Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

ĐƯỢC VÀ MẤT

Có nhiều người cho rằng giờ Việt Nam cái gì cũng có, còn hơn cả miền Nam Việt Nam trước năm 75 nữa. Người Việt giờ không còn lo cơm gạo, ăn mặc mà đã biết làm giàu. Người Việt giờ giàu có và còn có thể mua cả những thứ đặc biệt mà chỉ có những người giàu có bậc nhất trên thế giới mới dám bỏ tiền ra mua được những món hàng thuộc dạng quý hiếm và sản xuất nhỏ giọt.
Những vật chất của cải mà người Việt có ngày nay thực tế chỉ là theo đà phát triển của thế giới mà thôi, nếu so sánh như vậy thật là sai lầm, thế giới ngày nay không còn có sự so sánh giữa các gia đình có lò gas, bếp điện hay TV, tủ lạnh, xe gắn máy... người giàu và người nghèo ngày nay đều có thể có những thứ đó trong căn nhà của mình.
Nếu nhìn vào tổng quan mà nhận xét thì thế giới ngày nay đang phát triển đến thế nào và Việt Nam phát triển ra sao, vị trí của Việt Nam ở đâu thì mọi người đều nhìn biết rất rõ. Những gì người Việt có được ngày hôm nay thì các nước xung quanh đã có và quen dùng trước cả khi người Việt biết đến và du nhập vào trong nước. Tuy nhiên thế giới xung quanh ta ngày nay còn có nhiều thứ hơn là vật chất và của cải cùng sự giàu có, người dân ở trên thế giới còn có được nhiều thứ để nhận lấy và chọn lựa. Trong khi đó người Việt chỉ có cái bề ngoài là vật chất nhưng lại bị tước đoạt hay lấy mất đi rất nhiều thứ trong đó có giá trị tinh thần, giá trị văn hóa trong phạm vi của một quốc gia.
Nhìn từ bên ngoài, thực tế thì ta chỉ nhìn vào các thành phố tỉnh thành lớn của Việt Nam mà thấy mọi người đều có một mức sống tương đối, nhưng khi đi ra khỏi thành phố chừng vài chục kilomet hay lên vùng cao thì những thứ lò gas, bếp điện, lò viba, tủ lạnh chỉ là những sản phẩm của một thế giới khác và được thay thế bằng những chiếc chạn, bếp than, bếp củi, cái lu bên hông chái hè của căn nhà tranh vách đất từ bao nhiêu đời nay vẫn thế. Như thế thì không thể nói là Việt Nam giờ cái gì cũng có, phát triển thì phải phát triển đồng đều trong khi Việt Nam đang chân thấp chân cao để hội nhập vào một xã hội phát triển hơn cái xã hội mà Việt Nam đang đứng hiện nay.
Có một thời gian dài người dân miền Nam quen sống trong sự vô tư với không khí tự do chẳng bao giờ biết đến việc chạy ăn chạy mặc là gì mà chỉ biết "Ăn Ngon Mặc Đẹp" , một biến cố lớn làm thay đổi tất cả. Sách vở, những tài sản tri thức vô giá thu gom bao nhiêu năm hoặc là bị tịch thu hoặc bị một mồi lửa thiêu trụi. Người có học vị được trao cho cái cuốc để lên rừng đào đất tự nuôi sống bản thân và gia đình. Kẻ thất học lại được dùng để cai trị những người có học vị bằng cấp được đào tạo căn bản. Người dân luôn được nhắc nhở phải mang ơn các nước Cộng Sản anh em vì đã có công giúp thống nhất đất nước. Trong cái không khí đánh tư sản mại bản, người thương nhân thành kẻ gian thương, người trí thức thành những kẻ tay sai cho chế độ bị lật đổ, việc tịch thu tài sản và đổi tiền đã biến trọn cái miền Nam giàu có thành một con số không. Hàng đêm người dân phải đi họp tổ dân phố để học tập và nghe qua một cái nghị quyết nào đó của Đảng mà chẳng hiểu vì sao cần phải biết đến. Phong trào thi đua hành xác từ quét dọn phố xá cho đến thu gom giấy vụn chỉ để thỏa mãn cái tâm lý của người chiến thắng thích thì làm, hám thành tích, thích lên giọng dạy bảo và chen vào mọi ngóc ngách cuộc sống của người dân.
Trong một thời gian dài người dân luôn bị sống trong lo âu, sợ sệt và đói khổ. Cái đói, cái nghèo đã sản sinh ra cái hèn, người ta đánh mất phần lương tri, các hành vi đạo đức còn sót lại cho vài gram đường, chút thịt bèo nhèo, cái lốp xe đạp. Người ta sẳn sàng trèo lên đầu lên cổ nhau hay ăn chặn bớt từng khẩu phần của nhau để sống còn. Tất cả chỉ còn biết đến làm sao để được "Ăn Cho No Mặc Cho Ấm" là đủ rồi, cái đói, cái rét trường kỳ đã biến đầu óc con người chỉ còn nghĩ đến làm sao để có được tiền, có được miếng ăn, cái mặc và thế là tham nhũng được dịp lên ngôi. Anh lái xe đường dài, chị mậu dịch viên được đánh giá và coi trọng hơn người có bằng cấp đại học. Con người lúc đó được đong đo bằng những tiêu chuẩn khác nhau qua những giá trị của vật chất là tem phiếu thay vì tri thức.
Từ đó cái thước đo tem phiếu bao cấp đó mà xã hội Việt Nam bắt đầu tàn lụi, nó đã thay hình đổi dạng và đong đo giá trị con người và nền tảng xã hội bằng sự giàu có hào nhoáng của vật chất thay vì giá trị tri thức, văn hóa và các hành vi ứng xử đạo đức. Giá trị của xã hội Việt Nam ngày nay được chứng tỏ bằng những khu phố Văn Hóa, nhà Văn Hóa, bằng các băng rôn tuyên truyền và các khẩu hiệu, bằng khen thưởng treo đầy đường cùng với các tệ nạn xã hội.
Nghiêm túc mà nói, xã hội Việt Nam ngày nay thiếu văn hóa nhưng thừa tệ nạn. Thiếu dân chủ nhưng lại thừa tham nhũng. Độc lập nhưng quá nhiều lệ thuộc. Sức mạnh của một quốc gia mà cái thừa thì không cần còn cái thiếu lại quyết định sự tồn vong của đất nước.
Cái được và mất khác biệt nhau quá nhiều, những yếu tố bất ổn sẽ tạo một sự chuyển biến, những dồn nén và tàn tích của những tệ nạn, hủ lậu là những yếu tố cho một sự kết thúc và khởi đầu cho một tương lai. Đó là quy luật của vạn vật.
Người dân và nhà cầm quyền ngày nay không còn là “Quân Dân như cá với nước”, thật ra nó đang là “Lửa và Nước”, không cùng chiến tuyến, không còn hiểu nhau và không còn đi chung một con đường nữa rồi.
"Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, 
nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật".
Tóm lại, ổ bánh mì dù xé vụn ra từng mảnh nhỏ vẫn là bánh mì, còn trong hàng trăm ngàn giáo điều nhà cầm quyền đã từng nói, từng tuyên truyền, từng hô hào và từng hứa thì đừng vội vàng tin hoặc và dựa vào đó để đặt trọn lòng tin. Tất cả những lời nói chỉ là một nữa sự thật mà thôi, còn phần hành động và bằng chứng là một nữa còn lại. Rất tiếc một nữa phần sự thật còn lại thì nhà cầm quyền lại hoàn toàn đi ngược lại những gì họ đã nói.
Và sự thật là mỗi năm Việt Nam mỗi tệ hại hơn, đó chính là sự thật!

TÔN-THẤT LONG·SATURDAY, JANUARY 16, 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét