Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

TẢN MẠN CHUYỆN TẾT XƯA

TÔN-THẤT LONG·SATURDAY, JANUARY 23, 2016


Image from internet



Còn một tuần nữa là đến ngày đưa ông Táo về trời, bên này không có một chút không khí và mùi vị nào của Tết sắp đến ở cái xứ trời Tây này, bên miền Đông chắc còn tệ hơn vì đang bị cơn bão tuyết ngập trời. Bên miền Tây thì bầu trời xám xít và mây đen vần vũ, một ngày như mọi ngày, buồn thỉu buồn thiu à. Ngồi nhìn trời lại nhớ đến Tết năm xưa.
Nói thật, sao tôi chẳng còn có một chút ký ức nào về những năm Tết trước 75 mà toàn nhớ về những năm Tết xưa sau 75. Nó mang lại cho tôi một ký ức tồi tệ nhưng lại theo đuổi tôi suốt, cuộc sống thật khó khăn, thời ăn cơm gạo trắng nước trong với thịt cá là một điều xa xỉ đối với mọi người dân thời đó. Cơm độn là chuyện thường ngày ở huyện, nào thì cơm độn khoai mì, cơm độn khoai lang, cơm độn bắp, rồi sang ăn bo bo thay cơm. Sau bo bo là đến bột mì thì phải nghĩ ra đủ kiểu, đủ cách để ăn cho khỏi ngán. Thế là làm bánh mì, bánh bao, bánh tiêu, bánh pateso, bánh canh, bánh hấp ... cho đến bánh gateaux, gà tồ cũng làm tất tần tật. Nhưng mà tôi không có làm chi hết mà chỉ thưởng thức thôi, còn người làm là những phụ nữ trong gia đình tôi. Cái "Công dụng ngôn hạnh" của phái nữ thời xưa được đem ra sử dụng tối đa mà không cần ai chỉ vẽ hay học hỏi.
Nhà nào có người làm công nhân viên nhà nước thì còn được mua hàng nhu yếu phẩm và thêm chút đường, thịt cộng mỡ cho ba ngày Tết đủ các chất vị béo, ngọt. Nhà tôi lại là thấp hơn phó thường dân một cấp cho nên không được đụng một chút thừa nào của nhu yếu phẩm chứ ở đó mà nằm mơ mua được nó.

Những năm đó, Tết là một nỗi khổ cho người lớn nhưng là niềm vui cho lũ trẻ tụi tôi, thời đó Tết đem đến cho nhiều gia đình những lo âu và sầu muộn, nhưng trong ba ngày Tết cũng phải ráng lo chu toàn tươm tất trong nhà, ngoài ngõ. Gia đình thân quyến bạn bè chòm xóm quyến thuộc vẫn thay nhau đi chào hỏi, chúc phúc và chia xẻ mời mọc những gì mà mình có thể mang ra mời. Giờ đây không còn cái vụ mà đứng trong nhà mình nói với sang nhà hàng xóm để chúc Tết.

Nói tới cái vụ khoai lang, thật sự thì ai nghe nói đến vụ ăn độn khoai lang là rùng mình rỡn tóc gáy vào thời đó, nhưng sao tôi lại nhớ đến và thích cái vụ ăn khoai lang dẻo ba ngày Tết. Hông biết ở đâu thì khoai lang ra sao và khoai lang dẻo từ đâu mà tới, chứ riêng tôi thì nghĩ khoai lang dẻo là từ thời đó mà ra.



Khoai Lang Dẽo

Thật tình tôi không biết và không nhớ ngày Tết trước 75 có nó chưa, nhưng tôi chỉ nhớ sau 75 nó là một món mứt quen thuộc dọn ra mời khách của dân Đà Lạt trong ba ngày Tết bên cạnh các món mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa, hạt dưa ... Miếng khoai lang dẻo vàng bóng mượt mà, ăn vào nó ngọt đến tận cổ. Chắc ai trong đời cũng đã từng thử qua, ăn qua món kẹo dẻo ra sao thì ăn khoai lang dẻo Đà Lạt nó như vậy đó, miếng khoai lang nó dẻo quẹo, miệng tóp tép nhai cái dai dai, bùi bùi, ngọt lịm cả miệng của miếng khoai lang. Như ai từng nói "khoai lang dẻo mềm như môi em ngọt." Ai mà đeo răng giả thì đố mà dám thử vì nó có thể lôi nguyên hàm răng giả ra luôn, còn ai răng thật thì chắc cũng cần phải có tăm xỉa răng sau khi dùng qua món này. Bây giờ nghe nói khoai lang dẻo trở thành một đặc sản của Đà Lạt mà hình như ai lên Đà Lạt khi về cũng có 1 bịch trong túi xách làm quà biếu bà con.

Ăn món này mà còn nhấp thêm ngụm trà thì vị đắng của trà càng làm ngọt thêm vị ngọt của món khoai lang dẻo này. Mùi vị thơm thơm của khoai lang và mùi trà quyện vào nhau làm nó càng đậm hương vị ngày Tết. Không biết thời nay khoai lang dẻo có còn là món đãi khách như Tết ngày xưa nữa không. Nhớ ơi là nhớ Tết xưa.

Lại nhớ lúc còn nhỏ, cứ nghĩ đến Tết là nghĩ đến việc sắp được nghĩ học, sắp được mặc đồ mới, sắp được lì xì.

Ba ngày Tết thì thích nhất là đêm 30 và sáng mùng một, đêm 30 từ khoãng 11 giờ đêm là nằm nghe tiếng pháo đì đùng từ xa vọng lại, đến đúng 12 giờ đêm được giao nhiệm vụ ra đốt phong pháo đêm giao thừa, việc mà tôi chuẩn bị cả tuần lễ trước đó, chọn phong pháo Điện Quang thiệt to, chắc và khỏe, xem đít từng viên pháo để đảm bảo chắc chắn là pháo sẽ nổ mà không bị lép viên nào.

Tôi thích nhất là được ngửi mùi pháo và nghe tiếng pháo nổ, nó không có cảm giác nổ chát chúa mà như là một bản nhạc với một âm vực duy nhất là to đều và giòn tan. Đốt xong phong pháo giao thừa, lên giường lắng nghe tiếng pháo nổ lúc xa lúc gần, lúc cận kề, lúc văng vẵng và thiếp đi trong giấc mộng xuân về.

Sáng mồng một, xuống giường lại được giao nhiệm vụ đốt phong pháo lấy hên đầu năm, mặc quần áo mới, chúc tết và lãnh tiền lì xì đầu năm.

Qua rồi cái thời ngày đó, đã mấy chục năm rồi không còn ngửi mùi thuốc pháo, nghe tiếng pháo nổ, cái mà tôi cảm giác thiếu nó thì không phải là Tết đối với tôi. Nhớ ơi là nhớ Tết xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét