Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NHỮNG CÁI ĐẦU TIÊN



TÔN-THẤT LONG · THURSDAY, JANUARY 21, 2016

Những ngày cuối tháng 6, San Francisco đang vào đầu mùa hè nhưng với hắn thì cái nhiệt độ này như đang giữa mùa đông chứ mùa hè gì. Nhiệt độ dao động từ 12-19 oC của San Francisco được cho là mát mẽ với dân bản xứ nhưng lại quá lạnh đối với người từ Việt Nam mới sang như hắn là đúng rồi. Đã vậy phi trường lại còn nằm sát biển nên nhìn mù sương, mang cái lạnh của gió biển lùa vào càng thêm lạnh lẽo hơn nữa.


Mặc dù hắn được sinh ra và lớn lên ở cái xứ được mệnh danh là miền xứ lạnh của Việt Nam nhưng so với cái lạnh ôn đới nó hoàn toàn hơn hẳn một cấp độ so với cái lạnh của thành phố Đà Lạt là nơi mà hắn sinh ra rồi hắn rời ra đi. Trong lúc chờ đợi những nhân viên thiện nguyện lo giấy tờ để chuyển chuyến bay về San Diego, hắn và mấy chị em hắn đi lòng vòng trong khu chờ đợi. Cái gì cũng lạ, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng mới mẽ đối với hắn . Chị em hắn đã phải từ bỏ các cố gắng để gọi điện thoại báo cho chị hắn ở San Diego là gia đình hắn cuối cùng cũng đã đến Mỹ bình an, bằng mọi cách nhưng vẫn không thể nào gọi cho chị hắn được. Để rồi cuối cùng khi về đến nhà chị hắn mới khám phá ra một điều thật đơn giản là khi muốn gọi đường dài cần phải bấm thêm cái số 1 đằng trước, nhưng rất tiếc là khi biết được điều đó thì đã quá muộn màng.


Tính ra chỉ trong vòng có 3 tuần lễ mà hắn đã đi qua đến 3 phi trường rồi, từ Bangkok của Thailand đến Narita của Nhật Bản, rồi đến San Francisco của Mỹ, kết thúc cái thứ tư sẽ là San Diego. Mỗi nơi có mỗi vẽ khác nhau, thật khó cho hắn cái cảm nhận nơi nào hơn nơi nào, tuy nhiên một điều hắn thấy rõ là phi trường Tân Sơn Nhất như là cái chợ làng so với những phi trường mà hắn từng đi qua mới đây. Cái cảm giác tự ti dân tộc và chút cay đắng khi nghĩ đã có một thời Tân Sơn Nhất từng là cửa ngõ của vùng Đông Nam Á chứ không phải là Bangkok hay Changi giờ đây. Ba hắn còn nói khi xưa phi trường Changi của Singapore những năm 60-70 còn tệ hơn nữa vì chỉ là một đường băng nằm trong một vùng đất trũng đầy sình lầy xung quanh, nghe nói phi trường Changi của Singapore giờ là số 1 của Đông Nam Á. Chỉ có hơn chục năm mà Việt Nam đã tụt hậu đi vài chục năm so với các quốc gia trong vùng, không biết đến khi nào mới vực lại được đây.


San Diego đã hơn 6-7 giờ chiều nhưng bầu trời còn sáng trưng, mặt trời và nắng vẫn còn trên đỉnh đầu chẳng giống như những gì hắn tưởng tượng cảnh phố xá lên đèn ở Sài Gòn hay Bangkok. Chẳng thấy bóng dáng ngọn đèn đường ngọn tỏ ngọn lu nào cả, xe và xe với các cây cọ vươn cao vút thẳng lên trên nền trời trong xanh thẳm hai bên đường, biển một bên và hắn một bên. Các du thuyền đã về bến đậu đầy mà hắn chỉ có dịp được nhìn ngắm nhìn qua các card poster giờ đã là hiện thực hiển hiện ra trước mắt hắn.


Các anh chị và các cháu đón gia đình hắn với một bàn dài đầy thức ăn, món uống. Những thứ thức ăn Ta, Tây, Tàu mà hình như lâu lắm hắn chỉ biết đến trong mơ hay qua các tạp chí xưa còn sót lại bên Việt Nam. Nhưng với hắn, hắn không nghĩ nhiều về những món ăn đang bày biện trên bàn sau bao nhiêu bữa ăn nhanh, lạnh và lạ từ Nhật sang Mỹ. Hắn chỉ thèm cơm, chén cơm nóng hổi với món cá kho tộ, nồi thịt kho hay tô canh rau, rất tiếc đó không phải là những thức ăn thịnh soạn đang được bày biện và mời mọc trên bàn.


Nghĩ ngơi được vài ba ngày, chị hắn đem về một xấp giấy tờ và kêu điền đi rồi chị chỉ trường cho xin đi học thêm tiếng Anh. Nghe nói được đi học là hắn và các chị em hắn hăm hở lắm, nằm nhà chán quá rồi, giờ được ra ngoài là điều thật thú vị. Lấy quyển tự điển ra mày mò dịch từng chữ một và điền cái đơn sau mấy giờ với tràn đầy hy vọng cũng như ước mơ là sẽ nghe và nói được “tiếng Anh như gió”. Đến ngày bà chị chở mấy chị em hắn đến trường Đại Học Cộng Đồng (College) gần nhà, chỉ cho cái văn phòng rồi quay xe ra đi làm để mấy chị em tự lo liệu tiếp. Loay hoay hỏi đường và cuối cùng cũng tìm được ra cái văn phòng, đưa xấp đơn xong tụi hắn đứng chờ.


Một người phụ nữ Mỹ da đen cao trên 1m8 bước ra gọi tên từng người trong gia đình hắn, lần đầu tiên hắn thấy một người phụ nữ da đen nhưng vóc dáng thật chuẩn như người mẫu, gương mặt đẹp và mũi cao như người Mỹ da trắng, nói giọng rất nhỏ nhẹ. Nghĩ lẹ trong đầu, cô này tuy đen nhưng chắc có lai chứ làm sao mà mũi mắt là của người da trắng. Cô ta dẫn chị em hắn vào một căn phòng, chỉ cho mỗi người ngồi vào một chiếc bàn đi kèm với ghế được gắn liền nhau. Mỗi bàn cách nhau thật khá xa, trên mỗi bàn là một cây viết chì, một xấp giấy với những câu hỏi với những khoanh tròn phía dưới. Ngớ ngẫn chị em hắn nhìn nhau chẳng hiểu là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và phải làm gì với xấp giấy này. Cô gái vẫn tiếp tục dẫn một vài người Mỹ nữa vào phòng và chỉ các chổ ngồi. Xong xuôi đâu đó thì cô ta nói một tràng tiếng Anh với mọi người mà với hắn là âm thanh ngọt ngào trầm bỗng lên xuống mà hắn ước gì hắn có thể nói và hiểu được những điều cô ấy đang nói, tuy nhiên thực tế phủ phàng là những gì hắn nghe được chỉ từ lỗ tai này chạy sang lỗ tai kia hay như người ta còn gọi là “Nước đổ đầu vịt” nó trượt trôi tuồn tuột đi đâu mất mà hắn không hiểu và chẳng có cách nào có thể giữ lại được “một chút gì để thương để nhớ”.


Mọi người đều im lặng, tiếng lật giấy và tiếng viết chì viết sột soạt trên giấy, chỉ còn lại 4 anh chị em hắn nhìn nhau và chẳng làm gì cả. Cô gái tiến lại từng người và ghé tai nói nhỏ, với hắn cô cũng làm vậy. Tiếng cô thật êm ái cứ như là người tình nhân nói bên tai, rất tiếc hắn chẳng hiểu những gì cô ta vừa nói với hắn. Cứ như thế, cô vẫn kiên nhẫn đi đến từng thành viên trong gia đình hắn và nhỏ nhẹ nói vào tai nhưng bù lại chỉ là những khuôn mặt nghệch ra và cười cười, với cái vốn tiếng Anh chỉ vừa đủ để nói “ok”, “thank you” và “yes/no” thì chị em hắn chỉ có thể làm đến đó mà thôi khi không được nói thì chỉ còn một cách là cười và nhoẻn miệng cười. Cuối giờ cô ta thu tất cả lại, nói một tràng dài rồi rời phòng. Hắn nhấp nhõm muốn đứng lên nhưng thấy mọi người vẫn yên lặng và ngồi yên nên hắn đành phải kiên nhẫn và ngồi yên vị tại chỗ. Khoãng chừng nữa tiếng sau cô ta quay lại cũng với xấp giấy trên tay cùng với một cô gái Á Châu trông giống Việt Nam như tụi hắn.


Kêu tên từng người và đưa cho mỗi người một tờ giấy, ai có tờ giấy được phát cho thì rời đi, riêng chị em hắn vẫn chưa thấy được gọi tên. Cuối cùng chỉ còn lại 4 chị em hắn và không ai có tờ giấy nào cả. Cô gái Mỹ da đen nói một tràng tiếng Anh với cô gái Á Châu, cô gái Á Châu nghe xong và quay sang chị em hắn nói bằng tiếng Việt rằng kết quả Placement Test để xin đi học College của chị em hắn không đạt nên không thể xếp lớp cho tụi hắn. Ngỡ ngàng, chị em tụi hắn nói chỉ xin đi học ESL học thêm tiếng Anh chứ không có ý định đi học College ngay lúc đó. Té ra từ đầu đến cuối chị em hắn đã đi lộn văn phòng vào nơi xin đi học College chứ không phải là nơi xin đi học thêm tiếng Anh miễn phí. Thật ra lỗi cũng là bà chị đầu đã xớn xác lấy nhầm mấy lá đơn thì đúng hơn.


Hai năm sau, thật tình cờ người phụ nữ Mỹ da đen đó giờ đây lại chính là đồng nghiệp làm chung với hắn. Khi gặp lại nhau cả hai bên đều nhận ra nhau, cả hai cùng kể cho nhau nghe cái sự tích cô ta nói nhỏ bên tai hắn và hắn luôn nhoẽn miệng cười tình với cô ta rồi cả hai cùng cười vang. Những cái đầu tiên là những gì mà hắn luôn nhớ mãi và sẽ đi suốt cùng với hắn cho đến hết cuộc đời. Những cái ngượng nghịu, những cái ngớ ngẫn, những nụ cười, những hình ảnh mới mẽ mà những ai chân ước chân ráo đến một đất nước xa lạ đều luôn gặp phải và trãi qua. Một trãi nghiệm thật khó quên trong đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét