Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

LÂM TẶC BẤT ĐẮC DĨ

Lâm tặc bất đắc dĩ,


Lại tiếp tục kể chuyện cũ và chuyện khổ xưa cho nhớ thêm...về Đà Lạt mộng mơ thuở nào.

Cái xóm nhỏ cứ đến ngày chủ nhật là rộn lên từ 4-5 giờ sáng, ông mặt trời còn chưa tỉnh giấc là đã nghe tiếng gọi nhau í ới cả lên, một chặp sau là một đoàn người đã tụ tập nơi cái sân đất chính giữa xóm.  Đa số đều vác trên vai loại gùi gỗ hay xe pạc đạn, gùi ở đây nó không phải là loại gùi như người Thượng thường hay đựng ngo hay mang vác trên vai khi vào thành phố.  Cũng không biết ai đã sáng chế ra cái loại gùi này nữa nhưng nó được đóng bằng những thanh gỗ như hai cái thước kẻ thợ mộc nối với nhau bằng một thanh gỗ ngang, mặt ngoài cùng thì nối lại với nhau bằng những sợi dây thun dày có móc hay được dùng trên xe đạp để giữ đồ đạc phía sau xe khỏi rơi hoặc là những sợi dây dù trong nhà binh.  Ai trên tay cũng cầm không rựa thì búa, không búa thì dao loại sóng dày như dao chặt xương heo, xương bò.  Tay còn lại là túi đồ ăn trong đó đa số chứa các lon giugoz hay cái cà mèn của quân đội để đựng theo cơm trưa, cái bi đông quân đội cũng được trưng dụng cho cuộc đi rừng.  Nếu thay thế những cái rựa, rìu và dao là súng và đôi giày bốt thì sẽ nghĩ đây là một đoàn binh lính ô hợp vì đa số các vật dụng của nhóm nhỏ này toàn là đồ quân dụng trong nhà binh.  Nhưng không phải đâu, họ là đoàn người đi tìm củi sớm mà thôi.

Đà Lạt vào những năm 76-80 là vậy đó, xăng dầu là một thứ xa xí phẩm không phải ai cũng có mà xài.  Việc bếp núc thời đó hoàn toàn phụ thuộc vào củi và than.  Với hoàn cảnh như thế, không còn cách nào hơn nên từng đoàn người tranh thủ vào rừng đốn củi và làm than để đem về nhà xài chỉ trừ những nhà trên phố chính hoặc nhà nào có tiền thì mua củi hay than về để dùng.  Trong sương mai của buổi sáng sớm, tiếng lá cây xào xạc, tiếng nước chảy róc rách từ dòng suối nhỏ, văng vẳng xa xa là tiếng lẻ loi của con chim hót gọi bầy.  Cánh rừng vào sáng sớm tinh mai sương còn đọng hạt bỗng nhộn nhịp hẳn lên, một nhóm nguời già có, trẻ có, lớn có, bé có kéo nhau lũ lượt đi vào cánh rừng và tản ra mọi phía.  Đang vào mùa mưa, không một ai dám sắn tay áo hay ống quần lên cao mà đều bó cột cả hai ống tay áo và hai ống quần túm lại bằng những sợi thun để tránh bị vắt đĩa chui vào.  Mùa mưa mà vào rừng là chắc chắn bị vắt chui vào hút máu là cái chắc, khó tránh lắm.  Dân đi rừng sợ nhất là vắt, nó hay chui vào mấy chỗ kín, hút cho phình căng lên chứ nhất quyết không thèm nhả ra khi chưa no máu.  Thời đó ai cũng ốm yếu xanh xao và vàng vọt mà đến vắt cũng không chừa và tha cho người, nghĩ lại thật tội nghiệp vì làm kiếp con người thời đó.  Lúc đó không có giày nên ai cũng mang một kiểu loại dép cao su làm bằng vỏ bánh xe cắt ra nhưng tới bìa rừng là đều phải bỏ ngoài vì trời mưa trơn trượt, chỉ có đôi chân trần bám đất mới đi nổi thôi.  Nhìn bàn chân ai cũng chai sạn và to bè bè.

Chỉ một lát sau là tiếng búa, tiếng rựa, tiếng dao chặt vào thân cây nghe vang cả một khúc rừng.  Thỉnh thoảng lại nghe la toáng lên "Tránh ra, tránh ra, cây đổ nha bà con."  "Rào rào rào, rầm", một cây gỗ gạc-nai ruột đỏ hỏn to lớn đã bị hạ gục xuống và nằm chắn đè cả lên mấy cây nhỏ xung quanh.  Cái cây nơi chỗ bị chặt còn ứa ra chất nhựa cây màu đỏ hỏn.  Chỉ một vài ba tiếng đồng hồ thôi là một khu vực nhỏ đã trở thành bình địa với hàng loạt cây to bị hạ.  Đôi lúc số lượng cây bị hạ nhiều hơn là số lượng cây đem về trong ngày vì mục đích là hạ cây và để khô đi rồi kỳ sau sẽ quay lại đem về nhà sau.  Đã giữa trưa, tiếng chặt cây dần dần lắng xuống, mọi người kéo nhau ra ngoài bìa rừng tập trung lại và ngồi bệt xuống đất ăn trưa, cơm thật ra chẳng có nhiều nhặn gì cho lắm mà toàn là cơm độn khoai lang khô, khoai mì khô hoặc bắp khô.  Thức ăn thì chỉ toàn là mắm khô quẹt, mắm ruốc với vài ba miếng thịt ba chỉ cắt lát mỏng lét kho chung với xả bằm.  Nhưng xem ra vì đói và mệt nên bữa cơm được thu dọn mau chóng và vét sạch không còn sót một hột cơm thừa.  Sau bữa cơm trưa thanh toán nhanh gọn, đoàn người đi tìm củi lại tiếp tục quay lại với công việc chặt và xếp củi để tranh thủ bỏ vào gùi, để lên xe pạc đạn hoặc vác nguyên khúc cây mang về nhà sớm tránh cơn mưa chiều sẽ đổ ào đến bất chợt.  Đà Lạt mà mưa sẽ là những cơn mưa tầm tã, mịt mù, giăng kín đường về kèm với cái lạnh, gió giật, đói và mệt sẽ càng làm cho con người dễ gục ngã nhưng cũng có cái may là tránh được kiểm lâm vì ít khi họ chịu làm siêng đi tuần trong những ngày mưa gió.

Rừng Đà Lạt bị triệt hạ một cách vô tội và đáng thương vào những năm đó, những cây con cũng bị đốn hạ chỉ vì vô tình nằm ngay trên con đường đi của những người đi tìm củi.  Những ngày đầu tiên, cây làm củi rất dễ tìm, người Đà Lạt không dùng cây thông làm củi vì củi thông khi đốt cho nhiều khói và cháy mau.  Cây làm củi phải là loại cây gỗ chắc và nặng, nhiều loại củi tốt chỉ cần 1-2 cành củi nhỏ là đã nấu chín được nồi cơm.  Có một đặc điểm là cây thông và cây rừng không bao giờ mọc chen lẫn với nhau, vì vậy muốn tìm cây rừng làm củi phải đi vào trong sâu mới có, lúc ban đầu chỉ cần đi vào ven bìa rừng là tìm được củi rồi, càng về sau, cây làm củi, làm than càng hiếm nên bà con lại phải đi xa và sâu vào bên trong mới có cây để chặt hạ.  Sau này, có đôi khi phải băng qua biết bao nhiêu dốc, nhiêu đồi và suối sâu mới tới được địa điểm có các cây to để hạ.  Các địa danh từng một thời là vựa củi cho dân Đà Lạt như là Hầm Đá - Chùa Tàu, đường đi Trại Hầm, thác Datanla, hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở...

Dân Đà Lạt đa phần không ít thì nhiều bản thân cũng đã trãi qua một thời với vài năm phải đi "đẵn cây" làm củi trên rừng và làm lâm tặc bất đắc dĩ, có hối hận vì đã phá rừng nhưng suy cho cùng cũng như mọi người vào thời buổi đó, không có con đường chọn lựa nào khác hơn ngoài con đường là phá rừng đốn cây làm củi.

San Diego
TTL - Oct 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét