Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

BẾN ĐÒ THỦ THIÊM

Bến đò Thủ Thiêm, hai lần sang phà!



Tôi lớn lên và từng nghe qua câu vè về  Sài Gòn:
"Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Có bến xe thập tỉnh, có bến đò Thủ Thiêm”.

          Sống bao nhiêu năm ở Sài Gòn cho đến vài ngày trước khi tôi rời Việt Nam, tôi toàn nhìn bến đò Thủ Thiêm từ bến Bạch Đằng chứ chưa bao giờ bước chân hay đặt chân lên chuyến phà Thủ Thiêm để đi sang bên kia sông.

          Không hiểu sao lần đó tôi lại có quyết định lên chuyến phà đi sang bên kia Thủ Thiêm một lần rồi quay lại.  Tới giờ này thì tôi lại có cảm giác thật thích thú và nghĩ đến quyết định đúng của mình lúc đó, vì tôi đã biết ngày nay bến đò Thủ Thiêm đã đi vào dĩ vãng với người Sài Gòn.  Có lẽ tôi là người may mắn và tự hào là mình đã từng đến và đi phà qua Thủ Thiêm.

          Tôi cũng không nhớ là bao nhiêu tiền cho cái vé 1 lần qua phà nhưng tôi đã mua vé cả đi lẫn về.  Bước xuống theo dòng người lên phà, đi qua tấm bửng sắt cũng là cánh cửa đóng phà lại khi rời bến, lòng tôi có cái cảm giác là lạ vì lần đầu tiên trong đời tôi đi phà.  

          Vào những năm cuối 80, xe đạp vẫn là phương tiện phổ biến nhất, xe gắn máy đã bắt đầu nhiều nhưng chỉ trong nội ô Sài Gòn, còn Thủ Thiêm vẫn là ngoại ô và một quận huyện nghèo, xe gắn máy chỉ là Honda 50cc hay Honda Đam là chủ yếu, còn lại toàn là xe đạp và xe đạp, cùng người buôn thúng bán buôn chất đầy lên phà.

          Tôi đứng ngay phía trước sát mạn tàu và xem từng con nước lên xuống, đánh vào mạn phà, nhìn mớ lục bình trôi dật dờ trên bến sông.  Mùi dầu nặng, mùi khói, mùi mồ hôi và thuốc lá của những người xung quanh quyện vào thành một mùi đặc biệt.  Tiếng gió, tiếng nước, tiếng người nói chuyện, tiếng ồn của máy tạo ra một âm thanh lạ lùng.  Con tàu nặng nề rùng mình từ từ nâng càng lên đóng lại và rời bến.  Càng sang gần bờ bên kia sông, khi phà càng gần Thủ Thiêm thì lục bình càng dày đặc cả một khúc sông.

          Cái cảm giác đi tàu, dù chỉ là tàu chạy trên sông và rất chậm nhưng cũng mang lại một cảm giác khá đặc biệt.  Có lẽ tôi là dân xứ Cao Nguyên đất đỏ chưa một lần đi tàu hay đi bè trên sông nước nên cái cảm giác đó rất khó diễn tả, nó bồng bềnh, nó trôi đi và gió lộng man mác thổi tràn vào mặt, tóc bay tung tóe.  Nếu bạn từng ngồi ngay bến Bạch Đằng hóng gió vào buổi chiều tối thì ngọn gió còn mạnh hơn nữa nếu bạn đi phà ra giữa sông, nó lồng lộng, nó thổi giật từng cơn và từng cơn.

          Lần thứ hai là vào năm 2000 khi tôi về chịu tang bà Nội tôi, cũng bến phà Thủ Thiêm cũ, tôi và gia đình đã rãi tro cốt bà tôi ra giữa sông Sài Gòn qua chuyến phà Thủ Thiêm.  Có lẽ bà tôi cũng chưa một lần qua phà Thủ Thiêm ngoài lần duy nhất và cuối cùng trong đời đó là đi với tôi dù rằng bà đã sống ở Sài Gòn trên dưới gần 50 năm.

          Ngày nay, phà Thủ Thiêm đã đi vào dĩ vãng cho người dân Sài Gòn, dẫu đường hầm hiện đại là niềm vui lớn, là ước mong từ bấy lâu nay của người dân, nó giúp cho dân chúng đi lại thuận tiện hơn.  Song câu hỏi tôi luôn tự hỏi cho chính mình là có phải khi xây dựng một cái gì mới là phải phá bỏ cái gì cũ mặc dù nó đã đi vào lịch sử của người dân và thành phố không?  Có lẽ không phải riêng tôi là người duy nhất đặt câu hỏi này, mà các bạn Sài Gòn tôi cũng đã từng hỏi qua.  100 năm di tích lịch sử chỉ trong vòng vài ngày đã biến mất chỉ còn lại trong dĩ vãng, đáng buồn hay không!

Kết thúc với câu không còn vè:
Sài Gòn có Bến Chương Dương,
Có Dinh Thống Nhất, có đường Đồng Khởi,
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Có bến xe thập tỉnh, vắng bến đò Thủ Thiêm.



San Diego - TTL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét