Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NGÔI MỘ GIÓ

TÔN-THẤT LONG·TUESDAY, JANUARY 19, 2016

Ngoài khơi biển Đông, có những người ra đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc và vĩnh viễn nằm lại không bia mộ, không bát hương và vòng hoa tiễn đưa. Muôn đời chỉ có gió lồng lộng và nước biển mặn hòa với máu.

Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong gió đàn
Sóng cuốn Trưng Nữ Vương
Gợi muôn ngàn bên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc non sông
Sát khí ngất đất bao lớp thây muôn bóng huyền
Không gian như lắng nghe bao oan hồn

(Trích Hát Giang Trường Hận - Lưu Hữu Phước)


Cũng dòng máu đỏ da vàng, người ra đi chẳng vì một ý thức hệ nào mà chỉ để bảo vệ tổ quốc quê hương chống quân xâm lược. Thế nhưng những hy sinh của họ đã bị cố tình quên lãng đến 42 năm sau mới được nhắc đến tên và chờ công khai để có được ngôi mộ gió không tên cùng với bát hương tưởng nhớ. Không, thật ra những người hy sinh nằm xuống cho quê hương không hề bị lãng quên, rất nhiều người còn lại không hề quên tên họ và những gì họ đã làm, chỉ có ai đó cố tình quên và lãng tránh mà thôi.



Tuy rằng so sánh hơi khập khểnh giữa cuộc nội chiến Bắc-Nam của Hoa Kỳ với cuộc chiến tranh Bắc-Nam ở Việt Nam, nhưng "Nghĩa tử là nghĩa tận" như người Việt ta hay nói. Trong nghĩa trang Arlington ở Washington DC có một khu vực gọi là Confederate Section dành cho những tử sĩ miền Nam. Tổng cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện. Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội Mỹ là hình tượng cao 32 feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam là phía bên bại trận. Ðây chính là hình ảnh bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ. Phía dưới tượng đài được khắc bài thơ như sau:



Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
đã liều thân và sau cùng đã chết.

Ở Việt Nam không có được một bức tượng đài nào cho những bà mẹ có con trai phía bên bại trận cho dù họ chiến đấu cũng vì tổ quốc duy nhất mà họ sinh ra và lớn lên biết đến mà thôi. Người mất thì đã mất nhưng còn những bà mẹ, những người vợ, những người chị, người em, người con của những người thua cuộc vẫn tiếp tục nhận lãnh những kết cục của kẻ chiến bại, những bất hạnh nghiệt ngã, phải chịu đựng. Có còn lại chăng chỉ là những Hòn Vọng Phu, vẫn đứng chờ chồng đến hóa đá như truyền thuyết từ ngàn xưa

Người vọng phu trong lúc gió mưa,
Bế con đã hoài công để đứng chờ,
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ

Có đám cây trên đồi gióng trông trong mơ hồ,

Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa..
Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ,
Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già
Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa,
Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?

Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng,

Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.
Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
Những người mang mệnh biệt ly

(Trích Hòn Vọng Phu 2 - Lê Thương)


Việt Nam luôn tự hào có 4 ngàn năm văn hiến so với Hoa Kỳ chỉ gần được 250 năm lập quốc. Nhìn ra Việt Nam có một lịch sử rất lâu đời và Hoa Kỳ có một lịch sử rất ngắn hạn. Sự cách biệt giữa lịch sử và nền văn hóa lâu đời và ngắn hạn của Mỹ và Việt Nam chẳng thể nào dùng làm thước đo để chứng minh được những điều đã xảy ra ở hai quốc gia này. Ở xã hội Việt Nam ngày nay, cái gọi là văn hóa truyền thống, những Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, thuyết Nhân Quả, nguồn gốc văn hóa ăn sâu vào tâm hồn người Việt của 4 ngàn năm văn hiến hầu như chẳng còn có chổ đứng, ảnh hưởng hay tác động lên cách suy nghĩ, hành động giữa con người với con người, giữa đồng bào và dân tộc, giữa ý thức hệ hay dân tộc tính.

Niềm tin lập quốc của Hoa Kỳ là “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và có những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm. Ở Việt Nam, ai chiến đấu cho cái chính nghĩa nào đó chắc đã nhiều lần nhìn ra cái công sức mình bỏ ra để được gì, có gì, thấy được gì và quyền gì. Người dân Việt từ ngày sinh ra đời, vấn đề sống chết cứ vây lấy con người. Đó phải chăng chỉ là một hành trình tạm thời, sự sinh tồn của con cháu giống Rồng Tiên luôn tùy thuộc, bị ảnh hưởng bởi sự đấu đá tranh giành quyền lực và một học thuyết tạm bợ, nó chỉ dừng lại cuối cùng ở chốn mộ phần. Nhưng kể cả những chốn mộ phần cũng bị san bằng, quên lãng vì sự tham lam, sự độc ác và vô cảm để cho mồ mả lạnh tanh không hương khói. Bao nhiêu năm ta được gì cho những người còn sống, bao nhiêu năm đã mất gì cho những người đã nằm xuống. Thiên đường và địa ngục, địa ngục thì đã thấy và trãi qua, thiên đường rất có thể chỉ là một ước mơ và quá xa vời cho người Việt mà thôi.

Rùa Hồ Gươm mất chắc sẽ được ướp xác, đem trưng bày và tưởng niệm. Còn người đã chết vì tổ quốc, vì quê hương được gì ngoài những vòng hoa bị dẫm nát. Cái xã hội Việt Nam ngày nay đúng là đảo điên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét