Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

KHẨU HIỆU



Tại Việt Nam không ít thì nhiều mọi người đều biết và nhớ về một vài khẩu hiệu.  Khẩu hiệu ở khắp mọi nơi, nó được dăng, dán và treo từ trong trường học ra tới ngoài đời, trên đường phố cũng như trong các hang cùng ngõ hẻm, trong các cuộc họp từ tổ dân phố cho đến các cơ quan đều có nhắc đến khẩu hiệu lúc ban đầu và khẩu hiệu lúc kết thúc.  Khẩu hiệu rất đa dạng và đủ mọi thứ, từ ca tụng một cá nhân, tổ chức, tập thể cho đến ý thức hệ.  Khẩu hiệu cũng có nhiều loại và phân ra thành nhiều dạng, từ khẩu hiệu giáo dục, động viên, cổ vũ, răn đe cho đến chê bai, khẩu hiệu mang tính thời sự, chính trị và hô hào, khẩu hiệu về đấu tranh, nghĩa vụ và quyền lợi,  khẩu hiệu mang tính giáo dục cho đến khẩu hiệu mang tính vô giáo dục và thiếu văn hóa.

Thật ra khẩu hiệu không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà nó còn xuất hiện ở mọi nơi trên khắp thế giới nhưng tùy theo hoàn cảnh và thời gian, tuy nhiên khẩu hiệu đã bị lạm dụng ở các nước Cộng Sản ở trong mọi phương diện.  Khẩu hiệu ban đầu được dùng với mục đích là tuyên truyền, động viên hay cổ động mọi người noi theo hay làm theo.  Sau này trong tất cả mọi trường hợp dù không cần thiết đều được dùng khẩu hiệu và thông qua bằng khẩu hiệu.  Có một thời gian nó đã đạt được mục đích vì nó được dùng làm phương tiện để truyền bá rất hữu hiệu nhưng càng về sau này thì khẩu hiệu đã bị lạm dụng quá trớn và dùng làm phương tiện mang tính cách cục bộ và nhai lại, đó còn chưa kể tới chuyện làm mất mỹ quan của thành phố vì những câu khẩu hiệu tối nghĩa và vô dụng.  Khôi hài hơn khi có nhiều bảng khẩu hiệu to lớn được treo lên mà không qua kiểm tra và tìm hiểu kể cả sửa những lỗi đơn giản về chính tả đem lại sự chế diễu, cười cợt của mọi người đọc và phản tác dụng thay vì đạt được mục đích truyền tải cái thông điệp chính của nó.  Điều này cũng chứng tỏ trình độ học vấn, văn hóa và sự nhận thức của các cán bộ tuyên truyền ngày nay.  Khẩu hiệu có giúp gì được không?  Câu trả lời mọi người đều biết và hiểu mà không cần phải sự giải đáp.  

Khẩu hiệu chỉ có tác dụng và hiệu quả khi dùng đúng thời gian và hoàn cảnh, không phải lúc nào cũng đem ra áp dụng và không phải lúc nào khẩu hiệu cũng đúng trong mọi trường hợp.  Đến thời điểm hiện tại, khẩu hiệu đã có quá nhiều, nhàm chán và tràn lan nên đã không còn có tác dụng và hiệu quả đến với mọi người, đôi lúc nó còn bị coi là phản cảm và xúc phạm đến mọi người.







SAN DIEGO
TÔN THẤT LONG - 01/16/2015

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

TÌNH BẠN

Tình bạn,

 Khi chưa có Internet, chưa có Instant Messenger, chưa có Facebook, ta chỉ có bạn bè trong trường học, có bạn bè đồng nghiệp ngoài trường đời khi ra đi làm.  Tất cả những người bạn ta có đều giao tiếp với nhau mặt đối mặt, tất cả là hiện hữu bằng da bằng thịt mà không có một sự trừu tượng nào trong này.  Ta có thể nhìn người bạn đối diện mà hiểu bạn ấy nói gì, muốn gì và thích gì, không cần có trí tưởng tượng phong phú để hiểu hay suy đoán.  Tất cả đều hiển hiện ra trước mắt.  Thời gian trôi đi, bạn bè trong trường học đến lúc ta cũng phải chia tay nhau khi rời xa mái trường, bạn bè trong trường đời lâu dần cũng có người phải mất đi và chia tay, bạn bè có người còn ở lại với ta nhưng không phải lúc nào cũng dài lâu và cận kề.  Bạn bè đúng nghĩa chỉ là một số lượng giới hạn tùy vào tính cách, hoàn cảnh của chính bản thân ta mà có được.

Từ khi có Facebook, Twitter...thế giới mạng nói chung, ta bỗng dưng trở nên có rất nhiều bạn bè, nhiều hơn những gì mà ta tưởng tượng ra được, nhiều người chia sẻ, số lượng bạn không còn có giới hạn vào hoàn cảnh, địa lý, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính và tuổi tác.  Bạn bè cũng có nhiều loại bạn hơn, bạn tâm sự, bạn tâm giao tri kỷ, bạn đồng nghiệp, bạn thân, bạn học, bạn cùng quê, bạn cùng trường, bạn cùng sở thích, bạn qua bạn... Có người cho đó là bạn ảo trong thế giới mạng, đúng mà không đúng vì thật ra mọi người đều thật cả chỉ trừ cái tên ảo/thật, chỉ là khả năng gặp nhau ngoài đời thật hiếm hoi trừ bạn học và bạn đồng nghiệp ngoài đời hay bạn cùng quê.  Dù vậy, đã từng có những người bạn từ trong thế giới mạng đã bước ra ngoài đời và sự gặp mặt nhau đã thân lại càng thân hơn.  Cái thế giới mạng này đã kết nối và giúp tìm lại được biết bao nhiêu người bạn, người thân mà ta đã từng nghĩ rằng vô vọng và sẽ không bao giờ lại gặp nhau hay nói chuyện lại với nhau sau bao nhiêu năm xa cách.

Phân loại bạn bè trên thế giới mạng này không đơn giản chút nào, trong cái thế giới mạng này thường không được phân biệt rõ ràng trắng và đen, tốt và xấu, thân hay quen theo kiểu phân biệt đối xử ta thường nhìn nhận như ngoài đời hay trong cuộc sống thường nhật nhưng vô hình chung trong một số trường hợp cụ thể ta sẽ có cách hành xử và nói chuyện tương ứng khác nhau.  Đôi khi ta lịch sự nhưng xa cách, đôi khi ta tâm tình như sẳn sàng chia sẻ, đôi lúc ta đau cùng nổi đau của bạn, đôi khi ta vui cùng nỗi vui của bạn, đôi lúc ta cởi mở với nhau như gặp bạn tâm giao lâu ngày... Cái tâm lý phản ứng của ta sẽ tùy thuộc vào mức độ xếp hạng từng người bạn và theo cảm tính, cảm nhận của chính bản thân ta.  Tuy nhiên trong thực tế bao giờ cũng có những trường hợp đặc biệt, dù chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời hay nói chuyện với nhau qua điện thoại nhưng ta luôn có những tình cảm đặc biệt dành cho một số bạn hay một người bạn nào đó và luôn đối xử một cách trên mức thân thiện hay quan tâm hơn những người bạn khác, đôi lúc ta còn chia sẽ cảm nghĩ và kể cả những điều khá riêng tư của ta.  Ta sẽ tin tưởng người bạn đó dù rằng đôi lúc ta không thể giải thích được lý do vì sao, cái đó có gọi là thần giao cách cảm hay linh tính thì ta thật sự không thể nói và giải thích được.  

Đôi lúc ta may mắn thì sẽ có được người bạn mà mình mong muốn có, nhưng đôi lúc ta cũng vô tình gặp phải những trường hợp thật khó xử.  Nhưng dù gì thì ta cũng nên xử lý theo cái tình, đem lại sự buồn phiền và khổ ải cho nhau không phải là cách ta nên làm.  Nhìn nụ cười trên mặt bạn của ta sẽ đem lại cho ta một ngày thật hạnh phúc và vui vẻ.  Một ngày nào đó, ngồi nhìn lại những người bạn mà ta đã từng kết giao và có, cuối cùng ta vẫn nhận ra một điều "Ta vẫn cần bạn, nếu không cuộc sống ta sẽ trở nên vô vị".

San Diego
TTL - 01/14/2015

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

XÃ XÌ TRÉT

Thích kỉ lục: 
Nói chuyện về kỉ lục thì VN là một trong những nước thích kỉ lục, từ đòn bánh tét, giò chả nem nướng là mấy món thức ăn hay được đem ra làm kỉ lục, lập xong kỉ lục rồi đem vứt vào thùng rác vì thiêu chua và hư sau vài ngày. Sau kỉ lục nấu nướng thì đến kỉ lục xực, con gì mà nhúc nhích là xực cho hết, hông chừa con nào trừ cái con nào mà thuộc về mình và gắn dính trong mình thì không thể xực được thôi.

Thích dùng từ đao búa: 
Nếu chúng ta để ý một chút có một điều rất buồn cười là hầu hết các sân bay ở nước ngoài chỉ ghi rất đơn giản Changi Airport, Los Angeles Airport, Heathrow Airport... còn ở Việt Nam ta thì Nội Bài International Airport, Tân Sơn Nhất International Aiport, Đà Nẵng International Airport, Cam Ranh International Airport... cái nào cũng phải có chữ INTERNATIONAL mới chịu, nhưng chất lượng thì rất là sân bay làng tàng hay sân bay làng nhàng, không được xếp hạng ở một mức độ cao nào cả kể cả trong khu vực ĐNA. Đây là biểu hiện của việc thích hay khoái dùng mỹ từ và háo danh của một số quan lại thích nói dài và nói dai.

Thích khoe khoang và nổ: 
BKAV tuyên bố là họ đi trước Google, Microsoft, Apple ...nghe xong muốn té xỉu, hông biết BKAV ở VN mọi người đều đã biết đến tên hiệu này chưa mà dám so tài với các tập đoàn số một, số hai của thế giới.  BKAV là ai và làm gì?  Xin thưa đây chỉ là một hãng nhỏ chuyên làm phần mềm diệt virus do một tập thể người Việt tạo nên , nghiên cứu giống gì thì không biết nhưng tuyên bố cao ngạo vậy thì chỉ có ở VN thôi.  

Dự án Sân bay Long Thành chưa được xây dựng và còn đang trên mặt giấy tờ nhưng các nhà quản lý tại VN đã tính toán tới chuyện đường xa cả mấy chục năm, mà thành tích tính xa mấy chục năm kế hoạch của các vị này thì đã được chứng minh trong thực tế là chuyện chẳng bao giờ xảy ra.  Nào là có mấy chục triệu hành khách quá cảnh và là phi trường trung chuyển của cả ĐNA.  Làm như các nước khác họ ngồi chờ mấy ông tính toán chứ không nhúch nhích, dạ xin thưa, mấy ông còn đang tính toán và nói phét thì họ đã làm xong và đi trước mấy cái kế hoạch của các ông xem ra vài chục năm rồi.

Thích được khen và không thích bị chê: 
Người ta xếp hạng sân bay VN vào thuộc hạng thấp là mấy vị quản lý đã nhảy đổng lên và thanh minh thanh nga, nhưng cứ nghĩ xem chỉ có ở VN hay Nga mới có cabin ngủ lại ở phi trường dành cho hành khách bị trể chuyến bay nhưng muốn xài thì phải mướn, còn các hãng khác trên thế giới được chở về khách sạn nghĩ ngơi mà không tốn đồng xu cắc bạc nào cả.  Và xin thưa hành khách trể chuyến bay không phải vì lỗi của họ mà là vì hãng hàng không đã bị chậm giờ, chậm chuyến nên phải phục vụ và giải quyết tối đa quyền lợi của hành khách, còn tại VN thì xin mời uống lon cô ca cho khỏi có la.

Thích tổ chức Hoa Hậu: 
Từ thành phố lên tỉnh tới khu vực rồi lan ra cả nước, chưa đủ còn phải Hoa Hậu áo dài, Hoa Hậu áo tắm, Hoa Hậu biển, Hoa Hậu núi, Hoa Hậu đồi, cái gì cũng có thể được đem ra để thi Hoa Hậu. 

Chuyện thích k lc còn dài dài và nhiều tập, có lẽ tổ chức Guinness nên phong cho VN cái kỉ lục thích làm kỉ lục là đúng nhất. Viết ra để giảm xì trét một chút chứ đọc báo VN riết bị xì trét quá.

TTL - 01/08/2015

VĂN MINH TOILETTE


          Sáng nay phải đem xe đi bảo trì, đang ngồi trong phòng chờ tại tiệm sửa xe thì thấy có cặp vợ chồng người Mỹ già chạy xe vào và xin hỏi nhờ dùng tạm toilette của tiệm.  Nhìn hai vợ chồng già thật thương nhau, thấy người chồng dìu người vợ đi một cách khó nhọc nên các nhân viên trong shop mau mắn lại giúp và đưa họ vào ngay trong toilette. Tiệm sửa xe thì có cái garage to đùng nhưng văn phòng  thì lại rất nhỏ nên họ không có toilette công cộng, mặc dù trước phòng toilette đề bảng "For employee only" (Chỉ dành cho nhân viên) nhưng đó chỉ là để vậy thôi chứ nếu ai cần vào hỏi thì họ vẫn cho dùng chứ không cấm.  Ở Mỹ và các nước Âu Châu, Úc Châu, tại các công viên, các trạm dừng chân trên đường cao tốc, các Shopping Mall đều có toilette công cộng rất nhiều, còn thì các nhà hàng tiệm ăn và các cửa tiệm đều cũng có nhưng chỉ dành cho khách hàng.  Tuy vậy cũng không có nghĩa là người bên ngoài khi cần dùng đến thì không thể dùng được, chỉ cần hỏi nhân viên tại cửa hàng hay xin phép là đều được dùng cả.         

         Bây giờ nhớ lại những lần về Việt Nam, đi đường xa dù trời nóng nực cũng không dám uống nước nhiều, mỗi lần ai cần đi toilette là kêu bác tài dừng xe, thế là bác tài ngó quanh ngó quất đâu đó trên đường có nhiều bụi rậm hay lùm cây là tắp xe vào.  Các tiệm ăn nhà hàng trên đường đi cũng có toilette nhưng mỗi lần ghé vào phải gồng mình lấy can đảm, hít một hơi thật dài lấy không khí trong lành trước khi bước vào bên trong.  Không dám diễn tả các toilette công cộng tại Việt Nam, chỉ vì bất đắc dĩ hay chẳng đặng đừng mà phải dùng chứ thật sự thì toilette ở các cửa hàng tại Việt Nam chỉ có bằng hoặc thua Trung Quốc một bậc về dơ và hôi thôi.  Đúng là ảnh hưởng qua lại ngàn năm của hai nền văn hoá láng giềng nhau, chỉ có một vài điều chú trọng là ăn mặc, chức quyền và sĩ diện.  Còn lại thì phòng ngủ và toilette thì chẳng bao giờ được cho là quan trọng nên lúc nào cũng cho và để vào nhà dưới và nhà sau.  Có ai đã từng đi Trung Quốc, Bắc Kinh và ghé Tử Cấm Thành thì chắc cũng đã nhìn qua cái giường của Từ Hi Thái Hậu, thật không thể tưởng tượng cái giường nhỏ và cứng như nằm trong củi và thêm cái khúc gỗ bọc lụa làm gối thì cũng đủ hiểu là người xưa họ không quan trọng cái phòng ngủ và phòng tắm cho lắm dù là vua là chúa.  Mà phòng ngủ như vậy thì chắc chắn cái toilette cũng chẳng tốt hơn là bao nhiêu và cũng đừng bao giờ tin tưởng vào phim ảnh của Hong Kong và Trung Quốc vì nó hoàn toàn không phản ảnh đúng sự thật ở ngoài đời.         

         Nói chuyện cái toilette thời xa xưa, chuyện kể rằng, ngày xưa có rất nhiều vị quan chức, người giàu sang chết tức tưởi mà không ai dám nói ra nguyên nhân chính của cái chết là do hố xí gây ra mà chỉ nói chung chung nguyên nhân là do trúng gió chết.  Thật ra đây là sự thật cho tới khi người Phương Tây vào xâm lược và cũng đem theo cái nền văn hóa, văn minh phổ cập đô thị vào thì lúc đó nhà xí, nhà cầu mới được xây và có toilette như ngày hôm nay.  Còn trước đó thì giàu cũng như nghèo đều ra nhà xí là cái hố được lót ván phía trên đằng sau hè mà thôi.  Còn ở đồng quê thì chỉ là cái chòi chỉa ra sông hay khi đi thì cầm theo cái cuốc để đào cái lỗ nhỏ (xin lỗi mọi người khi nói và kể về những điều dung tục này).  Chỉ có các vị vua chúa, đại quan hay địa chủ mới có người bưng bô phục vụ nữa đêm, còn không thì ai cũng phải xách quần chạy ra cái hố xí sau nhà mà thôi, mà nữa đêm mắt quáng mù gà lọt hố xí chết tức tưởi, người nhà sáng ra có khám phá ra thì chỉ còn dám nói là chết vì trúng gió chứ có ai mà dám tuyên bố chết vì lọt hầm cầu, hầm xí đâu, có mà mất mặt chết và còn đâu là sỉ diện tông môn.          

         Tại VN so sánh những chổ đã đi qua, vài năm gần đây đã có xây dựng một số cầu tiêu công cộng nhưng con số đó quá là nhỏ nhoi.  Ở Việt Nam, có lẽ thành phố Đà Nẵng được cho là thành phố có dáng dấp và quy củ sinh hoạt được cho là nề nếp và thật sự có văn hoá về vệ sinh, còn Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố khác trong cả nước thì hoàn toàn thiếu hẳn và thiếu quan tâm về văn hoá vệ sinh nhưng lại có quá nhiều khu phố văn hoá, thiệt là nực cười cho chuẩn mực văn hoá của đô thị tại Việt Nam, có tiếng mà không miếng.  Mà cũng lạ thật, ở đời cái xấu thì học nhanh, cái tốt thì học chậm, ngay cả người ngoại quốc khi sống ở Việt Nam lâu cũng không thoát ra khỏi cái tật này.  Văn hóa vệ sinh của người Việt nó đã vậy làm cho những người Ngoại Quốc lần đầu tiên đến VN nhìn thấy và cảm thấy khó chịu .  Nhưng mức ảnh hưởng có nó lan rộng đến mức độ cả người Ngoại Quốc, nhất là giới trẻ đi bụi, lúc đầu cảm thấy ngượng nghịu khi làm điều này nhưng sau đó một thời gian thì thích thú và bắt chước, rồi khi về lại nước thì viết ra trên báo chí và blog còn cho đó là "Văn hoá đái đường, khạc nhổ và xả rác mọi lúc mọi nơi của Việt Nam.".  Cái văn hoá này viết ra đầy dẫy trên báo chí, blogs và các tạp chí du lịch, làm cho một số bạn cùng sở tôi làm muốn đi chơi Việt Nam đã hỏi tôi là ở VN không có dùng toilette sao.  Tôi cũng không biết phải nói sao, ngượng chết đi được khi bị hỏi vậy, tôi chỉ có thể nói ở Việt Nam cũng có toilette và mọi thứ như các nước văn minh khác trên thế giới, chỉ một số bộ phận nào đó làm điều này chứ không phải như báo chí và các blogs chuyên về du lịch viết ra như vậy, chuyện xã rác và đái đường là chuyện có thật nhưng không phải tuyệt đại đa số và tất cả mọi người đều làm vậy.  Chỉ một nhóm nhỏ thiểu số làm vậy mà cả nước mang tiếng thì không đúng.  Nhưng miệng thế gian ai mà cản được. 

          Chung qui chỉ vì thiếu toilette công cộng mà thành ra một đề tài để bàn luận và chế diễu. Chừng khi nào người Việt có được cái văn minh toilette này thì lúc đó có lẽ mới dám nói tới nếp sống văn minh và lịch sự.  Lúc đó sẽ chẳng còn ai nói, viết và bàn luận về mấy cái chủ đề này làm đề tài chế diễu và chê bai nữa.  Nói thì dễ vậy mà thay đổi thì không dễ đâu, biết đến bao giờ đây!

San Diego
TTL - 01/11/2015

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

ĐÀ LẠT QUÁ KHỨ VÀ HOÀI NIỆM

Đà Lạt Quá Khứ và Hoài Niệm


Quá khứ và hiện tại là một con đường thẳng, khác nhau là cái đi trước và cái đã khuất góc phía sau.  Người ta thường quay về và hồi tưởng về quá khứ, sống với quá khứ, nhớ về quá khứ khi đến một độ tuổi nào đó. Đà Lạt là góc quá khứ và là góc khuất phía sau của tôi, hình ảnh, ấn tượng, tình cảm và hương vị của Đà Lạt vẫn còn tìm ẩn đâu đó trong tôi, nên những buổi chiều buồn, những ngày mưa hay bão, tôi vẫn thường ngồi lặng lẽ một mình nhìn ra cửa sổ, trong một góc của căn phòng làm việc, một bản nhạc trầm buồn và mơ màng nhớ về Đà Lạt vào những ngày tháng xa xưa đó. 
Đà Lạt, một thành phố rất Tây trên quê hương Việt Nam.  Đà Lạt vào mùa Đông với những đêm dài buốt rét, Đà Lạt vào mùa Xuân với hoa Đào và vô số các loại hoa khác nở rộ khắp nơi nơi.   Đà Lạt với những buổi sáng sương mù phủ trắng xóa dưới thung lũng hay lơ lững bay lưng chừng trên thành phố và mặt hồ Xuân Hương. Đà Lạt với những buổi chiều chạng vạng sương mù bắt đầu phủ kín đỉnh đồi như có những đám khói lam chiều phất phơ trong nắng chiều nhàn nhạt.. Đà Lạt với dãy rừng thông bạt ngàn kéo dài từ chân đèo Preen lên đến thành phố, những ngôi nhà nhấp nhô, thấp thoáng xa xa trên những triền đồi.  Đà Lạt có những mùa mây mù phủ kín trên rừng thông, đồi núi, làm mờ mịt dãy núi Bà xa xa. Đà Lạt với những ngày mưa gió bão dài lê thê, mưa như kéo dài những chuổi ngày dài đăng đẳng ngày này qua ngày nọ, giá lạnh, ẩm ướt và rét buốt.  Đà Lạt với làn gió đưa mùi thông quyện chung với mùi hương hoa Dạ Lý Hương thoang thoảng khắp nơi khi bóng đêm trùm xuống.  Đà Lạt với mùi đất bốc lên khi mùa mưa vừa chớm bắt đầu và đất bùn đỏ quạch chảy tràn lấn ra cả hai bên vệ đường khi mùa mưa vào cao điểm.

Hồ Xuân Hương và Đồi Cù - Trong hình này còn nhìn thấy hồ Tống Lệ và hồ ông Cả Đọi - Hình InternetHồ Xuân Hương và Đồi Cù - Trong hình này còn nhìn thấy hồ Tống Lệ và hồ ông Cả Đọi - Hình Internet

Đà Lạt với hình ảnh Thuỷ Tạ, Thanh Thủy, đồi Cù và Hồ Xuân Hương lộng gió, Đà Lạt với các dốc đồi Duy Tân, Minh Mạng, Hải Thượng Lãn Ông, Nhà Bò, Nhà Làng ... Tuổi tôi chỉ vừa đủ chẳn chục vào thời gian đó nhưng tôi vẫn nhớ khu Hoà Bình là tâm điểm của Đà Lạt và bánh mì baguette Winh Chấn năm xưa, cây bánh mì như cây gậy vừa dòn vừa nóng và thơm lựng.  Nhớ kem Vĩnh Hưng đường lên dốc Hòa Bình, cốc kem dâu hay kem ba màu ăn xong vẫn còn thấy thòm thèm.   Khu Hòa Bình với hai quán cafe Tùng và cafe Văn ở hai bên đầu mỗi góc phố, nhớ các tiệm và bảng hiệu xưa từng một thời được nhiều người xưa biết đến như Winh Chấn, Đức Xương Long, Việt Hoa, Việt Quang, Thụy Sĩ, Tân Việt, tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, nhà thuốc bắc hiệu Con Cua (Thế An Đường), nhà sách Khai Trí, nhà may Văn Gừng, nhà may Chí Công, tiệm uống tóc Ba Lê, giò chả Mỹ Hương, giò chả An Lộc...Các tiệm vàng xung quanh khu Hòa Bình và phía sau Tăng Bạt Hổ, góc Phan Bội Châu trước kia là nơi bán xe honda và xe đạp và sau 75 là nơi tập trung cho các tiệm vàng.

 Vọng Nguyệt Lầu - Ký Họa Tuệ K9 TTGDHVVọng Nguyệt Lầu - Ký Họa Tuệ K9 TTGDHV

Nguyệt Vọng Lầu góc đường Minh Mạng và Tăng Bạt Hổ một nơi chốn quen thuộc cho các cặp tình nhân, các quán chè dốc Minh Mạng nơi hò hẹn của các đôi lứa và các cô cậu nhỏ vừa mới lớn. Các rạp chiếu phim Hoà Bình, Ngọc Lan và Ngọc Hiệp.  Phở Bắc Huỳnh ngay dốc ga xe lữa.  Nhà hàng chuyên bán các món ăn Hoa-Việt nổi tiếng với những cái tên như Nam Sơn, Chic Shanghai, Cẩm Đô, Mekong...  Các kiosque trên đường Thành Thái và bên hông rạp Hòa Bình, đường vào chợ Đà Lạt chuyên bán hàng gỗ, photo và kỷ vật lưu niệm về Đà Lạt. Các khách sạn Mộng Đẹp, Anh Đào, Mimosa, Palace, Du Parc, Thủy Tiên, Duy Tân... Các dãy hàng ăn uống đối diện với khách sạn Thủy Tiên và kéo dài đến trước trường Đoàn Thị Điểm vào buổi chiều về đêm với đủ các món ăn chơi.  Các bến xe đò, xe lam ngay chợ Đà Lạt, bến xe Tùng Nghĩa và bến xe Chi Lăng đổ đi muôn nơi.  Chợ Đà Lạt với trái cây hoa quả đặc sản từ các ấp Thái Phiên, Đa Thiện và ấp Ánh Sáng...đổ về.  Đà Lạt với những ngôi trường xưa Lycee Yersin, Couvent des Oiseau, d'Adran, Trí Đức, Văn Học, Bồ Đề, Việt Anh, Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo... Đà Lạt, ngôi Thánh Đường vươn lên thẳng trời cao với tháp chuông cao có hình con gà, trường dòng Couvent des Oiseaux, Don Bosco, Domaine de Marie, Giáo Hoàng Chủng Viện, nhà thờ Tin Lành.  Nhớ khu Trại Hầm với những vườn mận đỏ ươm và vườn hồng vàng rực nơi làm ra những đặc sản một thời của Đà Lạt như mứt và rượu.  

Kem Vĩnh Hưng - Hình InternetKem Vĩnh Hưng - Hình Internet

Đà Lạt là của tôi là một thời biết tập hút thuốc và uống rượu, thời biết ngồi đồng ở các quán cà phê và nghe nhạc Pháp. Những ly rượu đắng cay và điếu thuốc đầu đời đốt cháy trên môi. Đà Lạt của tôi lúc đó như đang ngất ngây, như đang chìm trong ca khuc "Vũng Lầy của chúng ta" của người con Đà Lạt (LUP).  Đà Lạt của tôi là những ngày khốn khó, những ngày buồn khổ và đau buồn. Đà Lạt của tôi là những ngày vật vã và xa lìa.  Xa rời Đà Lạt là xa rời một mảnh tình và một phần quá khứ của tôi.  Đà Lạt với bức tranh đồi Cù, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở , hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp, với thung lũng Tình Yêu và Rừng Ái Ân, với thác Cam Ly, Datanla và Preen,với ấp Ánh Sáng, ấp Hà Đông, ấp Nghệ Tĩnh, ấp Nam Thiên, ấp Xuân An, ấp Đa Thiện, với khóm Nhất Thống, Cô Giang, Hồng Lạc và Chi Lăng, với Trại Hầm và Trại Mát, với Thái Phiên, Tây Hồ, Cầu Đất và với Xuân Trường cùng Xuân Thọ...và còn nhiều nữa.  Nếp sống bình dị, phong cách chậm rãi của Đà Lạt vẫn không hề thay đổi.  Trong lòng tôi luôn nhớ mãi những hình ảnh các cụ già mặc áo veste, nón feutre, khăn foulard choàng cổ, chống canne chầm chậm bước rảo quanh phố. Không có gì vội vã, mọi thứ đều rất thanh bình, lặng lẽ, người Dalat luôn như vậy đó.


Cuộc sống Đà Lạt vẫn phải tiếp diễn chỉ là giờ đây nhà cửa giờ mọc tràn lan, bê tông và màu sắc nhếch nhách nhiều hơn, rừng thông và cảnh thiên nhiên bây giờ ít hơn xưa và bị dạt ra ngoài ngoại ô, đường lớn rộng thênh thang hơn, các con hẽm nhỏ đường đất giờ cũng khang trang hơn.  Thiên nhiên bây giờ được thay thế bằng nhân tạo bởi con người.  Những con đường mòn, dốc hẹp đã được thay thế bằng những bậc thang bằng xi măng, những ngọn thác, con suối thiên nhiên mộng mơ, hữu tình đã dần dần thoái hóa đâu còn cảnh thơ mộng ngày xưa.  Dẫu biết rằng khai thác du lịch là tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân Đà Lạt nhưng tôi vẫn tiếc và buồn bâng quơ vì sự đi xuống của thiên nhiên.

Bức tranh xưa với những cảnh thiên nhiên đẹp não nùng, bàng bạc như sương khói.  Dalat, thành phố của mộng mơ, thành phố của tình nhân, thành phố cao nguyên lạnh, thành phố buồn và mưa bay, một thành phố lung linh, huyền ảo với ngàn thông vi vút gió thông reo giờ đây có nhiều vết loang lỗ và nhiều chổ bị xóa mất theo thời gian.  Thời gian vốn dĩ tàn phá và không có gì là trường tồn mãi mãi, nhưng sức tàn phá của con người đối với thiên nhiên tàn nhẫn đến như vậy và thay đổi cảnh quan thật đáng để ngậm ngùi.

Đà Lạt những gì đã nói trên một phần đã tan biến vào trong quá khứ chỉ còn lại trong hoài niệm.  Lòng tôi nhói khi nhớ về ngày xa xưa, tôi thay đổi và Đà Lạt cũng đã đổi thay để lòng tôi cứ mãi tiếc nuối bức tranh tuổi thơ đã bị xóa nhòa và mất đi nhiều cảnh cũ.  Đà Lạt với hoài niệm và quá khứ theo tôi suốt một đời. 

San Diego
TTL - Jan 2015