Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

ĂN SÁNG

Việt Nam là một đất nước mà thức ăn sáng rất đa dạng và phong phú, các món ăn buổi sáng của Việt Nam cũng có thể là món ăn được ăn bất cứ lúc nào trong ngày và có thể thay thế trong mọi bữa ăn chính.  Chính vì điều này mà nhìn lại ta mới có thể nói thức ăn Việt Nam thật là dễ ăn, ngon và đa dạng.  Mỗi buổi sáng thức dậy là bạn có biết bao nhiêu lựa chọn cho một bữa ăn sáng.

Khoái ăn sang là sáng ăn khoai lang hay khoai mì, bánh bao, xôi đủ loại, bánh mì tay cầm là những món ăn sáng nhanh và rẻ nhất.  Nội có cái vụ xôi và bánh mì không cũng đã có chục thứ đủ loại để mà chọn, đôi lúc ta có thể chọn nữa bên này là xôi bắp còn nữa bên kia là xôi vò hay đậu xanh, lạp xưởng... Còn bánh mì thì nào chả, nào paté, nào thịt nguội, dăm bông, xíu mại hay cá mòi ...càng nói càng thấy thèm.  Đó là mình còn chưa nói thêm về các món hấp nóng hổi như bánh ướt, bánh cuốn, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh tráng cuốn thịt, bánh bì, bánh tằm bì...



Nếu không muốn ăn khô thì có hủ tiếu, mì, bún, phở.  Cũng như món xôi hay món bánh mì, các món nước cũng đủ loại đủ kiểu với nào là hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu khô, hủ tiếu nước.  Người thì thích ăn chung với nước, người lại thích ăn khô thì kèm theo chén nước riêng thành ra hủ tiếu khô.  Chưa nói kể thêm hủ tiếu dai hay hủ tiếu mềm nữa.  Mì thì ôi thôi còn rắc rối nữa nào mì xào, mì nước, mì thập cẩm, mì quảng...  Mì của người Việt, mì của người Hoa (đặc biệt là người Tiều), phải biết phân biệt hai loại sợi mì khác nhau à nha, mì người Việt màu vàng và làm bằng bột mì, còn mì người Tiều là sợi nhỏ nhưng làm bằng bột gạo và màu trắng.  Ăn mì mà còn chen lấn lộn xộn vào nữa thành ra hủ tiếu mì, rồi còn bỏ thêm hoành thánh, thêm xá xíu hay thêm cái bánh bột tôm chiên dòn phía trên.  Muốn đặc biệt thì chọn món bánh mì bò kho hay hủ tiếu bò kho cho nó đặc biệt luôn.  Nếu kể thêm món nước thì không thể thiếu món bánh canh tôm cua, bánh canh giò heo, bánh canh chả cá, bánh canh Trảng Bàng, bánh canh kiểu Huế...là những món ăn thông dụng và thường gặp.  Hông thích hủ tiếu, hông thích mì, hông thích bánh canh thì mình đi ăn bún, mà hình như món bún hơi bị hạn chế ngoài món bún bò, bún chả, bún nem nướng, bún thịt nướng, bún ốc, bún chả giò, bún riêu... đọc ra cho đã xem lại danh sách thì nó hoàn toàn không bị lép vế gì so với mấy món hủ tiếu hay mì cả, món này cũng ăn được cả khô lẫn nước, vậy là nằm ngang hàng với hủ tiếu và mì rồi.  Kẻ tám lạng người nửa cân chứ chẳng kém cỏi gì ai .


Giờ thì nói sang món quốc hồn quốc túy của người Việt mà ai chưa từng ăn qua thì hông phải là người Việt là món "Phở", cái món ăn đặc biệt này giờ không chỉ trong nước mà hình như nơi nào có người Việt sinh sống là nó được phổ biến và nằm luôn trong danh sách các món ăn của nước đó luôn (hi hi hi, nói hơi thêm thắt nhưng mà cũng có phần nào sự thật).  Nhìn cái menu về Phở là muốn xỉu vì danh sách nó dài quá, thôi thì cứ tạm gọi Tái - Nạm - Gầu - Gân - Sách trong các món đó mà chấm đại thôi, vì quan trọng là nước phở, bát nước phở mà trong và ngọt là số dách rồi (chỉ hy vọng là đừng có quá nhiều bột ngọt hay mì chính), càng hầm nhiều xương bò thì nước càng ngọt.  Ai mà ăn phở rành và là người quen với chủ tiệm phở thì nhớ xin thêm bát nước huyết bò thì đúng là dân chính hiệu ghiền phở luôn.  Giờ hai miền xum họp rồi nên cả người Bắc lẫn Nam đều thích ăn Phở chung với giá, với rau quế, ngò gai, hành lá, ớt tươi xắc lát và chanh cốm.  Rau thì cứ trong dĩa, ai thích bỏ nhiều hay ít là tùy mình rồi thêm tí tiêu, tương đen và tương đỏ vào trộn đều lên, ai hông sợ Cholestorol thì xin thêm chén hành trần nước béo nữa là xong luôn.  Mấy ôn mệ Việt Kiều thì xin cho dĩa giá trụng cho chắc ăn(hì hì hì, sợ đau bụng chứ không gì cả). Hình như mình nhớ là đâu đó có ai từng viết một cuốn sách về văn hóa Phở của người Việt Nam, trong cuốn sách viết về phở của từng vùng miền và cách ăn mà đặc biệt là các loại rau bỏ vào tô phở, nói chung mình thích phở và nghiện phở (nói theo nghĩa trắng đàng hoàng :-)


Thôi ăn gì thì cũng không bằng cơm phải không quý vị, thế là chọn cơm tấm bì sườn nướng, cơm tấm thịt nướng, cơm chiên thập cẩm hay Dương Châu...cơm là chắc bụng nhất cho tới bữa cơm trưa, món này tuy không được xưng tụng là món quốc hồn quốc túy nhưng cơm luôn thắng phở, phở không bao giờ thay được cơm mình nghe câu này hoài à.  Cuối cùng thì muốn nhẹ bụng nhất là món cháo, cháo trắng trứng vịt muối hay cháo thịt bò bầm, cháo huyết, cháo lòng ...kèm thêm cái giò cháo quẩy là quá tuyệt luôn.  Lẽ đương nhiên là còn biết bao nhiêu món ăn mà mình không bao giờ có thể kể ra hết được nhưng tóm lại nếu muốn ngồi mà kể các món ăn sáng của người Việt thì kể xong chắc là đi ăn cơm trưa luôn cho rồi.

Nói tóm lại, hông biết các nước khác thì sao nhưng ở Âu Châu, Mỹ Châu hay Úc Châu thì breakfast lui tới cũng chừng đó món, nếu nghe mình kể hết các món ăn có thể ăn sáng được tại Việt Nam chắc họ phải há hốc miệng ra mà thèm, mình kể cho đã xong rồi đi ngủ, ngày mai dậy ra pha ly cafe coi như là bữa ăn sáng vì mình hông có thói quen ăn sáng, chỉ nhớ mà thèm thôi hi hi hi.

SAN DIEGO
TÔN THẤT LONG - Jun 25, 2015

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,



THĂNG LONG HOÀI CỔ

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường 
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương 
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt 
Nước còn cau mặt với tang thương 
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ 
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường

- Bà Huyện Thanh Quan

Được biết bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này khi Vua Gia Long dời đô từ Hà Nội vào Huế, đọc bài thơ làm ta ngẫm tới sự liên quan của kinh đô Huế hay thủ đô Sài Gòn một thời, tuy rằng đó là chuyện của quá khứ nhưng vẫn cảm thâý chạnh lòng.  Ở đây là nói về sự hoài cổ và chạnh lòng về những gì còn hay mất của những nơi từng được mệnh danh là kinh đô hay thủ đô một thời của nước Việt. Hà Nội-Huế-Sài Gòn với những kiến trúc một thời từng được nhắc đến khi nói về Hà Nội, Huế hay Sài Gòn.  Hồn đô thị xa xưa đã mất dần dấu tích qua thời gian từ Hà Nội 36 phố phường đến Thành Nội của Huế, và Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông với bến xe thập tỉnh và bến đò Thủ Thiêm, Chương Dương, Đại Lộ Nguyễn Huệ hay Lê Lợi...

Qua đó lại nhớ đến Đà Lạt những biệt thự với phong cách thật đặc biệt, những dãy nhà phố trên khu Hòa Bình, Phan Đình Phùng, Duy Tân, Minh Mạng, Tăng Bạt Hổ... thời xa xưa thẳng đều và đồng kiểu làm nên một Đà Lạt với kiểu kiến trúc phố thật khó mà lẫn lộn với các nơi khác.  Các kiosque bên hông rạp Hòa Bình hay trên đường Thành Thái, con đường vào chợ Đà Lạt thật khó mà phai nhòa trong tâm trí của những ai đủ lớn để nhớ về nó.

Phá cho đã rồi lại tái tạo và xây dựng lại những cái mới xong rồi gọi là di sản kiểu nhà Văn Miếu ở Vĩnh Phúc - Hà Tĩnh, đây không phải là di sản văn hóa mà là sự lai tạp của dị văn hóa, ôi buồn thay!

Phá thì dễ nhưng giữ thì khó.  Cuộc đời là một bể dâu, vẫn biết cuộc sống và sự phát triển phải luôn đi tới chứ không bao giờ ngừng lại nhưng phải chi phát triển đi song song với việc bảo tồn thay vì xóa sạch để rồi lúc nào người đời cũng phải than tiếc "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương"

All pictures came from internet (Google search)









TÔN-THẤT LONG - JUNE 2015

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Đồi cù trong tôi

April 6, 2015 at 11:44pm
Hình internetHình internet

Từ bên này hồ Xuân Hương nhìn sang bên kia hồ là một mảnh đồi nhấp nhô và trải dài trước mặt với cái mảng cỏ xanh xanh xen lẫn cỏ úa lởm chởm và đôi lúc bị đứt đoạn bởi một mầu vàng vàng của đất nơi cỏ không thể mọc lên nổi.  Có người gọi nó là Sân Cù, riêng tôi thì chỉ quen gọi nó là Đồi Cù từ khi biết và chơi với nó từ nhỏ đến lớn.  Khi ta đến gần và đặt chân lên nó thì màu của nó hoàn toàn khác đi chứ không còn giống màu nhìn từ xa, lúc này màu của nó đã đổi từ cái màu xanh xanh thành màu xanh lợt của cỏ mềm xen lẫn với màu nâu nâu của lá thông rơi rụng đầy, thật khó biết là cỏ nhiều hay lá thông nhiều hơn cỏ, đâu đó là những trái thông nằm rải rác trên thảm cỏ với nhiều mảnh vỡ nhỏ không còn nguyên vẹn, ký ức của tôi về đồi cù những năm tháng thật là xa xưa là như vậy đó.

Với cái tuổi chỉ biết ăn học và chơi đùa, năm xưa những ngày chủ nhật lên đồi cù sinh hoạt Hướng Đạo làm sói con, thả diều hay chơi trốn tìm, rồi sau này là những buổi chiều xách cặp băng đồi cù đi học thêm bên nhà thầy Tạ Đức Thắng.  Những buổi học xong đi về, từ nhà thầy đứng nhìn ra xa xa đồi cù thật đẹp, nhất là khi nằng chiều về, đồi cù chuyển sang một màu vàng nắng nhạt trông thật tuyệt đẹp, nắng nó như che lấp hết đi những chỗ lồi lõm và những nơi xấu xí nhất, nó làm cho đồi cù trở nên bằng phẳng và trải dài ra xa tít tắp vì phải nheo mắt lại mới nhìn ra được phía xa xa, thoáng thoáng phía xa là những cặp tình nhân nắm tay nhau đi hay ngồi dưới những cây thông, khung cảnh thật hữu tình biết bao.  Đã có lúc tôi mơ mình có được một căn nhà đẹp như nhà thầy mà mặt tiền nhà nhìn về phía đồi cù như vậy.

Đồi Cù năm xưa có lẽ không đẹp bằng bây giờ vì giờ đây nó được chăm sóc cẩn thận, cỏ mọc xanh mướt ở mọi nơi, cây thông cũng được chọn lựa cẩn thận mới được đem vào trồng ở đó, nó đẹp dưới con mắt của mọi người bây giờ rất nhiều, nhiều người hãnh diện vì nó đã được thay da đổi thịt.  Nhưng với tôi đồi cù xưa mới là đồi cù tôi biết về nó.  Nếu ta ví đồi cù như là một con người, lúc xưa nó mộc mạc thân tình, ai đến chơi với nó cũng được, nó không chọn bạn và lựa bạn để kết thân, ai đến nó cũng vui, nó thân thiện hòa đồng với mọi người, có những đêm nó nằm nghe các bạn trẻ cắm trại đốt lửa trại ca hát cả đêm mà không mệt, nó hát theo với tiếng cỏ, tiếng thông reo xào xạt thì thầm.  Nó như hòa chung niềm vui với mọi người mà chẳng bao giờ than phiền hay khó chịu về bất cứ ai.  Đồi cù giờ thì như là một con người hoàn toàn mới, nó ăn diện bảnh bao, nó đẹp và trông sang trọng hơn rất nhiều nhưng nhìn nó lại cảm thấy rất xa lạ với biết bao nhiêu người, kể cả những người sinh ra và lớn lên cùng chung mảnh đất với nó.  Có nhiều người kể từ khi đồi cù nó thay đổi thành một con người mới thì những người bạn xưa từng biết và chơi với nó cũng chưa bao giờ đặt chân trở lại thăm nó trong đó có tính cả tôi.

Nuối tiếc đồi cù xưa cũng có thể là nuối tiếc lại cái thời thơ ấu xa xưa, có lẽ tôi nuối tiếc cái mà giờ tôi không với tay tới hay tìm lại được. Với tôi, cái đồi cù xưa đẹp gấp trăm nghìn lần cái đồi cù bây giờ vì tôi đã có một thời biết và thân quen bên nó khi nó còn rất bình dị.

SAN DIEGO
TÔN THẤT LONG - April 6, 2015

Cá nục kho và bún tươi

May 25, 2015 at 11:06pm
Hôm nay San Diego trời mưa rả rích gần cả ngày, nằm trên Sofa nghe tiếng mưa rơi lại nhớ đến ngày xưa, nhớ đến những kỷ niệm xưa, ôi xưa thật là xưa.  Nhớ những năm xưa, sau 75 chắc cũng khoãng 76-77, Đà Lạt thời đó còn lạnh lắm, rừng còn dày đặt và sương mù hầu như quanh năm vào buổi sáng sớm và chiều xuống.  Vào mùa mưa là trời mưa tầm tả hay mưa dầm cả ngày lẫn đêm, mưa không ngừng, nếu có ngừng cũng chỉ là lún phún mưa chứ không bao giờ dứt hẳn.  

Thời tiết thì khắc nghiệt mà lại còn đói, hai cái lạnh và đói nó luôn hành hạ cái bao tử của những đứa trẻ đang sức ăn sức lớn, ngủ làm sao được khi bụng đang đói.  Lương thực mua được chỉ là khoai lang, khoai mì, rồi sau đó là bột mì và bo bo, mua được khoai lang hay khoai mì xong là cầu trời cho nắng lên để hong hay phơi cho khô chứ không thì khoai bị mốc và mối mọt là làm sao ăn đây.  Trời thì lại chẳng thương tình, cứ khóc cho dân mà dân thì đâu cần ông trời khóc đâu, chỉ mong ổng ngừng khóc thôi, cực chẳng đã thế là phải bày ra những cái vạt hay nong bằng tre đan lại rồi bỏ khoai sắc từng lát treo lên hong trên lò than hay lò củi.  Dạo đó thì thịt là vàng, nếu mua thịt chỉ là mua lậu chứ đâu có tiêu chuẩn đâu mà mua được của cửa hàng mậu dịch, mà thật ra rất hiếm khi được ăn thịt.  Một năm hình như chỉ được ăn thịt vào mấy ngày Tết thôi, còn lại trong năm chỉ toàn là mua thịt mỡ về thắng để làm mỡ thay dầu hoặc loại thịt nạc bạc nhạc mua về cũng chỉ để làm muối sả ăn thế thức ăn với su su.

Vì thiếu thịt nên dân Đà Lạt chuyển sang ăn cá, Đà Lạt là vùng cao nên làm gì có cá biển và cá tươi, cá là từ Nha Trang và Phan Rang vận chuyển lên mỗi sáng sớm, đại đa số là xe đò hay xe khách từ miền biển đem lên là muối, nước mắm và cá từ Phan Rang lên Đà Lạt bỏ mối cho bạn hàng, nhưng cá lên tới Đà Lạt cũng không phải là cá tươi vì thời đó đâu có loại xe nào có thùng đông lạnh đâu nên dân Đà Lạt chỉ có hai đường lựa chọn là ăn cá ướp muối hoặc cá hấp mà thôi.   Cá được bỏ vào các giỏ lác nhỏ tròn rồi xếp lớp lại cột chung với nhau.  Người mua có thể chọn mua nguyên giỏ nhỏ khoảng chừng 1kg đổ lại hay mua từng con.  Mà có lẽ bà con mua từng con nhiều hơn là từng ký là cái chắc rồi :-)

Trong các loại cá, tôi chỉ nhớ đến cá nục hấp là hay được mua về.  Từ cá nục hấp lại được chế biến ra đủ món như kho keo, kho tiêu, hấp, chiên và canh chua.  Những tháng vào mùa mưa lạnh như tháng 6 đến tháng 10 thì nồi cá nục kho luôn được nhà tôi chiêú cố.  Nồi cá kho lại còn thêm chút ớt bột lúc rán lên để lấy chút màu, sau đó còn bỏ thêm vài trái ớt xiêm vô, kho nhưng để nước xấp xấp lấy làm nước chan, món này được ăn kèm với bún tươi được gói trong lá chuối thì thật là tuyệt.  Trời lạnh, bún tươi chan nước cá cộng với miếng cá còn nóng hổi, cho cả hai vào miệng cùng lúc với vị ớt cay xé lưỡi, toát mồ hôi dù trời đang lạnh bên ngoài, miệng thì liên tục hít hà nhưng ngon tuyệt.

Thôi không thèm viết tiếp nữa, viết nữa lại thèm món này và tới giờ đi ngủ rồi :)  Thôi đành thèm ăn trong mơ vậy

Hình internet

Hình internet

Hình internetHình internet

SAN DIEGO
TÔN THẤT LONG - May 25, 2015

Lương thực thời bao cấp

June 10, 2015 at 4:34pm
Trong mấy loại lương thực được cung cấp vào những năm đói thời bao cấp tại Việt Nam sau 75, ta có thể tính đến 5 loại lương thực chính ngoài gạo như khoai lang, khoai mì, bắp, bo bo và bột mì, đôi lúc họa hoằn có khi được lãnh thêm nui (nuôi) nhưng không thường xuyên.  Khoai lang, khoai mì và bắp là mở màn cho thời kỳ bắt đầu nạn đói triền miên trên đất nước Việt Nam, nó được dùng độn chung với cơm và cực chẳng đã mới phải ăn vì lúc đó không còn thứ gì có thể trộn chung với cơm để ăn được.  Những ngày đầu nhận khoai lang, khoai mì và bắp thì được ăn tươi còn dễ nuốt, nhưng Đà Lạt là xứ lạnh nên khoai phải đem phơi cho thật khô và cất giữ ăn dần chứ khoai tươi sẽ mau bị lên mốc hay sùng, đó là chưa nói xui xẻo mà đi nhận được loại khoai sượng, khoai sùng thì 10 kg chỉ còn lại được chừng 1 hay 2 kg khoai khô.   Với bắp thì loại bắp vàng khô hột to bè hay loại bắp thượng hột nhỏ màu trắng và tím lẫn lộn hoàn toàn khác với loại bắp dẽo ngày nay ta thường mua ăn dọc đường được luộc hay nướng lên phết hành mỡ, loại bắp lương thực xưa khi lãnh về phải trảy hạt ra rồi đem phơi cho thật khô, sau đó thì phải đem đi xay nhỏ hột lại và xảy ra hết mày bắp, trước khi ăn phải đem ngâm cả đêm mới đem ra nấu được, đã đói càng thêm đói thêm.  Thời kỳ này bắp bung rất thịnh hành, nhà nhà bắp bung người người bung bắp.  Đây cũng là thời kỳ bùng nổ ghẻ lỡ, đủ thứ các loại ghẻ đã sinh sôi nảy nở mà chủ yếu là do thiếu chất dinh dưỡng mà ra.  Ghẻ không chừa nam phụ lão ấu, khổ nhất là các anh chị em thanh thiếu niên đang trong thời kỳ yêu nhau mà không dám cầm tay nhau vì sợ đối tượng nhìn thấy những mụn ghẻ trên tay, lòng bàn tay và các kẻ tay đã được bôi vôi, bôi thuốc hôi òm và thẹo đầy kẻ tay.  Trẻ em đi học vào lớp gải sồn sột, các cô thầy thì kín đáo hơn chứ không ai tránh qua khỏi cái bịnh ghẻ mà thực chất là bịnh thiếu dinh dưỡng đang lan tràn.

Đến sau đợt khoai lang, khoai mì và bắp thì đến phiên bo bo, bo bo thực chất không phải là loại lương thực cho người nhưng lúc đó được cung cấp và phân phối đến mọi gia đình.   Bo bo phải ngâm qua đêm, không ngâm mà đem nấu liền thì không có cách gì ăn được dù cố gắng làm cho mềm nhưng vảy và nhựa bo bo là chất không bao giờ dễ nuốt.  Bo bo mặc dù được ngâm qua đêm, sáng ra nó có một lớp mủ nhựa dẽo như kẹo cao su, dù đã ngâm nhưng thực chất cũng rất khó nấu mềm và nuốt cho trôi.  Đã từng nói rằng bo bo ăn thế nào thì ra thế đấy để chứng tỏ bo bo thật khó ăn, khó nuốt, khó nấu và khó tiêu.  Trong các món lương thực thì bo bo là món lương thực kinh khủng nhất và có lẽ chỉ có dân Việt mới ăn trực tiếp món ăn này thôi chứ chẳng có nước nào trên thế giới lại đi ăn trực tiếp từ bo bo mà không qua chế biến.  Càng không thể tưởng tượng được một nước chuyên về nông nghiệp và sản xuất lúa gạo mà dân lại đói vì thiếu gạo và nhà nước phải đi xin viện trợ bo bo về nuôi dân.  Thôi thì đành đổ thừa là vì bế quang tỏa cảng, đóng cửa phân vùng miền hay kinh tế định hướng theo CNXH mà ra.

Vì bo bo khủng khiếp như vậy nên đến khi người dân được phân phối bột mì là một điều tốt đẹp nhất trong các loại lương thực, bột mì được đem đi đổi thành bánh mì ổ, đem về cắt từng khoanh tròn và phơi khô làm bánh mì sấy khô (biscot).  Khi ăn ta đem ra ăn chung với chà bông, đường, có tí bơ hay sữa phết lên hoặc chấm chung với café sữa thì tuyệt cú mèo, nói cho sang vậy thôi chứ đường và sữa cũng là những món hàng khan hiếm không phải ai cũng dám ăn kiểu như vậy nhưng bánh mì là món dễ ăn và có thể quên cơm được phần nào.  Từ khi có bột mì, đã có nhiều món ăn được chế biến và làm ra từ  bột mì, bữa ăn cũng trở nên dễ thở chứ không còn là một cực hình phải ráng nuốt như ăn bo bo trước đây.

Bột mì có thể làm ra những sản phẩm như sau: bánh mì ổ, bánh mì chuối, bánh mì khô, bánh bao, bánh pateso, bánh Croissant, bánh mì trộn muốn cán dẹp ra hình tròn giống Tortila của Mexico đem nướng trên lò, bánh canh, bánh bột lọc,… và sang nhất là bánh Gato (bông lan).

Từ khi có bột mì thì công việc nhào nặn bột mì được giao cho mấy anh con trai trong nhà vì tay mạnh, bột càng nhồi nhuyễn thì lúc nướng hay làm gì cũng xốp hơn.  Nhà tôi thích nhất là làm mấy món ăn làm từ bột mì mà ra, món thứ nhất là bánh bao và bánh pateso.  Bột nổi được má tôi xin từ ai đó đem về đựng trong chén, cứ mỗi lần nhào bột thì bỏ vào chung với bột nhồi, sau khi nhồi xong thì ngắt ra một khoanh nhỏ và dùng để nuôi lại làm bột nổi cho lần sau.  Nhân của bánh bao và bánh pateso chỉ toàn là củ cải, su su, carrote bằm nhỏ trộn chung với chút thịt bằm xào lên sẳn trước mà làm thành nhân cho bánh.  Bánh bao được chưng cách thủy trong một nồi to, lúc đầu chỉ là một cục bột trong có nhân nhưng sau khi chưng cách thủy thì nó phồng to ra, thật thú vị khi cầm chiếc bánh còn nóng vừa thổi vừa ăn.  Bánh pateso cũng cùng một loại nhân nhưng được chiên lên, nó cũng nổi to lên phồng rộp và giòn tan.  Đẹp nhất là làm những đường vân rằn ri giống như con rít ở bên ngoài đường viền của cái bánh, làm phải thật đều đặn nhìn cho thật đẹp.  Trong nhà, phần ai người nấy làm, rất là vui vì mọi người xúm vào làm và mỗi người nặn và chế theo kiểu bánh của mình thích để làm dấu.  Mở nắp đậy nồi bánh bao lên thì chỉ nhìn lướt qua là biết bánh nào của ai, nam thì nhìn cái bánh bao tròn vo và dày cộm, còn nữ thì nho nhỏ, thanh tao và hoa hòe phía trên đỉnh trên đầu nở ra trông thật đẹp mắt.

Ngoài hai món bánh bao và bánh pateso được làm từ món bột mì, đó là món khô, vậy còn món nước thì sao nè.  Món nước thì có món bánh canh tôm cua cũng là món hay được chiếu cố đến từ bột mì.  Món bánh canh cua thì không cần dùng đến bột nổi nhưng công nhào nặn bột thì cũng công phu không kém, bột phải nhồi thật nhuyễn và vắt ra từng viên nhỏ bằng nắm tay, sau đó dùng cái chày cán cho thật bằng và mỏng, rồi thì cắt thành từng sợi nhỏ mỏng có rưới tí bột sống lên cho khỏi bị dính.  Cũng vì có chút bột mì sống nên nước bánh canh luôn đặc sệt nhưng có cái thú khi húp thứ nước đặc sệt này.  Món bánh canh cua thời nay làm bằng bột gạo và bột năng nên trong và dai, còn bánh canh làm bột mì khi xưa thì đục ngầu và sền sệt.  Trời lạnh mà ăn bánh canh cua tôm, cho chút chất cay cay vào vừa húp xì xụp vừa thổi thì không nói hết cũng biết ngon đến chừng nào cộng thêm cái đói thì món gì không ngon cũng thành ngon.  Ngoài món bánh canh thì còn làm bột lọc cũng từ bột mì ra, cũng chẳng trong veo để thấy hình con tôm, miếng thịt ba chỉ mà đục đục, tuy vậy cũng là một trong những món ăn được chế biến ra từ bột mì.  Từ khi có bột mì thì buổi sáng sớm đi học còn có một miếng bánh mì hay cái bánh bao nhét bụng mà đi học còn tốt hơn là những bữa đi học mà bụng đói, cứ phải kéo quần lên liên tục vì bụng lép kẹp.

Bữa nào mà có mua được vài cái trứng gà và dư dã một tí thì còn làm thêm một cái bánh gato - bông lan nho nhỏ, trứng được đập ra tô và đánh thật nhuyễn rồi trộn bột mì cộng với bột nổi, bỏ thêm đường vào, bỏ lên trên vài hạt đậu phọng thay cho nho hay hạt điều và phết một lớp dầu ăn bên ngoài cho khỏi dính nồi nướng.  Nướng bánh cũng công phu lắm không dễ dàng như thời bây giờ có lò Microwave (Viba), lửa phải nhỏ và thật đều, trên nắp cũng phải bỏ vài cục than cho bánh vàng đều.  Cắn miếng bánh bông lan xốp với chất đường ngòn ngọt như là đang đi trên mây.  Thời kỳ gạo châu củi quế, được ăn một miếng bánh dù chỉ nho nhỏ bằng lòng bàn tay cũng đã thấy thiên đường trước mặt.

Càng nhắc đến càng mắc cười khi nhớ xưa ta mua thịt về thắng mỡ, còn lại tóp mỡ thì rắc lên miếng cơm cháy với chút nước mắm là một món ngon tuyệt cú mèo, hay tóp mỡ được dùng để chiên xào cho các món ăn của bữa cơm thường nhật trong ngày.  Giờ thì nghe tới tóp mỡ hay da heo là bà con sợ và nhắc đến cái chuyện Cholestorol hay mỡ trong máu, chắc có lẽ người Việt Nam của thế kỷ trước không có ai có bịnh mỡ trong máu hay bịnh mập phì và bịnh viện cũng không phải lo thuốc thang hay chữa trị cái bịnh của người giàu này.  Tiếc thật, cũng vì sợ mà cái món bánh bèo với tóp mỡ chỉ còn lại là dư âm, chuyện của cái thời xa xưa rồi.  Món cơm cháy thì phải ra tiệm mua ăn và thành bốn món ăn chơi.  Và càng nghĩ càng thấy vui khi rau giờ được lên đời và cái vòng đời luẩn quẩn, xưa thèm thịt giờ thèm rau.  Bữa ăn càng nhiều rau càng tốt, không biết các cuộc nghiên cứu bèo hoa dâu của Phạm Tuân hay món rau muống giàu chất đạm bổ hơn thịt ngày xưa có tác động gì lên không nhưng giờ thành ra hiện thực, ăn rau tốt hơn ăn thịt.  Và cũng rất ngược đời, lúc xưa dân Đà Lạt con trai con gái cũng đói như nhau mà đều má đỏ môi hồng chắc vì khí hậu trời lạnh và ăn rau nhiều nên được da dẻ hồng hào tốt tươi, còn giờ thì sung sướng hơn nhiều, cá thịt đầy đủ phủ phê mà hông có còn nhiều cô cậu hay học sinh má đỏ môi hồng như ngày xưa nữa, hì hì hì dân Đà Lạt giờ đen hơn hồi xưa nhiều.

Thế đấy cái quá khứ của thế kỷ trước luôn đọng lại trong ta những ngày đói khổ nhưng với những bài học cho sự vượt khó và vươn lên, từ những đôi dép được cắt ra làm bằng vỏ xe hơi cũ hay nhựa tái sinh mang vài tuần thì dòn như miếng bánh tráng bẻ là gãy dùng tạt lon là number one cho các em nhỏ.   Cái lốp xe đạp được vá lui vá tới không biết bao nhiêu lần cho tới khi không còn chổ để vá mới dám mua cái lốp mới để thay, những bộ quần áo kaki, màu vải mà giờ nhìn lại người Triều Tiên mặc lại nhớ đến những ngày xưa thời bao cấp được cung cấp.  Cái thời mà gạo không đủ ăn, bữa cơm thức ăn dọn ra thì toàn là rau và củ hay đậu được tăng gia từ cái vườn nhỏ xíu bên hông hay sau nhà, tuy rằng nó nhỏ nhưng lại đầy đủ nguyên dàn bầu, bí, su su hay rau các loại.  Nói đến cá thì chỉ toàn là cá khô, cá hấp, thịt là món ăn xa xỉ một năm mới dám ăn một vài lần.  Nguyên liệu chính cho một bữa ăn của gia đình là cơm độn, rau củ và nước mắm pha muối, những món khác thì phải chờ có tem phiếu hay mua chợ đen hoặc chờ đến Tết mới có.  

Thời bao cấp khốn khó là một thời kỳ đầy sáng tạo, cái khó ló cái khôn, những thức ăn, các dụng cụ vật liệu trong nhà toàn làm bằng thủ công và do hoàn cảnh được tạo ra, có những thứ đến bây giờ nhìn lại thật khác lạ và khâm phục sự tùy biến và sáng kiến, nhưng thời đó nó đôi lúc là tất cả, là cần câu cơm, là vật dụng tối cần thiết cho con người trong hoàn cảnh khốn khó.  Thức ăn thời đó chẳng có gì, nhưng tận dụng từ những món rau cải là thực phẩm dân dã quanh nhà mà thức ăn được chế biến thành những món ăn ngon dưới bàn tay của các bà mẹ, các người chị tằn tiện nấu ăn cho gia đình để có một bữa ăn tươm tất, độc đáo và ngon miệng.

Bây giờ mà kể chuyện thời bao cấp giống như kể chuyện cổ tích về một thời kỳ xa lạ nào đó của người Việt, một thời kỳ mà chỉ có những người sống qua và từng nếm trãi mới hiểu chứ người không sống trong cuộc nghe thì không thể nào hiểu nổi.  Quá khứ là một cuốn sách đã sang trang nhưng quá khứ luôn nằm trong ký ức bạn, quá khứ luôn luôn theo bạn và là một người bạn không bao giờ thay đổi.  Quá khứ chẳng xấu, nó đôi lúc làm ta sống lại một thời kỷ niệm xa xưa, ngẫm lại thì thấy buồn và sợ nhưng lại cảm thấy trân trọng về nó.

 San Diego
TÔN THẤT LONG - June 9, 2015

Tháng Sáu trời mưa

June 13, 2015 at 5:02pm
Trời lành lạnh dù San Diego đang vào mùa hè cộng thêm những hạt nước của marine layer và gió cuốn đi giống mưa phùn bay lất phất chỉ vừa đủ làm ướt mặt đường lại nhớ cái lạnh và mưa phùn ở Đà Lạt.  Tháng Sáu, Việt Nam đã vào mùa mưa, Đà Lạt giờ thì chắc mưa mỗi ngày rồi.  Bầu trời trước khi mưa thường mây đen vần vũ, đôi lúc có sấm sét văng vẳng từ xa vọng đến trước mỗi cơn mưa chiều, chỉ tới tháng 9 trở đi thì mới mưa từ sáng tới tối, cứ nhớ mỗi lần mưa xuống đổ ào ào trên mái tole, tiếng mưa lúc mạnh lúc nhẹ, lúc ào ào lúc rào rào dễ làm buồn ngủ và mau đói bụng.


Hình Internet

Mùa mưa Đà Lạt mang đến cái lạnh, ẩm ướt và gió nhiều.  Mỗi lần có chuyện phải đạp xe ngang hồ Xuân Hương là gió mang những hạt mưa đánh thốc vào mặt làm ran rát mặt nhưng cảm giác thích thú.  Hồi xưa mỗi lần trời mưa thường có gió mạnh đến nỗi mỗi khi đi ngang hồ, đạp xe không nỗi nên phải xuống và gồng người dắt xe đi bộ.  Tấm áo che mưa cứ lâu lâu lại tốc lên nên phải dừng lại cột, tấm áo mưa thời đó đâu phải là chiếc áo mưa ngày nay mà chỉ là một tấm nylon làm thành áo mưa dã chiến che tạm mưa phùn gió bấc chút chút thôi chứ gặp mưa to gió lớn thì cũng vẫn ướt đầu ướt chân.  Tấm nylon một đầu phía trên được may gấp lại để nhét vào trong một sợi dây thun đủ để tròng vào cổ, loại dây thun thường ngày được dùng để may quần thời đó.  Thời đó đâu có giày mà đi đâu nên đi ra ngoài mà gặp cơn mưa lớn là về đến nhà tay chân thấm nước lạnh đến nỗi móp cả tay chân.

Mùa mưa Đà Lạt thích nhất là được uống nước sữa đậu nành, cầm ly nước sữa nóng trên tay vừa sưởi ấm lòng bàn tay, hớp tùng ngụm sữa nhỏ, nó đi đến đâu là ấm tới đó.  Nồi sữa đậu nành Đà Lạt không pha gì thêm chỉ là nước sữa đậu nành, không bỏ thêm lá dứa phía trên như các vùng miền khác nên khi rót nước sữa ra ly có chút màng váng vàng vàng, uống vào chỉ có đúng một mùi là mùi đậu nành thơm ngon và nước đậu beo béo với chút đường cho vào vừa đủ để ngọt là tuyệt luôn.

Cái lạnh của mưa Đà Lạt, mưa cao nguyên không giống mưa Sài Gòn hay mưa miền Nam là giải nhiệt, mưa Đà Lạt đem cái rét và ẩm ướt đến.  Mùa này bên bếp than hồng cả nhà quây quần bên nồi bột đổ bánh căn hay bánh xèo.  Mùi thơm của những chiếc bánh căn phết hành mỡ hay chiếc bánh xèo thơm mùi tôm thịt làm nức mũi đói lòng mọi người.  Dọc cầu thang chợ hay vòng quanh bờ hồ thường có những gánh bán bắp nướng phết mỡ hành, đứng chờ trái bắp nướng đều trên lò than hồng, đưa tay ra hong ké để sưởi ấm trên bếp lò than cũng là một cái thú dưới cái lạnh của mùa mưa Đà Lạt.

Đà Lạt những năm xưa người Đà Lạt luôn phải mặc áo ấm bất kể mùa nào cũng đều mặc được.  Có lẽ chỉ có người Đà Lạt là thích dùng dù nhiều hơn các thị thành khác, mùa khô thì che nắng và mùa mưa thì dùng che nước mưa và chống gió.  Đà Lạt mưa xuống buồn lắm, trời chiều chạng vạng nhà nhà lên đèn, bóng người đi dưới cơn mưa cúi gằm bước chân vội vã về nhà trông sao cảnh vật thật thê lương.  Nó làm mình nhớ Má đi làm về những buổi chiều mưa, mưa lớn ngoài trời, tiếng Má gõ cửa làm cả nhà một đám trẻ ùa ra, chưa kịp rũ bỏ những hạt mưa còn bám trên người, trên tóc thì Má đã lôi trong giỏ ra khi thì mấy cái bánh da lợn, lúc thì gói kẹo mè được gói trong tấm lá chuối xanh làm quà cho con những ngày mưa.

Mùa mưa Đà Lạt đến những năm xưa là những ngày mình nghĩ hè và lên rẫy trông coi người, mưa rừng khác với mưa thành phố, nước trên nguồn đổ về làm suối thành sông, nó ngăn cách giữa người thành thị và người nông thôn.  Buổi sáng sớm trời thật trong lành, những cây bắp non, đậu non nhú mầm trong xanh mơn mỡn.  Đây cũng là dịp đi hái măng rừng, rừng Phú Sơn - La Ba nhiều tre nên măng nhiều lắm, nhưng phải biết cách đào và chọn, không biết cách chọn là bị kiến rừng và gai tre cắn và xé rách quần áo như chơi.  Mấy lần đầu đi không biết đào măng về tay không lại còn bị kiến cắn đến phát sốt, sau thì rành và có khi đào được một gốc măng to cả mấy ký đem về sắc mỏng phơi khô để ăn dần.  

Mùa mưa trên cao nguyên buổi sáng và buổi chiều trời đầy sương mù, buổi sáng đi ngang bờ hồ nhìn từ bên bờ này sang đồi cù chỉ thấy lờ mờ bóng dáng đồi cù thôi.  Nhớ lại năm xưa mình và thằng bạn học chung, vừa xong hết lớp 12 chuẩn bị về Sài Gòn thi đại học, hai thằng rủ nhau ra Thuỷ Tạ kêu một chai rượu cam và quất sạch, uống rượu và đồ mồi chỉ là dĩa đậu phọng rang, uống xong chai rượu hai thằng ngất ngưỡng đi trong mưa về nhà.  Đi ngang cầu chữ Y, thằng bạn nói để tao xuống hồ tè cái đã, mình nói ừa chứ còn hiểu gì nữa đâu vì lúc đó đầu óc mặt mũi bừng bừng đỏ, đi chân này đá chân kia, tim thì đập thình thịch nghe rõ luôn.  Chặp sau vẫn không thấy thằng bạn lên, mình kêu tên thằng bạn thì nó nói tao đang ở dưới nước nè, mình đi tới thì nhìn thấy thằng bạn đang nữa đứng nữa ngồi dưới nước gần bờ.  Mình hỏi sao mày xuống nước làm gì vậy, nó trả lời tao đâu có đâu, tự nhiên tao lạnh và tỉnh dậy thấy đang ở dưới hồ.  Giờ mày kéo tao lên đi, tao đi không nổi nữa rồi, mình đưa tay cho nó kéo.  Ráng hết sức mà không kéo nó lên nổi, chưa kịp buông tay để thở thì nó kéo mình lăn xuống nước luôn.  Trời tối mưa lạnh có hai thằng say đang dưới hồ đứng nhìn nhau cười sằng sặc. Gan cùng mình, kỷ niệm mưa Đà Lạt và thời còn trai trẻ coi trời bằng vung, ngó vậy mà đã 33 năm trôi qua rồi.


Hình Internet

Mưa Đà Lạt làm nhớ kỷ niệm người yêu lên thăm, cũng tháng Sáu mưa Đà Lạt giống như bài nhạc "Tháng Sáu Trời Mưa - Nhạc Hoàng Thanh Tâm - Thơ Nguyên Sa" và bài "Đưa Em Về Dưới Mưa - Nhạc Phạm Duy - Thơ Nguyễn Tất Nhiên" , 

Tháng Sáu trời mưa không dứt,
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa

Những buổi tối đi dưới mưa đưa em từ khu Hòa Bình về khách sạn Duy Tân, tay che dù, em nép sát bên anh, trời mưa lạnh mà trong lòng thật ấm áp vô cùng.  

Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa 
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa? 
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài 
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha.

Những buổi mưa đêm, ngồi Thủy Tạ uống cafe nhìn ra bên ngoài những hạt mưa đêm đập vào cửa kính và nhìn mặt hồ Xuân Hương lấp loáng ánh đèn vàng trên đường dọi xuống trông thật lãng mạng và cô liêu.

Anh lạy trời mưa phong kín đường về, 
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Những cơn mưa đến và đi, cơn mưa vô tình nhưng đem lại những nỗi nhớ về mưa Đà Lạt, nhớ những ngày xưa thân ái.  Đà Lạt giờ mưa có còn như cơn mưa của những năm tháng xa xưa hay không, con người có tình mang những cơn mưa vô tình theo với mình, cứ nhìn trời mưa mưa lại nhớ mưa Đà Lạt của tôi ơi.

San Diego 
TÔN THẤT LONG - JUNE 13, 2015

Vũng lầy của số phận,

June 15, 2015 at 12:08pm

Màn đêm buông xuống, mưa càng lúc càng nặng hạt, hắn ngồi đó đã lâu rồi, ly cafe trước mặt còn hơn một nữa và đã nguội lạnh, điếu thuốc trên dĩa gạt tàn đã cháy quá nữa nhưng hắn chẳng màng đụng đến.  Hắn cứ suy nghĩ hoài mà chẳng hiểu vì sao và tại sao, hắn tìm nhiều câu hỏi và tìm câu trả lời mà chẳng bao giờ biết rằng câu trả lời nào là đúng hay sai.  Hắn đang nghĩ về số phận của con người, hắn không biết rằng số phận của hắn nằm ở đâu giữa vòng đời này.  Vẫn biết con người ta sống và lớn lên là nhờ nuôi nấng, ăn uống, được dẫn dắt rồi học hành ra chọn một công việc nào đó để nuôi thân và gia đình cho hết vòng đời.  Cái vòng đời này ai cũng phải trải qua, nhưng không phải tất cả mọi số phận đều được như vậy và giống nhau, có những người có số phận không đi theo lối mòn đã định mà hình như vượt qua tất cả để đến một cái đích nào đó đã được tự mình quyết định, có những số phận bị liên quan lôi kéo vào vòng xoáy mà không thể nào thoát ra được. 

Hình internet
Hình internet

Ngoài trời mưa vẫn như trút, bầu trời trắng xóa một màn nước và nước, nước rơi lênh láng ngập lưng lửng cả cái bậc thềm của mái hiên quán.   Quán cafe nhà quê lợp bằng lá tranh một lớp dày đặc lâu ngày chuyển màu thành màu xám xịt được vây quanh bởi những thanh gỗ đóng thưa thớt lòi ra nhiều kẻ hở trống nên khi gió mạnh thì hạt mưa vẫn thốc vào được bên trong, kèo cột cũng chẳng mới mẻ gì cho lắm, những cái ghế cái bàn thấp lè tè ọp ẹp và củ xì nhìn đầy vết xẹo.   Nhìn ra ngoài hiên nước bắn lên tung tóe và nhìn dòng nước hắn lại nghĩ dòng nước này sẽ đi về đâu, có phải trôi về một nơi nào đó rồi đổ ra sông ra biển hay lọt vào vùng nước trũng hay vũng lầy nào đó và đọng lại, những ngày nắng lên thì bốc hơi bay lên.  Số phận con người chắc cũng vậy, cũng như dòng nước, đại đa số trôi về cùng một hướng và trôi ra sông ra biển nhưng cũng đôi lúc bị vướng vào gì đó và tách ra khỏi giòng trôi về một vũng lầy rồi nằm chờ bốc hơi và bị hủy diệt đi.

Trong một cái vũng lầy mà 6 tháng nắng và 6 tháng mưa này, khi nắng thì nó nóng như lữa bốc lên, nắng đem đến sự nóng nảy và bực bội, mọi thứ như bị thiêu đốt dưới cái nắng nóng kinh hồn, khi mưa thì đem đến sự ẩm ướt, rét mướt và đất trời mù mịt.  Số phận của những con người nằm trong vũng lầy như những sinh vật phải tự biến hóa, xoay sở để thích nghi với cái thời tiết như vậy, có những số phận thích ứng rất mau lẹ nhưng cũng có những số phận chỉ thích nghi được được nắng hoặc được mưa, những số phận này sẽ bị thoái hóa và bị loại bỏ hoặc khó thích ứng ngay từ ban đầu.  Số phận của những con người không được may mắn bị trôi lọt vào vũng lầy nên phải lặn lội trong cái nắng và dãi dầu trong cái mưa của vũng lầy tăm tối và chờ đợi ngày bị tàn phá bốc hơi đi, để sống còn họ phải thích ứng với cả hai trong mọi điều kiện.  Lại còn có những số phận khác cũng nằm chung trong vũng lầy nhưng họ lại nghĩ họ đang được ở sông ở biển vì luôn được ban phát bởi vỏ bọc vật chất và quyền lợi nên họ nhìn nắng và mưa với cảm nghĩ thuần túy chỉ là thời tiết mà không cần quan tâm cho lắm và cho rằng nó chẳng liên quan đến mình.  Tuy nhiên lại còn có một số phận khác, loại số phận đặc biệt này tự mình bỏ giòng chảy chính và chui vào vũng lầy để tìm và tạo ra một thứ quyền lực riêng cho chính mình trong cái vũng lầy nhỏ chứ không phải vô tình mà bị đi cuốn chung vào.  Loại số phận này luôn thích luồn lách và kéo theo những số phận khác đi cùng làm hắn lại nhớ đến một câu chuyện về "Người chăn bò, đồng cỏ và đàn bò", mọi số phận khi cùng nằm chung với nhau luôn có một sự liên đới.

Hình internet
Hình internet

Trên một đồng cỏ rộng mênh mang, bãi cỏ xanh mơn mỡn có một đàn bò thanh bình đang gặm cỏ, chúng chẳng biết gì vì được những người chăn bò dắt chúng đến vùng đồng cỏ này để ăn cỏ, đối với đàn bò, gặm cỏ xanh là điều tốt đẹp nhất rồi.  Chúng lặng lẽ cúi gằm mặt xuống ăn những miếng cỏ non xanh, chúng chẳng cần phải tranh giành vì đồng cỏ rộng, có ăn bao nhiêu cũng không bao giờ hết như chúng nghĩ.  Đơn giãn là chúng chỉ nghĩ rằng bò thì cần cỏ, mà cỏ thì đang ở trước mặt và nhiều vô số kể, ăn làm sao cho hết vậy thôi, nếu có hết thì những người chăn bò lại dắt chúng đi nơi khác tìm cỏ ăn tiếp.  Vậy mà không phải vậy, những người chăn bò chọn ra những con bò mạnh khỏe mập mạp nhất ra nhốt riêng và cho chúng ăn những thức ăn riêng rẽ, lũ bò được chọn ra lấy làm tự hào vì chúng là những con bò đẹp và được chọn, chúng càng ăn càng mập mạnh thì người chăn bò càng mừng và người chủ ráng cho chúng ăn thêm.  Đến một ngày đẹp trời nào đó, những người chăn bò lùa những con bò được chọn riêng và mập mạnh đó đem đi bán làm thịt, còn ngoài kia, những con bò còn lại trên đồng cỏ, trời nắng đẹp nhưng đã lâu trời không có mưa và nắng gắt, thiếu nước cỏ trở nên vàng úa và xác xơ.  Đàn bò với những con mập mạnh đã được người chủ chọn đi mổ thịt đem bán, giờ chỉ còn lại đàn bò ốm o, chúng đói, chúng chẳng biết làm gì vì xưa đến giờ chúng chỉ biết chủ dắt đi đâu thì đi đó, cho ăn gì thì ăn đó, giờ chính người chủ cũng chẳng còn biết làm gì vì chính người chủ đã không lường được những tai họa giáng xuống đầu cho cả bò lẫn chủ.  Người chủ khôn ngoan thì biết chăm lo mọi thứ, còn người chủ chỉ nghĩ đến mình mà chẳng nghĩ đến bất điều gì khác hơn thì đích đến chỉ là vậy thôi.  Thế đấy, ở cái thế giới phù du này, cỏ, bò hay người cũng đều lệ thuộc vào nhau, người cần bò, bò cần cỏ và cỏ cần nước.  Thiếu một trong những điều này là không còn sự sinh tồn và đi đến sự diệt vong.  

Có thật số phận của mọi người luôn gắn kết với nhau không, số phận của những người chịu cả nắng và mưa đã giúp làm thay cho những người chỉ chịu được hoặc nắng và hoặc mưa.  Số phận của người chăn bò luôn gắn kết với đồng cỏ và đàn bò, thiếu những điều này thì tự sinh và tự diệt, có phải số phận là vậy không?

Rất tiếc trong cái vũng lầy 6 tháng nắng 6 tháng mưa này, số phận con người tại nơi này không phải như là nắng là mưa, như dòng nước chảy ra sông hay ra biển mà số phận của những giọt nước đang chờ tới phiên bị hủy diệt đi.  Những số phận này hoàn toàn tùy thuộc vào một nhóm nhỏ như những người chăn bò, cái nhóm mà họ chỉ biết có duy nhất một điều là dẫn dắt một đàn bò lầm lũi đi tìm một vùng trũng khô cạn lưa thưa vài ngọn đồi cỏ mà đối với họ là tốt đẹp nhất mặc dù có thể phía bên kia đồi còn có một vùng rộng lớn hơn, cỏ xanh tươi hơn, nhiều điều tốt đẹp hơn chờ đợi họ nhưng họ chỉ thích cái vùng trũng này thôi.  Rồi họ chỉ biết chọn ra những con bò to béo nhất đàn hay kêu gọi đem về những con bò giống tốt ở nơi khác về làm vật tế thần để cho họ được hưởng dụng.  Đồng cỏ họ không cần biết có cỏ tốt hay cỏ xấu miễn là có cỏ cho bò ăn là được rồi, bò ăn no hay ăn đói họ không quan tâm miễn là họ có bò để bán, cho đến một ngày nào đó cỏ không còn để cho bò ăn, bò không còn mập mạnh để họ đem đi bán được.  Cỏ héo và bò ốm o sống lây lất nhưng người chăn bò vẫn luôn là người làm chủ vô trách nhiệm.  Số phận của những người chăn bò này chính là tự họ đã tự trói mình và đưa chân trôi vào vùng trũng và vùng bùn nhầy nhụa với kiếp sống ăn bám, họ không hề nhìn thấy được sông rộng biển cả nhưng họ luôn nghĩ mình đang bơi trong biển lớn và lại thích dẫn dắt những số phận khác cũng vô tình bám dính chung vào số phận với họ để cùng trôi chảy vào vũng lầy, tất cả để rồi đều chỉ thấy được trước mắt cái kết cục tự hủy đến như vậy thôi, số phận đã định đoạt của họ là tự sinh ra và tự hủy diệt lấy những số phận của chính bản thân mình và những số phận xung quanh mình.  Họ ăn bám và hưởng thụ cùng gom góp hết tất cả và chỉ ban phát chút ít bỗng lộc và lợi lộc cho những số phận xung quanh để những số phận xung quanh có cảm giác như là được ban ơn mưa móc và hết lòng vì họ.

Hiện tại, ngoài trời cơn mưa vẫn còn mù mịt đất trời không thấy đường về, vũng lầy vẫn còn đó, hắn lại nghĩ đến số phận của hắn, của những giọt nước, của những con người còn nằm lây lất trong những vũng lầy nhầy nhụa mà không biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi vũng lầy để trồi về sông rộng ra biển lớn.  Mong rằng một ngày nào đó có một dòng nước lớn đủ mạnh để cuốn phăng và xóa bỏ hết mọi vũng lầy và vật cản trên đường, mọi dòng nước đều sẽ trôi về một nguồn tuôn ra biển lớn, tất cả những dòng nước nào lội ngược dòng vào vũng lầy sẽ bị cuốn phăng đi và tan biến nhanh chứ không còn dẫn dắt và lươn lẹo lắt léo như trước đây, mọi số phận cũng tự tìm ra sự sống và tự chủ cho chính mình hơn là nhận sự lôi kéo hay ban phát của những kẻ luôn muốn chui vào vùng lầy và kéo theo những số phận khác theo cùng.  Ừa mong lắm thay một ngày nào đó mọi số phận đều được ra biển lớn và luôn hạnh phúc vì đã đi đúng con đường số phận đã định.

San Diego
TÔN THẤT LONG  - June 14, 2015