Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

KÝ ỨC CỦA 1 CHUYẾN VỀ THĂM ĐÀ LẠT

Ký ức của một chuyến về thăm Đà Lạt

Trong chuyến về Việt Nam năm 2011, tôi có dịp ghé lên thăm lại Đà Lạt và thật sự ngạc nhiên về sự phát triển và thay đổi của Đà Lạt.  Tôi không biết mình nhìn Đà Lạt qua cái nhìn của người con đi xa trở về chốn cũ hay là cái nhìn của một khách lãng du quen thuộc từng ghé thăm Đà Lạt nhiều lần và nay quay trở lại tìm về chốn xưa.  



Với cái nhìn của một người con sinh ra và lớn lên rồi xa Đà Lạt đã lâu nay được trở về nơi chốn cũ, tôi thật sự vui mừng khi được đi trên những con dốc thân thương, tìm lại và nhớ lại những hình ảnh cùng những góc phố thân thuộc năm xưa.  Tôi say sưa ngắm nhìn những ngôi nhà Tây mái đỏ còn sót lại, ngôi thánh đường thấp thoáng sau rặng thông già với sương mù lãng đãng khi hoàng hôn xuống.  



Tôi lang thang khu Hòa Bình để tìm lại những khuôn mặt xưa, góc quen nhỏ, đứng tần ngần trước cà phê Tùng và hồi tưởng lại những bản nhạc Pháp cũ của Sylvie Vartan, của Christophe mà tôi từng chìm đắm với hương vị ly cà phê đen.  Tôi lang thang trên chợ lầu để mong tìm lại những gì mà tôi còn nhớ lại trong ký ức, nơi từng bày bán những món hàng kỷ niệm mà ai đã từng lên Đà Lạt đều mong muốn được mua và đem về làm quà tặng hay trưng bày trong tủ kính buffet trong nhà.  Những món hàng thủ công mỹ nghệ rất đặc trưng của Đà Lạt như chiếc thuyền buồm mỏng manh làm bằng những mảnh gỗ nhỏ dán ghép lại bỏ vào trong chai thủy tinh trong suốt, những nhà sàn mà mái làm bằng đót cây chổi, những hình khắc tên bằng cưa lọng được làm theo yêu cầu của khách du lịch ngay tại chỗ.  Những hình vẽ Hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, thác Prenn, trường Hùng Vương, chợ Đà Lạt, đồi Cù bằng bút lữa trên mặt những miếng gỗ thông...  Những gian hàng bán áo mũ len trên chợ lầu có một thời huy hoàng là nồi cơm cho không  biết bao nhiêu các bà mẹ và các chị để nuôi sống cả gia đình.  



Tôi xuống chợ lầu để tìm lại những đặc sản từng một thời chỉ có Đà Lạt mới có như hồng khô, mứt khoai lang dẽo, mứt mận, những lọ mứt dâu, mứt mận, những traí bơ sáp, trái mận vàng ươm, khô nai và chai rượu hồng đào, rượu dâu, bông artiso khô, chuối La Ba...Những gian hàng cá hấp phía sau chợ là nơi mà sáng sớm xe đò từ Phan Rang và Nha Trang đem lên Đà Lạt cho kịp buổi chợ sớm.  Có lẽ chỉ có Đà Lạt là thành phố duy nhất lúc đó chịu ăn cá hấp thay vì cá tươi vào thời xưa vì chưa có những phương tiện đông lạnh vận chuyển cá tươi như ngày nay.  Chợ rau cải với vô vàn đặc sản của riêng Đà Lạt từ rừng rau củ đầy màu sắc và danh giá như bắp sú, súp-lơ, khoai tây, cà rốt, cải thảo, đậu Hà Lan, artiso, su hào, măng tây, xà lách xoong, xà lách Coron, xà lách mỡ...




Tôi ngồi dưới một trong những cây tùng nằm trong dãy cây tùng gần cầu ông Đạo, nhìn sang Thủy Tạ mà lòng bồi hồi nhớ lại những ngày xưa dưới màn mưa phùn đứng chờ đón người yêu từ Sài Gòn lên Đà Lạt thăm tôi.  Cơn gió nhẹ làm mặt hồ gợn sóng, dõi bóng theo những chiếc Pedalo hình thiên nga xa xa với những cặp nam thanh nữ tú ngồi bên trong thong thả đạp lướt nhẹ trên mặt hồ cho tôi cảm giác an lành và thật lãng mạn của đời người.




Con đường về nhà tôi và trường cũ, cuối Hồ Xuân Hương phải qua một cây cầu đúc nhỏ, bên tay phải có một cái am nhỏ thường được gọi là am Xu Giê chuyên dùng để cúng kiến và lên đồng lên bóng tại đây, có lẽ tại cái am nhỏ này nằm gần nhà riêng của vị bác sĩ người Pháp tên Sohier ngày xưa và bây giờ thành nhà nghĩ công đoàn nên người ta suông miệng gọi vậy.  Tại am này có chôn mấy nấm mộ nhỏ tròn tròn dành cho các em bé sinh non, thuở còn nhỏ tôi rất sợ đi đêm về ngang qua cái am nhỏ này, mỗi lần đi đêm về là tôi luôn mắt nhắm mắt mở phóng xe đạp hoặc chạy bộ thiệt nhanh qua am và không bao giờ dám ngoãnh mặt nhìn lại phía sau.  Đây cũng là con đường lên trường Hùng Vương, Nha Địa Dư và ga xe lữa để đi về phía hướng Chi Lăng hay Hồ Than Thở.  Cái am nhỏ đó giờ đây đã không còn cúng kiến nữa nhưng nó làm tôi liên tưởng và nhớ đến hình bóng ông Pháp râu còn đâu đó, ông là người chăm sóc cái am nhỏ đó, năm xưa mỗi khi Hồ Xuân Hương có người chết đuối ở hồ là họ đều đến nhờ ông lặn xuống để vớt xác, từng nghe nói ông đã uống cả lít nước mắm nhỉ trước khi lặn xuống hồ cho đỡ lạnh, đâu đó hình ảnh ông từ coi đền chuyên mặc quần đùi, người đỏ au màu đồng hay ngồi trước am dù khi hậu Đà Lạt thời xưa nó lạnh chứ không như bây giờ.  Tôi nhìn quanh quất đâu đây như muốn tìm lại những ruộng xà lách xoong ngập nước của cái ấp Hồng Lạc thuở nào mà một thời  từng tranh hùng tranh bá với rau xà lách quăn Coron của ấp Đa Thiện hay Thái Phiên để cho ra món rau trộn đặc sản của Đà Lạt.  



Con đường về nhà cũ của tôi giờ được làm lại tốt hơn, hai bên đường cũng được mở rộng ra với con đường được tráng nhựa bằng phẳng nhưng nó lại làm tôi chạnh lòng nhớ lại những ngày xưa, thông hai bên đường thật nhiều, lá thông và trái thông cũng thật nhiều.  Cây dương sĩ mọc tràn ra hai bên vệ đường, lác đác đó đây là những bụi hoa ngũ sắc hay dâm bụt giờ đây còn đâu.  Nỗi lưu luyến trong chuyến về thăm nơi chốn xưa cũng biến tôi thành như một khách lãng du phương xa từng ghé thăm và tìm lại những quen thuộc của từng góc phố quen nhỏ ngày nào của Đà Lạt trong một cái nhìn khác.  Nó đem lại cho tôi niềm tiếc nhớ, nỗi hoài cảm vì cứ nghĩ rằng mình ghi nhớ và in trong đầu những hình ảnh cũ mà mình sẽ tìm bắt gặp lại... nhưng hỡi ôi!



Con đường ngày xưa tôi về càng thêm u buồn và lạ lẫm, buồn đến từng viên đá sỏi, ai nghĩ rằng đá sỏi là vô tri, có thật vậy không?  Nó làm khách phương xa tôi khi quay về chốn cũ nhớ đến câu hát "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", nó đang buồn cùng với tôi đấy hay là lòng tôi đang cô đơn cùng với sỏi đá và những con đường, thành phố trong kỷ niệm.  Nhìn dòng người và xe cộ tấp nập trên đường, tôi như có cảm giác chỉ có tôi lẻ bóng đếm bước và lòng bồi hồi với những kỷ niệm xưa, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn và con đường ngày xưa lá đổ.  Thành phố xưa của tôi với những con đường vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già cùng tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương, người lưa thưa chìm dưới sương mù nay còn đâu.

Đà Lạt trong người lãng du tôi xưa và nay quá khác biệt, khu phố Hòa Bình giờ đây khoác lên một bộ áo khoát màu mè lòe loẹt và lỡm chỡm hoàn toàn khác lạ mà tôi đôi lúc phải đứng khựng lại tự hỏi đây có phải là khu Hòa Bình không?  Đà Lạt không còn ngây thơ như tôi luôn nghĩ trong tâm trí, cái phong cách thấm đậm chất tây phương hòa nhã và lịch sự đã biến mình thành những thứ lai tạp của thế giới vật chật và đua đòi.  Những vườn rau cải xanh ngắt năm xưa giờ đã bị biến mất dành cho những căn nhà đủ loại đủ kiểu, đồi cù nằm đó ngay trong tầm mắt nhưng bước chân tôi không bước tới được. Con đường Quang Trung với những hàng rào dậu hoa Tigôn bé xinh xinh của những căn biệt thự tuyệt đẹp xưa kia thì nay còn đâu.  Khung cảnh thơ mộng, đa tình và khí hậu mát lạnh ban ngày và lạnh tê tái của ban đêm đã nhường bước cho cái nóng đôi lúc gay gắt như những buổi trưa hè Sài Gòn.



Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi ngày nay Đà Lạt có những căn nhà mọc lên ở những vị trí mà tôi không nghĩ rằng nó được quyền mọc lên, những căn nhà gỗ mái tôn thấp lè tè, xinh xinh lẫn trong rừng thông ngày nào được thay thế bởi những nhũng kiến trúc hỗn loạn và nhiều tầng mà sẽ có người tự hào về những công trình này nhưng với tôi nó thật là rối mắt và hỗn loạn.  Có lẽ cái tâm thức hoài cổ trong tôi luôn vương vấn mãi nên tôi luôn mong muốn nhìn thấy lại những gì của Đà Lạt lúc xưa, tôi cho đó là điều tôi phải chấp nhận vì thời gian luôn phải thay đổi không thể đứng chờ và đợi những người như tôi quay trở về để tìm và nhìn thấy một Đà Lạt xưa của tôi.  Nhưng tôi không thể chấp nhận đánh mất đi cái nét duyên dáng, lịch thiệp đặc thù tự nhiên của Đà Lạt xưa để có một Đà Lạt ngày nay chỉ vì để kích thích ngành du lịch và phát triển nền kinh tế thị trường mà đi xây dựng tràn lan với những khối nhà bê tông vuông vức, phá nát cảnh quanh đã được quy định và quy hoạch lúc xưa theo phong cách tự nhiên của núi đồi cao nguyên -  Rừng trong thành phố - Thành phố trong rừng.   Những khu du lịch được tạo nên mà nhìn vào thấy toàn giả tạo và hủy hoại môi trường xung quanh.  

Người Đà lạt thuở xưa vốn không thích nhà cao tầng bởi lẽ dễ hiểu là họ không phải sống kiểu chen chúc như ở Sài Gòn, dân Đà Lạt không cần phải đặt vấn đề tiết kiệm diện tích ở đây. Vì vậy thường chỉ là nhà một, hai tầng với tiện nghi đầy đủ, thuận lợi. Bên cạnh những biệt thự Tây kiểu cách và những tòa nhà đồ sộ kiểu dinh thự của Vua và Toàn Quyền Tây còn tồn tại theo năm tháng phơi sương gió đến ngày nay, đâu đó những ngôi nhà nhỏ xinh xinh được dựng lên bằng thứ gỗ thông có sẳn tại địa phương như những tổ uyên ương bình dị nhưng không kém phần thơ mộng nằm rãi rác tại các ấp nhỏ xung quanh ngoại ô thành phố trên con đường đi Đập 3 Đa Thiện hay về hướng Hồ Than Thở.  Thành phố giờ đây quá đông đúc, chen chúc và cảm giác chật chội chứ không còn khung cảnh thoáng đãng như lúc xưa .  Những cây thông, cây Mai Anh Đào vẫn còn đó nhưng sao tôi lại cảm giác như ít đi và khá lạc lõng giữa phố phường thành phố, không như lúc xưa thông mọc ở mọi nơi cho ta cái cảm giác đang sống ở thành phố trong rừng thông.



Khu du lịch mọc lên với phong cách khá là lạ lùng như Đồi Mộng Mơ có một Vạn Lý Trường Thành đáng ra không nên bắt chước ở đó.  Còn đâu thác Cam Ly mà mùi hôi thối nồng nặc bay lên và sự thiếu nước trầm trọng nhưng vẫn bán vé cho du khách vào cửa.  Hồ Than Thở mà các vị hướng dẫn viên ăn nói rất duyên dáng ngồi kể chuyện về sự tích cái hồ mà tôi từ nhỏ đến lớn sống ở Đà Lạt tuy vậy mà chưa từng nghe qua và biết đến bao giờ, sau khi nói xong thì mời ra múa và hát theo các điệu múa dân tộc và uống rượu cần hoặc mua vài món đặc sản khô nai hay bò, cái mà tôi cho là thêm thắt quá lố sai sự thật.  Thác Datanla ngày nay được tổ chức lại khá tốt với những con đường đi lên xuống thật dễ dàng, nhưng sẽ tốt hơn nếu không bị những hàng quán xung quanh làm xấu đi khung cảnh đáng ra là man dại hồn hoang của nó. Có lẽ nếu cho tôi chọn lựa thì tôi chỉ còn chọn lại hai nơi đáng để đi là Hồ Tuyền Lâm và Suối Vàng, nơi còn giữ lại một khoảng khắc nào đó gợi nhớ lại một Đà Lạt hoang dã khi xưa với những rừng thông bạt ngàn gió núi reo.  Các quán ăn thì chụp giựt và Thanh Thủy là nơi một đi không bao giờ trở lại.  Chợ Đà Lạt thì bán toàn hàng Trung Quốc và Trung Quốc ngoài hoa Đà Lạt và số rất ít đặc sản Đà Lạt nhưng vẫn sợ bị nhét lẫn hàng Trung Quốc vào bên trong.  Tôi đi chợ đêm mà cứ bị nhắc nhở hoài là coi chừng bị móc túi làm cho cảm giác mất hứng và hụt hẫng khi nghĩ đến một Đà Lạt hiền hòa của tôi năm xưa.



Ngày tôi rời Đà Lạt thành phố thân yêu của tôi, trên chuyến xe Taxi xuống phi trường Liên Khương, người tài xế Taxi hỏi tôi "Anh chị và cháu ở Sài Gòn lên Đà Lạt chơi chắc là thích lắm phải không?"  Tôi trả lời "Ừ, rất thích!" và hỏi lại "Em ở đâu lên Đà Lạt vậy?" , cậu thanh niên trả lời "Em là dân Đà Lạt mà anh, em sống ở Đà Lạt trên 10 năm rồi."  Cái giọng Nghệ Tĩnh làm sao tránh qua khỏi được tôi, tôi ngậm ngùi trả lời "Em là dân Đà Lạt hả, vậy mà anh không biết."  Người Đà Lạt luôn tự hào có một giọng nói rất đặc biệt, nó không lẫn vào đâu được dù rằng gốc gia đình có là Bắc, Trung hay Nam nhưng bọn trẻ tôi sinh ra và lớn lên vẫn có một giọng nói pha tạp rất Đà Lạt khó mà lẫn lộn được.  Cái giọng Đà Lạt của tôi mà anh thanh niên cũng không nhận ra được, tôi im lặng từ đó cho đến khi xe chạy đến phi trường Liên Khương.  Ừ thì Đà Lạt của tôi đã không nhận ra tôi nữa rồi dù vậy Đà Lạt vẫn luôn mãi trong ký ức đẹp của tôi, nhưng Đà Lạt của tôi xưa thì nay trước mắt chỉ còn là "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt".

San Diego
TTL - Sept 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét