Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

CHIẾN TRANH LÀ THẾ ĐÓ!

 (Auschwitz-Birkenau - Poland)

CHÚ Ý: BÀI NÀY CÓ NHIỀU HÌNH ẢNH KHỦNG KHIẾP, XIN ĐỪNG ĐỌC TIẾP NẾU BẠN KHÔNG THÍCH NHÌN THẤY HAY NGHE NÓI ĐẾN NHỮNG ĐIỀU RÙNG RỢN TRONG BÀI NÀY.

Trong ba quốc gia phía Đông Âu mà tôi đã từng đi qua, tôi tự cho mình đưa ra những nhận xét như sau:
  • Nước Đức và người Đức hùng dũng, lạnh lùng bề ngoài nhưng niềm nỡ.
  • Nước Tiệp và người Tiệp kiêu kỳ, và khó thân quen.
  • Cuối cùng là nước Ba Lan và người Ba Lan tinh tế và lãng mạn, hòa đồng và đau thương.
Ba Lan đã ghi dấu cho tôi biết bao nhiêu điều qua tìm hiểu và nhìn thấy, từ người dân hiền hòa và dễ chịu khi cần hỏi thăm hay cần sự giúp đỡ.  Ba Lan, một đất nước với vẽ đẹp như tranh vẽ, đây cũng là quê hương của Chopin với mùa thu tuyệt đẹp và vũ điệu Mazurka.  Krakow (Cracovie) với những thành cổ từ thế kỷ thứ 7 vẫn theo thời gian còn đứng mãi thật dễ làm siêu lòng người đến thăm.  

Ba Lan còn cho tôi thấy một đất nước cũng đã phải trãi qua biết bao nhiêu thăng trầm để dựng nước và giữ nước, nó từng bị sự phân chia giữa Nga, Phổ và Áo trong các năm 1772, 1793 và 1795 đã khiến cho nước này hoàn toàn tan rã trước khi Napoléon Bonaparte tái lập lại quốc gia Ba Lan dưới tên Lãnh địa Warszawa.  Qua những thảm họa và suy tàn mà tôi nghĩ so với Việt Nam thì Ba Lan cũng mất mát thăng trầm không thua kém.  Đất nước bị xâu xé bởi nằm giữa những thế lực quá lớn mạnh và luôn thích xâm chiếm như Thụy Điển, Đế Chế Ottoman, Nga, Hung-Phổ và lần gần đây nhất là hai thế lực lớn của Đức Quốc Xã và Liên Xô Cộng Sản.   Nước Ba Lan ngày nay nhỏ hơn trước 20% với diện tích là 77.500 kilômét vuông (29.900 dặm vuông) so với diện tích ban đầu trước Đệ Nhị Thế Chiến. Việc sửa đổi biên giới đã buộc hàng triệu người Ba Lan, Đức, Ukraina và Do Thái phải rời bỏ cửa nhà, Liên Xô đã được nhường và huổng một phần lãnh thổ của Ba Lan vì đã có công giúp Ba Lan thoát khỏi tay Đức Quốc Xã. 

Liên Xô đến năm 1992 đã công nhận vụ thảm sát rừng Katyn khoảng 8.000 là các sỹ quan cao cấp Ba Lan bị bắt làm tù binh trong cuộc xâm chiếm Ba Lan của Liên Xô năm 1939, 6.000 người khác là các sỹ quan cảnh sát, số còn lại là những người thuộc giới trí thức Ba Lan bị bắt giữ vì bị coi là các nhân viên tình báo, sen đầm, địa chủ, những kẻ phá hoại, chủ nhà máy, luật sư, viên chức và thầy tu.  Số lượng nạn nhân bị thảm sát được ước tính khoảng 22.000 người.

Trong cuộc chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến, trong số tất cả các quốc gia có liên qua tới cuộc chiến tranh Thế Giới Thứ II, Ba Lan có thiệt hại nhân mạng cao nhất: hơn 6 triệu người chết, một nửa trong số đó là người Ba Lan Do Thái do Đức Quốc Xã trực tiếp tham gia giết hại tại các trại tập trung và hủy diệt, dưới đây là cái danh sách các trại tập trung và hủy diệt trên đất Ba Lan: 
  1. Auschwitz-Birkenau
  2. Bełżec
  3. Chełmno
  4. Poznań
  5. Gross-Rosen
  6. Majdanek
  7. Mittelsteine
  8. Płaszów
  9. Sobibor
  10. Soldau
  11. Stutthof
  12. Treblinka
  13. Warsaw  
Đáng chú ý là Ba Lan là nước được Đức Quốc Xã chọn cho xây dựng các trại tập trung hủy diệt nhiều nhất và dùng làm nơi tập trung tất cả các công dân Do Thái của toàn Âu Châu và binh lính đồng mình đem về đây để giết hại.

Chiến tranh đã đi qua hơn 60 năm rồi nhưng vết thương lòng của người Ba Lan không bao giờ nguôi ngoai, một ngày cuối tháng 9 năm 2004 bầu trời xám xịt, mây bay vần vũ, mưa rơi lất phất và khí hậu lạnh căm căm, tôi đã đứng trước cổng trại Auschwitz-Birkenau, cổng trại cũng là nơi tận cùng của đường xe lữa.  Ngay trước cổng trại có tấm bảng "Những ai bước xuống tại đây thì vĩnh viễn sẽ không bao giờ có thể trở lại để làm người.", cái biển báo có thể nói lên tất cả.  

Theo lời kể của người hướng dẫn viên, các chuyến đến trại thường là vào giữa lúc nữa đêm hay gần sáng, ngay trước khoãng sân rộng lớn trước trại, mọi người đều được tập trung lại và hành lý đều phải bỏ sang một bên.  Đa số là các hành lý và va li được làm bằng tay với nước da bóng lưỡng, trong đó chứa hàng trăm ngàn những món kỹ vật riêng tư của gia đình, những tù nhân nhìn những kỷ vật gia đình lần cuối rồi chia tay vĩnh viễn với nó.  Tất cả mọi người đều phải cởi bỏ hết quần áo trên người dù giữa trời tuyết lạnh căm căm.  Những người cai ngục với cái dùi cui trên tay vẫy trái hay phải mà từng người một phải đi về hướng của chiếc dùi cui chỉ định, anh-chị-em-cha-me-con cái nhìn nhau lần cuối lặng căm.  Những cái với tay nhau, chạm nhẹ nhau như là lời chào vĩnh biệt.

Số lượng người bị tập trung vào lò hơi ngạt hoặc lò thiêu từ hàng trăm lên đến hàng ngàn người mỗi ngày, những ngày cuối cùng của cuộc chiến lò hơi ngạt và lò hỏa thiêu đã hoạt đông hết công suất không ngừng nghĩ đến mức độ 1 trong những lò đó đã tự động ngừng hoạt động luôn vì quá công suất.  Tôi đã đứng trước một vùng đất lồi lõm mà nếu người hướng dẫn viên không nói thì không một ai trong chúng tôi có thể biết và hiểu rằng lúc xưa nó là những cái hố khá sâu và rộng.  Phần tro của người bị hại đã được đổ xuống để bây giờ nó thành 1 mảnh đất rộng với một lớp màu xám phủ lên trên, không thể đếm hết có bao nhiêu người đã thành tro bụi và được đổ xuống nơi đó, không có một con số thống kê nào để có thể cho biết được điều này.  Người ta vẫn giữ lại nguyên hiện trường như là một lời nhắc nhở đến các thế hệ sau này luôn nhớ lại những điều khủng khiếp của chiến tranh.

Tôi đã nhìn đến cả trên chục căn phòng với tóc và tóc, tóc ngắn, tóc dài, tóc đen, tóc đỏ , tóc vàng và tóc bạc.  Từ những lọn tóc tơ của em bé đến những lọn tóc loe hoe bạc trắng của người già, nó được cạo ngay từ khi ban đầu của tù nhân đến trại và được bỏ vào những căn phòng đó cho những mục đích riêng.  Tôi đã nhìn trân trân vào từng tủ gương to bằng cả căn phòng với răng, đủ loại răng.  Những căn phòng với đủ loại kiếng đeo mắt, những căn phòng với đồng hồ và đồng hồ ...nó nhiều quá và đủ loại, cái vỡ mặt và có cái còn nguyên vẹn nhưng những chủ nhân của nó giờ đã không còn nữa.

Có những căn phòng với chi chít những tấm hình gắn trên tường, không một người nào bình thường cả, lớn có, nhỏ có, già có, trẻ có, đàn ông đàn bà cho đến con nít, họ ốm đến nổi tôi có thể đếm được từng đốt xương trên người hay tay chân họ.  Chỉ có những đôi mắt, đôi mắt biết nói và nói lên sự thất vọng, sợ hãi và vô thần...

Những căn nhà nhốt họ y như là các chuồng trâu bò bên Việt Nam, nó trống rỗng và chỉ có những chiếc giường nhiều tầng gắn kết với nhau ở 2 bên, vấn đề vệ sinh hoàn toàn bên trong căn nhà vào ban đêm và hoàn toàn không có nhà vệ sinh trong căn nhà.  Có những căn phòng đặc biệt dành để nhốt những tù nhân đặc biệt, cái đặc biệt ở đây là có một thanh gỗ dài từ đầu phòng đến cuối phòng với những lỗ tròn khoét cho vừa đủ cổ chân người nhét vào.  Tất cả ngủ chỉ với một tư thế, ai biết được họ ngủ ra sao với tư thế đó cả đêm trường.  Thanh gỗ màu đen có phải là màu gỗ hay màu máu, không thể nhận ra được.  Điều dã man nơi đây là các căn nhà xây bằng gạch thì được dùng để cất đồ vật thu được của tù nhân, còn tù nhân thì sống trong những căn nhà gỗ được dựng lên rất sơ sài, với tình trạng như vậy sống sót qua được mùa đông gió tuyết cũng đã là may lắm rồi.  Họ sống như là những con súc vật, có lẽ súc vật còn được cho ăn uống và chăm sóc trước khi đem đi làm thịt, còn họ thì không.

Trên đường về, khi đi trên đường tât cả mọi người đều im lặng, cái im lặng khó mà diễn tả, ngay cả tôi cũng không buồn nói chuyện, tâm tư còn nguyên vẹn những hình ảnh mà có lẽ cả đời khó quên.  Vận kiếp của dân tộc, sự tàn nhẫn của đồng loại, sự hàm hồ của những tham vọng và sự tàn ác của chiến tranh, tất cả đều tập trung vào một nơi.  Hy vọng rằng những điều này đừng bao giờ xảy ra với nhân loại thêm một lần nữa, tuy nhiên cũng đừng bao giờ quên rằng chiến tranh và tham vọng chính là kẻ thù chính của nhân loại trong quá khứ, ngày hôm nay và trong tương lai.

Cổng trại tập trung hủy diệt Auschwitz-Birkenau và phía trước là điểm tận cùng của đường xe lữaCổng trại tập trung hủy diệt Auschwitz-Birkenau và phía trước là điểm tận cùng của đường xe lữa

Nơi tận cùng của đường xe lữa đến Auschwitz-BirkenauNơi tận cùng của đường xe lữa đến Auschwitz-Birkenau

Hàng rào kẽm gai có chích điệnHàng rào kẽm gai có chích điện

Xa xa là các nhà sàng lọc tù nhânXa xa là các nhà sàng lọc tù nhân

Người vừa nhập trạiNgười vừa nhập trại

Các can chứa hơi ngạtCác can chứa hơi ngạt

Hóa chất bên trong can hơi ngạt khi đổ raHóa chất bên trong can hơi ngạt khi đổ ra

Hình chụp tủ chứa tóc của tù nhânHình chụp tủ chứa tóc của tù nhân

Hình chụp tủ chứa gọng kính của tù nhânHình chụp tủ chứa gọng kính của tù nhân

Hình chụp tù nhân làm khổ sai ngoài trạiHình chụp tù nhân làm khổ sai ngoài trại

 Hình chụp lại các em bé làm thí nghiệm
Hình chụp lại các em bé làm thí nghiệm

Bên ngoài nhà nhốt tù - Dã man là nhà nhốt tù bằng gỗ, còn nhà xây chỉ dùng chứa đồ đạc của tù nhânBên ngoài nhà nhốt tù - Dã man là nhà nhốt tù bằng gỗ, còn nhà xây chỉ dùng chứa đồ đạc của tù nhân

Hình chụp các tù nhân nữ trong phòng nhốtHình chụp các tù nhân nữ trong phòng nhốt

Ngôi nhà nhốt tù nhân nữNgôi nhà nhốt tù nhân nữ

Khu vệ sinh của tù nhân
Khu vệ sinh của tù nhân

Hồ chứa tro của nạn nhân diêt chủngHồ chứa tro của nạn nhân diêt chủng

4 tấm bia tưởng niêm bằng tiếng Ba Lan- Anh và Do Thái trước những cái hồ chứa tro của nạn nhân diêt chủng4 tấm bia tưởng niêm bằng tiếng Ba Lan- Anh và Do Thái trước những cái hồ chứa tro của nạn nhân diêt chủng

Hình chụp lại các tù nhân lôi các nạn nhân chết ngạt và đem đi thiêuHình chụp lại các tù nhân lôi các nạn nhân chết ngạt và đem đi thiêu

Môt lò hơi ngạt bị đánh sập ngay trong ngày giải phóng trạiMôt lò hơi ngạt bị đánh sập ngay trong ngày giải phóng trại

Hồi tưởng về chuyến đi thăm trại tử thần Auschwitz-Birkenau - Ba Lan vào tháng 9/2004
Bài này đã tính đăng sau chuyến đi đó nhưng sau đó thì rút lại vì thấy nó khá nặng nề về tâm lý

Thanh Nhàn - TTL
 (San Diego, Mỹ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét