Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

TẢN MẠN VÀ LAN MAN VỀ ĐÀ LẠT

Tản mạn và lan man về Đà Lạt!

Phố Chợ Đà LạtPhố Chợ Đà Lạt

          Mới đó mà đã 3 năm rồi, cứ như là xa Đà Lạt mới đây thôi, thời gian thật là trôi nhanh quá.  Lần đầu tiên dẫn vợ về thăm quê.  Trên chuyến xe taxi từ phi trường lên Đà Lạt, xe lên đèo Prenn, xuyên qua những rừng thông bạt ngàn và con đèo ngoằn ngoèo, mình loắng thoắng giới thiệu với vợ và con đây là đâu, địa danh này, khu vực nọ,  tên là gì làm ra vẻ ta đây rành lắm (Prenn, Datanla, Hồ Tuyền Lâm ...), con thì có hiểu mô tê chi đâu mà nói lại, còn vợ thì im lặng đến khi xe vào thành phố thì vợ buột miệng hỏi mình một câu:  
          - Đường này tên gì vậy anh?
          Đang huyên thuyên, mình nghẹn lời vì thật sự mình có nhớ và biết hết tên đường đâu, nhất là tên đường sau này thì càng chịu thua, rồi con đường nhỏ này đi lên Nhà Thờ Con Gà thì chịu chết chứ có biết tên là đường tên gì đâu mà nói hay trả lời.  
          Mà hình như nếu mình nhớ không lầm trừ những tên đường hay địa danh quá nổi tiếng của Đà Lạt ví dụ như đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đào Duy Từ, dốc Minh Mạng, dốc Duy Tân, dốc Nhà Bò, dốc nhà Làng, dốc Nhà Thương, Mã Thánh, cây số 4, cây số 6, ấp Đa Thiện, ấp Nghệ Tĩnh, ấp Hà Đông, ấp Ánh Sáng, cầu Ông Đạo, cầu Bá Hộ Chúc v.v...còn thì mình hình như chẳng nhớ tới con đường nào cả, ngay cả con đường về nhà cũng chẳng nhớ tên là gì mà chỉ nhớ địa danh là Nha Địa Dư gần Ga Xe Lữa vậy mà thôi.  Không phải mình trí nhớ tệ mà là hình như hông ai nói tên đường cả, dân Đà Lạt hỏi nhau ở đâu là toàn nói khu vực, dốc, xóm, ấp...thôi chứ đâu có ai nói tên đường.
          Đã bao nhiêu năm rồi mình đã rời đi, lần nào về cũng chỉ vòng vòng có mấy ngày thăm bạn bè hay vòng vòng quanh trên phố, chẳng bao giờ phải hỏi tên đường, góc phố.  Cứ như thế mà đi, cứ như thế mà về nhà, lên phố thì đi vòng vòng chứ thèm hỏi ai tên đường tên phố làm gì cho mệt, mà có hỏi ai hay cần gì thì cũng hỏi ở vòng vòng khu nào thôi như dốc Nhà Làng, dốc Minh Mạng, dốc Duy Tân, dốc Nhà Thương, Cẩm Đô, khu Tăng Văn Danh...tất cả cũng chỉ vòng vòng trên phố mà thôi. Còn nữa, nếu có hỏi tên đường đi đâu thì hỏi và được trả lời kiểu như vậy nè:

- Ăn Bún Bò ngon hả, chạy xuống Phan Chu Trinh dưới Chi Lăng ăn đi.
- Ăn bánh căn hay nem nướng thì chạy về Nha Địa Dư nha.
- Ăn lẫu dê có hai cái, đường Trần Hưng Đạo hướng Trại Hầm hay về hướng Hồ Than Thở.
- Ăn cơm xuống nhà hàng Hoàng Lan ở Phan Đình Phùng hay quán cơm Như Ý gần rạp Ngọc Hiệp.
- Ăn mỳ quảng buổi chiều ra khu Việt Anh cũ.
- Uống cà phê có cái quán mới mở gần trường Thăng Long hay đường đi lên gần Dinh Ba đi.

          Hỏi bạn bè hay bất cứ ai thì cũng toàn là nói chung chung và toàn là địa danh, khu vực nào đó, hông ai chỉ rõ là đường gì hay nằm trên đường gì, nằm khúc nào, ở đâu vì mặc nhiên coi là mình biết, mà hông biết thì tới gần đó hỏi cũng ra thôi, có ai mà hỏi kỷ tên đường làm gì đâu.  Hông phải dân sống ở Đà Lạt mà hỏi và được trả lời kiểu đó có mà hóng mỏ tò te ngẫn ngơ ra thôi chứ biết nói gì.  Hỏi kiểu đó và trả lời kiểu đó, rồi vậy mà cũng mò rồi đi cũng tới, cũng chỉ có dân Đà Lạt mới vậy mà thôi.
          Giờ bị cô vợ hỏi, thiệt là ngẫn tò te.  Mà thử hỏi xem có ai nghĩ là mình cần biết tên đường, tên phố làm gì phải không nè?  Đà Lạt nó nhỏ xíu à, vòng vòng khu Hòa Bình là khu trung tâm chính rồi xuống chợ, còn thì đi đâu nữa.  Ăn uống, mua sắm cũng vòng vòng khu đó mà thôi, còn gì nữa mà phải nhớ tên đường tên phố chi cho mệt. 
          Mà mình cũng chẳng ham gì đi tham quan mấy cái thắng cảnh nghe tên sao mà mỹ miều, mỹ lệ như Thung Lũng Tình Yêu, hồ Thở Than hay Than Thở khi mà cái ký ức hồi xưa lúc còn đi học chẳng đẹp đẽ gì mang lại, cứ mỗi tuần thì phải vác cái cuốc đi đào hồ, trồng rừng, trồng thông và trồng khoai lang chứ có gì mà đẹp đẽ hay mỹ lệ cho lắm.  Chưa nói lại còn phải mang phân đem bón mấy đống khoai, thông đó.  Thời đó thì phân bón  cho tất cả mọi thứ cây cỏ thì chỉ có dùng độc một loại cây quỳ làm phân chứ có gì ngoài thứ đó ra.
          Mà cũng cứ hỏi thử đi xem người Đà Lạt chính gốc, có mấy ai đến để tham quan hay viếng mấy cái thắng cảnh đó, đôi khi người sống ở Đà Lạt mà có khi cả chục năm chưa tới nữa.  Người ta nói bụt nhà không thiêng là vậy đó.  Cũng giống như tôi mang tiếng là dân Đà Lạt chứ có biết ất giáp gì cái ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Nam Thiên, Tây Hồ mô đâu nào.  Tên thì biết mà có bao giờ tới chổ đó đâu mà biết.
          Lúc xưa, có một thời gian mình hay đi dốc nhà Bò, mà mình cũng không nhớ mình đi đến đó làm gì, chỉ có điều mình sợ đi đến đó lắm, lần về rồi có tìm ghé cái chợ nhỏ họp đầu dốc giờ không còn thấy đâu, có lẽ lúc nhỏ mình nghe nói ở dốc nhà Bò có cái nghĩa trang, sợ cái nghĩa trang bên kia đồi nhưng đợt về vừa rồi mình không còn thấy cái nghĩa trang nữa, hình như là đã dọn đi rồi.

Góc Hồ Xuân Hương về đêmGóc Hồ Xuân Hương về đêm

          Cái đồi cù thuở niên thiếu nằm lăn lê bò toài thì bi giờ bị rào kín mít, muốn vô thì phải đóng tiền để cho phục vụ, thôi hông ham đâu.  Nhưng nhiều khi mình tự nhận là mình mâu thuẩn với chính mình, một mặt thì mình chống đối việc cho thuê và rào cái đồi cù lại không cho dân Đà Lạt vào chơi vì mình trong thâm tâm nghĩ đây là nơi công cộng và đồi cù là dành cho người dân Đà Lạt, mặt khác mình lại nghĩ nếu không cho cái công ty nước ngoài nào đó mướn cái đồi cù này thì chắc có lẽ bây giờ cũng bị mấy thằng chăn dắt vịt hay nuôi bò trong rừng ra thành phố xây nhà lầu 5-6 tầng trên đồi lấy từ tiền thuế của dân để đêm đêm thưởng thức cảnh nhìn trăng trên đồi hay nhìn trăng soi bóng trong Hồ Xuân Hương.
          Thành phố bây giờ bị đô thị hóa mau quá, các nhà bê tông được dựng lên trên phố chính mà khi coi lại những hình cũ thì khu Hòa Bình giờ gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại cái rạp Hòa Bình là còn đứng trơ xương cùng tuế nguyệt (nói theo kiểu cải lương một tí cho vui cửa vui nhà) nhưng nhìn tang thương quá.  Kể cả cái bậc thềm thang cấp lên xuống tại rạp cũng được sơn tô cái màu xanh đọt chuối thiệt quá nổi bật, y là phường tuồng cải lương sến không tưởng tượng được, nghĩ lại thấy mà buồn quá.  Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến thành phố ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng thông dần biến mất, thay thế bởi các công trình xây dựng hoặc những vùng canh tác nông nghiệp.  Lúc xưa đường đi lên Suối Vàng đèo heo hút gió, giờ đi trên đường xe qua lại dù không nườm nượp vẫn khá là nhiều xe.  Khí hậu giờ cũng nóng lên rât nhiều chứ không còn lạnh như những năm xưa.

Suối VàngSuối Vàng

          Vẫn biết Đà Lạt nó nhỏ, tên đường không cần biết vẫn đi không lạc, cái phố núi khi mà chiều mưa thì nó buồn đến hắt hiu, buồn thì buồn nhưng nhớ thì vẫn nhớ.  Đối với người lên thăm Đà Lạt, nó được gọi với nhiều cái tên gọi mỹ miều và kiêu kỳ, nó được gọi với nhiều cái tên khác nhau như “Thành phố sương mù”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố hoa Anh Đào”.  
          Với mình nó chỉ có đúng một cái tên là "Đà Lạt" mà thôi, chẳng có gì khác hơn.  Có thể nó nổi tiếng với nhiều thứ như du lịch, khí hậu và đặc sản nhưng với mình, Đà Lạt thì nó khá là khô khan vì thiếu vắng các địa điểm văn hóa, giải trí đa dạng nhưng càng đi xa thì lại nhớ day nhớ dứt về Đà Lạt, nhớ những con đường lên dốc xuống đồi, những tháng mưa dầm dề suốt từ sáng đến chiều, ngày này sang ngày nọ.  Những cơn gió lạnh rét vào mùa đông,  đêm về đứng chờ mua trái bắp nướng, nhìn người bán lăn tròn trái bắp trên bếp than hồng, ké với bếp than hồng, tay hơ qua hơ lại để sưởi ấm, miệng phù phù thở ra hơi khói.  Có mấy ai xa Đà Lạt mà không nhớ đến những kỷ niệm này.

Cuối dốc Minh Mạng và Phan Đình Phùng - Ảnh Xưa
Cuối dốc Minh Mạng và Phan Đình Phùng - Ảnh Xưa


San Diego
TTL 04/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét