Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

VĂN MINH TOILETTE


          Sáng nay phải đem xe đi bảo trì, đang ngồi trong phòng chờ tại tiệm sửa xe thì thấy có cặp vợ chồng người Mỹ già chạy xe vào và xin hỏi nhờ dùng tạm toilette của tiệm.  Nhìn hai vợ chồng già thật thương nhau, thấy người chồng dìu người vợ đi một cách khó nhọc nên các nhân viên trong shop mau mắn lại giúp và đưa họ vào ngay trong toilette. Tiệm sửa xe thì có cái garage to đùng nhưng văn phòng  thì lại rất nhỏ nên họ không có toilette công cộng, mặc dù trước phòng toilette đề bảng "For employee only" (Chỉ dành cho nhân viên) nhưng đó chỉ là để vậy thôi chứ nếu ai cần vào hỏi thì họ vẫn cho dùng chứ không cấm.  Ở Mỹ và các nước Âu Châu, Úc Châu, tại các công viên, các trạm dừng chân trên đường cao tốc, các Shopping Mall đều có toilette công cộng rất nhiều, còn thì các nhà hàng tiệm ăn và các cửa tiệm đều cũng có nhưng chỉ dành cho khách hàng.  Tuy vậy cũng không có nghĩa là người bên ngoài khi cần dùng đến thì không thể dùng được, chỉ cần hỏi nhân viên tại cửa hàng hay xin phép là đều được dùng cả.         

         Bây giờ nhớ lại những lần về Việt Nam, đi đường xa dù trời nóng nực cũng không dám uống nước nhiều, mỗi lần ai cần đi toilette là kêu bác tài dừng xe, thế là bác tài ngó quanh ngó quất đâu đó trên đường có nhiều bụi rậm hay lùm cây là tắp xe vào.  Các tiệm ăn nhà hàng trên đường đi cũng có toilette nhưng mỗi lần ghé vào phải gồng mình lấy can đảm, hít một hơi thật dài lấy không khí trong lành trước khi bước vào bên trong.  Không dám diễn tả các toilette công cộng tại Việt Nam, chỉ vì bất đắc dĩ hay chẳng đặng đừng mà phải dùng chứ thật sự thì toilette ở các cửa hàng tại Việt Nam chỉ có bằng hoặc thua Trung Quốc một bậc về dơ và hôi thôi.  Đúng là ảnh hưởng qua lại ngàn năm của hai nền văn hoá láng giềng nhau, chỉ có một vài điều chú trọng là ăn mặc, chức quyền và sĩ diện.  Còn lại thì phòng ngủ và toilette thì chẳng bao giờ được cho là quan trọng nên lúc nào cũng cho và để vào nhà dưới và nhà sau.  Có ai đã từng đi Trung Quốc, Bắc Kinh và ghé Tử Cấm Thành thì chắc cũng đã nhìn qua cái giường của Từ Hi Thái Hậu, thật không thể tưởng tượng cái giường nhỏ và cứng như nằm trong củi và thêm cái khúc gỗ bọc lụa làm gối thì cũng đủ hiểu là người xưa họ không quan trọng cái phòng ngủ và phòng tắm cho lắm dù là vua là chúa.  Mà phòng ngủ như vậy thì chắc chắn cái toilette cũng chẳng tốt hơn là bao nhiêu và cũng đừng bao giờ tin tưởng vào phim ảnh của Hong Kong và Trung Quốc vì nó hoàn toàn không phản ảnh đúng sự thật ở ngoài đời.         

         Nói chuyện cái toilette thời xa xưa, chuyện kể rằng, ngày xưa có rất nhiều vị quan chức, người giàu sang chết tức tưởi mà không ai dám nói ra nguyên nhân chính của cái chết là do hố xí gây ra mà chỉ nói chung chung nguyên nhân là do trúng gió chết.  Thật ra đây là sự thật cho tới khi người Phương Tây vào xâm lược và cũng đem theo cái nền văn hóa, văn minh phổ cập đô thị vào thì lúc đó nhà xí, nhà cầu mới được xây và có toilette như ngày hôm nay.  Còn trước đó thì giàu cũng như nghèo đều ra nhà xí là cái hố được lót ván phía trên đằng sau hè mà thôi.  Còn ở đồng quê thì chỉ là cái chòi chỉa ra sông hay khi đi thì cầm theo cái cuốc để đào cái lỗ nhỏ (xin lỗi mọi người khi nói và kể về những điều dung tục này).  Chỉ có các vị vua chúa, đại quan hay địa chủ mới có người bưng bô phục vụ nữa đêm, còn không thì ai cũng phải xách quần chạy ra cái hố xí sau nhà mà thôi, mà nữa đêm mắt quáng mù gà lọt hố xí chết tức tưởi, người nhà sáng ra có khám phá ra thì chỉ còn dám nói là chết vì trúng gió chứ có ai mà dám tuyên bố chết vì lọt hầm cầu, hầm xí đâu, có mà mất mặt chết và còn đâu là sỉ diện tông môn.          

         Tại VN so sánh những chổ đã đi qua, vài năm gần đây đã có xây dựng một số cầu tiêu công cộng nhưng con số đó quá là nhỏ nhoi.  Ở Việt Nam, có lẽ thành phố Đà Nẵng được cho là thành phố có dáng dấp và quy củ sinh hoạt được cho là nề nếp và thật sự có văn hoá về vệ sinh, còn Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố khác trong cả nước thì hoàn toàn thiếu hẳn và thiếu quan tâm về văn hoá vệ sinh nhưng lại có quá nhiều khu phố văn hoá, thiệt là nực cười cho chuẩn mực văn hoá của đô thị tại Việt Nam, có tiếng mà không miếng.  Mà cũng lạ thật, ở đời cái xấu thì học nhanh, cái tốt thì học chậm, ngay cả người ngoại quốc khi sống ở Việt Nam lâu cũng không thoát ra khỏi cái tật này.  Văn hóa vệ sinh của người Việt nó đã vậy làm cho những người Ngoại Quốc lần đầu tiên đến VN nhìn thấy và cảm thấy khó chịu .  Nhưng mức ảnh hưởng có nó lan rộng đến mức độ cả người Ngoại Quốc, nhất là giới trẻ đi bụi, lúc đầu cảm thấy ngượng nghịu khi làm điều này nhưng sau đó một thời gian thì thích thú và bắt chước, rồi khi về lại nước thì viết ra trên báo chí và blog còn cho đó là "Văn hoá đái đường, khạc nhổ và xả rác mọi lúc mọi nơi của Việt Nam.".  Cái văn hoá này viết ra đầy dẫy trên báo chí, blogs và các tạp chí du lịch, làm cho một số bạn cùng sở tôi làm muốn đi chơi Việt Nam đã hỏi tôi là ở VN không có dùng toilette sao.  Tôi cũng không biết phải nói sao, ngượng chết đi được khi bị hỏi vậy, tôi chỉ có thể nói ở Việt Nam cũng có toilette và mọi thứ như các nước văn minh khác trên thế giới, chỉ một số bộ phận nào đó làm điều này chứ không phải như báo chí và các blogs chuyên về du lịch viết ra như vậy, chuyện xã rác và đái đường là chuyện có thật nhưng không phải tuyệt đại đa số và tất cả mọi người đều làm vậy.  Chỉ một nhóm nhỏ thiểu số làm vậy mà cả nước mang tiếng thì không đúng.  Nhưng miệng thế gian ai mà cản được. 

          Chung qui chỉ vì thiếu toilette công cộng mà thành ra một đề tài để bàn luận và chế diễu. Chừng khi nào người Việt có được cái văn minh toilette này thì lúc đó có lẽ mới dám nói tới nếp sống văn minh và lịch sự.  Lúc đó sẽ chẳng còn ai nói, viết và bàn luận về mấy cái chủ đề này làm đề tài chế diễu và chê bai nữa.  Nói thì dễ vậy mà thay đổi thì không dễ đâu, biết đến bao giờ đây!

San Diego
TTL - 01/11/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét