Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Ký ức của 40 năm!


 Vui đó rồi buồn đó, nhớ những ngày này năm xưa, Đà Lạt cũng vừa qua Tết.

Năm Tháng Tuổi Thơ

...Đà Lạt – Phan Rang

Tháng 4 năm 1975, biến cố xảy ra có lẽ còn trước đó nữa. Từ sau Tết Nguyên Đán 1975, tin chiến sự truyền về ngày càng nhiều, tin VC chuẩn bị tiến đánh Đà Lạt, lo sợ và hoang mang gia đình mình đã rời Đà Lạt trên chuyến xe đò đi xuống Phan Rang ngay sau Tết. Vì lúc đó ba đang làm tại phi trường quân sự Phan Rang, khi đó thật sự mình chưa hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra, đang còn tuổi ăn học chưa biết nghĩ nên mình không có một cảm nhận gì cả, chỉ biết thích thú vì nghĩ được cùng với anh chị em đi chơi xa, không phải bị đi học và dậy sớm nữa.

Xuống Phan Rang thì ở tạm bợ nhà của chú lính lái xe cho ba tôi, nơi chú có cô nhân tình dân Mỹ Tho theo chú ra Phan Rang làm việc. Ba tôi có 2 chú lính garde du corps lúc nào cũng theo kề cận ba tôi, một chú được phân công lo sắp xếp chổ ở cho gia đình tôi lúc đó rồi quay lại phi trường, dù rằng phi trường lúc đó cũng đang trong tình trạng giới nghiêm. Nhớ lúc đó, những buổi chiều đi ra ngoài thác nhỏ ngoài Phan Rang mà tắm suối, ngày ngày thì cùng với những tụi nhỏ cùng xóm chơi đủ mọi trò chơi của những trẻ thơ thời đó, bắn bi, cút bắt, nhảy dây, rượt bắt cứu tù …những trò chơi mà con nít thời đó có thể nghĩ ra.

Rồi những trò chơi cùng đám trẻ cũng giảm bớt, tin tức về VC đã pháo kích vào phi trường Phan Rang ngày càng nhiều. Đà Nẵng, Ban Mê Thuột và Pleiku đã thất thủ, VC đang trên đường tràn về Sài Gòn, gia đình lại chuyển hẳn vào ở trong phi trường Phan Rang và chờ đợi nếu có chuyến bay thì sẽ bay vào Sài Gòn về nhà Nội và cô ruột

  • Ký ức của những ngày đó không nhiều, chỉ còn nhớ đến 3 chuyện làm mình vẫn nhớ mãi đến giờ này là một buổi sáng, như mọi ngày, khu gia binh nơi các sĩ quan không quân và gia đình mình đang sống tạm vẫn như mọi ngày, mình và các em đang chơi ngoài sân thì nghe 1 loạt tiếng pháo nổ thiệt lớn, các chú sĩ quan đang ở trong phòng đều nhào ra kêu tui nhỏ mình vào trong, cũng vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng một lát sau thì có tin báo về là VC pháo kích phi trường, 1 trong những chú sĩ quan Không Quân mà mình thích quấn quit mỗi khi có dịp gần đã chết vì đạn rơi trúng vào office của chú ấy, đó là lần đầu tiên trong đời mình cảm giác có một sự hụt hẫng nào đó mà mình không diễn tả được. Cái sống và chết như là trong gang tấc, khó hiểu thật
  • Lần thứ 2 cũng là lần mà mình đến giờ vẫn còn sợ và bị ám ảnh, cảnh hàng người đứng xếp hàng dài ngoằn ngèo trên phi đạo nóng cháy da của cái xứ nóng nhất Việt Nam để chờ lên máy bay di tản về Sài Gòn, chiếc C-130 vừa hạ cánh và dừng trên lại phi đạo, máy vẫn còn nổ nhưng từ từ hạ bẫng bụng xuống thì bà con tràn lên mà không ai kể cả Quân Cảnh hay binh lính còn có thể cản nổi. Giữa sự sống và cái chết, sự hỗn loạn, chà đạp để tìm sự sống, tất cả mọi đạo lý, phép tắc đều vứt bỏ hết sang một bên, không còn sự nhường nhịn chia sẻ lẫn nhau nữa. Vì một lý do nào đó máy bay lại nổ máy và từ từ chạy ra đường băng chuẩn bị cất cánh lại mặc dù hàng dài người vẫn tràn lên, đeo bám nhồi nhét để có thể được vào bên trong máy bay, đây là loại máy bay vận tải nên hả đít chứ không phải là loại có các cửa đi vào như phi cơ dân sự, lúc đó đít máy bay từ từ nâng lên khép lại, mình vẫn còn nhớ có 1 người không rõ nam hay nữ, treo lơ lửng vào đít máy bay, có lẽ là vì áo hay quần bị vướng vào trong cái bẫng của máy bay hay bị kẹt vào đó chứ không phải là đu bám, máy bay từ từ cất cánh mọi người ngó và la lên nhưng ai cũng biết chắc là viên phi công không thể nào nghe được, khi máy bay vừa nhấc cánh khỏi phi đạo một đoạn thì đít máy bay mở ra một chút, người treo lơ lửng trên máy bay rơi thẳng xuống đất, một cảnh tượng khủng khiếp chắc không cần phải nói cũng có thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó ám ảnh mình đến bây giờ cũng vì chuyện này.
  • Lần thứ ba cũng là chuyện xảy ra tại phi trường Phan Rang, mình rùng mình khi nghĩ nếu điều đó thật sự xảy ra thì giờ đây em mình sẽ ra sao đây, trong lúc bà con chen lấn đùn đẩy nhau tràn lên máy bay mặc dù lúc đó động cơ máy bay chưa hoàn toàn ngừng hẳn, ba má mình đã dặn 7 chị em mình nằm úp xuống và núp phía sau các vali để tránh gió và hơi nóng của cái động cơ máy bay thổi vào người, ai cũng nhắm mắt lại vì gió và cát thổi vào mắt không thể nào nhìn thấy rõ xung quanh được. Một lúc sau thì ba má mình đếm lại thì thấy thiếu mất đi 1 trong 2 đứa em sinh đôi, đến giờ mình cũng không hiểu sao là ba má mình có thể chạy theo chiếc máy bay lúc đó và đòi lại đứa em này, mình cũng chưa bao giờ hỏi lại kỹ càng nhưng có nghe nói là có 1 chú lính thấy em mình đang khóc và chạy lang thang trên phi đạo nóng cháy da nên nghĩ nó bị lạc cha mẹ và ôm lên máy bay luôn, ơn trên phù hộ gia đình mình đã không bị thất lạc đứa em này.

Chuyến Bay Cuối Cùng - Phan Rang tháng 4/1975

Phan Rang, một trong những ngày đầu tháng 4 năm 1975.  Một chuyến bay quân sự cất cánh từ phi trường Phan Rang về phi trường Tân Sơn Nhất, chiếc máy bay C-130 bay giữa những làn đạn và tiếng pháo kích vào phi trường nổ đì đùng.  Mọi người đều im lặng, không ai nói gì, giữa cái sống và cái chết đều nằm trong tầm tay.   Tiếng thì thầm cầu nguyện từ khi máy bay bắt đầu lăn bánh trên phi đạo cho đến khi máy bay cất cánh  rời khỏi mặt đất bay lượn trên bầu trời cao.

Cả tuần trước đó phi trường đã bị pháo kích liên tục, bọn trẻ tụi tôi thì lúc nào cũng quần áo sẵn sàng kể cả khi đi ngủ để phòng hờ khi có chuyện gì thì chạy ra ngoài và lên xe hoặc lên máy bay rời khỏi nơi bất ổn này bất cứ lúc nào, tuy bọn trẻ tụi tôi chẳng hiểu ất giáp gì cả nhưng nhìn những nét lo âu của người lớn, các binh sĩ đi lại liên tục với những bước chạy chứ không phải đi từ tốn cũng hiểu tình hình đã nghiêm trọng đến mức độ nào, làm cho tụi trẻ tôi cũng không còn lòng nào mà vui đùa giỡn hớt như mấy lần trước.  

Cái hangar tập trung không biết bao nhiêu người, gia đình của các sĩ quan và binh lính làm việc trong phi trường, ngoài ra còn có một số dân trong vùng vào được trong phi trường để chờ bay vào Sài Gòn.  Già trẻ lớn bé nằm ngồi la liệt dưới đất trong cái nóng hừng hực của vùng đất nổi tiếng nóng nhất Việt Nam đó là vào ban ngày, còn ban đêm thì trời mát nhưng cái gió lồng lộn thổi vào lại thì đem cái rét đến, cái mà không ai nghĩ ra ở vùng đất này.

Đã cả mấy ngày ăn nằm đứng ngồi vật vờ nên nhìn ai cũng bèo nhèo, ngay cả bọn con nít cũng không còn hứng thú để mà vui đùa giỡn hớt nữa, mấy ngày trước thì bà con còn đứng xếp hàng ngoài phi đạo nắng cháy điên người chờ lên máy bay, nhưng khi máy bay xuống thì tình trạng dẫm đạp để trèo lên máy bay rồi cộng với tình trạng phi trường bị pháo kích liên tục nên mọi người được dời vào trong hangar tạm trú chờ chuyến bay.  Cuối cùng cơ hội cũng đến, đoàn người lặng lẽ xếp hàng lên chiếc C-130, hy vọng mong manh cuối cùng để thoát về Sài Gòn.

Gần chục ngày sau khi gia đình tôi rời Phan Rang thì thị xã thất thủ, phi trường đã lọt vào tay VC.  Ba tôi là một trong những người cuối cùng thoát khỏi với phi đạo lỗ chổ đầy vết đạn cày nát, vị chỉ huy trưởng phi trường đã bị bắt cùng với một tướng nữa và một người Mỹ trong vụ này.

Công Dân hay Nhân Dân

Lâu lâu mình hay nghĩ lại chuyện tiếu lâm về bản thân mình lúc xưa, mình sinh ra lúc nhỏ thì được gọi là một Công Dân.  Được cho ăn được cho học hơn chục năm chút xíu để làm Công Dân tốt.  Và được dạy cho hát bài "Này Công Dân ơi ..."

Đùng một cái, sau lời tuyên bố hào hùng của ông Tướng được làm Tông Tông vài giờ thế là mình từ Công Dân chuyển sang làm Nhân Dân.  Mà nghĩ cũng vui, để mình kể lại cảm tưởng từ hồi được mang tiếng làm Nhân Dân. Cái mà mình luôn được nghe và dạy phải luôn tự hào về việc "Nhân Dân Làm Chủ" lúc đó.  

Sau khi chuyển sang làm "Nhân Dân" thì má mình phải đi lo chạy gạo để nuôi nhân dân, vì thế mình đã thay má mình đi họp tổ dân phố thường xuyên, chỉ cần mỗi hộ có mặt một nhân dân, không cần biết lớn hay nhỏ.  Thế là mình vinh dự được giao phó cho cái nhiệm vụ Nhân Dân cao cả đấy.

Và muốn làm cho trọn vai trò "Nhân Dân" thì cũng phải có qua trường lớp, thế là ngay tại hội trường, mình được học làm sao làm chủ cách vỗ tay, biết nghe và biết khi nào nên vỗ tay.  Lấy ví dụ, khi nghe các bác đang thuyết giảng mà ngừng lại là phải vỗ tay thôi, không cần biết bác ấy nói mệt nên nghĩ lấy hơi hay đang nghĩ cần nói chuyện gì tiếp, chỉ cần ngưng nghĩ là phải vỗ tay.  

Trong thời gian này, mình thấy được nhiều cái sự "Nhân Dân Làm Chủ" lắm đấy, nó nhiều quá đến nổi mình kể sơ qua vài cái cho nghe lại cho vui nha:

Đầu tiên và gần nhất là cái Ủy Ban Nhân Dân Phường, nơi mà bạn phải cần phải khai báo lý lịch, làm sổ hộ khâu, sổ gạo, sổ mua nhu yếu phẩm...Sau đó là Tòa Án Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, ...cuối cùng là tờ báo Nhân Dân mà mấy bà bán cá, bán thịt ngoài chợ rất chuộng vì khổ báo lớn.

Để đóng cho trọn vai trò "Nhân Dân Làm Chủ" nên nhân dân phải biết đi thưa  về trình.  Nói cho nó văn vẻ chớ thật ra là đi đâu phải xin giấy di chuyển của chánh quyền nơi cư ngụ, và khi về phải trình lại cái giấy di chuyển có đóng dấu nơi mình đã đến.  Sau đó nhân dân phải đi lao động xã hội chủ nghĩa để làm chủ quyền sở hữu lao động của mình, nói nôm na ra là đi làm chùa hay làm không công đó.

Thật ra, nghĩ lại càng thấy vui hơn là bây giờ nếu có hỏi ai cái vụ "Nhân Dân Làm Chủ" thì mình nghĩ ai cũng chỉ gật đầu nhất trí.  Nhân dân chắc nghĩ rằng mình làm chủ đủ thứ nhưng còn cái thằng "Ngân Hàng Nhà Nước" nó làm chủ cái bao tử và hầu bao của mình mà, cứ nhất trí là…chắc ăn nhứt !  Không nhất trí có nó cho mà đói thê thảm luôn.

Mình còn nhớ lần đầu tiên mình được trao quyền nhân dân đi bầu. Vì sợ nhân dân mất thời giờ và mất công nên Đảng chọn dùm cho nhân dân. Nhân dân chỉ còn có… nhắm mắt đưa cái phiếu bầu, thế là xong.  Sướng thiệt, chẳng biết thằng cha nào được nhân dân bầu, nghe xướng danh xong cũng mặc kệ, còn lo đi kiếm cơm chứ ngồi đó mà lo xa.

Những năm đó, nhân dân miền Bắc đua nhau vào Nam để "cứu trợ đồng bào ruột thịt miền Nam sống trong sự kềm kẹp của bè lũ ác ôn Mỹ Ngụy, đói khổ thiếu thốn vô cùng".  Còn nhân dân miền Nam, ít lâu sau đó, cũng lục tục kéo nhau ra miền Bắc, không phải để tham quan mà để… thăm nuôi thân nhân nhân dân bị đưa đi tập trung cải tạo ngoài đó. Người ra kẻ vô như vậy thật là một sự… giao lưu đáng đồng tiền bát gạo, bởi vì nó  là một cuộc mở mắt cho cả nhân dân hai miền.

Ôi, cái thú làm nhân dân một thời cũng vui thật, nhưng giờ có cho mình làm nhân dân lại thì mình xin cảm ơn và kiếu từ.  Vậy mà cũng có mấy thằng dở hơi lên tòa ĐS nộp đơn xin đăng ký và giữ lại cái chức "Nhân Dân", bó tay.

Thế Hệ Mất Mát

Chúng ta đang đi sâu vào thế kỷ 21, đàng sau chúng ta đã là quá khứ của thế kỷ 20, thế kỷ của những đau  buồn và mất mát.  Sau thế hệ chúng ta cũng đã có vài ba thế hệ đã trưởng thành rồi, hãy nói về thế hệ 8X, 9X và sau này, đó là thế hệ con cháu của chúng ta ngày nay, những con người đã qua khỏi ghế nhà trường và tuổi trưởng thành.

Thế hệ này không còn nghe tiếng đạn pháo nổ "đêm đêm dội về thành phố", không còn phải lo nghĩ về việc "Nghĩa Vụ Quân Sự "hay đi "Quân Dịch - Tổng Động Viên", thế hệ này đã không còn biết đến chiến tranh là gì, thế hệ này cũng chẳng ai còn quan tâm đến định nghĩa và định hướng của Chủ Nghĩa Xã Hội làm gì.  Thế hệ mà đâu có hiểu cái từ bao cấp và kinh tế mới là cái chi chi hay chỉ nghĩ là trong chuyện cổ tích mà thôi.

Nhưng tôi lại cho là đây là một thế hệ mất mát, không phải chỉ riêng thế hệ 8X, 9X và còn cho tất cả các thế hệ sau này, tôi cho rằng các thế hệ này không hiểu và biết gì về Lịch Sử Việt Nam, tôi cho rằng đây là những thế hệ mà những thông tin về sự thật của những năm Cải Cách Ruộng Đất (53-56), Biến Cố Mậu Thân (68), Mùa Hè Đỏ Lữa (72), biến cố (30/04/1975), Hoàng Sa Trường Sa, đánh Tư Sản Mại Bản, làn sóng người Vượt Biên tìm tự do trong cái chết, chiến tranh Tây Nam và biên giới phía Bắc và nhiều biến cố nữa hoàn toàn bị bưng bít.

Có ai dám nói sự thật cho các thế hệ sau này biết đâu, tôi nói đây là nói về Lịch Sử Việt Nam, được in ra thành sách vở hay dạy trong trường lớp tại Việt Nam, có hay không?   Bạn có thể tìm đọc và thấy rất nhiều thông tin và hình ảnh trên mạng, nhưng có ai chỉ cho tôi thấy và nói cho thế hệ vừa qua những gì đã xảy ra trong vòng 60 năm trở lại ngoài việc nhai lại các chiến thắng Mỹ mà tôi cho là Mỹ không muốn dây dưa thêm chứ không phải họ là người thua cuộc, đây là cách họ làm không phải chỉ riêng với Việt Nam mà còn các nước khác khi họ đạt được mục đích.  Các viện bảo tàng Việt Nam thì trưng bày những hung khí nói ra thì có vẽ hào hùng nhưng tôi lại nhìn vào những hung khí đó mà tưởng tượng đến những tên đồ tễ và lũ vô lại võ biền, thất học bị dụ dỗ nhiều hơn là các vị anh hùng dân tộc.

Càng đau lòng hơn là Hải Chiến Hoàng Sa 1974 chỉ được nói một cách mấp mé như sóng nước biển Đông, cuộc chiến biên giới 1979 thì chỉ là tiếng nói vô vọng như núi rừng Bắc Việt.  Các thế hệ mà người ta tạo ra và dùng Ngụy Từ nhiều hơn là Sự Thật, họ ngụy biện trên mọi phương diện để xóa đi cái xấu, cái tội lỗi mà họ đã tạo nên.  

Rồi bây giờ họ lại vẽ lên những hình ảnh, những lời đường mật với vũ khí là chỉ tiêu này, định hướng kia.  Có thể thế hệ này có nhiều người thành công trong cuộc sống, có cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ của chúng tôi rất nhiều, họ được sống với những thành quả và đam mê mà xã hội hiện tai đem lại nhưng tôi vẫn thấy họ mất mát nhiều hơn là được vì họ không vẫn không biết về những SỰ THẬT mà đáng ra họ nên biết.

....Không thể nào quên và không thể nào xóa bỏ nó đi được dù đã 40 năm trôi qua

San Diego - TTL 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét