Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

CÔNG TRÁI VÀ TỜ BẠC CHẾT TIỆC

TÔN-THẤT LONG - SATURDAY, JANUARY 23, 2016

Tính ra ai đã từng sống ở Việt Nam vào những năm 75-85 chắc cũng phải trải qua ít nhất 2-3 lần đổi tiền, nếu tính cho đủ phải là 3 lần đổi tiền tổng cộng ( 22/09/1975 , 02/05/ 1978 và 14/9/1985).

Nhưng có một điều quá ư là đặc biệt mà trên thế giới này có lẽ Guiness World Records nên tặng cho Ngân Hàng Việt Nam về kỷ lục đồng tiền với con số đặc biệt, ngoài ra các nước trên thế giới cũng nên cấp bằng sáng chế về đồng tiền này.

Hoặc trong các câu chuyện kỳ lạ về tiền của các nước thì tờ bạc 30 đồng Việt Nam phải đáng xếp hàng đầu trong danh mục.

Đó là vào năm 1981 và năm 1985 Ngân hàng nhà nước Việt nam phát hành trên toàn quốc tờ giấy bạc 30 đồng.

Sự phiền toái của tờ giấy bạc 30 đồng gây ra khi lưu thông, quả nhiên nó không thể tồn tại được.

Và Ngân hàng nhà nước đã phải thu hồi lại tờ giấy bạc chỉ sau một thời gian ngắn ngủi được lưu hành mà không giải thích lý do cũng như thông báo cho dân chúng biết. Nó mang dấu ấn của một nền kinh tế bao cấp, bao quyền lãnh đạo tập thể, mà không một vị cán bộ, viên chức cá nhân cấp cao nào của Chính phủ chịu trách nhiệm về sự lãng phí, thiếu nghiên cứu để in ra loại tiền 30 đồng này.



Tờ giấy bạc 30 đồng

Một trong những câu chuyện phiền toái của đồng bạc này gây ra qua mà chính nhân viên ngân hàng nhà nước cũng phải chào thua qua câu chuyện mà bản thân tôi là người trong cuộc biết được.

Chắc các anh chị còn nhớ trong thập niên 80, cả nước phát động phong trào mua công trái. Lại bổn củ soạn lại, thành phố khoán phường, phường khoán khóm, khóm khoán tổ, tổ lại tổ chức học tập và vận động, nói chung là các bác nhà ta làm việc rất có quy củ và kỷ luật. Tình hình diễn ra lúc đó là toàn thành phố, các phường khóm, ấp xã thì đều như nhau, giống y như tờ giấy carbon lúc xưa người ta hay dùng để in roneo vậy đó. Ở bên trái đã vậy thì bên phải cũng giống y chang. Sau đó các tổ trưởng các tổ dân phố đã đi từng nhà, không nài ép thì cũng năn nỉ để bà con góp tiền mua công trái để cho đủ hạn ngạch quy định.

Đây cũng là thời gian tôi làm việc lâu nhất với nhóm vận động bán công trái trong gần 2 tháng trời. Sau vụ đào Hồ Xuân Hương cực quá, tôi trốn về Sài Gòn một thời gian thì họ kiểm tra hộ khẩu, nói rằng tôi đã đi vượt biên mặc dù lúc đó tôi đang làm việc tại Sài Gòn, chẳng qua cái tội đi lâu mà không thèm nể mặt anh công an khu vực đó mà, thế là phải khăn gói lên lại Đà Lạt ở một thời gian cho tình hình lắng dịu. Chưa qua khỏi ải gian truân của vụ làm công quả, lần này họ bắt tôi ngày ngày phải lên phường, ngồi đó chờ bà con đến mua công trái thì bán. Nói cho ra vẻ ta đây thôi chứ tôi mà được bán cái mốc xì gì.

Trong nhóm này có 1 chị trên Ngân Hàng được phái về làm chung, 1 chị sồn sồn là do đảng ủy địa phương chỉ đạo ra lãnh đạo tụi tôi hai người, một là thường dân là chị làm trên Ngân Hàng và 1 phó thường dân là tôi. Chị làm trên Ngân Hàng có nhiệm vụ là đếm tiền và chiều đến thì đem tiền về nộp cho Ngân Hàng và vô sổ sách. Còn tôi có nhiệm vụ là ngồi đó viết biên lai nhưng đặc biệt không được đụng tiền. Còn chị đảng ủy viên có nhiệm vụ lãnh đạo, nhưng chị ấy không làm gì cả mà chỉ lo xuống bếp sau nhà nấu cơm và lo giặt đồ cho chồng cho con, gia đình chị ở ngay phía đối diện với Ủy Ban Nhân Dân Phường mà. Gần xẹt à, băng qua đường là tới nhà rồi, cần gì thì tôi chỉ chạy qua kêu là 5 phút sau chị có mặt.

Tôi phải nói là chính quyền thật sáng suốt, cái gì mà thuộc về nhân dân là có vụ chia năm xẻ bảy cho nhân dân cùng hưởng. Mấy cái village Pháp tuyệt đẹp mà các anh chị sống ở Đà Lạt chắc đều biết trên con đường Quang Trung và Nguyễn Du trước kia phải là ông này bà nọ, không tướng thì tá hoặc dân có máu mặt mới dám ở. Sau 75 các căn village đó được phân chia đều cho cán bộ ở, phía trước họ là văn phòng của phường của tỉnh, còn chịu khó đi ra phía sau sẽ thấy ít nhất 3 hộ gia đình chia ra ở và được tăng gia thoải mái, gà vịt được tự do chạy rông, heo thì lịch sự hơn được nhốt trong chuồng nhưng nêú ai vô tình đi ra phía sau mà quên khép cửa hông lại thì ôi thôi, tôi xin lỗi, cái mùi độc nhất vô nhị này làm quý vị có thể vài ba ngày vẫn còn nghĩ đến đấy.

Nói chung là bán sức làm công quả mà không hưởng được đồng lương nào, trưa đạp xe về nhà ăn cơm trưa, xong rồi đạp xe quay lại ngồi xuống cái bàn đặt trước Ủy Ban Phường làm ôn thần giữ cửa, ai vô xin giấy tờ hay có công việc gì thì lại tưởng mình là nhân viên gác cổng hỏi này hỏi nọ, mà mình thì có biết chi mô tê. Mở miệng ra là chỉ một câu "Dạ anh, dạ chị có mua công trái hông?" Một cái liếc, một cái ngoáy, quay mông đi thẳng, cái thằng này dzô duyên, người ta đi làm giấy tờ lại hỏi mua công trái. Còn mình thì nghĩ thầm trong bụng, cái ông cái bà này sao mà bất lịch sự thế không biết, có mua hay không thì trả lời một tiếng thôi mà, cái gì mà nguýt với háy.

Cứ cách vài ba ngày là tụi tôi được giao nhiệm vụ đi các khu vực xa như là Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ để bán trái phiếu. Thời đó làm gì có vụ xe cơ quan hay xe công sở chở đi công tác cho oai, nó chỉ có đúng một loại xe thôi đó là xe đạp và xe cũng của mình chứ không có ai phát cho mà đi. Đường đi thì xa, 2 chị em thì đạp xe đi mà cứ nói hy vọng xuống họ sẽ cho một bữa ăn, cơm ngô khoai bắp gì cũng được chứ bán xong rồi còn sức đâu mà đạp xe về nhà ăn cơm. Nhưng nói thật, lần nào đi cũng được một bữa ăn, không thịnh soạn nhưng cũng rau cải mắm muối đầy đủ. Dân vùng quê dù gì cũng chí tình và thật thà thoải mái hơn dân thành phố ở cái điểm này.

Ít gì thi mình cũng là dân thành phố, hông biết sao mà lúc đó cứ cho Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ là nhà quê hông à, mà thật, vô tới nơi mới thấy người dân làm vườn thật lam lũ, vậy mà họ chịu mua công trái hơn là dân thành phố. Chính vì bán được nên càng về sau từ 3,4 ngày thành ra 1,2 ngày đi. Cái gì cũng có mức của nó, thời gian đầu bán được khá nhiều, rồi dần dần bà con mua ít đi. Tiền thì lúc đầu là tiền trăm tiền ngàn, sau thành tiền chục tiền lẽ. Tôi thì không sao, chỉ tội cái chị bên Ngân Hàng, suốt ngày cứ sa sả mà rủa
"Mả cha cái thằng chết tiệc, ngu chi mà ngu thể, chể chi mà chể cái đồng tiền đoản hậu rứa, mi làm thế làm răng mà tau bỏ xếp vô cho nó chẳn hè".

Lúc đầu mình cũng chẳng hiểu chuyện gì mà chị phàn nàn, lại thêm chị nói giọng Huế rất nặng làm mình phải lắng tai mà nghe, sau rồi cũng hiểu. Số là ngân hàng yêu cầu chị phải xếp từng loại tiền riêng biệt thành từng nhóm 5$, 10$, 20$, 100$...và mỗi xấp thành 1000$ tổng cộng. Nếu có 2 tờ 500$ thì thành 1000$, 10 tờ 100$ thành 1000$, còn lại tiền 5$, 10$...cộng chung lại cũng là số chẵn. Chỉ riêng có tờ bạc 30$ thì chị làm cách nào cũng không thành 1000$ hay chẵn được theo đúng cái quy định của Ngân Hàng đã đưa ra. Ôi cái tờ bạc 30 đồng chết tiệc.

Thời đó, dù muốn dù không thì nhà nhà ít nhất cũng mua vài ba tấm công trái được quy đổi ra là lúa gạo, nhưng rồi không biết sau bao nhiêu năm đã có ai nhận lại số tiền quy đổi đó hay không thì có lẽ trời biết đất biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét