cư.  Ra đường tôi có thể ăn mặc, đi đứng và hành động giống như mọi người xung quanh nhưng tôi vẫn không thể cho mình là một người Mỹ hoàn toàn. 

Vì cả hai nơi, tôi đều cảm thấy lạc loài.  Có phải tôi đang mơ, xem ra không phải là giấc chiêm bao, không phải là một giấc mơ đẹp mà là một giấc ngủ đầy mộng mị, một cái nhìn ảm đảm về quá khứ và tương lai.  Được và mất không phải trong giấc mơ, nó là hiện thực theo thời gian càng khó xóa nhòa.  Tôi chỉ hy vọng là có một ngày nào đó tôi được nhìn một tương lai sáng lạn trên quê hương tôi, một giấc ngủ, một giấc mơ đẹp và TÂM THANH TỊNH.

Khi có một cảm xúc nào thì tôi thích viết, tôi viết mà không biết viết cho ai , tôi viết nhưng không theo một thời gian và thứ tự nào cả, cứ như thế mà tôi viết như tôi đang đi trong dòng đời... Ngoài kia, bầu trời âm u, ảm đạm không thể nào khơi dậy trong mình những câu chữ vui nhộn hay hài hước.  Lòng thi cảm thấy buồn buồn... 

San Diego
TTL - May 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét